Chương 2: THỰC HIỆN DÂN CHỦ LÀNG XÃ Ở NƯỚC TA HIỆN
2.1. Thực trạng thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay qua thực tế ở Huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội
2.1.2. Thực trạng thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay qua thực tế ở Huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội hiện nay
2.1.2.1. Thực trạng những biểu hiện tích cực và nguyên nhân - Biểu hiện các mặt tích cực
* Những nét mới thông qua việc lập và thực hiện các hương ước hoặc một số các quy định, quy ước của làng
Nhằm phát huy những thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo cơ chế duy trì an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết mâu thuẫn nhỏ… thời gian qua, ở nhiều địa phương, hương ước, quy ước đã được xây dựng và thực hiện một cách có hiệu quả. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước cũng là một trong
những phương thức thực hiện chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở.
Như trên đã phân tích, với vị trí, vai trò của mình, hương ước, quy ước là thành tố quan trọng trong hệ thống thể chế quản lý ở nông thôn, là một bộ phận hỗ trợ đắc lực pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư đối với những vấn đề, những nội dung mà pháp luật không điều chỉnh, mặt khác, hương ước, quy ước còn thực hiện tối đa tinh thần mở rộng dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân trong tiến trình tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Cho đến nay, nhìn chung việc xây dựng và thực hiện hương ước đã từng bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. ở nhiều tỉnh, việc xây dựng hương ước đã được triển khai đồng bộ như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... Tại các tỉnh này đã có khoảng hơn 90% số làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư ban hành hương ước, 60% đến 80% trong số đó đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện xem xét, phê duyệt.
Tại địa bàn huyện Ứng Hoà, việc xây dựng và ban hành hương ước, quy ước đã được triển khai trên diện rộng, có kế hoạch, được chỉ đạo chặt chẽ, có sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện, cấp xã. Các thôn, xóm , tổ dân phố trên địa bàn huyện đã và đang triển khai xây dựng hương ước, quy ước với nội dung duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, khuyến khích phát triển những ngành nghề truyền thống, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong nhân dân. Đồng thời, đã bước đầu nghiên cứu đưa được nhiều nội dung tốt đẹp, tiến bộ của phong tục, tập quán vào hương ước, quy ước, góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng cuộc sống mới tại địa bàn này.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố..., giữ gìn và phát huy những truyền thống, những nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
*Nét tích cực và những biểu hiện mới thông qua việc tổ chức các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các lễ hội
Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Ðồng thời là nơi người dân được vui chơi, giải tỏa, bù đắp về tinh thần.
Cũng như Lễ hội truyền thống, hội làng gồm hai phần lễ và hội, thường diễn ra ở các ngôi đình làng. Nhưng, ở hội làng, phần hội bao giờ cũng nổi trội hơn. Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân, tổ nghề, có thể là những thần, thánh, phật, mẫu, những nhân vật siêu phàm, những đại diện cho tôn giáo, người bảo trợ tinh thần và đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng. Phần lễ thường gồm các hoạt động rước nước và mộc đục, rước và tế... Hội là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ múa, hát giao duyên, hát thờ, các diễn xướng sân khấu cổ truyền, các cuộc thi tài mang tính thượng võ. Trong các sinh hoạt hội, mọi người tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Vì thế, có thể cho rằng, hội làng đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị vǎn hóa giữa các thế hệ.
Ứng Hòa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là địa phương có nhiều di tích và lễ hội. Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội một mặt thúc đẩy khai thác tiềm năng du lịch, mặt khác tạo nên nét đặc trưng của mỗi địa phương, góp phần tích cực trong việc giao lưu văn hóa giữa các làng,
xã trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, với nhiều loại hình và phương thức tổ chức đa dạng, các hoạt động lễ hội hiện nay đang đặt ra không ít những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý trên địa bàn huyện.
Theo số liệu tổng hợp, hiện nay toàn huyện có tổng số 523 di tích, trong đó có 139 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, 64 lễ hội gồm các loại hình lịch sử, văn hóa, dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, đây được xem là một phần quan trọng không thể thiếu trong sự hình thành nên các di tích.
Hiện nay, lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống; đồng thời, thông qua lễ hội: Trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của nhân dân được tỏa sáng. Những năm qua khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng cao, do đó tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng, có ý nghĩa lớn. Và chính vì vậy, nhu cầu tổ chức lễ hội ngày nay đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong huyện, đặc biệt là loại hình lễ hội văn hóa du lịch, mà tiêu biểu là lễ hội đền Đức Thánh Cả - Hữu Vĩnh - xã Hồng Quang. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực: vừa giữ gìn, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hiện đại, phát huy được tác dụng tích cực của lễ hội, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Mỗi lễ hội trên địa bàn huyện mang một nét văn hóa tiêu biểu và giá trị riêng, thông qua các hoạt động lễ hội truyền thống đã huy động sức mạnh, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, bảo tồn các giá trị đặc sắc của cả dân tộc, của từng địa phương. Do vậy, đối với mỗi người dân Ứng Hòa, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Lễ hội truyền thống thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân nơi đây qua mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử và bao giờ
cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như: Những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công truyền nghề, chống thiên tai, giàu lòng cứu nhân độ thế. Trong các ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, tự hào về truyền thống quê hương mình. Trong đó phải kể đến lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của 3 thôn Bặt - xã Liên Bạt; lễ hội đề Đức Thánh cả thôn Thái Bình - xã Vạn Thái; lễ hội làng Đinh Xuyên - xã Hòa Nam hay lễ hội được tổ chức 5 năm một lần của xã Hòa Xá…
Những năm gần đây, việc ra đời của một số lễ hội mới, phục dựng một số lễ hội đã mai một sau một thời gian dài, các lễ hội truyền thống được tạo điều kiện để tổ chức với quy mô lớn hơn, với sự bổ sung một số thành phần lễ hội mới, như: Trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật... Các yếu tố này giúp cho lễ hội ngày càng thu hút công chúng, góp phần làm cho bức tranh mùa xuân của Ứng Hòa nói riêng và của cả nước nói chung ngày càng thêm sinh động, phong phú, đa sắc màu.
* Tình hình thực hiện đời sống mới, nếp sống mới ở nông thôn
Trong thời đại khoa học và công nghệ thông tin có những bước nhảy vọt như vũ bão, nền kinh tế tri thức ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh những mặt tích cực, vừa hợp tác của xu thế toàn cầu hóa thì những mặt hạn chế, những mâu thuẫn vẫn đang là một thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cũng như xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nói đến xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, không chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư mà bao gồm cả cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết chế văn hóa, cũng như các thành tố gia đình văn hóa, thôn buôn, khối phố văn trị và toàn xã hội.
Đây là một chủ trương lớn mà nhiều văn kiện Đại hội của Đảng đã chỉ rõ: "Phải đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân.
Đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện đều có đời sống văn hóa” [17;tr.15].
Cách đây hơn nửa thế kỷ, kể từ năm 1960 khi phong trào xây dựng
“Gia đình văn hóa” được phát động ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho đến nay, phong trào đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền Mặt trận và ngành Văn hóa - thông tin từ Trung ương đến cơ sở quan tâm chỉ đạo nên đã trở thành một phong trào lớn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho đời sống văn hóa ở cơ sở thêm phong phú.
Cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, buôn, khối phố văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”, đã trở thành chuẩn mực về đạo đức, lối sống của mỗi gia đình, mỗi địa phương, mỗi cơ quan. Đơn vị, gia đình, cơ quan nào được công nhận danh hiệu Văn hóa thì đó là một niềm vinh dự, là niềm tự hào, vì đấy là kết quả quá trình phấn đấu bền bỉ của mỗi gia đình và của cộng đồng mới có được.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Ứng Hoà đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố..., giữ gìn và phát huy những truyền thống, những nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo báo cáo của Phòng Văn hoá huyện Ứng Hoà về Kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua các năm, cụ thể là từ năm 2012 đến nay. Chỉ tính trong năm 2012, toàn huyện có 143 thôn, làng, tổ dân phố. Số bản hương ước đã phê duyệt là 100% bản,; số hương ước thực hiện tốt là 138 bản; chưa tốt là 05 bản. Để có những kết quả đó, ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phòng Tư pháp; phòng Văn hóa; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa và các trưởng thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện. Đồng
thời chú trọng biên soạn và phát hành đến cơ sở các tài liệu hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước văn hóa và một số hương ước, quy ước mẫu làm cơ sở để tham khảo trong soạn thảo hương ước, quy ước của địa phương; hướng dẫn cơ sở sửa đổi, bổ sung hương ước, bãi bỏ những bản hương ước không còn phù hợp với địa phương và xây dựng mới hương ước. Hầu hết các hương ước, quy ước trên địa bàn huyện đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa là một trong những nội dung chính.
Nội dung hương ước tại các thôn, xóm, tổ dân phố đều quy định rõ những việc dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Các thôn, làng, khu dân cư còn chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Thanh niên nam nữ kết hôn đúng tuổi quy định;
đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân xã; không được tảo hôn; không được lấy vợ lẽ…; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. cụ thể như:
Ban chỉ đạo huyện đã căn cứ Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Thành phố để tập trung quán triệt, triển khai đồng bộ hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện thống nhất.
- Trong tổ chức việc cưới: Tổ chức việc cưới “trang trọng – lành mạnh - tiết kiệm” đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt sau một năm thực hiện Chỉ thị 11/CT-TU của thành ủy Hà Nội ban hành, chiều hướng tích cực diễn ra trong các tầng lớp nhân dân lao động mà đi đầu là đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức; đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động của Ban chỉ đạo huyện đến cơ sở nhằm thực hiện nghiêm túc
việc cưới theo tinh thần của chỉ thị 11/CT-TU đã đề ra. Tổng số đám cưới năm 2014 là 1616, trong đó có 1612 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh trong việc cưới.
- Trong tổ chức tang lễ: Việc tổ chức tang lễ trên địa bàn được thực hiện và triển khai có hiệu quả theo đúng định hướng: Trang nghiêm, tiết kiệm, đậm tình nghĩa. Hầu hết các thôn, làng đã thành lập Ban tổ chức lễ tang thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với điều kiện của địa phương, ít tốn kém, thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn hoạn nạn. Tình trạng tổ chức lễ tang rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan được khắc phục. Các hủ tục trong tang lễ ( lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc) đã giảm. Tuy nhiên, hiện tượng sử dụng nhiều vòng hoa, đốt, dải vàng mã quá lãng phí, nhạc buồn mở quá qui định, gây cản trở giao thông … vẫn còn ở một số đám tang. Tổng số đám tang là 1127, trong đó hoả táng là 350.
- Trong tổ chức Lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng: Định hướng tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc theo Quy chế Lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và văn bản “Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo nơi thờ tự” của Thành phố.
Ứng Hoà với 64 lễ hội truyền thống và lễ hội của đạo Thiên chúa, hàng trăm lễ hội của thôn, làng diễn ra quanh năm và tập trung nhiều nhất vào dịp đầu tháng Giêng, trong đó có những lễ hội mang tầm vóc Quốc gia như lễ hội Đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang ... Trong các lễ hội, phần lễ và hội được kết hợp hài hòa, việc đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội được giữ vững song tình trạng gây ùn tắc giao thông trong tổ chức lễ hội vẫn diễn ra trên trục đường 21b đoạn từ xã Quảng Phú Cầu, Liên Bạt,Vạn Thái đến Hòa Xá và trục đường 75 qua các xã Phương Tú, Minh Đức.
Hương ước, quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Các hương ước, quy ước được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, từ việc soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến