Nhà cung ứng nguyên liệu

Một phần của tài liệu Chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng mã (nghiên cứu trường hợp một số hộ gia đình ở thôn yên cốc, xã hồng phong, huyện chương mỹ, thành phố hà nội) (Trang 27 - 41)

CHƯƠNG 2. QUY TRÌNH CHUỖI CUNG ỨNG VÀ TIÊU THỤ HÀNG MÃ

2.1. Nhà cung ứng nguyên liệu

Để có thể tạo ra các sản phẩm hàng mã, người làm hàng mã phải nhập một số loại nguyên liệu. Hiện nay, người làm hàng mã có thể nhập nguyên liệu dưới 3 dạng: nguyên liệu thô, nguyên liệu bán thành phẩm, nguyên liệu thành phẩm (cách phân chia này chỉ mang tính chất tương đối nhằm thuận tiện cho việc tìm hiểu và phân tích cụ thể hơn các loại nguyên liệu nhập vào).

Tùy thuộc vào hoàn cảnh, từng hộ gia đình làm hàng mã sẽ quyết định lựa chọn nhập dưới dạng nguyên liệu nào, số lượng bao nhiêu và từ cơ sở nào.

Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hiện nay, các sản phẩm hàng hóa nói chung tồn tại trên thị trường đều đòi hỏi thời gian hoàn thiện và giao hàng ngắn hơn.

Trong khi đó, các sản phẩm hàng mã chủ yếu được làm thủ công, do đó thường mất nhiều thời gian để hoàn thiện được một sản phẩm. Để khắc phục được điều đó, hiện nay, một mặt các sản phẩm hàng mã đã được chuyên môn hóa, mặt khác các công nghệ khá hiện đại đã được đầu tư và ứng dụng vào trong quá trình sản xuất. Điều này đã hình thành nên một số vùng chuyên làm một số mặt hàng mã như làng Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Cót (Hà Nội), làng Văn Hội (Thường Tín),...

Thời điểm sử dụng hàng mã (các tháng âm lịch) trong một năm là một trong những yếu tố quan trọng để người làm hàng mã quyết định nhập nguyên liệu,

sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả. Theo nhiều người sản xuất và buôn bán thì việc tiêu dùng hàng mã hiện nay là quanh năm, nhưng tiêu thụ mạnh nhất là vào đầu năm và cuối năm (các tháng 1, 2, 3, 10, 11, 12), chưa kể các ngày rằm, ngày lễ của các tháng khác.

Gia đình cô Hồng và gia đình chú Hoàng hiện nay đều nhập nguyên liệu dưới cả ba dạng. Trong đó, mỗi loại nguyên liệu lại nhập ở các cơ sở khác nhau, với số lượng khác nhau. Theo gia đình cô Hồng, nếu chia phần trăm các dạng nguyên liệu phải nhập thì nguyên liệu thô chiếm khoảng 20%, nguyên liệu bán thành phẩm khoảng 30% và nguyên liệu thành phẩm là 50%. Trong khi đó, gia đình chú Hoàng nhập nguyên liệu thô khoảng 40%, nguyên liệu bán thành phẩm khoảng 40%, nguyên liệu thành phẩm khoảng 20%.

2.1.1. Nguyên liệu thô + Giấy

Giấy là một trong những nguyên liệu chính để tạo ra các sản phẩm hàng mã.

Đặc trưng của loại giấy làm hàng mã là loại giấy tái chế và in ấn lại. Loại giấy này sản xuất để chuyên làm hàng mã chứ rất ít hoặc không sử dụng được vào các công việc khác. Giấy sử dụng để làm hàng mã đa dạng từ chủng loại, màu sắc, cho đến mục đích sử dụng, gồm:

Giấy nến là loại giấy mỏng, dai và giá thành rẻ hơn các loại giấy khác, được sử dụng nhiều nhất đề làm quần áo chúng sinh. Giấy bìa cứng là loại giấy có độ dày và cứng nhất so với các loại giấy làm hàng mã, thường dùng để làm các loại thoi, thuyền, mảng. Giầy bìa cứng cát tông cũng là một loại giấy cứng, thường làm ghế ngồi Chúa. Giấy sơn là loại giấy có chất lượng tốt nhất và đẹp nhất, chủ yếu dùng để làm áo chúa, áo cô hầu. Giấy mếch (giấy gói hoa) được sử dụng để thiết kế các loại váy, hoa, lá. Giấy bãi bằng cũng là loại giấy đẹp nhưng chất lượng không bằng giấy sơn, thường làm áo chúa, áo cô hầu. Giấy phun sơn có chất lượng sau giấy sơn và bãi bằng, được sử dụng làm hầu hết các đồ hàng mã. Giấy trang kim là loại giấy

bề ngoài óng ánh, được sử dụng để làm áo Chúa và các loại chi tiết nhỏ tạo điểm nhấn như hoa, lá, đồ trang sức, đường viền.

Từng loại giấy lại có sự phân chia ra thành các mức độ khác nhau. Chẳng hạn, giấy màu trắng chia ra thành loại 1, loại 2, loại 3; giấy trang kim chia ra thành giấy trang kim trơn và giấy trang kim sần. Giá các loại giấy cũng khác nhau. Giấy sơn có chất lượng tốt nhất và đẹp nhất thì giá cao nhất. Giấy nến có chất lượng thấp nhất thì giá rẻ nhất. Tùy từng trường hợp cụ thể, mục đích khác nhau, người làm hàng mã lựa chọn từng loại giấy cho phù hợp.

Từng gia đình làm hàng mã nhập giấy ở những cơ sở khác nhau. Đối với gia đình cô Hồng, hầu hết các loại giấy đều được nhập từ các làng ở tỉnh Bắc Ninh, nhất là làng Đông Hồ, nhưng trong trường hợp cần gấp, số lượng nhỏ, cô Hồng cũng mua nguyên liệu ở làng Văn Hội (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Đối với gia đình chú Hoàng, tất cả các loại giấy đều nhập từ tỉnh Bắc Ninh. Riêng loại giấy bìa cứng cát tông thì cả hai hộ đều thu gom ở một số cửa hàng tạp hóa ở ngay trong làng và khu vực.

Cô Hồng lựa chọn Bắc Ninh là nơi mua các loại giấy nguyên liệu bởi vì: “Ở Bắc Ninh giá rẻ hơn so với những chỗ khác, sẵn hàng, đa dạng, làm ăn chuyên môn. Ở các làng làm hàng mã ở Bắc Ninh thường mỗi làng làm một hay một số mặt hàng mã. Ở đó có nhiều đại lý, khi mình cần thì chỉ cần gọi điện thoại, chủ đại lý sẽ chở đầy đủ theo đơn đặt hàng của mình” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 4/3/2016). Chú Hoàng cũng cho biết: “Nhập hàng ở Bắc Ninh thì rẻ hơn ở những nơi khác. Nhất là một số loại giấy như giấy trang kim sần, giấy trang kim trơn thì chỉ Bắc Ninh mới bán chuyên. Những giấy loại này, họ cũng phải nhập từ Trung Quốc về bán cho mình” (Trần Văn Hoàng, 52 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 5/4/2016).

Giấy làm hàng mã có nhiều loại màu khác nhau như xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen, nâu. Tùy thuộc vào từng mùa và nhu cầu của khách hàng, người làm hàng mã sẽ nhập các loại giấy khác nhau từ số lượng, chất lượng đến màu

sắc. Trong đó, giấy phun sơn màu đỏ được sử dụng nhiều nhất, vì đó là màu nổi bật nhất cả khi chỉ sử dụng một mình hay khi kết hợp với các màu khác và đặc biệt nó là màu tượng trưng cho thần linh. Cô Hồng cho biết “Trong tất cả loại giấy làm hàng mã, giấy sơn là loại giấy đắt nhất, chỉ làm cho những hàng đặt chứ không làm bán phổ biến, khi lấy thường ít hơn các loại giấy khác. Lấy nhiều nhất là phun sơn, giấy này làm đủ các đồ, cả năm khoảng 6 nghìn tờ“

(Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 4/3/2016). Đối với gia đình chú Hoàng với đặc trưng là làm “hàng phủ” nên số lượng giấy lấy nhiều hơn hộ cô Hồng, cả năm nhập khoảng 10 nghìn tờ.

Khi mua giấy, người làm hàng mã không mua một loại chất lượng, mà thường mua nhiều loại khác nhau. Thường người làm hàng mã sẽ mua một nửa giấy loại 1 và một nửa giấy loại 2 và loại 3. Các loại giấy loại 2, loại 3 thường được sử dụng cho những loại hàng bình thường, vào những chi tiết phụ, những nơi cần che khuất hoặc ít chú ý đến. Điều này vừa giúp cho người làm hàng mã có thể tiết kiệm chi phí, vừa giúp cho giá thành sản phẩm bán ra thấp hơn, một yếu tố quan trọng góp phần vào việc cạnh tranh với các đối thủ khác.

Vì là nguyên liệu chính làm hàng mã nên số lượng giấy phải sử dụng rất nhiều, đồng nghĩa với chi phí bỏ ra cho việc mua giấy cũng không nhỏ. Số tiền trung bình một năm đối với gia đình cô Hồng khoảng 12 triệu, đối với gia đình chú Hoàng khoảng 17 triệu.

Chính vì số tiền mua giấy cũng bỏ ra nhiều nên người làm hàng mã phải có cách tiết kiệm giấy. Đối với cả hai gia đình cô Hồng và chú Hoàng, trước khi làm một mặt hàng mã, họ đều “căn” mảnh giấy đó có thể làm được những thứ gì. Một cách tiết kiệm khác nữa, chẳng hạn, bình thường khi dựng một con ngựa, người làm hàng mã phải bọc một “lớp lót” bằng giấy báo hoặc các giấy khác, sau đó mới dán giấy màu. Nhưng hiện nay, họ thường dán trực tiếp giấy màu làm hàng mã mà bỏ qua bước bọc một lớp lót, để tránh lãng phí cả nguyên liệu lẫn thời gian.

Đối với gia đình cô Hồng, vì quy mô sản xuất và buôn bán tương đối lớn, nên khi nhập hàng chủ yếu bằng ô tô “loại 5 tạ”. Do người nhận đều phải trả phí vận chuyển, nên người nhập hàng mã thường phải tính sao cho đủ một chuyến hàng khi nhập về. Cô Hồng chia sẻ: “Nếu nhiều hàng, mình gọi điện cho người ta chở xuống, nhưng thường mình sẽ phải tính thế nào cho vừa đủ một chuyến hàng. Khi lấy thì mình thường lấy tất cả các đồ (nguyên liệu thô, nguyên liệu bán thành phẩm, nguyên liệu thành phẩm), vừa tiết kiệm tiền bạc và thời gian”(Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 4/3/2016). Chú Hoàng cho biết: “Chú thường đi xe máy lấy hàng, xe cũng chở được nhiều, mất mấy chục nghìn tiền xăng xe, lên trên đó muốn mua bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, giá lại rẻ hơn nhiều” (Trần Văn Hoàng, 52 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 5/4/2016).

2.1.2. Nguyên liệu bán thành phẩm + Tre, nứa

Tre, nứa là một trong những nguyên liệu được sử dụng trong hàng mã, chủ yếu để đan khung xương (cốt) của các mã như hình nhân, con vật, một số bộ phận nhỏ khác.

Khi chọn tre, nứa làm hàng mã, người ta thường chọn loại không quá non cũng không quá già, vì nếu già quá dễ bị gãy mà non quá thường bị “ngót” lại.

Trong hàng mã, nứa được sử dụng nhiều hơn tre, vì nứa dài đốt hơn, mềm hơn và dễ cháy hơn. Nứa là nguyên liệu chính để đan các khung xương, còn tre chủ yếu là làm các bộ phận phụ và nhỏ, ví dụ như que nhỏ gắn vào làm cán lá cờ, vào tai mũ...

Tùy thuộc vào nhu cầu và quy mô của từng người làm hàng mã mà tre, nứa sẽ được chọn mua ở dạng nguyên liệu thô, bán thành phẩm hay thành phẩm. Nếu ở dạng thô, người ta mua từng cây còn nguyên. Dạng bán thành phẩm thường trải qua một số công đoạn như ngâm, chẻ ra thành thanh to nhỏ khác nhau và được phơi gần khô. Nếu ở dạng thành phẩm thì khi mua về được sử dụng luôn vào từng bộ phận mà người dùng muốn làm.

Hiện nay, cả hai gia đình cô Hồng và chú Hoàng đều sử dụng nứa mà không sử dụng tre và nhập nguyên liệu này dưới dạng bán thành phẩm ở những nơi cung cấp dồi dào, gắn với các làng nghề. Tuy nhiên, số lượng và cơ sở nhập nứa của hai gia đình này lại khác nhau. Đối với cô Hồng, do hầu hết đồ đan của gia đình lấy ở một người cậu cùng làng nên số lượng nứa được mua cũng ít và khi lấy hàng thì thường lấy ghép với người cậu: “Cô thường mua khoảng 20 yến nứa ở Cầu Bầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), nơi đó chuyên sản xuất tăm tre, nếu vào đầu vụ thì 3 tháng, còn vào tháng bình thường thì 5 tháng mới hết. Cô nhập nứa cùng xe với cậu. Cậu lấy nứa nhiều nhất, vì nhà cậu chuyên làm khung xương mã” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 8/3/2016). Trong khi đó, gia đình chú Hoàng thường mua nứa ở làng Vác (huyện Thanh Oai, Hà Nội), “Vì dưới đó có nhiều đại lý. Mỗi lần lấy với số lượng hai hoặc ba bó, mỗi bó khoảng 50 cân. Nứa để lâu thường bị mối mọt nên lấy không nhiều. Nếu vào các tháng đông khách thì chỉ dùng được tháng hay hơn tháng, còn những tháng bình thường thì được khoảng tầm ba tháng” (Trần Văn Hoàng, 52 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 5/4/2016).

+ Đồ đan phất (khung xương các con vật, hình nhân)

Các đồ đan phất trong hàng mã rất đa dạng, trong đó phổ biến là khung xương các con vật và hình nhân. Các con vật gồm có voi, rắn (lốt), con ba đầu chín đuôi..., trong đó phổ biến nhất là ngựa. Đồ đan phất thường được chia theo kích thước, chẳng hạn: loại nhỏ (tiểu), loại vừa (trung), loại to (đại); trong các hình nhân, người ta chia ra các xương hình nhân 0,8m, 1,0m, 1,2m,...

Xương con vật, hình nhân có thể được mua hoặc tự làm tùy vào từng gia đình làm hàng mã. Nhưng có một điều quan trọng là xương con vật, hình nhân không phải ai cũng biết làm. Người đan được các đồ này vừa phải khéo tay, vừa phải có đầu óc sáng tạo. Nhiều người chỉ đan được một số loại nhất định, có người đan được nhiều loại nhưng lại xấu. Đối với gia đình cô Hồng,

xương con vật, hình nhân đều được lấy từ một người cậu cùng làng. Bởi vì, theo cô Hồng: “Nếu so sánh về giá cả thì cũng tương đương chỗ khác, nhưng lấy ở đó được cái gần làng nên thuận tiện, thích lấy bao nhiêu cũng được, không phải thuê xe chở, một phần là người nhà” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 8/3/2016). Các đồ đan phất được nhập với số lượng và kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào từng gia đình, từng tháng trong năm. Gia đình cô Hồng tiêu thụ khoảng 2.000 hình nhân/năm. Các loại ngựa, trong đó ngựa nhỏ (loại tiểu) nhập khoảng 1.000 con, ngựa to (loại trung và loại đại) khoảng 500 con; voi thì khoảng 100 con, các con lốt, tam đầu khoảng 100 con. Các đồ đan phất này được nhập làm nhiều lần trong năm, nhưng nhiều nhất vào trước các tháng tết và rằm tháng 7.

Số tiền chi phí nhập các đồ đan phất của gia đình cô Hồng khoảng 20 triệu đồng.

Do chuyên làm “hàng phủ”, nên số lượng nhập đồ đan phất của gia đình chú Hoàng thường nhiều hơn nhà cô Hồng và chủ yếu là loại trung và loại đại. Cụ thể, mỗi năm gia đình nhập khoảng 2.500 hình nhân, ngựa nhỏ khoảng 500 con, ngựa to khoảng 800 con, voi khoảng 200 con, lốt và tam đầu khoảng 200 con. Tổng chi phí cho nhập hàng đan phất trong một năm của gia đình chú Hoàng khoảng 25 triệu đồng.

Hàng đan phất ngoài lấy ở làng như gia đình cô Hồng, gia đình chú Hoàng cũng thường lấy ở làng Vác (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai), vợ chú Hoàng cho biết: “Mình lấy nhiều như vậy thì các cơ sở ở làng không làm kịp, mà họ có bán riêng mình đâu, nhiều người khác mà. May trước tết năm nay, gia đình lấy được hơn nghìn hình nhân ở Vác. Mừng thật, vì không có cốt (xương) thì không thể làm được gì”(Nguyễn Thị Thư, 46 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 6/4/2016).

+ Các nguyên liệu bán thành phẩm khác

Ngoài các nguyên liệu bán thành phẩm như nứa, tre, các đồ đan phất, người làm hàng mã còn nhập thêm nhiều bộ phận, chi tiết khác dưới dạng bán thành phẩm. Do sự đa dạng của các bộ phận, chi tiết của hàng mã nên dưới đây chúng tôi chỉ xin được liệt kê một số mặt hàng chính.

Đối với gia đình cô Hồng, vừa sản xuất vừa buôn bán phổ biến thường ngày và đa dạng các loại mặt hàng mã, nên số lượng và chủng loại nhập vào cũng nhiều và đa dạng. Cụ thể:

- Các đồ hàng mã như xoong, nồi, bát, đĩa, ấm, chén, dao, thớt, giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, két sắt... nhập khoảng 15 túi, trong đó mỗi một túi là 10 bộ.

Các đồ này chủ yếu dùng cho các gia đình cúng cho người đã mất trong các dịp lễ 49 ngày, giỗ đầu và giỗ hết, số lượng tiêu thụ không nhiều nên khi nhập hàng thường với số lượng ít.

- Mặt lai (trong các hình nhân) nhập khoảng 2.000 cái (hình nhân nhỏ và Chúa). Yếm dải và dải (cho hình nhân) khoảng 300 cái. Kiều (hình nhân) khoảng 20 túi, mỗi túi 100 cái.

- Mũ thờ thì nhập xương (cốt) khoảng 500 cái.

- Hoa lụa khoảng 3 cân, hoa giấy trang kim khoảng 60 cọc.

- Dây tua (trang trí các đường viền) khoảng 4 cân; yếm, yên ngựa (nhỏ) khoảng 1.000 bộ; yếm trang kim khoảng 1.000 bộ; hia khoảng 300 túi, mỗi túi 10 đôi.

Đối với gia đình chú Hoàng, như đã đề cập, do chuyên làm “hàng phủ”, nên chủ yếu nhập các nguyên liệu hàng mã bán thành phẩm liên quan đến các hàng phủ, còn các mặt hàng bán phổ biến thường ngày thì không nhập, nếu có đó chỉ là những mặt hàng phải đi kèm theo các hàng phủ. Cụ thể:

- Mặt lai khoảng 2.500 cái; kiều khoảng 25 túi, mỗi túi 100 cái; yếm dải và dải (cho hình nhân) khoảng 2.500 cái.

Một phần của tài liệu Chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng mã (nghiên cứu trường hợp một số hộ gia đình ở thôn yên cốc, xã hồng phong, huyện chương mỹ, thành phố hà nội) (Trang 27 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)