CHƯƠNG 2. QUY TRÌNH CHUỖI CUNG ỨNG VÀ TIÊU THỤ HÀNG MÃ
2.3. Liên kết giữa các nhà sản xuất
Để tạo ra một sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng thì việc liên kết giữa các mắt xích với nhau vô cùng quan trọng, trong đó ngoài sự liên kết theo chiều dọc giữa người cung cấp nguyên liệu với người sản xuất, người sản xuất với người tiêu dùng, còn có sự liên kết theo chiều ngang giữa các gia đình làm hàng mã và các hộ buôn bán hàng mã với nhau. Sự liên kết này có thể là sự hỗ trợ nhau về nguyên liệu, tiền bạc hoặc nhân lực với mục đích cuối cùng là các bên đạt được lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, tùy vào từng gia đình
sản xuất và buôn bán hàng mã mà có nhiều hay ít liên kết giữa các hộ với nhau.
2.3.1. Liên kết trong làng
Ở những vùng không chuyên, số gia đình làm hàng mã thường ít. Do đó, việc liên kết giữa các hộ làm hàng mã, nhất là các hộ cùng làng là rất cần thiết. Hiện tại, làng Yên Cốc có 3 hộ làm hàng mã, gồm có gia đình chú Hoàng, gia đình cô Hồng và gia đình người cậu cô Hồng. Ba hộ này có liên kết khá chặt chẽ trong việc sản xuất hàng mã, vì theo cô Hồng, “đều cùng làng, quen biết và có truyền thống làm hàng mã” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 17/3/2016).
Tuy nhiên, mỗi gia đình lại có mức độ liên kết khác nhau. Gia đình cô Hồng nhập hầu hết xương các con vật và hình nhân, thỉnh thoảng nhập nguyên liệu nứa cùng với người cậu. Trong khi đó, gia đình chú Hoàng chỉ nhập một phần xương các con vật và hình nhân, phần còn lại nhập ở làng Vác (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.) Bên cạnh đó, hộ chú Hoàng cũng có liên kết sản xuất với hộ cô Hồng. Cô Hồng cho biết: “Khi nào nhiều hàng, làm không hết thì cô cũng báo chú ấy (chú Hoàng) cùng làm, chủ yếu là hàng phủ. Lần sau, nếu chú ấy nhiều hàng thì chia sẻ với mình. Khi lấy tiền thì hàng của ai thì tính ra lấy tiền người đó” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 17/3/2016). Trong mối liên kết “có đi có lại” này, khi chú Hoàng hoặc con trai chú Hoàng (thầy cúng) nhận được nhiều đơn đặt các loại hàng mã thông dụng như quần áo cụ ông, quần áo cụ bà, ti vi, xe máy...
thường lấy hàng ở hộ cô Hồng.
Việc liên kết giữa gia đình cô Hồng và gia đình chú Hoàng xuất phát từ một số nguyên sâu xa:
Thứ nhất, hiện nay mặc dù nhiều công đoạn được hỗ trợ từ máy móc, nhưng việc hoàn thiện một sản phẩm hàng mã hoàn chỉnh vẫn mất nhiều thời gian, nhất là đối với các “hàng phủ” chủ yếu là làm thủ công .
Thứ hai, việc sản xuất hàng mã chủ yếu ở mức hộ gia đình, trong khi thời gian giao hàng ngắn, nếu không liên kết thì không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, tùy quy mô sản xuất và phạm vi buôn bán, từng gia đình làm hàng mã lựa chọn thuê mướn nhân công khác nhau. Gia đình cô Hồng là một hộ sản xuất quy mô khá lớn, ngoài những thành viên gia đình (mẹ chồng, vợ chồng, hai con), đôi khi cô thuê thêm người bán hàng vào các ngày đông khách. Cô cho biết, vào dịp rằm tháng bảy, cô thuê sắp xếp và bán hàng từ ngày 10 đến ngày 15 (rằm), còn trong dịp tết thì phải thuê làm trước 10 ngày sắp hàng phục vụ ngày Ông Công, Ông Táo. Những người cô thuê là anh em họ hàng, trong đó, khoảng 2-3 phụ nữ và một vài trẻ nhỏ. Những người này biết ít nhiều về hàng mã và sắp hàng mã với nhau. Về thu nhập của người làm thuê, cô Hồng cho biết: “Dù là anh em, giúp nhau là chính, cô cứ gửi chị em một ngày 200 nghìn, còn các cháu cũng phải có một ít động viên, chủ yếu để các cháu có ít tiền mua quần áo tết” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 17/3/2016). Đối với gia đình chú Hoàng, vì quy mô sản xuất không lớn và buôn bán trực tiếp với người tiêu dùng, nên gia đình chưa có nhiều việc đến mức phải thuê nhân công.
2.3.2. Liên kết ngoài làng
Những gia đình sản xuất hàng mã ở những vùng không chuyên thường vừa sản xuất, vừa buôn bán trực tiếp, nhất là ở chợ. Điều này cũng làm xuất hiện mối liên kết giữa các nhà sản xuất với nhau. Gia đình chú Hoàng chủ yếu bán tại nhà nên sự liên kết này chưa có. Với gia đình cô Hồng thì tình hình có phần khác. Cô Hồng khẳng định: “Có thể người khác thì có, nhưng nhà cô thì không, ví dụ đối diện với chỗ bán hàng của cô ở chợ Chiều (xã Hữu Văn) có một người làm và bán hàng mã. Nếu bình thường, hai người có thể trao đổi với nhau về giá cả, giúp nhau về nguyên liệu, nhưng không thích thì thôi”
(Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 17/3/2016). Theo khảo sát thực tế của tôi, trước năm 2005, cô Hồng chưa thuê
bán hàng ở đây, chỉ có người đối diện bán hàng mã. Nhưng do mới làm nghề hàng mã, nên người đó chủ yếu nhập hàng, sản phẩm tự làm ra ít, quy mô nhỏ, nên bán giá cao. Từ năm 2005, cô Hồng thuê chỗ bán hàng hiện nay. Vì nhà cô Hồng vừa nhập nguyên liệu và sản phẩm hàng mã giá rẻ hơn, vừa tự làm được nhiều sản phẩm hàng mã hơn, nên giá bán ra cũng rẻ hơn, do đó cửa hàng của cô luôn đông khách, trong khi đó, cửa hàng đối diện thì ngược lại.
Nhưng khi được hỏi, tại sao hai bên không trao đổi để cùng thống nhất về giá cả, cô Hồng chia sẻ: “Nếu được như thế đã tốt. Mình muốn lắm, nhưng người ta cậy là dân tại chỗ, cô là dân nơi khác đến thuê, nhưng cô mặc kệ, cãi nhau làm gì cho mang tiếng, cái gì cũng có pháp luật rồi” (Trần Thị Hồng, 41 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, phỏng vấn ngày 17/3/2016). Như vây, có thể thấy, để tạo ra một mạng lưới liên kết trong sản xuất, buôn bán hàng mã cũng rất phức tạp, vì liên quan đến yếu tố vô cùng quan trọng là lợi nhuận kinh tế.