Người anh hùng với vẻ đẹp lý tưởng

Một phần của tài liệu LUẬN văn sư PHẠM NGỮ văn HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ANH HÙNG TRONG THẦN THOẠI HY lạp (Trang 22 - 27)

TRONG THẦN THOẠI HY LẠP

2.1. Người anh hùng với vẻ đẹp lý tưởng

Truyền thống nổi bật của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại là ngợi ca con người và thế giới tự nhiên. Đó chính là sự biểu hiện quan niệm về cái đẹp mà người Hy Lạp hướng đến. Cũng như bao nhà sáng tạo nghệ thuật khác, bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn xây dựng trong tác phẩm của mình một kiểu nhân vật đặc biệt thể hiện cái ngưỡng cảm nhận trong tâm thức thẩm mỹ của mình, đó có thể xem như hình ảnh con người lý tưởng mà nhà văn ấp ủ. Người Hy Lạp cổ đại cũng vậy, khi họ xây dựng nên hình tượng nhân vật của mình, họ đã cố tìm mọi cách để có thể phô bày hết cái đẹp của con người để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ.

Và trong cái thẩm mỹ ấy chính là khát vọng của con người khi mà trong tay không có những gì mình cần thì những khát khao ước vọng ấy được chuyển tải, gởi gắm vào thế giới của sự tưởng tượng.

Trong những câu chuyện thần thoại, người Hy Lạp rất chú trọng đến vẻ đẹp hình thể nên trong thần thoại của họ, đâu đâu cũng có người đẹp, từ các vị nam thần, nữ thần bất tử, đến những người trần đoản mệnh đều có sắc đẹp tuyệt vời không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Chúng ta thừa biết rằng, thần thoại của bất cứ dân tộc nào cũng đều là sản phẩm của trí tưởng tượng con người, nhưng khi nói về cái đẹp thì mỗi dân tộc lại có cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Ở phương Đông, vẻ đẹp con người được thể hiện một cách tế nhị và kín đáo, và đôi lúc vẻ đẹp không hiện hữu ở vẽ bề ngoài mà phải qua hành động mới toát lên được vẻ đẹp ấy. Còn ở phương Tây, họ lại tìm mọi cách để phơi bày mà không che dấu. Người Hy Lạp cổ đại cũng vậy. Họ cho rằng đường nét của cơ thể con người là cái đặc điểm mà họ cần chú ý, “ Cái gì mà tính hài hòa đập vào mắt là đẹp”. Một phần sở dĩ họ chú trọng đến vẻ đẹp hình thức cũng là do người Hy Lạp lúc bấy giờ đã nhận thức được rằng người anh hùng chính là đại diện cho toàn thể cộng đồng về mọi phương diện. Họ chỉ là những người phàm trần nhưng vẫn có vẻ đẹp cơ bắp, lực lưỡng, dẻo dai, thể hiện sức mạnh, nhưng đồng thời

cũng là nét hấp dẫn rất riêng biệt mà không hề thua kém bất cứ vị nam thần nào.

Đó là Hêraclex với vẻ: “ Thân hình nở nang rắn rỏi và cân đối, đều đặn một cách tuyệt diệu khiến ai trông thấy cũng phải ngợi khen.”[16; tr.271]. Chàng xuất hiện với một dáng vẻ uy nghi, đường bệ “…trên mình khoác tấm áo da sư tử, vai đeo cung và ống tên, ngang sườn một thanh gươm, trông Hêraclex oai phong lẫm liệt như một vị thần” [16; tr.290]. Đó cũng chính là vẻ đẹp của người anh hùng Giadông “ Nhìn thấy Giadông mọi người đều kinh ngạc, kinh ngạc trước y phục sặc sỡ của chàng và vẻ đẹp của chàng…Chàng khoác một tấm da báo vẻ đẹp rực rỡ. Thân hình chàng cao lớn, cân đối, khỏe mạnh, tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng khiến cho mọi người hôm đó nhìn thấy chàng điều phải trầm trồ, khen ngợi và cho rằng đó là một vị thần giáng thế” [16; tr.440]. Hay là vẻ đẹp của người anh hùng vĩ đại nhất vùng đồng bằng Attich Thêxê“ Khi Thêxê tuổi tròn mười bảy thì chàng đã có sức vóc hơn người. Kể về hình dáng, thì chàng đẹp hơn hẳn những bạn cùng lứa tuổi. Thân hình cao lớn, cường tráng nhưng cân đối. Khuôn mặt xinh xắn nhưng cương nghị” [16; tr.392]. Đến vẻ đẹp quyến rủ của Narxix:

“…đẹp lắm, đẹp đến nỗi các thiếu nữ xinh đẹp nhất đều phải ganh tỵ, đẹp đến nỗi gây ra biết bao vụ tương tư cho các cô gái” [16; tr.147].

Vẻ đẹp của họ không chỉ được thể hiện trong thần thoại mà còn được thể hiện trong nghệ thuật điêu khắc như các bức tượng:Hêraclex, Akhin,…

Đó là những vẻ đẹp lý tưởng mà người Hy Lạp cổ đại đã gởi gắm vào thần thoại, qua những người anh hùng. Điều đó cũng góp phần cho thấy họ đã thoát qua khỏi thời kỳ mê muội, dã man và bắt đầu hướng đôi mắt khát vọng vào thế giới của những cái đẹp.

2.1.2 Vẻ đẹp phẩm chất của người anh hùng

Người dân Hy Lạp cổ đại ngoài coi trọng vẻ đẹp hình thức nên ngoài, họ còn chú ý tới một vẻ đẹp khác- vẻ đẹp bên trong- nó toát ra từ hành vi, hoạt động của mỗi con người. Nó bộc lộ trong sự hoàn thiện của các phẩm chất đạo đức, vẻ đẹp tinh thần không giống như vẻ đẹp hình thể mà ta có thể nhìn thấy một cách trực tiếp nhưng lại có thể cảm nhận được qua nhận thức. Khi xây dựng hình ảnh những người anh hùng, ngoài vẻ đẹp hoàn hảo của hình thể, người Hy Lạp cổ

không quên thổi vào đó những nét đẹp nhân cách đáng trân trọng, góp phần thể hiện được khí chất của những người được gọi là anh hùng.

Thế giới quan của người Hy Lạp cổ đại về cơ bản mang ý thức công dân hồn nhiên và giàu sắc thái của tư duy thần linh chủ nghĩa. Trong buổi đầu bình minh, người Hy Lạp cổ với nhận thức còn nhiều hạn chế, nhưng dựa vào vốn sống thực tế cùng trí tưởng tượng phong phú của mình, họ cũng đã sáng tạo nên những mẫu người mang trong mình lý tưởng to lớn đại diện cho cả bộ mặt cộng đồng “ Nhân vật lý tưởng trong văn học cổ đại Hy Lạp là những con người anh hùng, chưa có ý thức về đời sống cá nhân, họ tìm lẽ sống trọn vẹn trong việc phục vụ quyền lợi của một thành bang, một bộ tộc, một quốc gia” [17; tr.65]. Đó là chàng khổng lồ Prômêtê, con trai chàng Iapet là hình ảnh tiêu biểu cho việc chống lại mọi bất công, áp bức, bênh vực kẻ yếu. Chàng đã thuyết phục nữ thần Gaia đứng về phía Dớt trước những hành động bạo ngược của Krônôt đối với các con. Khi nhìn những đứa con do mình tạo ra “ Một con người, nhưng trần trụi, trần trụi hoàn toàn” [16; tr.51], họ phải sống thế nào trước những con vật hoàn hảo, hung dữ như hổ, báo, sư tử,…Những con vật đã dược ban cho những đặc ân thần thánh? Và rồi còn những hiểm họa khôn lường của thiên nhiên mưa nắng, bão tố, động đất, núi lửa, đất liền phút chốc thành biển cả, bãi biển hóa nương dâu. Thiên nhiên hung hãn, con người thì yếu đuối. Cảm thương cho những con người mong manh, Prômêtê bất chấp cãi lại lời thần Dớt vĩ đại trộm ngọn lửa thần mang về cho người trần gian, giúp họ có thêm niềm tin và sức mạnh chống lại rét mướt, ngọn lửa góp phần giúp cho đời sống người nguyên thủy tiến bộ thêm một bật. Họ biết nấu thức ăn, rèn vũ khí để bảo vệ cuộc sống. Dù cho đổi lại chàng phải chịu cái cảnh bị đóng vào vách đá và “Dớt sẽ dùng sét đánh vào mỏm đá này cùng với ngươi xuống vực thẳm không đáy, ở đó trong cái ngục thất bằng đá, mi sẽ bị giày vò trong bóng tối dày đặc. Hàng thế kỷ trôi qua và Dớt sẽ kéo ngươi từ nơi sâu thẳm mịt mù lên mặt đất, nhưng không phải để hưởng sung sướng đâu. Bởi vì ngày ngày một con chim ưng do Dớt phái đến sẽ dùng những móng chân và cái mỏ nhọn hoắc moi gan mi mà ăn. Ngày mai mi sẽ mọc lên một cái gan khác và con chim ưng lại đến” [23; tr.58]

Hay những người anh hùng tiêu diệt quái vật, trừng phạt bạo chúa và những kẻ gian ác đã chà đạp lên cuộc sống của con người, bảo vệ những người yếu đuối, và vô tình đã lập nên những chiến công lừng lẫy nhờ vào lòng yêu nhân ái, lập lại công bằng. Đó là người anh hùng Thêxê, trên đường đi tìm cha, dù biết rằng trên đường chàng đi sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm mà chưa từng ai dám đi.

Trước tiên là gã khổng lồ Pêriphêtét, tay hắn cầm chiếc chùy đồ đã đập nát sọ không biết bao nhiêu người vô tội. Tiếp theo là tên cướp biển hung bạo Xinit, ở eo biển Ixmôt, hắn thường buộc người mà hắn bắt được vào ngọn hai cây thông rồi buông cả hai cây thông ra. Hai cây thông được buông ra, sẽ bị bật trở lại để đứng thẳng và người tội nghiệp sẽ bị xé xác. Ở nơi đây không biết bao nhiêu người đã chết như thế. Tới khu rừng Krôminô, là con lợn rừng, con của chàng khổng lồ Tiphôn. Nó đã tàn phá vùng này, giết chết mọi sinh vật. Đến Mêga, là tên cướp tàn bạo Xirôn. Hắn có thói quen bắt mọi người khách đến đều phải rửa chân cho hắn đứng quay lưng về phía vực thẳm. Trong lúc người ta rửa chân, hắn tống một đạp cho người khách ngã lăn xuống vực. Nhưng còn chưa nguy hiểm bằng hai tên khổng lồ Kecxiôn và tên khổng lồ Prôcut. Tên thứ nhất cực khỏe, hắn thách mọi người vật với hắn, nhưng không ai vật nổi hắn được, vì chân hắn chạm tới đất thì hắn trở nên vô địch. Cuối cùng mọi địch thủ đều bị hắn giết chết.

Tên khổng lồ Prôcut thì vật người ta ra giường. Người cao thì bị hắn bắt nằm trên cái giường ngắn rồi đập gãy hai chân. Người thấp thì hắn bắt căng ra trên cái giường dài, con người đứt làm hai đoạn. Người anh hùng Thêxê trên bước đường phiêu du đã ra tay giúp người dân trừ tất cả bọn chúng, trả lại cuộc sống yên bình cho họ. Pêriphêtét phải chịu chết dưới cái chùy của hắn. Xinit cũng trả giá bằng chính biện pháp mà trước đây hắn đã dùng, bị hai cây thông xé xác. Con lợn rừng định lao tới húc chết chàng. Nhưng chàng đã dùng chùy của Pêriphêtét chiến đấu với nó và nện cho nó vỡ sọ mà chết. Con đường đi đến Athen gần như được giải phóng. Kecxiôn và Prôcut cũng trả giá như chính những gì mà chúng nghĩ ra để tra tấn con người. Thế là chàng đã trừng trị mọi tên hung bạo theo đúng cách cực hình mà chúng đặt ra để hại người khác. Con đường từ thành Athen trở nên yên ổn, danh tiếng chàng trở nên lừng lẫy và được nhiều người yêu mến. Ngoài ra chàng còn giúp người dân vùng Marathôn giết chết con bò mộng đang tàn phá

vùng này. Giết con đầu bò mình người Minôta tránh được cảnh hằng năm các dân tộc phải dâng người làm cống vật cho nhà vua Minôt, để người cho Minôta ăn thịt, đồng thời cùng là giải phóng cho thành Athen khỏi tình trạng này, mang lại sự yên ổn cho thành bang.

Một người nữa cũng không hề thua kém Thêxê, Hêraclex một người anh hùng vĩ đại luôn chiến đấu và chiến thắng mọi khó khăn gian khổ. Chàng đã giúp nhân dân tiêu diệt những con quái vật hung hăng tàn phá mùa màng, hoa màu và thậm chí còn ăn cả thịt người. Đó là con sư tử Nêmê, con mãng xà Hiđrơ, con ác điểu Xtanhphan…Hêraclex còn góp phần chống lại những cuộc chiến xâm lược để giữ gìn bờ cõi quê hương, giúp đỡ những bộ tộc yếu thế, bảo vệ cuộc sống yên lành ấm no cho nhân dân. Nhờ đó chàng đã góp phần xóa bỏ cho nhân dân thành Têbơ khỏi một khoản cống nộp nặng nề. Ngoài ra còn rất nhiều người anh hùng khác nữa như Asin, Hecto cùng các anh hùng khác bảo vệ thành Troi.

Ngoài tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ bênh vực kẻ yếu, người anh hùng Hy Lạp còn có những tình cảm vô cùng cao quý. Đó là tình cảm vợ chồng son sắt. Người anh hùng, trong lúc chiến đấu họ không có gì có thể khuất phục được họ, nhưng khi đối diện với tình cảm thì họ bỗng trở nên mềm yếu. Họ cũng biết yêu thương vợ con của mình. Trước nỗi lo lắng, buâng khuâng của Ăngđrômát “ Chàng ơi, chàng quên mình liều thân xuất trận thì chàng sẽ chết mất thôi! Chàng không thương con còn nhỏ dại, chàng không thương em rồi đây sẽ thành người góa bụa hay sao? Vì nếu chàng ra khỏi thành thì thế nào quân Hy Lạp cũng sẽ xông lại giết chàng. Nếu chàng không may bỏ mình ngoài chiến địa, thì em chỉ còn biết chết theo chàng” [16; tr.525]. Hecto vô cùng xúc động. Mặc dù cố tỏ ra cứng cỏi, người anh hùng vẫn len lỏi với những lo lắng, quyến luyến vợ mình dù đó chỉ là trong suy nghĩ: “ Ta chỉ lo nghĩ nhiều nhất, lo nghĩ trước hết đến nỗi khổ nhục của nàng khi xảy ra cảnh ấy. Lúc ấy, nàng sẽ bị một tên Hy Lạp mặc áo giáp đồng bắt đi trong tiếng khóc than vật vã, chấm dứt những ngày tự do, hạnh phúc của nàng. Nàng sẽ bị đưa về Acgốt và dưới quyền sai khiến của một người đàn bà khác, nàng phải dệt vải hay đi lấy nước ở sông Metxêix hoặc Hipêri. Trông thấy nàng nước mắt tủi cực chan hòa, người ta sẽ bảo nhau: “ Vợ Hecto đấy! Hồi còn đánh nhau ở Iliông, chàng là người dũng mãnh nhất, thiện

chiến nhất trong những người Tơroa đấy!...”. Người ta bảo nhau như vậy, nhưng còn nàng thì lại thấy tủi thân, tủi phận vô cùng. Vì nàng không bao giờ còn có một người chồng như ta để bảo vệ nàng khỏi rơi vào cuộc đời nô lệ. Nhưng nàng ơi! Ta thà chết đi cho đất đen phủ kín lấy ta còn hơn là phải nghe thấy tiếng nàng kêu khóc và trông thấy nàng bị một tên Hy Lạp bắt đi, lôi đi” [16; tr526].

Tình cảm của Hecto đối với vợ thật sâu sắc. Bên cạnh tình nghĩa vợ chồng, người anh hùng còn có tình cảm anh em sâu nặng. Trên bước đường phiêu lưu, người anh hùng bao giờ cũng có những người bạn, người anh em cùng chia sẽ khó khăn gian khổ, tình bạn, tình anh em của họ thật sâu đậm như hình ảnh anh em thề sống chết có nhau gữa Pônlút và Caxto,…

Văn học cổ Hy Lạp tràn đầy bút pháp lý tưởng hóa, thiên về cái cao cả.

Người Hy Lạp cổ đại từ quan niệm về cái đẹp của mình, họ đã sáng tạo nên một mẫu người lý tưởng đó là người anh hùng mang trong mình tinh thần hiệp nghĩa, sẵng sáng giúp đỡ những người sức yếu thế cô, bị áp bức, có khả năng bảo vệ các thành bang. Họ như trở thành tấm gương cho thanh niên Hy Lạp noi theo, họ luôn được yêu mến và trở thành mẫu hình lý tưởng bởi không chỉ đẹp về hình thức mà còn có một nhân cách đáng quý trọng.

Một phần của tài liệu LUẬN văn sư PHẠM NGỮ văn HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ANH HÙNG TRONG THẦN THOẠI HY lạp (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)