CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HẠN CHẾ PHÂN CHIA DI SẢN 1.1. Khái quát chung về thừa kế và quyền thừa kế
1.4. Hạn chế phân chia di sản
1.4.1. Khái niệm, đặc điểm, hệ quả và ý nghĩa của hạn chế phân chia di sản
Hạn chế phân chia di sản là việc chưa cho chia di sản còn lại của người chết cho những người thừa kế có quyền hưởng trong một thời hạn nhất định, mặc dù đã thỏa mãn tất cả các điều kiện do luật định để được phân chia di sản.
Việc chia thừa kế được thực hiện kể từ khi xác định được khối di sản của người chết hiện vẫn còn để chia và có người hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, khi đã xác định được các yếu tố trong quan hệ pháp luật thừa kế là chủ thể có quyền hưởng, di sản còn để chia thừa kế và người thừa kế không từ chối hưởng di sản thừa kế nhưng việc chia di sản chưa được thực hiện vì các lý do quy định tại Điều 686 BLDS. Các lý do quy định tại Điều 686 BLDS chỉ xác định quyền của những người thừa kế đối với di sản thừa kế và di sản đó sẽ được chia khi các lý do quy định tại Điều 686 BLDS không còn nữa.
Vấn đề hạn chế phân chia di sản được thực hiện trong những trường hợp nhất định nhằm tôn trọng ý chí của người để lại di sản trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, tôn trọng ý chí và sự thỏa thuận của tất cả những người thừa kế trong việc chưa phân chia di sản thừa kế của người chết để lại, bao gồm những người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật hoặc chỉ những người thừa kế theo di chúc hoặc chỉ theo pháp luật. Bên
22
cạnh đó, vấn đề hạn chế phân chia di sản nhằm bảo vệ lợi ích của một bên vợ (chồng) còn sống mà lâm vào tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và gia đình khi phân chia di sản của một bên chồng (vợ) đã chết13.
1.4.2. Tóm lược lịch sử về hạn chế phân chia di sản
Chế định hạn chế phân chia trong pháp luật Việt Nam đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài và chịu ảnh hưởng của các chế độ xã hội khác nhau, chịu sự chi phối của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các giai đoạn khác nhau và chế định hạn chế phân chia di sản trong pháp luật Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hơn để đáp ứng và giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội.
Tiến trình hình thành và phát triển của vấn đề hạn chế phân chia di sản có mối quan hệ với vấn đề phân chia di sản và đã trải qua các giai đoạn sau:
1.4.2.1. Trong luật cổ và tục lệ Việt Nam
Khái niệm hạn chế phân chia di sản chưa được xây dựng và thể chế hóa trong các luật lệ thời đó. Tuy nhiên, các nhà làm luật thời kỳ đó đã xây dựng khái niệm phân chia di sản đối với con, cháu trực hệ, theo đó, người vợ (chồng) còn sống ngày xưa không hề biết đến việc phân chia di sản của người chồng (vợ) chết trước theo nghĩa rằng người còn sống là người tham gia phân chia hoặc nhận tài sản này hoặc tài sản nọ với tính cách thanh toán các quyền lợi chung theo phần14.
Dưới thời Lê, các trường hợp thanh toán di sản sau khi vợ hoặc chồng chết chỉ được dự liệu trong các giả thuyết nêu tại các Điều từ 374 đến 376 Bộ Quốc triều hình luật. Mặt khác, Bộ Quốc triều hình luật cũng không dự liệu các trường hợp để hạn chế phân chia di sản. Nhưng trong tất cả các giả thuyết khác, việc thanh toán di sản của vợ (chồng) chết trước được hoãn cho đến khi người chồng (vợ) còn sống, đến lượt mình, cũng chết. Và di sản chỉ được chia sau khi người vợ (chồng) sau cùng chết, đây cũng có thể được xem là nền tảng ban đầu của vấn đề hạn chế phân chia di sản sau này.
Dưới thời Nguyễn, luật thậm chí không đặt vấn đề thanh toán di sản và cả trường hợp hạn chế phân chia di sản đối với vợ (chồng) còn sống. Thật vậy, trong trường hợp người chồng chết trước, thì khối tài sản của gia đình được đặt dưới sự quản lý của người vợ còn sống, người được gọi để thay thế người chồng trước đảm nhận vai trò chủ gia đình, do áp dụng nguyên tắc kéo dài chế độ tài sản của vợ, chồng sau khi hôn nhân chấm dứt vì có người chết. Và trong thời gian này, khối di sản của người chồng chết trước cũng chưa được phân chia cho các con, cháu trực hệ trong gia đình.
13 Điều 686 BLDS 2005.
14 Xem “Bình luận khoa học về thừa kế trong luật dân sự Việt Nam – Ts Nguyễn Ngọc Điện”, trang 551.
23
Trong trường hợp cha chết trước, con, cháu là người có quyền hưởng di sản của cha về mặt lý thuyết, nhưng tình trạng tài sản của con, cháu không thay đổi trên thực tế cho đến khi người mẹ góa quyết định cho phép họ tiếp quản các tài sản có liên quan hoặc buộc phải để lại cho họ các tài sản ấy do không còn giữ được vị trí người đứng đầu gia đình. Nói khác đi, do quy tắc về chữ hiếu mà khi người cha chết, việc thực hiện các quyền của người thừa kế quyền sở hữu được hoãn lại đến khi chấm dứt thời kỳ thực hiện quyền của người thừa kế hưởng hoa lợi15. Đây cũng là một ý tưởng nền tảng ban đầu để làm cơ sở cho các quy định của vấn đề hạn chế phân chia di sản sau này.
1.4.2.2. Trong luật cận đại và hiện đại Việt Nam
Các chế định về phân chia di sản ngày càng được quy định cụ thể hơn, còn các chế định về hạn chế phân chia di sản chỉ mới được xây dựng trong khoảng thời gian gần đây.
Trong thời gian đó, pháp luật thừa kế Việt nam đã trải qua các thời kỳ khác nhau, chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp lý khác nhau từ BLDS Bắc (ban hành năm 1931 dưới thời thuộc địa của thực dân Pháp), BLDS Trung (được ban hành trong thời gian từ năm 1936 đến năm 1939 (1936 - 1939) được gọi Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật), Pháp lệnh thừa kế năm 1990 (30/8/1990), đến BLDS 1995 ((1/7/1996) và BLDS 2005 (1/1/2006).
Trong khoảng thời gian này đến trước ngày BLDS năm 1995 có hiệu lực (1/7/1996) thì chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề hạn chế phân chia di sản, ngay cả trong Pháp lệnh thừa kế năm 1990 (30/8/1990) và văn bản hướng dẫn thi hành. Vấn đề hạn chế phân chia di sản lần đầu tiên được quy định tại Điều 689 trong phần thư tư BLDS 1995.
Tuy nhiên, ngoài hai căn cứ hạn chế phân chia di sản được quy định tại Điều 689 BLDS 1995, Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 cũng có quy định điều khoản hạn chế phân chia di sản khi một bên vợ hoặc chồng chết trước mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ chồng còn sống và gia đình. Quy định này đã được thực tế chấp nhận và phát huy tính tích cực trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan. Kế thừa quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, nhà làm luật đã bổ sung vào Điều luật tương ứng trong BLDS 2005 nội dung: “Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của một bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có
15 Xem chương II, mục I đoạn chót trong “Bình luận khoa học về thừa kế trong luật dân sự Việt Nam – Ts Nguyễn Ngọc Điện”.
24
quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế”16. Đây là quy định tiến bộ của BLDS 2005 so với các văn bản thừa kế trước đây, thể hiện rõ nguyên tắc củng cố tình thương yêu đoàn kết trong gia đình.
Tóm lại, để hiểu và vận dụng một cách có hiệu quả các quy định của pháp luật về vấn đề hạn chế phân chia di sản vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải nắm rõ những cơ sở lý luận nền tảng của vấn đề này. Chính những cơ sở lý luận này sẽ tạo điều kiện để người đọc nhìn nhận đề tài nghiên cứu với một góc độ mới trên nền tảng khoa học, từ đó, sẽ có những cách tiếp cận và nắm rõ đề tài nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua những phân tích vừa nêu.
16 Đoạn 2 Điều 686 BLDS 2005.
25
CHƯƠNG 2