2.4. Thực tiễn áp dụng các quy định về hạn chế phân chia di sản - Giải pháp hoàn thiện
2.4.2. Giải pháp hoàn thiện
Pháp luật thừa kế nói chung và vấn đề hạn chế phân chia di sản nói riêng ngoài tính ổn định tương đối thì cũng không ngừng được hoàn thiện, bổ sung. Các khái niệm và các quy định cũng có những biến động và thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội.
Qua việc nghiên cứu đề tài, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của BLDS 2005, các văn bản quy phạm pháp luật khác và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền khi quy định, giải thích các vấn đề về hạn chế phân chia di sản, cùng với những vướng mắc, bất cập trong các quy định đó và trong quá trình thực thi pháp luật vào các quan hệ của đời sống xã hội mà người viết đã đề cập trong quá trình nghiên cứu đề tài.
Sau khi rà soát, tổng hợp, tìm hiểu các vấn đề có liên quan, người viết có đưa ra một số đề xuất và kiến nghị nhằm khắc phục những bất cập trong hệ thống pháp luật thực định.
Cụ thể có liên quan đến các vấn đề sau đây:
Cần quy định một khoảng thời gian tối đa cho việc hạn chế phân chia di sản theo ý chí của người lập di chúc và theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế. Theo ý kiến của người viết thì pháp luật cần quy định khoảng thời gian tối đa trong trường hợp này là không quá 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, sau khi hết khoảng thời gian này thì di sản bị hạn chế phân chia đó sẽ được đem chia cho những người thừa kế có quyền hưởng di sản.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải quy định căn cứ chấm dứt việc hạn chế phân chia di sản theo ý chí của người lập di chúc và theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của những người thừa kế khác và tránh tình trạng di sản bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong trường hợp di sản bị sụt giảm
51
nghiêm trọng do lỗi cố ý hoặc vô ý của người hưởng dụng hoặc của người thứ ba, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Và pháp luật cần quy định quyền được giám sát hay quyền yêu cầu của những người thừa kế (thông qua người đại diện) để đòi chấm dứt sự hạn chế phân chia di sản đối với người hưởng dụng, cũng như quyền yêu cầu được thanh toán phần giá trị di sản bị tổn thất khi giá trị của di sản bị sụt giảm do lỗi cố ý hoặc vô ý của người hưởng dụng hoặc của người thứ ba.
Pháp luật cũng cần nên quy định nội dung và hình thức của việc hạn chế phân chia di sản theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, nên bổ sung vào khoản 1 Điều 681 BLDS 2005 trường hợp hạn chế phân chia di sản trong cuộc họp mặt của những người thừa kế, nên có văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung cần phải có trong thỏa thuận của những người thừa kế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.
Tuy nhiên, pháp luật cần điều chỉnh hay có văn bản hướng dẫn quy định tại đoạn 2 Điều 686 BLDS 2005. Trong trường hợp việc hạn chế phân chia di sản của vợ (chồng) của người để lại di sản đã hết thời hạn ba năm do Tòa án xác định, mà bên vợ (chồng) của người để lại di sản đã không giải quyết được tình trạng khó khăn ban đầu và đã lâm vào tình trạng khó khăn, nghiêm trọng hơn nữa, có đơn yêu cầu Tòa án và đã được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả những người có quyền hưởng di sản thì di sản đó sẽ được tiếp tục sử dụng và có quyền hưởng hoa lợi trên di sản đó không quá một năm kể từ ngày hết thời hạn do Tòa án xác định, và tổng các khoảng thời gian để sử dụng và hưởng hoa lợi trên di sản đó là không quá năm năm kể từ thời điểm mở thừa kế, bao gồm cả thời gian di sản đó bị hạn chế phân chia. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải điều chỉnh hay có văn bản hướng dẫn thêm một trường hợp nữa trong đoạn 2 Điều 686 BLDS 2005, là trong trường hợp chưa hết khoảng thời gian ba năm do Tòa án xác định để hạn chế phân chia di sản, mà yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng của bên vợ (chồng) còn sống của người để lại di sản không còn nữa thì những người có quyền hưởng di sản (thông qua người đại diện) có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản bị hạn chế phân chia đó.
Trong các trường hợp hạn chế phân chia di sản quy định tại Điều 686 BLDS 2005 thì thực tế sẽ làm ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện mười năm về thừa kế – ngắn hơn so với các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về thừa kế (theo quy định tại đoạn 1 Điều 645 BLDS 2005). Theo quy định, thì khi hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, thì đương sự sẽ mất quyền khởi kiện và khi có tranh chấp thì Tòa án cũng không xem xét giải quyết. Nên nhất thiết cần phải có sự điều chỉnh hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp này, để tránh làm ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện mười năm về thừa kế, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của
52
những người có liên quan. Theo ý kiến của người viết nên quy định trường hợp hạn chế phân chia di sản là một ngoại lệ của thời hiệu khởi kiện về thừa kế và sẽ không tính khoảng thời gian hạn chế phân chia di sản này vào thời hiệu khởi kiện về thừa kế, nghĩa là thời hiệu khởi kiện áp dụng riêng cho trường hợp này bắt đầu từ khi di sản đó được đem chia theo các quy định của pháp luật về thừa kế. Bên cạnh đó, pháp luật nhất thiết phải quy định thật chặt chẽ và chi tiết những điều kiện để được hạn chế phân chia di sản ở mỗi trường hợp cụ thể, như vậy, mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của thực tế và phù hợp với các quy định của những văn bản pháp lý có liên quan.
Tóm lại, với các phân tích trên và các giải pháp vừa nêu sẽ góp phần hoàn thiện hơn các quy định về hạn chế phân chia di sản trong luật thực định, tạo điều kiện thuận lợi để các quy định này áp dụng rộng rãi vào đời sống xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả và tạo cơ sở pháp lý vững chắc khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc hạn chế phân chia di sản.