2.3. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết mà việc chia di sản của người này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình của bên chồng hoặc vợ còn sống
2.3.1. Điều kiện để được hạn chế phân chia di sản khi một bên vợ hoặc chồng chết
Người đòi có quyền hưởng di sản và hạn chế phân chia di sản với tư cách là vợ (chồng) của người để lại di sản phải thiết lập được bằng chứng để chứng minh quan hệ hôn nhân giữa mình và người để lại di sản. Người vợ (chồng) đã ly hôn trước khi thừa kế được mở hoặc có hôn nhân bị hủy, theo một bản án có hiệu lực pháp luật, không có quyền hưởng thừa kế và không có quyền để yêu cầu hạn chế phân chia di sản. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2000, sửa đổi, bổ sung 2010 thì hôn nhân hợp pháp là hôn nhân mà việc kết hôn phải hợp pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và hôn nhân thực tế thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.
Hôn nhân hợp pháp
Khái niệm: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn38. Kết hôn thực sự là một giao dịch pháp lý long trọng mà việc xác lập phải tuân theo những điều kiện được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, chi tiết.
Việc xác định hai người là vợ chồng phải căn cứ vào việc hôn nhân hợp pháp giữa hai người đó theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2000, sửa đổi, bổ sung 2010 tại Điều 9: “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên. Việc kết hôn phải trên cơ sở tự nguyện, và họ đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2000, sửa đổi, bổ sung 2010, và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn.
38 Điều 8 khoản 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung 2010
41
Việc xác định có hay không có phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp có ý nghĩa quan trọng trong thực tế giải các tranh chấp về tài sản của vợ chồng và liên quan đến các tranh chấp về cấp dưỡng, đặc biệt là các tranh chấp về thừa kế giữa vợ chồng và các thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh đó nó cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định vấn đề hạn chế phân chia di sản khi một bên vợ (chồng) chết mà việc chia di sản sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chồng (vợ) còn sống và gia đình.
Bằng chứng của hôn nhân
Trong khung cảnh của luật thực định, việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là điều kiện để quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận. Do đó, bằng chứng duy nhất về hôn nhân là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp. “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng, thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”39.
Hôn nhân thực tế
Khái niệm: Hôn nhân thực tế là một quan hệ thực tế, xác lập giữa hai người, một nam và một nữ, có đủ các điều kiện để kết hôn theo quy định của pháp luật, chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng lại không đăng ký kết hôn40.
Lý thuyết về hôn nhân thực tế trong tình hình không có sự phân biệt giữa hôn nhân đích thực và tự do chung sống đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật. Một mặt, các thẩm phán buộc phải hạn chế đến mức tối thiểu việc áp dụng biện pháp chế tài khắc khe do luật dự liệu đối với hôn nhân không đăng ký kết hôn, mặt khác, cố gắng thiết lập một ranh giới giữa hôn nhân hợp pháp và sự chung sống tạm bợ để ngăn ngừa các trường hợp người chỉ có quan hệ chung sống thuần túy vật chất tự nhận tư cách vợ chồng vì động cơ vụ lợi và không chính đáng. Hôn nhân thực tế được ghi nhận trong các trường hợp trong đó việc kết hôn, dù không đăng ký, hội đủ tất cả các điều kiện luật định cũng như xuất phát từ ý chí tự nguyện chung sống của hai bên nam và nữ. Để được coi là vợ chồng thực tế, cả hai bên nam và nữ phải cư xử với nhau như vợ chồng, phải
39 Khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung 2010
40 Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp, được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
- Việc họ chung sống với nhau được gia đình (một hoặc hai bên) chấp nhận;
- Việc họ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
- Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng gia đình.
Khái niệm chung sống như vợ chồng ghi nhận trong Thông tư đó được xây dựng trong khuôn khổ hướng dẫn thi hành Nghị Quyết số 35 ngày 09/6/2000 của Quốc hội mà nội dung sẽ được phân tích sau đây.
42
cùng chung sống và gánh vác những chung công việc gia đình; tư cách vợ chồng của cả hai bên nam và nữ phải được gia đình và xã hội thừa nhận.
Trước khi ban hành Luật hôn nhân và gia đình 2000, hệ thống hôn nhân và gia đình nước ta còn chấp nhận tình trạng “kết hôn không đăng ký” (gọi là hôn nhân thực tế). Tình trạng nam, nữ chung sống như vợ chồng mới chỉ được gia đình tổ chức lễ cưới theo tập quán, mà chưa đăng ký kết hôn còn xảy ra khá phổ biến. Tình trạng đó đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết các tranh chấp về thừa kế trong quan hệ vợ chồng. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành một số văn bản hướng dẫn về “hôn nhân thực tế” và những văn bản này đều thừa nhận có hôn nhân thực tế đối với hai bên nam, nữ đã thỏa tất cả các điều kiện kết hôn mà chỉ vi phạm thủ tục đăng ký kết hôn, kể từ khi họ được gia đình tổ chức lễ cưới theo tập quán và họ đã thực sự chung sống với nhau như vợ chồng.
Quá trình áp dụng lý thuyết về hôn nhân thực tế vào thực tế gây rất nhiều khó khăn cho các thẩm phán, vì vậy, TANDTC đã chỉ rõ rằng đối với các trường hợp chung sống sau khi Luật hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực mà không đăng ký mà chỉ có trường hợp nào mà hai người chung sống có tạo ra tài sản chung hoặc có con chung thì mới coi là hôn nhân thực tế và khi đó người còn sống mới có quyền thừa kế di sản của người chết với tư cách là người thừa kế của người đã chết. Vậy không thể coi là vợ chồng khi một người nữ sống chung với một người nam mà không đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hôn nhân chấm dứt ngay sau khi được cử hành theo các nghi thức phù hợp với tục lệ.
Tóm lại, lý thuyết về hôn nhân thực tế nên được áp dụng hạn chế trong xã hội Việt Nam hiện đại. Đối với các cuộc sống chung đã kéo dài nhiều năm mà việc đăng ký kết hôn không được thực hiện do nguyên nhân chiến tranh hay do nhận thức lạc hậu thì tình trạng hôn nhân thực tế có thể được công nhận như một trường hợp ngoại lệ. Trong mọi trường hợp khác, các quy tắc của văn bản luật hiện hành phải được tôn trọng và thi hành.
Để giải quyết vấn đề có hay không có tư cách vợ chồng trong hôn nhân thực tế, Quốc hội đã có Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 về thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2000, trong đó có trường hợp giải quyết chưa có đăng ký kết hôn và Nghị quyết này cũng hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình 2000, sửa đổi, bổ sung 2010. Theo quy định của Nghị quyết này thì:
“a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
43
b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;
c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết”41.
Vì vậy, đối với những trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng thì Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 nói trên vẫn công nhận quan hệ vợ chồng nhưng họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật hôn nhân và gia đình 2000 có hiệu lực (là ngày 01/01/2001) cho đến ngày 01/01/2003. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
2.3.1.2. Yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình của bên vợ hoặc chồng còn sống
Về nguyên tắc thì vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Quy định này được hướng dẫn như sau:
“1. Thừa kế trong trường hợp chưa có đăng ký kết hôn
a. Trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, nếu có một bên chết trước, thì bên vợ hoặc chồng còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế.
b. Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003; do đó cho đến trước ngày 01/01/2003 mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước thì bên chồng hoặc vợ còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại
41 Mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 về thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2000.
44
theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trong trường hợp sau ngày 01/01/2003 họ vẫn chưa đăng ký kết hôn mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước và có tranh chấp về thừa kế thì trong khi chưa có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy từng trường hợp mà Toà án xử lý như sau:
- Nếu chưa thụ lý vụ án thì không thụ lý;
- Nếu đã thụ lý vụ án và đang giải quyết thì ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án”42.
Tuy nhiên, Luật còn dự liệu trường hợp được hạn chế phân chia di sản trong trường hợp việc yêu cầu chia di sản của người vợ (chồng) đã chết mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên chồng (vợ) còn sống và gia đình. Kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình 2000 nên tại Điều 686 đoạn 2 BLDS 2005 đã quy định: “Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế”.
Như vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xác định yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình của bên vợ hoặc chồng còn sống của người để lại di sản là như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình của bên vợ hoặc chồng còn sống của người để lại di sản là trong trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu đem di sản này chia cho những người thừa kế được hưởng thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất...43.
Ví dụ : Trước khi kết hôn anh A mua được một ngôi nhà nhỏ có diện tích 25m2. Sau đó anh A kết hôn với chị B và không nhập ngôi nhà này vào khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi sinh được cháu C thì anh A bị chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh A yêu cầu chia di sản thừa kế là ngôi nhà của anh A. Chị B và cháu C không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác. Ngôi nhà này lại không thể chia được bằng hiện vật. Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị B và cháu C.
42 Điểm a, b khoản 1 phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP của TANDTC về giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình.
43 Điểm a mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
45
Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình của bên vợ hoặc chồng còn sống của người để lại di sản cũng được quy định: “Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên còn sống và gia đình là trường hợp nếu chia di sản thì bên còn sống và gia đình không thể duy trì cuộc sống bình thường do không có chỗ ở, mất tư liệu sản xuất duy nhất để tạo thu nhập hoặc vì các lý do chính đáng khác”44.
Vì vậy, khi bên vợ hoặc chồng còn sống của người để lại di sản đã thỏa điều kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình thì Toà án cần giải thích cho người có yêu cầu chia di sản thừa kế biết là họ mới chỉ có quyền yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng và họ chỉ có quyền yêu cầu chia di sản sau một thời hạn nhất định, cụ thể là ba năm, nếu trong thời hạn này bên còn sống là vợ hoặc chồng của người đã chết chưa kết hôn với người khác. Nếu họ có yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng thì Toà án thụ lý để giải quyết. Trong trường hợp này, nếu họ không được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, miễn án phí thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí như đối với vụ án không có giá ngạch45.
Và Toà án sẽ thụ lý yêu cầu chia di sản thừa kế đối với trường hợp vừa nêu khi thời hạn để hạn chế phân chia di sản do Toà án xác định đã hết hoặc bên vợ (chồng) còn sống của người để lại di sản đã kết hôn với người khác. Trong trường hợp này, nếu những người có quyền hưởng di sản có yêu cầu chia di sản thì Toà án thụ lý để giải quyết, nếu đương sự không được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, miễn án phí thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí, nộp án phí như đối với vụ án có giá ngạch46.
Tóm lại, việc xác định có hay không có yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gia đình của người vợ (chồng) còn sống của người để lại di sản thì căn cứ vào tình hình thực tế, các yếu tố liên quan và ý kiến chủ quan của các thẩm phán trong vụ việc.
Thiết nghĩ, pháp luật cần có văn bản để hướng dẫn làm rõ yếu tố “hoặc vì các lý do chính đáng khác” để tránh sự tùy tiện và chủ quan trong quá trình áp dụng và giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc yêu cầu hạn chế phân chia di sản này.