CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ VÀ QUYỀN LỢI CỦA KHÁCH HÀNG KHI THAM HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
1.3 Khái quát về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là sự cam kết giữa hai bên theo đó bên nhận bảo hiểm (công ty bảo hiểm nhân thọ) có trách nhiệm và nghĩa vụ chi trả cho bên được bảo hiểm khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra, còn bên được bảo hiểm có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm như đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Bên nhận bảo hiểm chính là các công ty bảo hiểm nhân thọ. Sau khi đã cam kết nhận bảo hiểm, trách nhiệm và nghĩa vụ chủ yếu của công ty là chi trả số tiền bảo hiểm khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm. Sự kiện bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ bao gồm: Tử vong, hết hạn hợp đồng, sống đến độ tuổi nhất định.
Bên nhận bảo hiểm không được phép hủy bỏ hay thay đổi các điều khoản trong hợp đồng và cũng không được khiếu nại đòi phí bảo hiểm.
Bên được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể có ba chủ thể sau đây:
Thứ nhất, người được bảo hiểm là người mà sinh mạng và cuộc sống của họ được bảo hiểm theo các điều kiện của hợp đồng. Người được bảo hiểm có thể là những người đã trưởng thành có đủ năng lực pháp lý để tự ký hợp đồng cho chính mình và cũng có thể là người chưa đủ độ tuổi thành niên phải giao tên của mình cho người khác đứng ra ký hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, người tham gia bảo hiểm là người đứng ra yêu cầu bảo hiểm thỏa thuận và ký kết hợp đồng. Người tham gia bảo hiểm phải bảo đảm quy định của pháp luật về năng lực pháp lý.
Thứ ba, người được hưởng quyền lợi về bảo hiểm là người được nhận số tiền về bảo hiểm hoặc các khoản trợ cấp do công ty bảo hiểm thanh toán như đã nêu rõ trong hợp đồng. Người được hưởng quyền lợi bảo hiểm do người tham gia bảo hiểm chỉ định.
1.3.2 Đặc trưng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có đối tượng là tuổi thọ của con người.
Đặc điểm này rất quan trọng và có ý nghĩa chi phối các đặc điểm khác. Tuổi thọ của con người chính là quá trình kéo dài từ khi sống đến khi chết của người đó. Chính vì vậy, nghĩa vụ khai báo đúng tuổi thọ của người được bảo hiểm là rất quan trọng. Căn cứ vào độ tuổi của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xác định xem người đó có thuộc nhóm tuổi tham gia bảo hiểm hay không cũng như tính toán được mức phí bảo hiểm. Về lý thuyết, mức độ rủi ro sẽ khác nhau nếu người được bảo hiểm thuộc các nhóm tuổi khác nhau. Ngoài ra, tuổi thọ của con người còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sức khỏe, bệnh tật, môi trường sống, gen di truyền... Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường được quy định rất chi tiết, mà nguyên nhân chủ yếu là do tính phức tạp của đối tượng bảo hiểm tạo ra.
Thứ hai, trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sự kiện bảo hiểm không hoàn toàn gắn liền với rủi ro được bảo hiểm. Không như trong các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại. Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, ngoài trường hợp khi người được bảo hiểm gặp rủi ro được bảo hiểm, trách nhiệm trả tiền của doanh nghiệp bảo hiểm còn phát sinh trong một số trường hợp như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến hạn hay việc doanh nghiệp bảo hiểm trả giá trị hoàn lại.
Thứ ba, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có quy định kèm theo các sản phẩm bổ trợ là sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Thực tế lịch sử phát triển của bảo hiểm nhân thọ cho thấy các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đơn thuần thường ít hấp dẫn khách hàng, ngay cả đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp do tỷ suất sinh lời thường thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng tương ứng, trong khi mức độ bảo hiểm chủ yếu phụ thuộc vào năng lực tài chính của bên mua bảo hiểm. Chính vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm thường cung cấp các sản phẩm bảo hiểm bổ sung nhằm gia tăng yếu tố bảo hiểm như nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn con người. Các thỏa thuận về sản phẩm sung này làm thay đổi khá nhiều các quyền và nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng chính, điều đó có nghĩa chúng trở thành một hợp đồng thống nhất chứ không phải là hai thỏa thuận độc lập với nhau. Ví dụ: trong một hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng L.T.H.G với công ty trách nhiệm hữu hạn bảo
hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) thì ngoài sản phẩm bảo hiểm chính “An tâm tịnh dưỡng” khách hàng còn tham gia thêm sản phẩm bảo hiểm bổ sung là “Bảo hiểm tử vong do tai nạn” và “Hỗ trợ chi phí nằm viện”. Theo đó, ngoài các quyền lợi khách hàng nhận được từ hợp đồng bảo hiểm chính, sản phẩm bảo hiểm bổ sung “Bảo hiểm tử vong do tai nạn” còn hỗ trợ chi phí khi chẳng may khách hàng tử vong do gặp tai nạn, và sản phẩm “Hỗ trợ chi phí nằm viện” sẽ là giải pháp hỗ trợ tài chính trong trường hợp khách hàng phải nhập viện chữa trị.
Thứ tư, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là loại hợp đồng bảo hiểm dài hạn. Thời hạn của các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thể là ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn tùy theo sự thỏa thuận của các bên và tùy thuộc vào đối tượng của hợp đồng, thời hạn ngắn nhất của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp là năm năm. Tính dài hạn của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đầu tư đồng thời đáp ứng được mục đích tiết kiệm của bên mua bảo hiểm.
Thứ năm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có tính tiết kiệm đối với bên mua bảo hiểm. Tính tiết kiệm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thể hiện ở chỗ việc tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng giống như việc gởi tiết kiệm, bên mua bảo hiểm dùng từng khoản tiền nhỏ để đóng phí bảo hiểm, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người thụ hưởng có thể được khoản tiền lớn hơn. Tính tiết kiệm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn được đánh giá cao không chỉ do gắn liền với yếu tố bảo hiểm mà còn thể hiện đây là tiết kiệm bắt buộc4.
Thứ sáu, nội dung của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bao gồm các điều khoản mẫu. Đây là những điều khoản được doanh nghiệp bảo hiểm soạn thảo sẵn, bên mua bảo hiểm nếu chấp nhận giao kết hợp đồng thì phải chấp nhận toàn bộ nội dung các điều khoản mẫu.
1.3.3 Phân loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Phân loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với loại hợp đồng này. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau và mỗi cách phân loại có những ý nghĩa xác định trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể được phân loại theo tính chất của sự kiện bảo hiểm. Theo tiêu chí này hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bao gồm: hợp đồng bảo hiểm tử kỳ, hợp đồng bảo hiểm sinh kỳ và hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp.
Hợp đồng bảo hiểm tử kỳ là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà theo đó nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn thỏa thuận, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng.
Hợp đồng bảo hiểm sinh kỳ là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà theo đó nếu người được bảo hiểm sống tới thời điểm thỏa thuận, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng.
Hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kết hợp cả hai loại nghiệp vụ bảo hiểm là bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ. Đây là loại sản phẩm chủ yếu trên thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay vì nó kết hợp được nhiều lợi ích dành cho bên mua bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể được phân loại theo thời hạn thực hiện hợp đồng. Theo đó hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hai loại là: hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có xác định thời hạn và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không xác định thời hạn.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có xác định thời hạn là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà các bên thỏa thuận trước thời hạn của hợp đồng. Trong thời hạn đó hoặc kết thúc thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không thời hạn là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ kết thúc khi người được bảo hiểm chết hoặc người thụ hưởng đã nhận hết quyền lợi bảo hiểm. Các nghiệp vụ bảo hiểm áp dụng hợp đồng dạng này là hợp đồng bảo hiểm trọn đời và bảo hiểm trả tiền định kỳ.
Hợp đồng bảo hiểm trọn đời là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền cho người thụ hưởng nếu người được bảo hiểm chết vào bất cứ thời điểm nào.
Hợp đồng bảo hiểm trả tiền định kỳ là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền định kỳ cho người được thụ hưởng nếu người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định như đã thỏa thuận. Việc trả tiền định kỳ này chỉ kết thúc khi người được bảo hiểm chết hoặc người thụ hưởng đã nhận hết quyền lợi bảo hiểm. Đây là nghiệp vụ bảo hiểm có nội dung tương tự như chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội.
1.3.4 Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Chủ thể của Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bao gồm hai bên là bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Ngoài ra trong Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể có các chủ thể liên quan như người được bảo hiểm và người thụ hưởng.
1.3.4.1 Bên bảo hiểm
Bên bảo hiểm là chủ thể chấp nhận rủi ro của chủ thể khác trên cơ sở được nhận phí bảo hiểm. Bên bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là doanh nghiệp bảo hiểm khi ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm phải được thành lập và bảo hiểm hợp pháp ở Việt Nam. Điều kiện này xác định tư cách chủ thể của doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp phải được Bộ tài chính cấp giấy phép thành lập, hoạt động và giấy phép đó còn có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Thứ hai, người đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm. Người đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm thường có hai dạng là người đại diện giao dịch và người đại diện ký kết.
1.3.4.2 Bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm (hay còn gọi là bên tham gia bảo hiểm) là chủ thể đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đồng thời có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm thường là cá nhân nhưng cũng không ngoại lệ bên mua bảo hiểm là tổ chức, nếu thỏa mãn điều kiện với bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Các điều kiện này bao gồm:
Thứ nhất, bên mua bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Điều kiện này đảm bảo rằng bên mua bảo hiểm phải là người thực sự có thể kiểm soát được hành vi giao kết và thực hiện hợp đồng. Được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi bên mua bảo hiểm từ đủ 18 tuổi trở lên, không mắc các bệnh làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức.
Thứ hai, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm (hay bên mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm). Quyền lợi có thể được bảo hiểm được hiểu là những lợi ích của bên mua bảo hiểm về vật chất hoặc tinh thần đối với đối tượng được bảo hiểm. Nếu đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại thì đó được coi là tổn thất thật sự của bên mua bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm phải thỏa mãn những điều kiện sau đây: Một là, quyền lợi có thể được bảo hiểm phải thật sự tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng. Hai là, quyền lợi có thể được bảo hiểm phải là quyền lợi hợp pháp. Quyền lợi không hợp pháp được hiểu là những lợi ích được hình thành từ những quan hệ hoặc hành vi không được pháp luật thừa nhận. Nếu bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm là quan hệ thân thuộc gần gũi, thì mặc nhiên được pháp luật thừa nhận là có lợi ích bảo hiểm. Nếu không chỉ được coi là lợi ích bảo hiểm nếu như bên mua bảo hiểm phải chịu tổn thất tài chính thật sự nếu rủi ro xảy ra.