Tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu LUẬN văn LUẬT HÀNH CHÍNH HOẠT ĐỘNG TIẾP xúc cử TRI của đại BIỂU QUỐC hội – THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP (Trang 52 - 55)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NƯỚC TA HIỆN NAY - NHỮNG HẠN CHẾ CÒN TỒN TẠI

2.2 ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI TRONG THỜI GIAN QUA

2.2.2 Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp xúc cử tri những năm qua còn nhiều bất cập, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Đó là:

Nhận thức chung của xã hội đối với công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội có lúc, có nơi chưa thật sự sâu sắc, nhất là tiếp xúc với cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực và tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Một bộ phận cử tri nói chung, cử tri ở vùng sâu, vùng xa nói riêng chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia giám sát Nhà nước thông qua người mà mình đã trao quyền đại diện nên chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội chưa thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác tiếp xúc cử tri, chưa coi việc tiếp xúc cử tri vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của đại biểu.

Nhiều đại biểu chưa thật sự đi sâu sát xuống cơ sở, chưa nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng cử tri ở đơn vị bầu cử để thực hiện tốt chức năng đại diện cho cử tri; chưa quan tâm thường xuyên đến việc tiếp xúc cử tri ở nơi làm việc, nơi cư trú, gặp gỡ tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri. Hầu hết các đại biểu Quốc hội chưa thực hiện trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động hàng năm và thực hiện chương trình hành động.

Kết quả tiếp xúc cử tri hàng năm đạt thấp so với khả năng thực hiện của đại biểu, tỷ lệ cử tri được tiếp xúc với đại biểu hàng năm đạt quá thấp so với tổng số cử tri cả nước đạt

Cụ thể Quốc hội khóa XIII do gần 62 triệu cử tri bầu ra. Nghĩa là trung bình mỗi vị dân biểu đại diện cho khoảng 124 ngàn cử tri. Do mỗi đơn vị bầu cử đều được bầu từ 2 - 4 dân biểu, nên tổng số cử tri đã bỏ phiếu cho mỗi vị dân biểu phải được nhân 2 hoặc 4 lần.

Và số cử tri đã bỏ phiếu cho mỗi vị dân biểu trung bình sẽ là khoảng 350 ngàn. Đây chính là số lượng cử tri đã ủy quyền cho mỗi vị dân biểu. Nếu tại một cuộc tiếp xúc cử tri, mỗi vị dân biểu tiếp xúc được với 200 - 300 cử tri thì vị này chỉ tiếp xúc được với nhiều nhất là khoảng 1.500 - 2.000 cử tri. Nghĩa là chỉ tiếp xúc được với khoảng 2.000/350.000 = 0,57% tổng số cử tri của mình. Tỉ lệ cử tri được tiếp xúc của các vị dân biểu sẽ còn thấp hơn rất nhiều trong trường hợp việc tiếp xúc cử tri được tổ chức theo đoàn đại biểu Quốc hội hoặc theo nhóm các vị dân biểu trúng cử tại mỗi đơn vị bầu cử.51,trong bất cứ trường hợp nào, tiếp xúc với chưa đầy 1% cử tri để hiểu hết được tâm tư, nguyện vọng của hơn 99% cử tri còn lại, quả thực là một sự thách đố.

Việc triển khai thực hiện các hình thức tiếp xúc cử tri chưa được đầy đủ theo quy định của pháp luật. Các Đoàn đại biểu Quốc hội mới chủ yếu tổ chức để đại biểu thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, chưa thật sự chú trọng thực hiện các hình thức tiếp xúc khác. tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực thực sự đã phát huy hiệu quả đối với việc lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật và quyết định những vấn đề quan trọng, tuy nhiên trong quá trình làm luật, việc lấy ý kiến nhân dân lại không coi là hình thức tiếp xúc cử tri.

Thời gian mỗi đại biểu dành cho tiếp xúc cử tri là quá ít. Mỗi năm Quốc hội có 2 kỳ họp. Mỗi đại biểu Quốc hội do đó có 4 kỳ tiếp xúc cử tri. Mỗi kỳ như vậy tối đa được 2 ngày (khoảng 4 buổi). Vậy, một năm mỗi đại biểu chỉ có 8 ngày với cử tri. Như vậy là quá ít để đại biểu nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Trong khi Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2007 lại nêu rõ là đại biểu Quốc hội phải liên hệ “chặt chẽ” với cử tri và “thường xuyên” tiếp xúc với cử tri.

Công tác tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn hình thức giản đơn. Người chủ trì hội nghị tiếp xúc chưa làm tốt việc định hướng nội dung cuộc tiếp xúc. Tình trạng “đại biểu cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp, đại biểu kiêm nhiệm”...diễn ra còn khá phổ biến, nội dung tiếp xúc còn đơn điệu, thông tin chuyển tải đến cử tri chưa đáp ứng được nhu cầu của cử tri, chưa dành nhiều thời gian để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng, việc giải trình, tiếp thu, giải quyết trực tiếp ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cơ quan chức năng ở địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả thấp.

51 Nguyễn Sĩ Dũng: Tiếp xúc cử tri, Báo điện tử Dân trí, 2012, http://dantri.com.vn/xa-hoi/tiep-xuc-cu-tri- 593066.htm, [Truy cập ngày 15-3-2013].

Công tác nắm bắt thông tin ở cơ sở phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri còn yếu và bất cập. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc ở địa phương chưa thực hiện được việc tổ chức để cử tri nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nơi cử tri bầu ra.

Thông thường một cuộc tiếp xúc cử tri chỉ kéo dài trong nửa ngày, trong đó có gần 1/3 thời gian để đọc báo cáo, giới thiệu nội dung chương trình, hoặc kết quả kỳ họp. 1/3 thời gian để cử tri phát biểu ý kiến và thời gian còn lại để các đại biểu giải trình, tiếp thu... Như vậy, thời gian để đại biểu giao lưu với bà con, trò chuyện với bà con cử tri hầu như không có. Đó là chưa kể cách bố trí tiếp xúc cử tri đúng theo kiểu hội nghị như hiện nay sẽ tạo khoảng cách giữa đại biểu và cử tri. Cử tri có cảm giác như các đại biểu là “quan” đến thăm cử tri chứ không phải là người chịu trách nhiệm trước cử tri, chứ không phải cử tri mới là người quyết định sứ mệnh chính trị của người đại biểu . . . Và thông thường, trong đoàn đại biểu đi tiếp xúc cử tri thì cũng không phải tất cả các đại biểu đều thực hiện giao lưu với cử tri thông qua việc báo cáo, việc trả lời tiếp thu ý kiến của cử tri mà thông thường người có chức vụ cao trong số đại biểu Quốc hội có mặt đảm nhiệm sẽ đảm nhiệm còn các đại biểu Quốc hội khác thì ngồi nghe và tự mình tiếp thu...

Vậy nên, cũng có rất nhiều đại biểu suốt cả nhiệm kỳ khoảng 10 lần tiếp xúc cử tri cũng chủ yếu là đi để nghe, tham dự cho đủ quân số. Thực ra, lỗi đôi khi cũng không hoàn toàn do các đại biểu ngại nói, ngại giao lưu mà bởi vì trong một buổi tiếp xúc cử tri ngắn gọn như thế không đủ thời gian cho tất cả các đại biểu giãi bày.

Việc cử đại diện của cơ quan chức năng ở địa phương tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri chưa được đầy đủ, thường xuyên do phải phân tán đại diện tham dự nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong cùng một khoảng thời gian. Việc tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tại một địa bàn, trong khoảng thời gian ngắn cũng gây khó khăn trong việc cử đại diện tham gia của các cơ quan phối hợp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc có lúc, có nơi chưa cao.

Công tác tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri đôi luc còn chậm, lúng túng, thiếu chính xác, chưa phân loại rõ ý kiến nào thuộc thẩm quyền của trung ương, tỉnh, huyện, xã để chuyển đến đúng địa chỉ giải quyết. Việc chuyển, theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm thường xuyên, chưa quyết liệt. Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc tham gia tiếp xúc cử tri cùng đại biểu dân cử để kịp thời tiếp thu, giải trình, trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.Việc thu

thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được thường xuyên, mới chủ yếu thực hiện qua các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.

Ngoài những tồn tại kể trên, nguyên nhân quan trọng quyết định hiệu quả tiếp xúc cử tri là việc tiếp thu, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây chính là thước đo hiệu quả tiếp xúc cử tri, nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng một số nơi cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, hoặc việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa đầy đủ, chính xác. Lần tiếp xúc đầu tiên thì rất hồ hởi, phấn khởi nhưng càng về sau càng trở nên nhàm chán. Từ đó dẫn đến tình trạng có một số trường hợp “cử tri không muốn gặp đại biểu, đại biểu ngại tiếp xúc cử tri”.

Công tác chuyển, theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri làm chưa được thường xuyên, chưa quyết liệt. Công tác giám sát của các cơ quan của Quốc hội đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn bất cập, chưa góp phần thúc đẩy trách nhiệm giải quyết ý kiến, kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức nên chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri còn ở chừng mực nhất định.

Một phần của tài liệu LUẬN văn LUẬT HÀNH CHÍNH HOẠT ĐỘNG TIẾP xúc cử TRI của đại BIỂU QUỐC hội – THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)