Đến với văn chương là đến với con đường công phu khổ luyện, nhà văn lại mang trên vai sứ mệnh cao cả mà cuộc sống đã ban cho. Đối với anh, nghề văn giống như một cái nghiệp không dễ gì chối bỏ. Một lần, trong cuộc trò chuyện cùng nhà văn Phong Điệp, Trần Nhã Thụy từng thổ lộ “Khi biết tôi chọn con đường viết lách (lập thân) ba tôi có nói với tôi rằng: “Viết văn khó lắm. Đừng đùa”.
Ba tôi còn nói thêm: Con người ta sống, phải trong 5 -10 năm mới có một ý tưởng (chưa phải là tư tưởng) trọn vẹn là của mình mà mình có thể mang ra “xài” được.
Càng ngày tôi thấy điều ba tôi nói là đúng. Và, tôi cũng chia sẻ điều mà nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: Trong bụng không có ba vạn cuốn sách và trong mắt không có núi sông kỳ lạ thì đừng tính chuyện làm văn”. Vậy nên, trong sáng tác Trần Nhã Thụy không chọn cách viết nhanh, viết nhiều chạy theo số lượng mà luôn đầu tư cho chất lượng tác phẩm bằng cách lặng lẽ suy nghĩ và lặng lẽ viết trong sự trải nghiệm của chính mình. Miệt mài, nghiêm túc, kiên trì với những trang viết nên những tác phẩm của anh đã để lại những ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.
Quan niệm về Văn học: “Viết, là tự lưu đày bản thân như Linda Lê nói, hay tự sát thương mình, theo tôi cũng là theo nghĩa đó. Quả là buồn khi người đọc chỉ chăm chú theo dõi truyện kể gì, mà không hề để ý tới việc tác giả ứng xử với câu chữ như thế nào”. Điều này có thể hiểu rằng: nghề viết văn là nghề vất vả, đòi hỏi nhà văn phải luôn có sự đầu tư gia công cho tác phẩm của mình từng câu chữ, phải có ý thức trách nhiệm với công việc viết lách của mình, để làm sao mang đến cho người đọc những tác phẩm có chất lượng, khơi dậy những rung cảm thẩm mỹ nơi người đọc.
1.3.1. Trần Nhã Thụy với thể loại truyện ngắn
Dõi theo những trang văn của Trần Nhã Thụy với những tập truyện ngắn đầu tay Lặng lẽ rừng mai, rồi Những bước chậm của thời gian, đến truyện dài Thị trấn có tháp đồng hồ, tiếp theo là Mùi gồm tập truyện ngắn và tạp văn, ta thấy nhà văn bước đầu đã khẳng định được một phong cách riêng, một giọng văn riêng: Đó là giọng kể trầm buồn, chậm và phảng phất bóng dáng của những câu triết lý. Giọng văn của Trần Nhã Thụy không chao chát, đay nghiến như một số giọng văn thời thượng. Không ồn ào, không tô vẽ, giọng văn anh đi vào lòng độc giả rất khẽ, rất
nhẹ, nhưng lưu lại thật lâu. Truyện ngắn là thể loại mang nhiều điểm mạnh cũng như đem lại nhiều vinh quang cho Trần Nhã Thụy. Với truyện ngắn, anh thường lấy đề tài từ chính cuộc sống thường ngày, những điều diễn ra thân thuộc xung quanh anh. Đâu đó trong truyện ngắn của Trần Nhã Thụy, người đọc vẫn bắt gặp cái vẻ buồn buồn đầy suy ngẫm, trải nghiệm trên những trang viết.
Tập truyện ngắn Lặng lẽ rừng mai (2000) , gồm 156 trang, là tập truyện ngắn đầu tay của Trần Nhã Thụy, là tập hợp của 14 truyện ngắn đã gây được tiếng vang với người đọc. Với 14 truyện ngắn: Sông Phố, Chợ Chiều, Câu chuyện tình yêu, Huyền thoại phố, Người mẹ, Con chim bìm bịp, Quán trà, Quận mới, Ngửa cổ lên trời, Bồng, Lặng lẽ rừng mai, Lũng Voi, Con ngựa, Thời tiết. Đặc biệt, chùm ba truyện ngắn: Lặng lẽ rừng mai, Lũng Voi, Con ngựa đã được trao giải “Giải thưởng Truyện ngắn trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 1998)”. Lặng lẽ rừng mai chính là tiếng phát nổ đầu tiên của Trần Nhã Thụy trên văn đàn Việt Nam. Đọc Lặng lẽ rừng mai, ta thấy được tâm tình của một người con xa quê vào Nam lập nghiệp, rồi cái làng quê nơi anh sinh ra và lớn lên trước khi vào Sài Gòn học đại học vào năm 1991, hình ảnh người mẹ tần tảo, hình ảnh của những mối tình đầu, nhẹ nhàng, sâu lắng, cùng với cuộc sống đời thường của những con người, của những số phận mà Trần Nhã Thụy đã được chứng kiến. [49;40]
Tập truyện ngắn thứ hai của Trần Nhã Thụy mang tên Những bước chậm của thời gian (2004). Tác phẩm này đánh dấu sự chuyển biến trong chính cách viết của Trần Nhã Thụy. Với 12 truyện ngắn, Phong cảnh Tây Liêu, Con Quỷ vả Thằng Nhỏ, Thằng Mèo, Lũng Voi, Miền Đông, Câu chuyện nước đá, Con ngựa, Đường chim bay, Những bước chậm của thời gian, Dưới cơn mưa tầm tã, Người đàn ông và con chó nhỏ, Cửa sau thành phố, dường như chính Trần Nhã Thụy cũng viết
“chậm lại”, suy ngẫm nhiều hơn trong cách viết văn của mình. Trong Những bước chậm của thời gian, tác giả tập trung miêu tả cách mà con người đến từ quá khứ thích nghi với cuộc sống hiện đại, khả năng ứng biến của con người trước tốc độ phát triển của hiện thực cuộc sống, trong đó những mảnh vụn của hiện thực, tiềm thức và mộng tưởng được nhào trộn và kết nối bằng một giọng văn giàu hình ảnh, những câu chuyện thú vị không kết thúc ở dấu chấm cuối cùng. [49;41]
Tập truyện ngắn Chàng trẻ măng ở phố treo đầu xuất bản năm 2008 với độ dài 182 trang. Cả tập truyện 15 truyện ngắn là 15 cách nhìn nhận khá tinh tế và đầy cảm thông mà chúng ta thường lãng quên trong cuộc sống thường nhật xô bồ. Tập truyện ngắn này của Trần Nhã Thụy là một phức hợp của nhiều chi tiết được chắt
chiu, gạn lọc như đãi cát tìm vàng từ cuộc sống thường ngày, mà nhiều khi chúng ta thờ ơ với chúng. Qua lăng kính của anh, những con người không biết tên ấy như chú bé trên cầu, chàng thanh niên ở phố treo đầu, chàng bán mía, người pê-đê già...
thực sự sống động và chất chứa tâm trạng. 15 truyện ngắn, mỗi truyện ngắn là một câu chuyện khác nhau gồm: Cửa sau thành phố, Cô gái trên tàu, Ghi chú về những tấm gương, Linh tinh chuyện linh chi, Chú bé trên cầu, Những bông lúa chín phạt tôi, Người pê-đê già, Xảy ra ở thị trấn thứ ba, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu, Thèm hôn, Sự cố hàng không, Thời gian xao động, Đệ tử haiku, Chàng bán mía, N.
mất tích. [49;41] So với các tác phẩm trước, tập truyện này của anh hóm hỉnh hơn, giọng văn vui hơn. Một chút trầm mặc, nhẹ nhàng trong Xảy ra ở thị trấn thứ ba, một chút tếu táo và đùa nghịch trong Chàng bán mía, một chút phi lý trong N. mất tích… nhiều “một chút” trong tập sách đủ cho thấy nỗ lực của một cây bút không chỉ muốn làm mới mình trong văn chương mà còn muốn nhìn lại cảm xúc của mình với văn chương.
Tuyển tập truyện ngắn, tản văn có tựa đề Mùi lại ở một cách thức khác.
Tuyển tập là tổng hợp của 8 truyện ngắn và 12 tạp văn của Trần Nhã Thụy. Ở đây, Đến với Mùi lần này, Trần Nhã Thụytác giả đem đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị. Đọc Mùi, ta sẽ có cảm giác thích thú, như tự nhiên đi lạc vào vùng gió trời, tự nhiên được thưởng thức một thứ hương vị lạ. Những truyện ngắn trong Mùi mang đến cho người đọc nhiều khoảng vắng, những khoảng vắng đưa ta đến gần hơn với văn chương. Trần Nhã Thụy đã tìm ra một thứ bí mật của riêng mình khi viết Mùi. Anh kể cứ như không những chuyện thường tình có, bất thường có, sắp đặt có, vu vơ có. Những câu chuyện tự nó như trăng chảy trên đồng cỏ, lênh láng mà vẫn nguyên vẹn, tan loãng mà không tan biến mất. Đó là cảm giác khi đọc những truyện: Băng đầu trọc, Những kẻ câu đêm, Dưới cơn mưa tầm tã. Cũng chính ở đây, cái thực, rất thực, rất đời thường lại trở nên phi thực, ảo ảnh, dù ngôn ngữ và câu chuyện của Trần Nhã Thụy không đi sâu vào thế giới ẩn ức, cũng không chủ ý tạo dựng cái phi thực, cái siêu nhiên. Cái không khí hư thực đó không dễ cảm, dễ phân tích ra, chỉ có lúc nào đó tự nhiên ta chuồi vào, bồng bềnh không ngờ. Như khi lạc vào một bài Đường thi đầy sương, khói, lửa đèn, tiếng chuông mà vắng người, dù người vẫn đâu đó, nhưng là bài Đường thi “hiện đại”, thường mang theo nỗi hoảng hốt bất an về kiếp người và những cú chém ngẫu nhiên của định mệnh dưới “những cơn mưa tầm tã”. Do đó, nhân vật của Trần Nhã Thụy không phải là những “mẫu hình”, cũng không phải những biểu tượng mà giống như các
phát hiện hư thực về đời sống thường nhật: chàng bán mía thành người nghệ sĩ thực thụ, anh chàng trẻ măng nằm dài trên xe máy sở hữu cả một góc trời riêng, gã đàn ông dành hàng giờ để đèo con đạp xe lòng vòng và vui với mấy thứ rau càng cua mọc dại nơi sắp mọc lên những biệt thự khang trang, một tay nhà văn phải lòng và chung sống với một cô nàng vì “cái rổ quýt vàng ươm rất đẹp”, mất nàng vì cái tật đặt sách lên bụng hàng đêm và lại có lại được nàng khi quấn quít da thịt nhau trên cỏ thơm trong tiếng cá quẫy vào mặt nước đen thẫm đâu đó khi những kẻ câu đêm như biến mất hoàn toàn.[46]
Trong những tác phẩm của mình, Trần Nhã Thụy đề cao phong cách viết thật, nói thật, chẳng thế mà anh nhà văn quèn trong truyện ngắn Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh trong tập truyện Mùi (2011) lại từ chối hợp tác với vị đạo diễn lừng danh, chỉ vì lý do: “Tôi không thể viết một cái mà phải ăn cắp hay dựa dẫm trên rất nhiều cái của người khác. Vấn đề không phải tôi đạo đức hay ngạo mạn, mà đó là do những thói quen từ khi còn rất bé”. Tiếp đó, anh nhà văn suy nghĩ về nghề viếtt : “Nếu làm nhà văn thì không nên bắt chước người khác, tuyệt đối không được ăn cắp, chẳng hay ho gì mà phải đứng trên vai của người khác”.
[43;105] Cái anh nhà văn ấy không quên thực tế hoàn cảnh của mình. Một tên nhà văn quèn đang sống trong mâu thuẫn và bế tắc. Cuộc sống khó khăn mâu thuẫn và bế tắc ấy bỗng nhiên đem đến cho anh ta cơ hội hợp tác với đạo diễn lừng danh.
Nhưng không biết phải làm thế nào. Anh đã từ chối hợp tác với đạo diễn lừng danh, mặc dù theo lời đạo diễn nói “chúng tôi xem ra là một cặp phản ứng nhanh rất hiệu quả” [43;105]. Sự từ chối đã đánh mất chính cơ hội đổi đời của tên nhà văn nhưng đã làm sáng lên nhân cách của anh ta. Điểm sáng đó là cách sống tự thân không dựa dẫm vào người khác, như một tuyên ngôn trong nghề văn. Phải chăng anh nhà văn quèn trong truyện ngắn ấy phảng phất bóng dáng của Trần Nhã Thụy, là nguyên mẫu từ chính con người tác giả. Có lẽ điều đó đã tạo nên một nét riêng biệt trong phong cách sáng tác Trần Nhã Thụy, vì theo anh văn chương hay với nhiều thói quen khác được hình thành qua giáo dục từ thuở bé.
Tóm lại, trong làng văn nghệ trẻ, Trần Nhã Thụy là một nhà văn tuy quen mà lạ, tuy lạ nhưng vẫn thân quen. Thế giới truyện ngắn của Trần Nhã Thụy, dường như cuộc sống như đang tự khôi phục từ trong những nguyên liệu ban sơ, chính vì vậy nó khá nhẹ nhàng, đượm chút buồn, đặc biệt là khi đưa ra một cách tiếp cận, một góc nhìn thú vị về nhiều mặt của đời sống tưởng chừng không còn mới. Đó
chính là khám phá sáng tạo, cái làm nên nét độc đáo của truyện ngắn Trần Nhã Thụy, vốn được nhiều người trong giới công nhận tài hoa.
1.3.2. Trần Nhã Thụy với thể loại tiểu thuyết
Bên cạnh truyện ngắn, tiểu thuyết là một mảng rất thành công của Trần Nhã Thụy. Hai cuốn tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước và Hát khi xuất bản đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước.
Cuốn tiểu thuyết đã gây xôn xao dư luận vì đoạt nhiều sự vinh danh, được tái bản nhiều lần. Không phải nhà văn nào có tiểu thuyết đầu tay cũng được bạn đọc đón nhận như Trần Nhã Thụy, mới in đã tái bản. Dù đây không phải cuốn sách dễ đọc dễ cảm khi anh thể hiện bằng thi pháp khá hiện đại. Và không chỉ bạn đọc, mà ngay cả trong giới văn chương cũng trân trọng, ít nhất thể hiện qua tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM và vào chung kết giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Một lần nữa, qua ngòi bút của nhà văn, một thế giới u uẩn của nỗi đau cá nhân lại tái hiện.
Toàn bộ các nhân vật trong tiểu thuyết này của Trần Nhã Thụy đều không có tên riêng, họ chỉ có những cái tên được miêu tả qua công việc của mình như nhà văn trẻ, người bảo vệ, người đi câu, lão giữ xe, cô nàng bóng rổ, hay bác sĩ thú y…
Nội dung chính của truyện khá quen thuộc, một anh nhà văn trẻ từ vùng quê lên thành phố kiếm sống, anh có gia đình và một công việc tương đối ổn định. Câu chuyện mở đầu nhẹ nhàng với những tâm sự về cuộc sống giữa một thành phố sôi động cùng đủ những mặt hỉ nộ ái ố của nó. Xuyên suốt truyện có một câu nói “Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ” [51]. Nếu đoạn đầu, câu nói đó thuần túy mang nghĩa đen miêu tả việc ăn uống giữa thành phố đầy những món ăn bị nhiễm độc do hoạt động công nghiệp và nhu cầu lợi nhuận của người bán thì với việc biến mất của người vợ, câu nói trên lại biến thành một nghĩa khác. Ở đây, Trần Nhã Thụy có lẽ đã phần nào chịu ảnh hưởng một chút từ nhà văn Nhật Haruki Murakami hay nhà văn Thuận, những người cũng có nhân vật người vợ biến mất một cách bí hiểm. Sự giống nhau còn ở chỗ việc biến mất của người vợ trong Sự trở lại của vết xước trở thành một tâm điểm cho quá trình biến đổi của nhân vật chính. Từ những đau đáu trong cuộc sống hiện thực đến những dằn vặt của tinh thần trước một bi kịch cá nhân, sự thay đổi trong suy nghĩ đã kéo theo những biến đổi trong cái nhìn của anh về cuộc sống của những người bạn xung quanh.
Tiểu thuyết này của Trần Nhã Thụy là một câu chuyện buồn mang chất bi kịch với những suy nghĩ nội tâm đầy triết lý. Tuy nhiên, khác với cái bi kịch tăm
tối trong Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Haruki Murakami hay cái giày vò giằng xé của T mất tích của nhà văn Thuận, Sự trở lại của vết xước buồn nhưng không bi thảm, u uẩn nhưng tránh được tuyệt vọng. Hình ảnh đứa bé con trai của nhà văn - nhân vật chính vừa góp một chút vào cái nỗi buồn chung của tác phẩm lại vừa là đốm sáng của hy vọng ngay trong những đoạn u ám nhất khi cái chết của người bạn đẩy nhà văn đến chỗ mất hết hy vọng vào cuộc sống. [51]
Với Sự trở lại của vết xước, Trần Nhã Thụy đã khẳng định được tài năng của mình trong việc miêu tả nỗi đau, miêu tả sự dằn vặt. Từ nhân vật chính đến các nhân vật nhỏ nhoi chỉ xuất hiện thoáng qua đều có một khoảng lặng để bạn đọc cảm nhận được cuộc đời sướng khổ của họ. Thế nhưng, đồng thời ở đây đã xuất hiện cái khuyết của tác giả. Các nỗi đau cá nhân rất thật nhưng lại tách rời khỏi hiện thực xã hội. Cái xã hội mà nhà văn - nhân vật chính sống được miêu tả rất mờ nhạt và chỉ như một chút gia vị cho thêm vào các nỗi đau cá nhân. Mà một tác phẩm muốn tạo sự rung động cho độc giả lại đòi hỏi hơn thế. Cái bi kịch cá nhân muốn nhận được sự rung cảm của người đọc phải điển hình cho bi kịch của số đông, trong một hiện thực xã hội ngồn ngộn mà nhân vật đang bơi lặn trong đó. Ở góc độ một tiểu thuyết tâm lý xã hội, Sự trở lại của vết xước có thể xem là một sự lên tay đầy thành công của Trần Nhã Thụy.
Còn Hát là tiểu thuyết mới nhất, được Trần Nhã Thụy ấp ủ sáu năm và cuối cùng cũng ra mắt độc giả năm 2014. Hát đi sâu vào đời sống tâm lý hiện đại. Ở đó, lạc lõng, muốn chạy trốn, bị tan rã, bị lột trần, bị dồn vào chân tường vô cảm, là tâm trạng phổ quát. Với Trần Nhã Thụy, một khi tất cả các giác quan của con người bị bịt kín, trong một cuộc sống như bị đổ bê tông, thì có thể nói, thính giác gần như vẫn còn khả năng nhanh nhạy nhất - gắn kết con người với sự sống đến phút cuối cùng. Như hai nhân vật Kỷ và Lý đối thoại, “giác quan cuối cùng mất đi khi người ta chết chính là thính giác. Có nghĩa khi không còn thấy bằng mắt, không còn ngửi bằng mũi, tê liệt hết vị giác, thì con người ta vẫn có thể nghe”. Và như chính chủ đề của tiểu thuyết trích dẫn từ câu thơ của nhà thơ Hoàng Hưng: “Có bao nhiêu nát tan/ Đội lên đầu mà hát”, đó là cách tồn tại đẹp nhất trong cuộc đời này.[47]
Nhân vật chính của tác phẩm là Kỹ, một kỹ sư hóa học thất nghiệp sống cô đơn giữa Sài Gòn, có một số tiền gửi ngân hàng, thỉnh thoảng lại đi làm thêm nọ kia. Đó là những công việc làm thêm đầy danh giá dưới mắt người đời: làm dự án bất động sản, dịch thuật. Kỷ sống thờ ơ, không mục đích, không niềm vui, một kiểu “sống mòn” của tri thức Việt Nam thời đương đại. Bên cạnh Kỷ là những con