Chương 3 ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TẠP VĂN TRẦN NHÃ THỤY
3.2. Sự dung hợp, pha trộn thể loại trong tạp văn Trần Nhã Thụy
Tạp văn là thể loại văn học có sự kết hợp giữa văn chương và báo chí. Để có những tác phẩm tạp văn phong phú về hình thức, đặc sắc, ấn tượng về nội dung thì Trần Nhã Thụy đã có sự kết hợp sáng tạo dung hợp, pha trộn các thể loại giữa báo chí và văn chương như phóng sự - báo chí và thể loại kí.
3.2.1. Thể loại phóng sự - báo chí
Phóng sự là một thể loại của ký, là sự kết nối trung gian giữa văn học và báo chí. Phóng sự là một thể loại báo chí phản ánh những sự kiện, sự việc, vấn đề đang diễn ra trong hiện thực khách quan đến hoạt động và số phận của một hoặc nhiều người bằng phương pháp miêu tả hay tự thuật, kết hợp nghị luận ở mức độ nhất định. Do đó, phóng sự nghiêng hẳn về phía tự sự, miêu tả, tái hiện sự thật, nhưng nội dung tự sự thường không dựa vào một cốt truyện hoàn chỉnh. Phóng sự cung cấp cho người đọc một cái nhìn cận cảnh và toàn cảnh về một hiện tượng, thường là đặc biệt, diễn ra trong xã hội. Do đặc thù của thể loại, tính chân thật về thời gian, địa điểm, sự kiện, con người và chi tiết là những yếu tố cốt lõi của của phóng sự.
So với các thể loại báo chí khác, phóng sự là thể loại có thể kết hợp những tính chất văn học một cách hiệu quả trong quá trình phản ánh một hiện thực thời sự và xác thực, thông qua vai trò quan trọng của nhân vật trần thuật, của các nhân chứng và bút pháp; ngôn ngữ, giọng điệu sinh động, giàu hình ảnh và cảm xúc. Về nội dung, phóng sự phản ánh hiện thực dưới dạng một bức tranh sống động, vừa có tính khái quát, vừa rất cụ thể, chi tiết, sống động. Đây là thể loại rất thích hợp với những đề tài có tính nhân văn sâu sắc.
Có những bài tạp văn được Trần Nhã Thụy pha trộn với thể loại phóng sự là Cái lồng chim; Bi hài kịch… mang tên vàng; Giá sách và khối C; Sài Gòn… mê trận quán; Sự ngớ ngẩn của ngôn từ; Tại sao ebook?; Trong những ngôi nhà Sài Gòn; Xin lỗi, ông là ai?; Sài Gòn mang đến và mang đi… Với bài Cái lồng chim, nhà văn viết về cái lồng chim của một họa sĩ tên N, đây thuộc loại lồng chim quý và hiếm vì nó được đặt làm ở Quảng Châu (TQ) do một nghệ nhân đã 80 tuổi làm trong tám tháng. Với lối viết nghiêng về tự sự, miêu tả chi tiết cung cấp cho người đọc cái nhìn cận cảnh về một tác phẩm nghệ thuật lồng chim độc đáo có một không hai này,. Ngôn ngôn ngữ được dùng để miêu tả thật sống động, vừa cụ thể chi tiết, vừa khái quát: Họa sĩ N xoay chiếc lồng trên tay, thủng thẳng: “Để biết một cái lồng có đẹp hay không thì phải xem nan có thẳng hay không; thẳng và đều, rờ mịn, không xước tay, đó là lồng tốt. Nhưng giá trị của lồng chim là ở đế lồng; đế lồng phải bằng tre thì mới độc, vì cẩn, chạm trên tre (có thớ dọc) bao giờ cũng khó và đòi hỏi tay nghề điêu luyện hơn trên gỗ…” [41;11] Những thông tin đưa ra đều thể hiện tính chân thật về con người, về sự kiện, sự vật, hiện tượng. Và nhà văn lại miêu tả cái lồng khác, cũng độc đáo không kém: “Cái lồng mà họa sĩ N đang cầm trên tay để “thuyết trình” là cái lồng Họa Mi 52 nan (người ta tính chiều rộng của lồng bằng nan), đế chạm khắc tích Tam Quốc Chí được thể hiện bởi bàn tay nghệ nhân điêu luyện. cảnh hiện lên thành nhiều lớp: cảnh trời mây xa xa, cảnh núi non, thành quách, cảnh người ngựa chạy tháo trong trận loạn và cận cảnh các gương mặt anh hùng trong Tam Quốc Chí, mỗi hình ảnh đều thể hiện sống động tính cách của từng nhân vật…. Hỏi rằng cái lồng giá khoảng bao nhiêu. Họa sĩ N cười: “Giá khoảng 1.500 USD. Nhưng đây là cái lồng không bán. (…) Những cái lồng độc đáo này, có thể “tham khảo” ở nhà họa sĩ N, này nhé: lồng nuôi chim Khoen (còn gọi là Vành Khuyên) đã được 100 năm, đế chạm Thập Bát La Hán, đồ ngà chạm Bát Tiên, bộ cóng Ngũ Phúc Lâm Môn, đồ cổ cuối đời Thanh… (giá 2.500 USD); lồng Khoen: đế chạm Bát Bửu (tám món quý TQ), cóng Tứ Đại Mỹ Nhân, chao lồng nạm vàng… (giá 1800 USD…)”[41;12,13]
Câu chuyện Bi hài kịch… mang tên vàng, nhà văn nói về thực trạng báo động về những vụ án cướp tiệm vàng. Đây là những vấn đề “nóng” được báo chí thường xuyên đề cập đến, đang diễn ra trong đời sống xã hội, liên quan đến hoạt động và số phận của nhiều người. Đó là những câu chuyện về bi kịch vàng. Với phương pháp tự sự, miêu tả kết hợp nghị luận, Trần Nhã Thụy đã cung cấp cho người đọc thông tin về những vụ án cướp tiệm vàng táo tợn và những hung thủ giết
người tàn độc. Lê Văn Luyện, một tên sát thủ máu lạnh, cướp tiệm vàng rồi ra tay sát hại cả gia đình ba người ở Bắc Giang đêm 23.8.2011 đã làm rúng động dư luận.
Những thông tin thời sự được Trần Nhã Thụy cập nhật rõ ràng: nhắc đến cái tên Lê Văn Luyện và nhắc đến cái đêm kinh hoàng ngày 23.8 thì chợt nhớ đến giá vàng sáng ngày 23.8. Đó là một ngày giá vàng vọt lên như ngọn sóng thần: 29 triệu đồng/ lượng. Lời bình luận mang tính triết lý của nhà văn như chứa một sức nặng của lòng tham nhấn chìm lương tâm con người: “Khi giá vàng lên đỉnh thì tội ác được sinh ra.” [44;21] Người viết cũng cảnh báo thêm rằng: những kẻ thủ ác đã nằm trong trại giam nhưng những kẻ có máu khát vàng đến lạnh lòng thì vẫn còn nhiều lắm. Tác giả cũng đưa thêm thông tin về một Việt kiều Mỹ cầm đầu một nhóm cướp tiệm vàng ở Bình Thuận, bị công an cùng dân chúng căm giận đuổi bắt và cướp xe. Trên đường lái xe tháo chạy, chúng đã tông chết một người dân vô tội.
Tội ác được gây ra cũng từ lòng tham vàng. Rõ là bi kịch vàng, hay nói đúng hơn là bi kịch từ lòng tham vàng vô tận của những kẻ cướp máu lạnh.
Bài Xin lỗi, ông là ai?, đây là những trang viết đầy tính thông tin thời sự của Trần Nhã Thụy về vấn đề tranh chấp tác quyền kịch bản phim truyện của hai nhà văn cũng khá tên tuổi trong làng văn nghệ. Như những thông tin mà chúng tôi đã nêu trong phần “Văn hóa ứng xử trong quan hệ giữa người với người” , phần này chỉ nói ngắn gọn về nghệ thuật dung hợp giữa thể loại văn chương và phóng sự - báo chí được Trần Nhã thụy sử dụng trong bài tạp văn này. Đầu tiên, nhà văn trích dẫn thông tin thời sự từ báo Thể Thao & Văn hóa về vụ “lùm xùm” giữa nhà văn Anh Động và nhà văn Đoàn Minh Tuấn về tác quyền kịch bản phim truyện Huyền Thoại 1C. Sau đó, anh tóm tắt cụ thể sự việc tranh chấp tác quyền kịch bản phim của hai ông nhà văn bằng những thông tin chính xác từ báo Tuổi Trẻ, báo Thể Thao & Văn hóa, có đầy đủ sự kiện, ngày tháng, tên nhân vật, nhân chứng, cũng như những lời hỏi khó nhau của hai nhà văn này: “Đoàn Minh Tuấn là ai?” – đó là câu trả lời của nhà văn Anh Động. Còn nhà văn Đoàn Minh Tuấn thì bảo “ông Anh Động nào đó”, thì cũng có nghĩa là không biết Anh Động là ai.” [44;163] Sau cùng là lời bình luận của Trần Nhã Thụy về cách ứng xử của hai ông trước cơ quan thông tấn báo chí: “Có thật vậy không? Có thật là hai nhà văn này hoàn toàn không biết nhau? Biết ở đây cũng có thể hiểu theo nghĩa là biết tên nghe tiếng. Tôi thì tôi nghĩ không đến mức là không hề biết nhau như vậy, nhất là họ cùng làm nghề văn, nghề biên kịch lâu năm.” [44;163] Rõ ràng với cách đối đáp như thế,
công chúng thấy thật không ổn, có gì đó không được hay cho lắm vì họ cùng là những nhà văn có tên tuổi lâu năm.
Hay như trong bài Tại sao ebook?, thể thức, ngôn ngữ và nội dung thông tin đều mang đậm dấu ấn của thể loại phóng sự - báo chí. Với bài viết này, Trần Nhã Thụy muốn lý giải nguyên nhân vì sao ngày ngay việc đưa và đọc sách điện tử trên mạng internet là phổ biến, được đông đảo giới trẻ hưởng ứng. Để tạo mức độ tin cậy cao cho bài viết, nhà văn đưa ra những thông tin thống kê số liệu, tên tuổi các nhân vật cùng những sự kiện có thật, vốn là những đặc điểm của thể loại phóng sự - báo chí. Mở đầu bài viết Trần Nhã Thụy đưa tin: “Trong tiểu luận “Tại sao văn chương?” (“Why Literature?” đăng trên tờ New Republic, 14.05.2011) nhà văn đoạt giải Nobel 2010 Mario Vargas có nhắc tới cuộc viếng thăm Viện Hàn Lâm Hoàng gia Tây Ban Nha của Bill Gates, mà Vargas Llosa cho rằng nếu có mặt ở đó thì ông sẽ “la ó”. Bill Gates đã phát biểu điều gì gây sốc chăng? Bill Gates bảo rằng, mục tiêu cao nhất trước khi ông qua đời là đặt dấu chấm hết cho giấy viết rồi sau đó là sách in. Đương nhiên là computer sẽ thay thế vai tró đó.” [44;131]
Kế đó, anh đưa số liệu thống kê của Amazon.com để minh họa cho thực tế “theo thời gian, có thể thấy sách điện tử (ebook) đang dần thay thế cho sách in”. “Theo thống kê của Amazon.com thì trên thế giới hiện nay cứ 100 cuốn sách giấy bán ra thì có 143 sách điện tử được bán tương ứng, cứ 33 tháng bán sách điện tử thì bằng 15 năm bán sách giấy.” [44;132] Tiếp tục, nhà văn đưa thêm dẫn chứng Việt Nam cũng đã có Alezaa.com là công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Vinapo (Hà Nội), đã chính thức ra mặt độc giả vào tháng 8.2011. “Đến thời điểm này, Alezaa.com là nơi làm và bán sách điện tử có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam. Các tác giả sau khi nhượng bản quyền cho Alezaa.com thì sẽ được “ăn chia” 50-50 trên 70%, tức một cuốn sách bán ra, sau khi trừ 30% chi phí phát hành, số còn lại sẽ “cưa đôi”.
Trong ngày ra mắt Alezaa.com tại Hà Nội vừa qua, có khoảng 200 nhà văn đến tham dự thì hầu hết hào hứng với cách làm mới này.” [44;132] Cuối cùng, người viết đưa ra những vấn đề bàn luận về sự tiện ích của sách điện tử đối với sinh viên, với các nhà văn trong nước có thể coi đây là phương tiện hữu hiệu để đưa tác phẩm của mình ra thế giới. Theo Trần Nhã Thụy, việc đọc sách trên máy tính như Bill Gates nói, sẽ có nhiều lợi ích cho môi trường sinh thái, phần nào ngăn chặn được nạn phá rừng hiện nay. Đó cũng là một cách để lý giải: Tại sao ebook?
3.2.2. Thể loại kí
Kí là một loại hình văn học đặc thù nằm giữa văn học và báo chí. Kí là ghi chép các sự kiện, con người, việc làm có thật, sự sáng tạo của nhà văn không làm phương hại đến tính chân thật của nội dung phản ánh. Nhân vật kí luôn có địa chỉ.
Nói như Giáo sư Hà Minh Đức là “Các thể kí văn học chủ yếu là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống với nguyên tắc phải tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng miêu tả” (GS Hà Minh Đức – Giáo trình LLVH, NXBGD, 1995)
Kí phản ánh những vấn đề, sự kiện, con người có thật, điển hình, luôn cố gắng đảm bảo tính chân thật, chính xác của nội dung. Kí có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công chúng. Kí có hình thức co giãn thể loại linh hoạt, giọng điệu phong phú. Cái tôi trần thuật trong thể loại kí báo chí là nhân chứng thẩm định hiện thực. Về nghệ thuật, ký có giọng điệu trần thuật phong phú, độc đáo, hấp dẫn người đọc.
Bài Những cây cầu thành phố, Trần Nhã Thụy miêu tả những cây cầu của Sài Gòn, . do Do đặc điểm của vùng đất nhiều sông nước kênh rạch, hiện nay Sài Gòn có trên 800 cây cầu. Có những cây cầu tên tuổi và quen thuộc với người dân thành phố như cầu Sài Gòn, cầu Điện Biên Phủ, cầu Thị Nghè, cầu Đỏ, cầu Sắt, cầu Mống, cầu Sơn, cầu Ông Lãnh, cầu Bông… nhưng cũng có những cây cầu vô danh khác mà cũng có tầm quan trọng riêng trong việc giải quyết lưu thông. Sài Gòn cầu thì nhiều nhưng lại thiếu vắng những cây cầu đẹp. Tác giảNgười kể chuyện không giấu sự cảm thấy chạnh buồn, tiếc nuối khi thành phố không có lấy một cây cầu đẹp, để mọi người đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm. Nói về Sài Gòn không thể không nói đến bánh mì Sài Gòn, Bánh mì Sài Gòn là bài tạp văn cung cấp thông tin về một loại món ăn đường phố ở Sài Gòn hay một món ăn không thể thiếu của nhiều người dân thành phố là “Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ. Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ”, chọn bánh mì làm thức ăn nhanh buổi sáng là phương thức được nhiều người ưa chuộng. Bánh mì là món thực phẩm tiện lợi có thể dùng ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Sử dụng được mọi lúc mọi nơi. Cách thức bán bánh mì ở Sài Gòn khác ở Hà Nội. Ở Hà Nội, người ta để bánh mì trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, người bán để bánh mì trong cái xe lắp kính rất đàng hoàng. Bánh mì Sài Gòn rất ngon, đa dạng trong cách kết hợp thực phẩm, người mua có nhiều sự lựa chọn. Bánh mì, một món ăn ngon, nhanh, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu cuộc sống giản lược có chọn lọc của người dân Sài Gòn.
Hiện thực đẹp đẽ khơi dậy niềm xúc cảm trong con người, hình ảnh Một thoáng nhà thờ Sài Gòn đã khơi dậy trong lòng người đọc tình cảm yêu mến không gian của những ngôi nhà thờ xinh đẹp ở Sài Gòn. Hay câu chuyện về Người đánh bóng trên hè phố Sài Gòn là những ghi chép tản mạn về những câu chuyện mưu sinh của một người lao động chân chính bằng nghề “đánh bóng ver-ni tủ, bàn, ghế”. Bài viết được Trần Nhã Thụy sử dụng bút pháp của thể loại kí, ghi chép những hình ảnh, sự kiện người thật, việc thật, qua đó bộc lộ cái tôi đầy cảm xúc của người viết thường hay nghĩ về những người kiếm sống bằng nghề lương thiện ở hè phố. Mỗi ngày đi qua, đoạn trước công viên Tao Đàn, nhà văn vẫn thấy ông ngồi đấy, trên vỉa hè, bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng có treo tấm biển: “Đánh bóng ver-ni tủ, bàn, ghế”. Thỉnh thoảng anh lại gặp ông ấy “giao dịch” bằng điện thoại ở bưu điện Quận 3, trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Mỗi ngày đi qua anh lại thấy ông ngồi đấy, đọc báo, hay lúi húi tính toán gì đó trên một cuốn tập học trò…. Mặc cho xe cộ ồn ào, náo nhiệt ngược xuôi, ông vẫn ngồi ở đấy lặng im và nhẫn nại. Có khi, vỉa hè bỗng vắng bóng ông ngồi, người viết nghĩ rằng ông đang có một “sô”
đánh bóng tủ bàn ở đâu đó… Tiếp tục thông tin về người “đánh bóng”, nhà văn viết: “Rồi một ngày, tôi tấp xe vào làm quen với người “đánh bóng”. Ông tên Sinh, năm nay vừa chẵn 60 tuổi, quê miền Trung, hiện sống nhà thuê ở khu Rạch Bùng Binh (P.9, Q.3, TP.HCM). Theo ông Sinh cho biết thì từ năm 17 tuổi ông đã theo nghề mộc. Sau đó trở thành thợ chuyên đóng đồ “mốt”, đặc biệt chuyên sâu về kỹ thuật đánh bóng đồ gỗ... Trước đây, ông làm việc cho các xưởng mộc lớn. Nhưng độ 5-7 năm nay, ông sống bằng nghề đánh bóng ver-ni dạo, vì thích tự do, và cũng tự tin vào tay nghề của mình…” [41;98] Cũng nhờ tay nghề giỏi, mỗi tuần ông cũng có vài ba khách kêu đánh bóng tủ thờ hay ghế sa-lông. Giá của tủ thờ là 150.000đ/cái, còn ghế sa-lông thì 200.000đ/bộ. Cứ lai rai vậy, ông kiếm sống qua ngày, nhưng những ngày mưa khách ế, thì rất khổ. Thể loại kí còn được in dấu trong bài viết Đường xa, tác giả kể lại câu chuyện làm ăn mưu sinh của những người lao động nghèo. Hành trình mưu sinh trên bước đường xa nhiều vất vả nhọc nhằn, với nhiều cảnh đời khó nhọc. Họ là những người buôn bán dạo trên đường phố Sài Gòn , đủ nghề, đủ mọi địa phương tìm đến. Có người nhà ở cách xa thành phố gần 200 cây số (La Ngà – Đồng Nai), nhưng ngày nào cũng đạp xe từ Biên Hòa vào Sài Gòn để bán bắp nấu. Là người có lòng trắc ẩn trước những mảnh đời cơ cực, Trần Nhã Thụy hay nghĩ về người và nghề của mỗi người. Đời người để sống bằng một nghề lao động lương thiện bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn.