Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIẾN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.2. Dạy học kết hợp (Blended Learning - BL)
Dạy học kết hợp "Blended Learning - BL" xuất phát từ nghĩa của từ "Blend" tức là "pha trộn" để chỉ một hình thức tổ chức dạy học hết sức linh hoạt, là sự kết hợp
"hữu cơ" của nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Đây là một hình thức học khá phổ biến trên thế giới. Có nhiều định nghĩa khác nhau về học kết hợp, tuy nhiên các định nghĩa sau được sử dụng rộng rãi [20].
(1) Blended Learning = kết hợp các phương thức giảng dạy (hoặc cung cấp các phương tiện truyền thông) (Bersin & Associates, 2003; Orey, 2002a, 2002b; Singh &
Reed, 2001; Thomson, 2002)
(2) Blended learning = kết hợp các phương pháp giảng dạy (Driscoll, 2002;
House, 2002; Rossett, 2002)
(3) Blended Learning = kết hợp hướng dẫn trực tuyến và sự hướng dẫn đối mặt (Reay, 2001; Rooney, 2003; Sands, 2002; Ward & LaBranche, 2003; Young, 2002).
Theo Alvarez (2005) đã định nghĩa, học kết hợp là "Sự kết hợp của các phương tiện truyền thông trong đào tạo như công nghệ, các hoạt động, và các loại sự kiện nhằm tạo ra một chương trình đào tạo tối ưu cho một đối tượng cụ thể". Tác giả Victoria L. Tinio cho rằng "Học kết hợp (Blended Learning) để chỉ các mô hình học kết hợp giữa hình thức lớp học truyền thống và các giải pháp E - learning [22]. Mô hình học kết hợp có thể được mô tả theo hình 1.1.
Hình 1.1. Mô hình học kết hợp
Theo hình 1.1, người học tham gia vào quá trình học tập bằng hình thức học giáp mặt trên lớp (nhóm, cá nhân, seminar, hội thảo); hình thức học hợp tác qua mạng máy tính (chat, blog, online, forum) và tự học (trực tuyến/ngoại tuyến, độc lập về không gian). Với mỗi nội dung, người học được học bằng phương pháp tốt nhất, phương tiện tốt nhất, hình thức phù hợp nhất và khả năng đạt hiệu quả cao nhất.
Ở Việt Nam, Blended Learning còn là một khái niệm mới, chưa được nghiên cứu nhiều. Tác giả Nguyễn Văn Hiền có đưa ra một khái niệm tương tự là "Học tập hỗn hợp"
để chỉ hình thức kết hợp giữa cách học trên lớp với học tập có sự hỗ trợ của công nghệ, học tập qua mạng [6]. Trong nghiên cứu của mình, tác giả Nguyễn Văn Hiền đã thử nghiệm rèn luyện kỹ năng về CNTT trong dạy học Sinh học cho sinh viên khoa Sinh học
qua hoạt động kết hợp giảng dạy trên lớp với việc trao đổi qua lớp học ảo trên địa chỉ http://nicenet.org/. Đây có thể được coi là một ví dụ về học kết hợp ở bậc đại học.
Tác giả Nguyễn Danh Nam cũng đưa ra nhận định: Sự kết hợp giữa E - Learning với lớp học truyền thống trở thành một giải pháp tốt, nó tạo thành một mô hình đào tạo gọi là "Blended Learning" [11].
Ở đây chúng tôi lựa chọn cách định nghĩa theo tác giả Victoria L. Tinio coi học kết hợp là sự kết hợp, bổ sung lẫn nhau giữa hình thức tổ chức dạy học trên lớp và hình thức tổ chức dạy học qua mạng. Như chúng ta đã biết, hình thức tổ chức dạy học có sự hỗ trợ của CNTT & TT đã được triển khai rộng rãi và chúng ta thường quen với một khái niệm là dạy học tích hợp CNTT & TT. Qua phân tích khái niệm, chúng tôi nhận thấy, học kết hợp và học tích hợp CNTT & TT có những điểm giống nhau và khác nhau. Về bản chất, cả hai đều là hình thức tổ chức dạy học có sử dụng CNTT &
TT. Tuy nhiên, hai hình thức này lại khác nhau về mức độ và phương pháp. Trong dạy học tích hợp, vai trò của CNTT & TT chỉ là phương tiện và công cụ hỗ trợ cho phương pháp học trên lớp. Còn trong học kết hợp, CNTT & TT là môi trường tạo ra tri thức. Xét về chức năng, trong dạy học truyền thống, chức năng của CNTT & TT với các thành phần khác chỉ là thứ yếu; còn trong học kết hợp, CNTT & TT có vai trò ngang với các thành phần khác trong quá trình dạy học
Hiện nay, dạy học kết hợp đang chứng tỏ được sự ưu việt của mình so với các hình thức dạy học khác. Điều này được thể hiện trong các nghiên cứu được công bố của Thomson Job Impact Study (2002), Texas Instruments and Corning Glass Works (Zemke, 2006), Results - Oriented Learning (2006) của Microsoft, Schnelle (2006), Bersin (2004) [22]. Nghiên cứu của Osguthope & Graham (2003) đã chỉ ra sáu lí do để chọn thiết kế hoặc sử dụng một hệ thống học kết hợp, bao gồm: (1) sự phong phú của sư phạm (2) tiếp cận với sự hiểu biết (3) sự tương tác xã hội (4) cơ quan cá nhân (5) chi phí hiệu quả (6) dễ dàng sửa đổi. Kết quả nghiên cứu của Graham, Allen &
Ure (2003) cho thấy, đa số người dân chọn BL vì ba lí do chính: (1) hoàn thiện tính sư phạm (2) tăng tính truy cập và sự linh hoạt (3) tăng hiệu quả chi phí. Tác giả Victoria L. Tinio nhận định rằng "Không phải tất cả các chương trình học đều có thể được thực hiện tốt nhất trong môi trường trang thiết bị điện tử, đặc biệt là những
chương trình cần GV giảng dạy trực tiếp từ đầu đến cuối" [22, tr8]. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra căn cứ để lựa chọn hình thức đào tạo là đặc điểm của môn học, mục tiêu và kết quả học tập, tính cách của học viên và bối cảnh học tập để lựa chọn hình thức, phương pháp và phương tiện giảng dạy thích hợp nhất. Như vậy, học kết hợp không phải là một hình thức tích hợp CNTT & TT đơn thuần vào quá trình dạy và học.
Trong dạy học kết hợp, có thể thấy vai trò của CNTT & TT là tất yếu, cái quan trọng ở đây chính là cách sử dụng như thế nào và ra sao để đạt hiệu quả cao nhất, đem lại sự tiện lợi nhất cho cả người dạy và người học.
Theo sự phân tích ở trên và nhận định của chúng tôi qua tài liệu cho thấy giải pháp dạy học kết hợp trong điều kiện hiện nay là một tất yếu bởi những lí do sau:
(1) Xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, cơ sở vật chất hạ tầng trong giáo dục nước ta ở nhiều nơi còn thấp, chưa có khả năng phục vụ dạy học hoàn toàn qua mạng. Về phía chủ quan, giáo viên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong việc quản lý, khai thác cũng như sử dụng các hệ thống đào tạo trực tuyến.
(2) Dựa trên cơ sở khoa học của tâm lý nhận thức: con người có năm giác quan có thể tiếp thu thông tin từ môi trường, chúng ta nên tận dụng hết các phương thức tiếp cận thông tin không chỉ thông qua môi trường mạng Internet mà còn thông qua nhiều phương tiện khác để có được sự phát triển toàn diện nhất.
(3) Theo lí luận giáo dục: do đặc thù môn học, mục tiêu và kết quả học tập, tính cách, trình độ của HS và bối cảnh học tập.
1.2.2.2. Các phương án dạy học kết hợp
Trên thế giới, Blended Learning khá phổ biến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề qua mạng. Blended Learning được coi là phương án tối ưu nhất hiện nay khi mà giáo dục điện tử hay E - learning không thể thay thế được những hình thức học trên lớp. Việc học kết hợp được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Theo một số nghiên cứu được công bố đã đưa ra bốn mức độ của sự kết hợp là kết hợp ở mức hoạt động (Activity lever); kết hợp ở mức độ khóa học (Courrse lever); kết hợp ở mức độ chương trình (Program lever) và kết hợp ở mức độ thể chế (Institutional lever) [20]. Cách phân chia này dựa chủ yếu trên nội dung học. Theo chúng tôi còn có thêm những kiểu kết hợp khác nữa, thể hiện trong sơ đồ:
Hình 1.2. Những hình thức kết hợp
Sự kết hợp còn được thực hiện trong một khâu hoặc giữa các khâu của quá trình dạy học nhằm tận dụng ưu điểm trong quá trình thực hiện các mục tiêu dạy học, hoặc kết hợp giữa các phương pháp dạy học khác nhau nhằm tận dụng lợi thế từ sự hỗ trợ của công nghệ. Có thể thấy, trong dạy học kết hợp, người dạy và người học được quyền lựa chọn phương án làm việc thuận lợi nhất cho mình trong điều kiện hiện tại cho phép.
1.2.2.3. Đặc điểm của học kết hợp - Blended Learning
Dạy học kết hợp là một hình thức tổ chức dạy học hết sức linh hoạt, áp dụng những phương pháp dạy học tiên tiến và sử dụng hiệu quả những tiện ích mà công nghệ đem lại. Xét về mặt bản chất của hình thức tổ chức dạy học, dạy học kết hợp có những đặc điểm chủ yếu như sau:
- Thứ nhất: Linh hoạt về không gian và thời gian diễn ra các hoạt động dạy và học, sao cho phù hợp với từng nội dung, khả năng tổ chức vì việc học vừa diễn ra trên lớp, vừa diễn ra thông qua mạng máy tính. Thời gian học được thay đổi phù hợp với khả năng học của cá nhân HS.
- Thứ hai: Áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến hiện nay, phù hợp với nội dung dạy, tương thích với từng đối tượng học và khả năng học của HS.
- Thứ ba: Tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện. Trong học kết hợp, ngoài những phương tiện CNNTT & TT sử dụng để hỗ trợ trong dạy học truyền thống còn có sự nâng cao và khai thác tối ưu những tiện ích từ các phương tiện hiện đại khác trong đó có máy tính và Internet.
- Thứ tư: Hợp lý hóa các nội dung học. Theo đó, cấu trúc nội dung chương trình được phân chia và bố trí một cách phù hợp hơn trên cơ sở sách giáo khoa và phân phối nội dung chương trình sinh học THPT được ban hành.
- Thứ năm: Hoạt động của GV có mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất với các GV khác và nhà kỹ thuật trong việc thiết kế các nội dung, đưa ra các chỉ dẫn cho người tham gia vào khóa học.
- Thứ sáu: Hoạt động của HS là hoạt động tự học có hướng dẫn, với vai trò chủ đạo của mình, HS tích cực tham gia vào hoạt động học trên lớp "thật" và trên lớp học
"ảo". Ngoài kiến thức về chuyên môn có được, HS còn trau dồi được kỹ năng tiếp cận và làm chủ công nghệ.
1.2.2.4. Lộ trình triển khai dạy học kết hợp
Dạy học kết hợp xuất phát từ chính yêu cầu của quá trình dạy học khi công nghệ ngày càng phát triển và thâm nhập sâu rộng vào các mặt của đời sống con người. Quá trình xuất hiện của Blended Learning có thể thấy trong hình 1.3. dưới đây:
Hình 1.3. Mô hình sự phát triển của học kết hợp (theo Bonk, C. J. & Graham, 2004) Trong điều kiện hiện nay, việc dạy học kết hợp còn chưa được phổ biến rộng rãi. Do vậy, để tiến tới dạy học qua mạng đạt hiệu quả cao, cần phải có một lộ trình triển khai thích hợp. Tác giả Nguyễn Danh Nam [11] có đề xuất giải pháp kết hợp E - learning với lớp học truyền thống theo những mức độ như hình 1.4. dưới đây:
Hình 1.4. Sơ đồ các mức độ kết hợp E - learning với lớp học truyền thống Chúng tôi nhận thấy, để triển khai học kết hợp một cách hiệu quả cần phải thực hiện một tuần tự theo một lộ trình thích hợp. Qua phân tích các yếu tố ảnh hưởng và những yêu cầu cần thiết, chúng tôi đề xuất lộ trình triển khai việc học kết hợp qua ba bước như sau:
Bước 1 - làm quen: Trong bước này, người dạy và người học được tiếp xúc với những yếu tố của dạy học kết hợp. Rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho việc dạy học kết hợp như sử dụng, khai thác mạng, làm việc với phần mềm, đăng ký và đăng nhập vào hệ thống. Cùng với đó là việc phát triển hệ thống các tài liệu học tập, từng bước tiếp cận hệ thống quản lý học tập điện tử. Đây là khâu chuẩn bị, tạo tiền đề cho triển khai các bước tiếp theo.
Bước 2 - thử nghiệm: Tiến hành triển khai thí điểm một số nội dung, xem xét kết quả, phân tích và rút ra nhận định làm cơ sở cho sự điều chỉnh cải tiến các nội dung học. Hoàn thiện dần hệ thống tư liệu điện tử.
Bước 3 - triển khai: Áp dụng triển khai thực tế các hình thức kết hợp trong quá trình dạy học, thường xuyên nghiên cứu, cải tiến mô hình sao cho phù hợp.
Thực tế hiện nay, bước một đang được triển khai trong nhà trường với các nội dung đào tạo về CNTT & TT cho GV và HS. Do vậy, trong đề tài chúng tôi tập trung nghiên cứu triển khai tiếp bước hai của lộ trình tức là thí điểm xây dựng một số nội dung cụ thể nhằm đánh giá và đưa ra mô hình dạy học kết hợp có tính khả thi và hiệu quả cao nhất.