Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIẾN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
2.2. Nguyên tắc và tiêu chí xây dựng mô hình dạy học kết hợp
Để xây dựng được mô hình học kết hợp đạt hiệu quả, cần phải đưa ra được những nguyên tắc và tiêu chí làm cơ sở cho việc xác định nội dung, vận dụng phương pháp và triển khai thực hiện sao cho phù hợp với cơ sở lý luận và điều kiện thực tiễn. Về cơ bản khi thực hiện mô hình dạy học kết hợp cần thực hiện các nguyên tắc, quán triệt đầy đủ các yếu tố cấu trúc của QTDH như sau:
2.2.1. Nguyên tắc đảm bảo mục tiêu dạy học
Mục tiêu dạy học nói chung và bài giảng nói riêng có một ý nghĩa hết sức quan trọng, nó định hướng và giúp lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học và khi thực hiện sẽ quyết định thành công của kế hoạch này; nó còn định hướng cho việc tìm tài liệu dạy học; là cơ sở xác định các kết quả học tập cần đạt, để kiểm tra, đánh giá người học, người dạy cũng như giá trị của một bài giảng. Không có tiết giảng nào hiệu quả mà thiếu mục tiêu bài giảng. Một mục tiêu được xác định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính
xác giúp GV lựa chọn và sắp xếp nội dung bài giảng cho phù hợp. Mục tiêu bài giảng định hướng cho các bước tiếp theo trong kế hoạch bài dạy; dựa trên mục tiêu mà lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để bài giảng có kết quả tốt nhất. Mục tiêu bài giảng là cơ sở để GV xây dựng các câu hỏi, bài kiểm tra và các hình thức kiểm tra để đánh giá được tình trạng nhận thức của người học, đo lường năng lực của HS sau tiết giảng hay học phần môn học; là căn cứ để GV đánh giá được sự tiến bộ của HS đến mức nào theo chuẩn đã định.
Để thực hiện nguyên tắc này, cần tuân thủ những quy tắc viết mục tiêu bài học như sau:
+ Mục tiêu phải xác định rõ mức độ hoàn thành công việc của HS; nghĩa là cần chỉ rõ học xong bài này, HS phải đạt được cái gì, chứ không phải GV phải làm gì.
+ Mục tiêu phải nói rõ “đầu ra” của bài học chứ không phải nêu lên tiến trình bài học hay tóm tắt nội dung bài học.
+ Mục tiêu không đơn thuần là chủ đề bài học mà là cái đích bài học phải đạt tới.
+ Mỗi mục tiêu chỉ nên phản ánh một “đầu ra” của bài học để thuận tiện cho việc đánh giá kết quả bài học.
+ Mỗi “đầu ra” trong mục tiêu nên được diễn đạt bằng một động từ được lựa chọn để xác định rõ mức độ HS phải đạt bằng hành động.
+ Mục tiêu phải lượng hoá được mức hoàn thành công việc chứ không chỉ liệt kê đầu việc.
Hiện nay, để diễn đạt mục tiêu cụ thể nên chọn những động từ như gợi ý dưới đây:
a. Về kiến thức:
- Mức nhận biết: Nêu được, trình bày được, phát biểu được, kể lại được, mô tả được, ...
- Mức thông hiểu: Xác định được, phân biệt được, ...
- Mức vận dụng: Giải thích được, chứng minh được, liên hệ được, ...
b. Về kỹ năng: So sánh, đối chiếu, phân loại, lập giả thuyết, phân tích, ...
c. Về thái độ: Tiếp nhận, chấp nhận, hưởng ứng, tham gia, phản đối, tranh luận, ...
Ví dụ: Mục tiêu bài “Quần thể sinh vật và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể” như sau:
Học xong bài này, HS phải đạt được:
a. Về kiến thức
- Phát biểu được định nghĩa quần thể sinh vật, lấy ví dụ minh hoạ về quần thể sinh vật.
- Nêu được các mối quan hệ hỗ trợ, quan hệ cạnh trah trong quần thể.
- Trình bày được ý nghĩa của các mối quan hệ sinh thái trong quần thể.
- Giải thích được các hiện tượng tự tỉa thưa, hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”.
b. Về kỹ năng
HS tiếp tục được rèn luyện một số kỹ năng:
- Kỹ năng phân tích, suy luận logic, kỹ năng làm việc với SGK.
- Kỹ năng tự học.
- Kỹ năng ứng dụng CNTT.
c. Về thái độ
- Tiếp tục củng cố niềm tin khoa học ở HS.
- HS có ý thức và sẵn sàng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sống.
2.2.2. Đảm bảo tính chính xác của nội dung bài học
Khi thiết kế một bài giảng cần phải đảm bảo nội dung kiến thức được chính xác.
Căn cứ vào nội dung mà người GV lựa chọn phương pháp để sử dụng sao cho phù hợp.
Dựa vào nội dung để thiết kế câu hỏi, sơ đồ, hình ảnh, video... nghĩa là diễn đạt nội dung dạy học bằng các dạng ngôn ngữ khác nhau một cách chính xác.
Tính chính xác của nội dung còn thể hiện ở logic cấu trúc nội dung. Một bài học được thiết kế sao cho giữa các mục phải có sự gắn kết với nhau, mục trước làm tiền đề để giúp HS tìm hiểu mục sau được dễ dàng hơn. Cấu trúc bài giảng không nhất thiết phải giống hệt cấu trúc bài học trong SGK mà người GV có thể sắp xếp lại logic cấu trúc sao cho phù hợp với sự phát triển của nội dung và trình độ nhận thức của HS mà vẫn đảm bảo nội dung chương trình. Do đó, cần căn cứ vào nội dung chương trình và SGK, nghiên cứu kỹ bài học để đưa ra cấu trúc nội dung cho phù hợp.
2.2.3. Nguyên tắc rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian của các đối tượng nghiên cứu
Nguyên tắc này dựa trên việc khai thác triệt để sức mạnh của CNTT&TT để mô phỏng lại tất cả các đối tượng nghiên cứu diễn ra bất kỳ thời gian, không gian nào từ
cấp độ phân tử đến sinh quyển một cách nhanh chóng, chính xác. Đảm bảo nguyên tắc này trong dạy học là nguyên tắc biến cái không thể thành cái có thể, cho phép đưa vào lớp học trong khuôn khổ giới hạn thời gian của một tiết học, giúp HS tương tác tối đa với các chương trình mô phỏng nhằm phát huy tính tích cực trong quá trình học tập.
Trong dạy học Sinh học, cần vận dụng nguyên tắc này cho các nội dung kiến thức bao gồm: Các hiện tượng diễn ra trong không gian rộng; các quá trình diễn ra trong thời gian dài; các đối tượng có kích thước quá lớn hoặc quá nhỏ; các cơ chế, quá trình phức tạp bằng mắt thường không thể quan sát được; các thí nghiệm khó thành công hoặc nguy hiểm khi thực hiện cũng như liên quan đến hoá chất, thiết bị đắt tiền...
Ví dụ: Quá trình diễn thế sinh thái diễn ra ở một khu đất mới san. Đây là một quá trình diễn ra với thời gian dài, không gian rộng lớn. Để tìm hiểu về quá trình này trên thực tế thì phải mất hàng chục năm. Chính vì vậy, GV có thể xây dựng các mô hình động mô tả quá trình diễn thế nhằm giúp HS hiểu được cơ chế một cách dễ dàng.
2.2.4. Nguyên tắc đảm bảo tính trực quan và tính sư phạm
Nguyên tắc này dựa trên cơ sở bản chất của quá trình nhận thức “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan”.
Tính sư phạm thể hiện ở chỗ nội dung dạy học phải có bố cục rõ ràng, cấu trúc hợp lí, đầy đủ phù hợp với nội dung trong SGK, dung lượng kiến thức phù hợp với sự phân bố thời gian, phù hợp với trình độ nhận thức của HS và thuận lợi cho GV trong quá trình tổ chức các hoạt động trên lớp.
Đảm bảo nguyên tắc này là đảm bảo cung cấp tối đa tri thức cho HS. Nguồn tư liệu kỹ thuật số đảm bảo tính trực quan trong dạy - học là điều kiện quan trọng hỗ trợ cho quá trình quan sát tìm tòi phát hiện tri thức mới của HS. Vì vậy, các tư liệu số cần phải đạt được các yêu cầu như: Hình ảnh về các đối tượng đủ lớn để HS có thể quan sát được dễ dàng; cụ thể hoá những kiến thức lý thuyết cơ bản, đơn giản hoá các kiến thức phức tạp để HS tiếp thu một cách đầy đủ và sâu sắc; gây sự chú ý, hứng thú, kích thích được sự tìm tòi, sáng tạo, phát hiện tri thức mới...
2.2.5. Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của ứng dụng CNTT&TT
Khi được sử dụng một cách hợp lý thì CNTT&TT có khả năng kích thích hứng thú học tập của HS. Một thế mạnh đặc trưng của CNTT&TT là có khả năng tích hợp
truyền thông đa phương tiện. Người học tiếp nhận nội dung bằng nhiều kênh thông tin khác nhau (kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng...) tác động đồng thời lên các giác quan của người học. Nếu quá trình dạy học chỉ có ngôn ngữ và chữ viết thì HS sẽ thấy nội dung bài học khô khan, buồn tẻ và nhàm chán dẫn đến hiệu quả dạy và học sẽ không cao [12].
Một lợi thế nữa của việc ứng dụng CNTT&TT là có thể khai thác nguồn tài liệu phong phú trên mạng Internet. Hiện nay, có rất nhiều các trang web về dạy học trực tuyến; nhiều hình ảnh động, video đã được thiết kế sẵn trên Youtube. Để giảm bớt thời gian, GV tự thiết kế thì bằng cách đặt các đường linhk để định hướng cho HS tiếp cận những học liệu này.