Một số khái niệm

Một phần của tài liệu Tạo động lực làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức tại huyện hiệp đức, tỉnh quảng nam (Trang 20 - 25)

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ TẠO ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CHO ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

1.1. TỔNG QUAN VỀ TẠO ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC

1.1.1. Một số khái niệm

Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người, là đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển.

Đó là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được. Tùy theo trình độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm sinh lý, mỗi người có những nhu cầu khác nhau. Nhu cầu là yếu tố thúc đẩy con người hoạt động. Nhu cầu càng cấp bách thì khả năng chi phối con người càng cao và ngược lại [28].

Theo Abraham Maslow, nhu cầu của con người có thể chia làm 5 bậc được xếp từ thấp đến cao theo thứ tự: nhu cầu vật chất, nhu cầu an toàn, nhu cầu hội nhập, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định bản thân [30].

Trong một tổ chức, khi nhà quản lý hiểu được các nhu cầu của nhân viên họ sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp để đáp ứng, tạo sự yên tâm cho nhân viên làm việc lâu dài với tổ chức.

b. Động cơ làm việc

Theo tác giả Lương Văn Úc (2011): “Động cơ là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc con người, là những mục tiêu thúc đẩy hành động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu và tình cảm của họ”. Động cơ luôn gắn liền với nhu cầu của con người và hoạt động của mỗi cá nhân là thoả mãn những nhu cầu đòi hỏi của bản thân mỗi cá nhân đó [22].

Động cơ được hiểu là sự sẵn sàng, quyết tâm thực hiện với nỗ lực ở mức độ cao để đạt được các mục tiêu của tổ chức và nó phụ thuộc vào khả năng

đạt được kết quả để thoả mãn được các nhu cầu cá nhân. Động cơ là kết quả của sự tương tác giữa các cá nhân và tình huống. Động cơ có tác dụng chi phối, thúc đẩy người ta suy nghĩ và hành động. Mức độ thúc đẩy của động cơ cũng sẽ khác nhau giữa các cá nhân cũng như trong mỗi cá nhân ở các tình huống khác nhau. Do vậy, để nhân viên làm việc tốt, gắn bó với tổ chức, nhà quản lý cần hiểu rõ động cơ của nhân viên, để từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp với mục tiêu của tổ chức, bằng cách thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của nhân viên hợp lý.

c. Động lực làm việc

Hiện nay, khái niệm “động lực” có nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau. Tùy theo cách tiếp cận, mỗi tác giả đều đưa ra những quan niệm riêng về động lực. Theo Maier và Lawler (1973): “Động lực là sự khao khát và sự tự nguyện của mỗi cá nhân”, họ đã đưa ra mô hình về kết quả thực hiện công việc của mỗi cá nhân như sau:

Kết quả thực hiện công việc = Khả năng x Động lực

Khả năng = Khả năng bẩm sinh x Đào tạo x Các nguồn lực Động lực = Khao khát x Tự nguyện

Bedeian (1993): “Động lực là sự cố gắng để đạt được mục tiêu”. Higgins (1994): “Động lực là lực đẩy từ bên trong cá nhân để đáp ứng các nhu cầu chưa được thỏa mãn”.

Nguyễn Vân Điềm và Nguyễn Ngọc Quân (2007), Quản trị nhân lực cho rằng: “Động lực làm việc là sự khao khát, tự nguyện của người lao động để tăng cường nỗ lực nhằm hướng tới một mục tiêu, kết quả nào đó” [17].

Bùi Anh Tuấn (2004), Giáo trình hành vi tổ chức: “Động lực lao động là những nhân tố bên trong kích thích con người tích cực làm việc trong điều kiện cho phép tạo ra năng suất, hiệu quả cao. Biểu hiện của động lực là sự sẵn

sàng, nỗ lực, say mê làm việc nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như bản thân người lao động” [18].

Như vậy có thể khái quát, động lực là sự khát khao và tự nguyện của mỗi cá nhân nhằm phát huy mọi nỗ lực để hướng bản thân đạt được mục tiêu của cá nhân và mục tiêu của tổ chức [8]. Có thể hiểu rằng, động cơ làm việc là nguyên nhân, lý do để người lao động tham gia vào quá trình lao động còn động lực làm việc là sự thích thú, hưng phấn, thôi thúc người lao động làm việc.

Động lực làm việc của các cá nhân trong tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc cho cá nhân và cả tổ chức.

Do đó, nhà quản lý cần có biện pháp định hướng người lao động hướng tới mục tiêu chung của tổ chức trên cơ sở tạo động lực làm việc cho họ.

d. Tạo động lực làm việc

Tạo động lực làm việc là hệ thống các chính sách, biện pháp, thủ thuật quản lý tác động đến người lao động nhằm làm cho người lao động có động lực trong công việc [17].

Tạo động lực là hướng người lao động tới mục tiêu của tổ chức và đạt được chúng với sự nổ lực lớn nhất. Mục đích quan trọng nhất của tạo động lực là sử dụng hợp lý nguồn lao động, khai thác hiệu quả nguồn lực con người nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, giúp người lao động phát huy hết tiềm năng của bản thân họ. Tạo động lực làm việc cho CCVC có ý nghĩa rất lớn đối với hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu của nền công vụ, tăng trưởng kinh tế - xã hội…

e. Khái niệm công chức, viên chức

Trên thế giới, thuật ngữ CCVC được sử dụng khá phố biến; bởi đây nhóm lao động đặc biệt gắn liền với nền công vụ, đảm bảo triển khai các chính sách,

pháp luật của Chính phủ thông qua việc thực thi công vụ và hoạt động nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, khái niệm CCVC bắt đầu được đề cập, quan tâm từ năm 1991. Tuy nhiên đến năm 1998 chúng ta mới có Pháp lệnh Cán bộ, Công chức và đến năm 2008 Luật Cán bộ, Công chức được ban hành, thay thế cho Pháp lệnh. Riêng khái niệm viên chức, cho đến năm 2010 mới được cụ thể hóa và làm rõ tại Luật Viên chức. Theo đó, khái niệm CCVC được quy định cụ thể như sau:

“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật” [15].

“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật” [16].

Từ khái niệm về CCVC, có thể thấy rằng đây là nhóm đối tượng hoạt động vì mục đích công vụ, phục vụ cho lợi ích của nhân dân, vì nhân dân, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, được Đảng và Nhà nước bảo hộ thông qua các chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam [3, 4]. Trong đó, việc tạo

động lực cho đội ngũ CCVC làm việc tốt, hăng say, tận tâm cống hiến nhằm đem lại lợi ích to lớn, hiệu quả cao cho quốc gia, cho hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Để phân tích, làm sáng tỏ nội dung tạo động lực làm việc cho đội ngũ CCVC của UBND huyện Hiệp Đức hiện nay, tác giả tập trung vào các đối tượng công chức đang làm việc tại 12 cơ quan hành chính trực thuộc UBND huyện Hiệp Đức, gồm: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Thanh tra, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Y tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính – Kế hoạch và các viên chức đang làm việc tại 09 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, gồm: Trung tâm Văn hóa – Thể thao, Ban quản lý khu di tích khu V, Đài Truyền thanh – Truyền hình, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Ban quản lý chợ Hiệp Đức, Đội quy tắc đô thị, Hội Chữ thập đỏ, Bến xe Hiệp Đức.

Như vậy, CCVC được nghiên cứu trong đề tài là công chức hành chính và viên chức sự nghiệp văn hóa – thông tin – thể thao và sự nghiệp khác.

f. Động lực và tạo động lực làm việc cho công chức, viên chức

CCVC là lao động đặc biệt, hoạt động của họ gắn liền với nền công vụ, phụ vụ lợi ích tối đa cho nhân dân và đổi lại, họ được thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật. Vì vậy, động lực cho CCVC là sự tác động tổng hợp các yếu tố (vật chất và tinh thần) có tác dụng thúc đẩy, kích thích CCVC hăng say, nỗ lực làm việc nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Động lực có quan hệ chặt chẽ với kết quả và thành tích công tác

của CCVC. Khi CCVC có động lực làm việc tốt, họ sẽ tự giác, hăng say, nổ lực để thực hiện nhiệm vụ được giao sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Tạo động lực làm việc cho CCVC là việc vận dụng hệ thống các chính sách, pháp luật của nhà nước, cách thức, biện pháp nhằm tạo ra trạng thái, tâm lý tốt để thúc đẩy, kích thích CCVC tự giác, hăng say, sáng tạo làm việc để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đem lại hiệu quả công việc cho các tổ chức hành chính.

Một phần của tài liệu Tạo động lực làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức tại huyện hiệp đức, tỉnh quảng nam (Trang 20 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)