Đánh giá năng lực khoa học

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học tìm tòi khám phá chủ đề -Nước trong cuộc sống- nhằm bồi dưỡng năng lực khoa học của học sinh trung học cơ sở (Trang 42 - 46)

Chương 2. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TỔ CHỨC DẠY HỌC TÌM TÒI KHÁM PHÁ VỚI VIỆC BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC KHOA HỌC

2.3. Đánh giá năng lực khoa học

Có nhiều khái niệm khác nhau về ĐG NL. Đánh giá năng lực là hình thức đánh giá người học căn cứ vào các tiêu chí cần đạt được đối với từng loại NL trên từng đối tượng nghiên cứu dựa vào công cụ đánh giá theo một quy trình mang tính chuẩn mực và thống nhất. Có thể thực hiện ĐGNL theo tiến trình học tập của HS hay theo các chuẩn đầu ra về NL [25]. Theo quan điểm của Wolf (2001) cho rằng đánh giá NL là việc ĐG khả năng tiềm ẩn nào đó dựa trên sản phẩm đầu ra và là quá trình tìm kiếm minh chứng về việc HS đã thực hiện sản phẩm đầu ra tới mức độ thành công như thế nào, thông qua những hành động cụ thể của HS trong một số nhiệm vụ HT tiêu biểu [31].

Theo PISA, đánh giá năng lực là đánh giá kiến thức, kĩ năng và thái độ của người học trong một bối cảnh có ý nghĩa, như vậy các hoạt động đánh giá NL tập trung vào những NL mà học sinh cần có để thành công trong tương lai và những điều mà học sinh có thể làm thông qua sử dụng các kiến thức đã học phản ánh NL học tập suốt đời bằng cách vận dụng những gì học được trong trường vào các bối cảnh ngoài trường học đồng thời đánh giá sự lựa chọn và quyết định mà học sinh đưa ra [60]

Trong đánh giá NL của HS phổ thông, công cụ đánh giá NL thường là một hệ thống các nhiệm vụ từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp của một lĩnh vực để đảm bảo đo lường được sự phát triển năng lực của mọi đối tượng. Các nhiệm vụ dành cho người học cần được gắn với các bối cảnh trong thực tiễn. Ngoài ra, nó còn bao hàm việc đo lường khả năng tiềm ẩn của HS. ĐGNL dựa trên việc miêu tả các sản phẩm đầu ra cụ thể, rõ ràng tới mức GV, HS và các bên liên quan đều có thể hình dung tương đối khách quan và chính xác về thành quả của HS sau quá trình học tập. ĐGNL cũng cho phép nhìn ra tiến bộ của HS [6]

Tóm lại, để đánh giá năng lực của HS, các nhiệm vụ được đưa ra bao giờ cũng được đặt trong bối cảnh thực tiễn, trong QT thực hiện nhiệm vụ phải thu thập các thông tin, quan sát tâm lí của HS khi nhận thức và thực hiện nhiệm vụ, chứ không phải chỉ dựa vào sản phẩm hay kết quả cuối cùng.

2.3.2. Nguyên tắc đánh giá năng lực

* Đảm bảo tính giá trị: phải đo lường chính xác mức độ phát triển năng lực người học (đo lường các kỹ năng thành phần, chỉ số hành vi theo chuẩn đầu ra).

* Đảm bảo độ tin cậy: kết quả đánh giá người học ổn định, chính xác, không bị phụ thuộc vào người đánh giá, những nhiệm vụ ở các lĩnh vực học tập khác nhau.

Kết quả đánh giá phải thống nhất khi được lặp đi lặp lại nhiều lần.

* Đảm bảo tính linh hoạt: thực hiện đa dạng các hình thức, phương pháp đánh giá để người học có cơ hội thể hiện tốt nhất năng lực của họ (phụ thuộc vào nhịp độ, thời điểm họ đáp ứng các yêu cầu chuẩn đầu ra của năng lực).

* Đảm bảo tính công bằng: người đánh giá và người được đánh giá đều hiểu chuẩn, tiêu chí, hành vi đánh giá như nhau; công cụ đánh giá không có sự thiên vi cho giới, dân tộc, vùng miền, đối tượng... cách phân tích, xử lý kết quả chuẩn hoá để không bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ cá nhân.

* Đảm bảo tính hệ thống: kết quả đánh giá chẩn đoán được sử dụng để xác nhận vùng phát triển hiện có (ZAD – Zone of Actual Development) của học sinh, từ đó lập kế hoạch cho những can thiệp sư phạm thích hợp; kết quả đánh giá quá trình được sử dụng để điều chỉnh hoạt động dạy và học theo hướng chuyển sang vùng phát triển gần (ZPD - Zone of Proximal Development) của mỗi học sinh; kết quả đánh giá tổng kết được sử dụng để xác nhận mức độ phát triển năng lực của học sinh và lập kế hoạch can thiệp sư phạm cho giai đoạn giáo dục tiếp theo.

* Đảm bảo tính toàn diện: kết quả đánh giá phải phản ánh đầy đủ sự phát triển của các thành tố và chỉ số hành vi của năng lực được đo lường.

* Phát triển học sinh: đảm bảo đánh giá được sự tiến bộ so với chính bản thân học sinh về năng lực. Qua đó phát triển khả năng chịu trách nhiệm với việc học tập và giám sát sự tiến bộ của bản thân.

* Đánh giá trong bối cảnh thực tiễn: công cụ đánh giá cần được thực hiện trong bối cảnh thực (cá nhân, trường lớp, dân cư, khoa học) nhằm phản ảnh đúng năng lực của người học khi thực hành trong môi trường thực tế.

2.3.3. Một số phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực khoa học

Có nhiều phương pháp đánh giá được vận dụng để đánh giá NLKH như đặt câu hỏi hiệu quả, phản hồi thường xuyên, đối thoại trong lớp học, đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá, đánh giá tình huống, sử dụng bảng kiểm danh sách các hành vi, hồ sơ học tập (là tập hợp các bài tập, bài kiểm tra, sản phẩm công việc, bằng video, ảnh…), dưới đây là một số phương pháp mà luận án đã sử dụng:

1) Sử dụng bảng kiểm danh sách các hành vi: Người đánh giá thiết lập một danh sách bao gồm các hành vi cụ thể ở từng thành tố của năng lực. Có thể người đánh giá sử dụng để quan sát học sinh làm việc, học tập và tích vào những trọng điểm đã quan sát được. [6]

2) Đánh giá đồng đẳng là người học tham gia vào việc đánh giá sản phẩm, công việc của những người cùng học khác. Họ phải nắm rõ những nội dung mà họ dự kiến sẽ ĐG trong sản phẩm công việc của bạn học. Đây chính là quá trình từng HS trong lớp học cùng tham gia một hoạt động/chương trình HT ĐG lẫn nhau [5].

HS quan sát các bạn trong quá trình học tập, vì vậy, thông tin mà các em có về HĐ của nhau mang tính chi tiết, cụ thể hơn là thông tin thầy cô thu được. ĐG đồng đẳng không tập trung vào ĐG tổng kết cuối cùng mà nhằm mục đích hỗ trợ HS trong suốt quá trình HT của các em. Điều này có nghĩa là HS sẽ đánh giá lẫn nhau dựa trên các tiêu chí đã được định trước. Các tiêu chí này sẽ do GV tự xác định hoặc do thầy và trò cùng thống nhất xác định và phải thực hiện bằng những ngôn từ cụ thể, phù hợp với khả năng nhận thức của HS [5].

3) Tự ĐG hay ĐG thông qua việc nhìn lại quá trình là quá trình HS ĐG hoạt động và kết quả đạt được của bản thân mình, HS không chỉ tự ĐG mà còn có thể được tham gia vào quá trình xác định các tiêu chí ĐG thế nào là một thành quả tốt. Tự ĐG có mối liên hệ chặt chẽ với một trong những mục tiêu chính của giáo dục: HT theo định

hướng của bản thân. HS sẽ học cách ĐG các nỗ lực và tiến bộ cá nhân, nhìn lại quá trình và phát hiện những điểm cần thay đổi để hoàn thiện bản thân [6].

4) Bài kiểm tra: là một trong hình thức ĐG qua hồ sơ học tập. Hồ sơ học tập giúp phát triển kĩ năng tổ chức, kĩ năng thể hiện, trình bày... của học sinh. Khi được khuyến khích tạo sản phẩm tốt nhất, học sinh sẽ tự tôn trọng mình, tự chủ và tự thể hiện bản thân một cách rõ rệt. Thông qua hồ sơ, HS có cơ hội minh chứng NL bằng những sản phẩm tốt nhất; lập sơ đồ về sự tiến bộ của mình; giám sát và điều chỉnh hành động và kế hoạch cá nhân; trao đổi học tập với người khác; tạo những thay đổi cần thiết theo đường phát triển NL [24];…

5) Đánh giá dự án: Là ĐG trực tiếp khả năng thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn. Thông qua các dự án thực hiện trong vài giờ hoặc một, hai tuần, giáo viên theo dõi quá trình HS thực hiện để ĐG khả năng tự tìm kiếm và thu thập thông tin, tổng hợp và phân tích chúng theo mục tiêu của chủ đề, ĐG các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống như cam kết làm việc, lập kế hoạch, hợp tác, nhận xét, bình luận, GQVĐ, ra quyết định, trình bày...[25].

2.3.4. Quy trình đánh giá năng lực khoa học

Có thể tóm tắt quy trình đánh giá năng lực như sau:

- GV lựa chọn chỉ số hành vi cần đánh giá của năng lực. Để đánh giá chỉ số hành vi đó cần công cụ đánh giá hành vi. GV chỉ đánh giá đuợc khi nhận được thông tin từ HS. Công cụ đánh giá hành vi sẽ quyết định công cụ thông tin của HS.

- Khi đã có được thông tin từ phía HS, GV sẽ sử dụng các công cụ đánh giá như rubric, bảng kiểm,…- gọi là công cụ đánh giá năng lực để đưa ra kết luận.

- Để thu nhận được thông tin từ HS, GV cần giao các nhiệm vụ để HS thực hiện như phiếu học tập, bài tập, phỏng vấn, bài thí nghiệm,…[6]

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học tìm tòi khám phá chủ đề -Nước trong cuộc sống- nhằm bồi dưỡng năng lực khoa học của học sinh trung học cơ sở (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(244 trang)