Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH
1.3.2. Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản
Thỏa thuận HCCT được quy định trong Luật chống độc quyền Nhật Bản.
Tương tự như các quốc gia khác, Luật chống độc quyền Nhật Bản bao gồm cả các quy định về nội dung và thủ tục có mục đích bảo vệ nền kinh tế thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và tự do. Cụ thể, Điều 1 luật này quy định có mục đích cấm việc độc quyền hóa tư nhân, hạn chế giao dịch không chính đáng và phương pháp giao dịch không công bằng, ngăn chặn việc tập trung quá mức sức mạnh chi phối thị trường và thông qua việc loại trừ hạn chế không chính đáng đối với sản xuất, bán hàng, giá cả, kỹ thuật v.v… bằng biện pháp hợp nhất, hợp đồng v.v… và tất cả các hình thức ràng buộc không chính đáng hoạt động kinh doanh khác để thúc đẩy cạnh tranh công bằng và tự do, phát huy sáng tạo của cơ sở kinh doanh, kích thích hoạt động kinh doanh, mở rộng việc làm và nâng cao mức thu nhập thực chất của nhân dân, qua đó đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng nói chung đồng thời thúc đẩy sự phát triển dân chủ và lành mạnh của nền kinh tế quốc dân.
30
Thoả thuận HCCT được quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật chống độc quyền Nhật Bản:“không doanh nhân nào được tham gia vào những thỏa thuận hay hợp đồng quốc tế với những nội dung tạo ra hạn chế thương mại bất hợp lý hay các hoạt động thương mại không bình đẳng”. Khoản 2 điều này quy định hạn chế thương mại bất hợp lý được hiểu là những hành vi kinh doanh, thực hiện bởi bất kỳ một chủ thể kinh doanh nào, thông qua hợp đồng, thoả thuận hay bằng bất kỳ một hình thức nào khác không phụ thuộc vào tên gọi, trong một nỗ lực với các chủ thể kinh doanh khác, cùng hạn chế hoặc thực hiện những hành vi kinh doanh tương tự như ấn định, duy trì hoặc tăng giá, hoặc để giới hạn sản xuất, kỹ thuật, sản phẩm, với các bên hoặc doanh nghiệp đối thủ, mà do vậy, xâm phạm lợi ích công, gây ra HCCT một cách đáng kể trong một lĩnh vực thương mại cụ thể. Có thể thấy, TTHCCT trong pháp luật Nhật Bản được nhận diện bằng bản chất/mục đích của hành vi. Điều này đảm bảo việc không bỏ sót bất kỳ hành vi nào gây nguy hại đến nền kinh tế thị trường.
Luật chống độc quyền là nền tảng cơ bản để thực thi một cách liên tục và nhất quán các hoạt động kinh doanh thương mại. Việc đảm bảo cho Luật chống độc quyền được thực thi cần có một cơ quan trung lập và công bằng, không chịu ảnh hưởng hay tác động của bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Vì vậy, JFTC – cơ quan thực thi Luật chống độc quyền tại Nhật Bản được xây dựng hoạt động một cách hoàn toàn chủ động và độc lập, không chịu sự quản lý hoặc chỉ đạo của bất kỳ một cơ quan nào như các cơ quan hành chính thông thường khác. JFTC gồm có Chủ tịch và 4 Ủy viên hội đồng cạnh tranh (competition commissioners). Chủ tịch và các Ủy viên hội đồng được Thủ tướng bổ nhiệm từ những người trên 35 tuổi có kinh nghiệm, kiến thức về luật pháp hoặc kinh tế, sau khi được Hạ viện và Thượng nghị viện chấp nhận với nhiệm kỳ là 5 năm.
Các hành vi TTHCCT có thể bị xử lý bằng các hình thức như loại trừ, cảnh cáo, phạt tiền, thậm chí nếu vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự. Loại trừ là việc JFTC ban hành lệnh loại trừ hành vi vi phạm như lệnh loại bỏ điều khoản vi phạm ra khỏi hợp đồng, yêu cầu doanh nghiệp vi phạm cam kết không tái phạm với những
31
điều kiện nhất định, nếu tái phạm, JFTC có quyền xử phạt ngay lập tức mà không cần điều tra từ đầu, với mức xử phạt cao hơn nhiều… Cùng với việc loại trừ hành vi vi phạm thì JFTC còn ban hành lệnh nộp phạt để trưng thu lợi ích kinh tế do hành vi TTHCCT bất hợp pháp mang lại. Mức tiền phạt cụ thể được tính trên cơ sở sử dụng công thức tính nhân doanh thu hàng hóa/dịch vụ là đối tượng của hành vi vi phạm với một tỷ lệ phạt nhất định. Tỷ lệ này phụ thuộc vào vai trò của doanh nghiệp, tái phạm hay không, thuộc nhóm hành vi và ngành nghề nào để xác định tỷ lệ tương ứng. Công thức tính tiền phạt rõ ràng giúp việc xác định mức phạt một các đơn giản. Từ đó các doanh nghiệp có thể cân nhắc lợi ích đạt được so với hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm khi tham gia TTHCCT.
Theo quy định của Luật chống độc quyền Nhật Bản, cá nhân tham gia TTHCCT bất hợp pháp có thể bị xử lý hình sự. Cơ quan JFTC có quyền thực hiện điều tra hình sự đối với cá nhân vi phạm song song với điều tra hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm. Trường hợp cần thiết phải truy tố hình sự thì sẽ lập hồ sơ truy tố gửi đến Viện Kiểm sát.
Một trong các chính sách góp phần phát hiện nhiều vụ việc HCCT của Nhật Bản phải kể đến chính sách khoan hồng. Điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng khoan hồng là: (i) chủ động khai báo về hành vi thỏa thuận của mình;(ii) đã chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm; (iii) cung cấp cho cơ quan cạnh tranh các tài liệu hay chứng cứ có giá trị chứng minh về hành vi thỏa thuận một cách chủ động hoặc khi được cơ quan cạnh tranh yêu cầu; (iv) không ép buộc doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận hoặc không ngăn cản các doanh nghiệp khác rút lui hoặc chấm dứt thỏa thuận. Số lượng chủ thể được hưởng khoan hồng không quá 5 doanh nghiệp, nếu sau khi JFTC đã tiến hành điều tra thì chỉ tối đa 3 doanh nghiệp được hưởng khoan hồng. Việc áp dụng chính sách khoan hồng đã giúp cơ quan cạnh tranh Nhật Bản phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, đặc biệt là hành vi thông thầu.
Theo thông tin từ chuyên gia Nhật Bản, thông thầu là hành vi khá phổ biến tại Nhật Bản, trong giai đoạn 2001-2004 thậm chí lên tới 25 vụ/năm.
32
Theo thống kê của JFTC, biện pháp xử phạt tiền và lệnh xử lý loại trừ được áp dụng nhiều nhất còn truy tố hình sự áp dụng không thường xuyên. Theo JFTC, tính theo các loại hành vi vi phạm thì thỏa thuận giá và thông thầu là hai nhóm hành vi nguy hiểm và thường xuyên xảy ra nhất nên đây cũng là hai nhóm hành vi bị xử phạt nhiều nhất, số vụ bị xử phạt cũng gấp nhiều lần các hành vi khác. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cơ quan cạnh tranh trong việc thay đổi chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nên giai đoạn 2005-2009 số vụ bị xử lý đã giảm xuống còn 10-11 vụ/năm.
33
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Mỗi quốc gia có một khái niệm về TTHCCT riêng nhưng đều có điểm tương đồng là TTHCCT là thỏa thuận giữa hai hay nhiều chủ thể kinh doanh trên thị trường có mục đích làm giảm, sai lệch hay cản trở hoạt động cạnh tranh bình thường trên thị trường.
Thỏa thuận HCCT là một trong những biểu hiện của tự do kinh doanh nhưng nếu không có sự kiểm soát của Nhà nước sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu thậm chí nghiêm trọng đến nền kinh tế, do vậy cần thiết phải kiểm soát, điều tiết các TTHCCT bằng công cụ pháp luật.
Chương 1 đã nêu ra và phân tích các căn cứ để xác định thế nào là TTHCCT trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ; các trường hợp nào bị cấm và trường hợp nào được miễn trừ trong TTHCCT ngoài ra còn tham khảo kinh nghiệm về pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ và Nhật Bản về vấn đề thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Những nội dung này là cơ sở cho việc đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về TTHCCT trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam, từ đó đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về TTHCCT trong những chương sau của luận văn.
34