Các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lài Cai (Luận văn thạc sĩ) (Trang 23 - 27)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP

1.1. Cơ sở lý luận quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với KCN

1.1.4. Các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp

Mỗi công cụ có chức năng và phạm vi tác động nhất định. Nhà nước cần nghiên cứu và hoàn thiện các công cụ quản lý bảo vệ môi trường theo hướng ngày càng tinh vi hơn, hiệu lực hơn. Người ta có thể phân loại các công cụ quản lý môi trường theo chức năng hoặc theo bản chất. Theo chức năng, công cụ quản lý môi trường được phân thành ba loại, đó là: công cụ điều chỉnh vĩ mô (gồm luật pháp và chính sách);

công cụ hành động (gồm các quy định hành chính, quy định xử phạt) và các công cụ kinh tế. Theo bản chất, có thể chia các công cụ quản lý môi trường thành bốn loại:

(1) Công cụ luật pháp và chính sách; (2) Công cụ kinh tế; (3) Công cụ kỹ thuật và (4) Công cụ giáo dục và truyền thống môi trường. Dưới đây sẽ làm rõ các công cụ quản lý môi trường theo bản chất:

1.1.4.1. Công cụ chính sách, pháp luật

Hay còn gọi là các công cụ pháp lý bao gồm các văn bản về luật quốc tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật (pháp lệnh, nghị định, quy định, các tiêu chuẩn môi trường, giấy phép môi trường ...), các kế hoạch, chiến lược và chính sách môi trường quốc gia, các ngành kinh tế và các địa phương [14]. Luật bảo vệ môi trường 2014 là văn bản cao nhất, là căn cứ chung để BVMT Quốc gia cũng như từng chủ thể kinh tế, ngoài ra còn có các luật quy định cho từng thành phần môi trường như Luật Khoáng sản, Luật Phát triển và bảo vệ rừng, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải, Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Tài nguyên nước, Pháp lệnh đê điều, Pháp lệnh về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản…

Quy định là những văn bản dưới luật nhằm cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thực hiện các nội dung của luật. Quy định có thể do Chính phủ trung ương hay địa phương, do cơ quan hành pháp hay lập pháp ban hành. Quy định gồm có các văn bản:

Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Quyết định, Thông tư của Bộ chủ quản, Nghị quyết, Quyết định của HĐND và UBND cấp tỉnh. Chính sách BVMT giải quyết những vấn đề chung nhất về quan điểm QLMT, về các mục tiêu BVMT cơ bản cần giải quyết trong một giai đoạn dài 10 - 15 năm và các định hướng lớn thực hiện mục tiêu, chú trọng việc huy động các nguồn lực cân đối với các mục tiêu về BVMT.

Chính sách BVMT phải được xây dựng đồng thời với chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chức năng quan trọng nhất của chính sách môi trường là tạo điều kiện gắn kết các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động phát triển của từng ngành, từng vùng;

tạo liên kết giữa các ngành và các cấp trong thực hiện mục tiêu BVMT.

Chiến lược BVMT cụ thể hoá chính sách ở một mức độ nhất định. Chiến lược xem xét chi tiết hơn mối quan hệ giữa các mục tiêu do chính sách xác định và các nguồn lực để thực hiện chúng; trên cơ sở đó lựa chọn các mục tiêu khả thi, xác định phương hướng, biện pháp thực hiện mục tiêu.

Các công cụ pháp lý là các công cụ quản lý trực tiếp (còn gọi là công cụ mệnh lệnh và kiểm soát). Đây là loại công cụ được sử dụng phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới và là công cụ được nhiều nhà quản lý hành chính ủng hộ. Giám sát và cưỡng chế là hai yếu tố quan trọng của công cụ này. Có thể thấy những ưu điểm nổi bật của loại công cụ này: bình đẳng đối với mọi người gây ô nhiễm và sử dụng tài nguyên môi trường vì tất cả mọi người đều phải tuân thủ những quy định chung; có khả năng quản lý chặt chẽ các loại chất thải độc hại và các tài nguyên quý hiếm thông qua các quy định mang tính cưỡng chế cao trong thực hiện.

1.1.4.2. Công cụ kinh tế

Công cụ kinh tế được sử dụng trong QLBVMT nói chung tại đó tính toán kinh tế để quản lý các vấn đề môi trường. Công cụ kinh tế nằm giữa vấn đề kinh tế- xã hội với các hệ thống tự nhiên, thường được sử dụng trong quản lý sử dụng tài nguyên và quản lý xả thải của các các hoạt động kinh tế vào môi trường. Công cụ kinh tế trong QLMT nói chung và BVMT KCN nói riêng gồm có nhiều loại: thuế tài nguyên, phí môi trường, giấy phép xả thải, hạng ngạch ô nhiễm, nhãn sinh thái…

trong đó, một số công cụ thường sử dụng là:

- Thuế tài nguyên trước đây là loại thuế điều tiết thu nhập trong hoạt động khai thác tài nguyên. Ngày nay, vì mục tiêu BVMT, thuế tài nguyên phải được xác định nhằm hướng tới sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Đối với các loại tài nguyên cạn kiệt, thuế phải được xác định căn cứ vào mức độ suy giảm tài nguyên. Mục đích của thuế tài nguyên là hạn chế nhu cầu không cần thiết, hạn chế tổn thất tài nguyên trong khai thác đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách, điều hoà quyền lợi giữa các đối tượng sử dụng tài nguyên. Hiện nay có: Thuế sử dụng đất, thuế sử dụng nước, thuế rừng, thuế tiêu thụ năng lượng, thuế khai thác khoáng sản trong đó đối với KCN thường gặp hai loại thuế sử dụng đất và thuế sử dụng nước.

- Thuế và phí môi trường là các nguồn thu ngân sách do các tổ chức và các cá nhân sử dụng môi trường đóng góp. Khác với thuế, phần thu của phí môi trường chỉ được chi cho các hoạt động BVMT. Mục đích của phí môi trường là đưa chi phí môi trường vào giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”; khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách. Các loại phí môi trường: Thuế/phí ô nhiễm đánh vào nguồn gây ô nhiễm (ví dụ: phí xả thải nước thải), Thuế/phí ô nhiễm đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm, Phí đánh vào người sử dụng [14].

- Ký quỹ môi trường được đặt ra với mục đích làm cho người có khả năng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường luôn nhận thức được trách nhiệm của họ, từ đó tìm ra được biện pháp thích hợp ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái.

1.1.4.3. Công cụ kỹ thuật

Thực hiện vai trò kiểm soát và giám sát nhà nước về chất lượng và thành phần môi trường, về sự hình thành và phân bố chất ô nhiễm trong môi trường. Các công cụ kỹ thuật quản lý có thể gồm các đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quan trắc môi trường, xử lý chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải… Có thể chia thành các nhóm: Nhóm 1: Các công cụ quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT. Nhóm 2: Các công cụ đánh giá chất lượng môi trường, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.

Nhóm 3: Các công cụ xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải [14].

Trong đó, lưu ý vấn đề quy định pháp luật về chất lượng môi trường và chất lượng chất thải cho phép dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường. Tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để QLMT. Tiêu chuẩn môi trường có quan hệ mật thiết với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường một mặt dựa trên các quy định đã được kiểm nghiệm thực tế, mặt khác phải có nhiều căn cứ khoa học, nhằm bảo đảm cho tiêu chuẩn môi trường phù hợp với nhu cầu bảo vệ sinh thái, đồng thời khả thi về mặt kinh tế, xã hội. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường phản ánh trình độ khoa học, công nghệ, tổ chức quản lý và tiềm lực kinh tế xã hội.

1.1.4.4. Công cụ giáo dục và truyền thông môi trường

Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của quần chúng. Các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có được hoàn thành hay không phụ thuộc một phần lớn vào nhận thức và ý thức môi trường của toàn xã hội. Do đó, giáo dục và truyền thông môi trường cũng là một công cụ quản lý môi trường gián tiếp và rất cần thiết, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Giáo dục môi trường: “Giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp con người có được sự hiểu biết, kỹ năng và giá trị tạo điều kiện cho họ tham gia vào phát triển một xã hội bền vững về sinh thái".

Mục đích của giáo dục môi trường là nhằm vận dụng những kiến thức và kỹ năng vào giữ gìn, bảo tồn và sử dụng môi trường theo cách bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai. Giáo dục môi trường cũng bao hàm cả việc học tập cách sử dụng những công nghệ mới nhằm tăng sản lượng kinh tế và tránh những thảm hoạ môi trường, xoá nghèo đói, tận dụng các cơ hội và đưa ra những quyết định khôn khéo trong việc sử dụng tài nguyên. Hơn nữa, giáo dục môi trường bao hàm cả việc đạt được những kỹ năng, có những động cơ và cam kết hành động, dù với tư cách cá nhân hay tập thể, để giải quyết những vấn đề môi trường hiện tại và phòng ngừa những vấn đề mới nảy sinh.

Giáo dục môi trường bao gồm những nội dung chủ yếu:

- Đưa giáo dục môi trường vào trường học

- Cung cấp thông tin cho những người có quyền ra quyết định - Đào tạo chuyên gia về môi trường

- Truyền thông môi trường: Truyền thông được hiểu là một quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng, tình cảm, suy nghĩ, thái độ giữa các cá nhân hoặc nhóm người.

“Truyền thông môi trường là một quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp cho những người có liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng và cách tác động vào các vấn đề có liên quan một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề về môi trường” Mục tiêu của truyền thông môi trường nhằm: Thông tin cho người bị tác động bởi các vấn đề môi trường biết tình trạng của họ, từ đó giúp họ quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục. Huy động các kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết địa phương tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường; Thương lượng hoà giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa các cơ quan và trong nhân dân; Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường; Khả năng thay đổi các hành vi sẽ được hữu hiệu hơn thông qua đối thoại thường xuyên trong xã hội.

Truyền thông môi trường có thể thực hiện thông qua các phương thức chủ yếu sau: Chuyển thông tin tới từng cá nhân qua việc tiếp xúc tại nhà, tại cơ quan, gọi điện thoại, gửi thư; Chuyển thông tin tới các nhóm thông qua hội thảo tập huấn, huấn luyện, họp nhóm, tham quan khảo sát. Chuyển thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, ti vi, radio, pano, áp phích, tờ rơi, phim ảnh...

Tiếp cận truyền thông qua những buổi biểu diễn lưu động, tổ chức hội diễn, các chiến dịch, các lễ hội, các ngày kỷ niệm...

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lài Cai (Luận văn thạc sĩ) (Trang 23 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)