Lớp thứ tư hay còn gọi là khoang dưới SMAS, là vùng xuất hiện rất nhiều
“khoảng trống” [61] và có các đặc điểm: (1) có các màng ranh giới rõ ràng; (2) không có các cấu trúc quan trọng ở trong hay đi ngang qua khoang; (3) các dây chằng có chức năng chống đỡ và hệ thống thần kinh mạch máu quan trọng nằm trong các ranh giới giữa các khoang [62]. Đây được gọi là “khoảng an toàn”, từ đó cung cấp cho phẫu thuật viên khái niệm “vùng tiền bóc tách” và sẽ làm giảm những thương tổn không đáng có cho bệnh nhân như chảy máu, đứt các nhánh của dây thần kinh mặt, phù nề... [63].
Khi các cơ của SMAS co kéo sẽ làm lớp mô mềm trượt trên bề mặt xương, cùng với các khoảng trống bên dưới tham gia hỗ trợ cho sự vận động của vùng mặt dễ dàng hơn. Sự chuyển dòng của các dây chằng vào mô liên kết chân bì da trong lớp dưới da kết nối mạc nông (SMAS hay tương đương) với lớp da sẽ tạo thành một thể thống nhất khi biểu lộ cảm xúc. Do vậy với quá trình lão hóa, sự chảy xệ sẽ xảy ra nhiều hơn tại các đường giới hạn của dây chằng. Mặt khác, các dây chằng còn hình thành những mặt phẳng phân chia lớp dưới SMAS thành các khoang mặt sâu hơn [6], [64].
Ngày nay, vai trò của các khoang trống càng được quan tâm nhiều hơn.
Sự hiện diện của chúng không chỉ đơn thuần là thành phần chức năng mà còn giúp giải thích nhiều vấn đề như sự thay đổi của da vùng mặt theo tuổi tác; sự thay đổi hình dáng của vùng gò má, hàm dưới và nếp môi - hàm trên… khi về già [61].
1.3.1. Khoang tiền cơ cắn
Khoang tiền cơ cắn đã được mô tả trong các sách giải phẫu học kinh điển.
Trước đây, khu vực phủ trên bề mặt cơ cắn và phía trên so với khoang tiền cơ cắn chỉ được mô tả như là vùng nguy hiểm trong phẫu thuật vì có nhiều cấu trúc quan trọng đi ngang qua hoặc ở bên trong khoang như các nhánh má, nhánh gò má của thần kinh mặt, ống tuyến nước bọt mang tai và các dây chằng cơ cắn. “Khu vực giải phẫu quan trọng” này là một vùng có kích thước nhỏ, giới hạn rõ và phải hết sức thận trọng khi can thiệp. Ngoài ra, do gia tăng sự lỏng lẻo của thành trên và thành trước của khoang khi chúng ta già đi sẽ làm thay đổi phần dưới của khuôn mặt, cụ thể là hình ảnh tụ mỡ ở vùng má, vùng cằm.
Hiện tại, khoang tiền cơ cắn được mô tả có thêm một khoang mô mềm thứ hai do tồn tại một mặt phẳng vô mạch rõ ràng giữa thành dưới màng cơ cắn và lớp phủ lên SMAS có các ranh giới rõ rệt. Mặc dù nhỏ, khoang thứ hai này cũng có cấu trúc tương tự nhưng ở thấp hơn [62]. Những nghiên cứu gần đây cho thấy ngoài khoang tiền cơ cắn còn tồn tại khoang giữa tiền cơ cắn, và ở trên cùng có khoang nhỏ nhất là khoang trên tiền cơ cắn [34]. Như vậy, những mô tả đầu tiên của khoang tiền cơ cắn nên được hiểu chỉ là mô tả khoang dưới tiền cơ cắn [65].
Hình 1.19. Bộc lộ khoang dưới tiền cơ cắn
* Nguồn: theo Mendelson B.C. và cs (2013) [62]
Lớp mô mềm phủ trên cơ cắn nằm trong hai vùng tách biệt, vùng ở trên chứa các cấu trúc giải phẫu quan trọng, theo thứ tự từ trên xuống dưới là nhánh gò má thần kinh mặt, thuỳ phụ của tuyến mang tai và ống tuyến nước bọt mang tai. Vùng còn lại phủ trên nửa dưới cơ cắn là một mặt phẳng vô mạch dễ bóc tách và hoàn toàn không chứa các cấu trúc quan trọng, nằm nông phía trên mạc cơ cắn và nằm dưới SMAS nơi mà nó kết hợp với cơ bám da cổ. Vì vậy có thể được xem như là một khoang ảo [34].
Hình 1.20. Mối liên quan giải phẫu và hình dạng của khoang tiền cơ cắn
* Nguồn: theo Mendelson B.C. và cs (2008) [16]
1.3.2. Khoang má và lớp mỡ má
Có ba khoang má riêng biệt: trong, giữa và ngoài. Trong khoang có các lớp mỡ má. Lớp mỡ má trong nằm ngoài nếp mũi môi có giới hạn phía trên bởi dây chằng nâng đỡ cơ vòng mắt và khoang ổ mắt ngoài, khi lớp mỡ cằm bị tích tụ sẽ nằm dưới khoang này. Lớp mỡ má giữa nằm ở nông tại vị trí phần giữa má được tìm thấy ở trước và nông hơn so với tuyến nước bọt mang tai. Đặc biệt phần trên của các khoang có liên kết với cơ gò má lớn. Tại đây, các vách sẽ gặp nhau và hình thành một vùng liên kết dính đặc nơi mà các dây chằng gò má được mô tả [62]. Ranh giới vách giữa lớp mỡ má giữa và lớp mỡ má trong sẽ kết hợp lại thành một mạng lưới các mạc đặc, tương ứng với vị trí của dây chằng tuyến mang tai - cơ cắn [66].
Hình 1.21. Lớp mỡ má giữa, lớp mỡ má trong và lớp mỡ thái dương ngoài - má
* Nguồn: theo Rohrich R. và cs (2007) [66]
- Chú thích: Bờ trên được xác định bởi vách má trên (SCS). Vùng cố định (mũi tên đỏ) đánh dấu nơi các khoang kết hợp với khoang giữa và khoang dưới ổ mắt (phải). Hệ thống mạc dày đặc (mũi tên đỏ).
Hình 1.22. Lớp mỡ thái dương ngoài - má trải rộng từ trán tới vùng cổ
* Nguồn: theo Rohrich R. và cs (2007) [66]