4.1. Đặc điểm giải phẫu hệ thống cân cơ nông mặt
4.1.2. Các lớp vùng mặt và các thành phần đi qua
Từ những thay đổi về khái niệm cấu trúc giải phẫu của các dây chằng nâng đỡ, cùng với kết quả phân tích mô học đã và đang cung cấp nhiều phân loại cụ thể hơn về những dây chằng nâng đỡ mà trước đây chúng được xem là giống nhau. Có nhiều khái niệm khác nhau và áp dụng cho từng dây chằng nâng đỡ cho các mục đích khác nhau, trong đó các kỹ thuật phẫu thuật cũng đã ảnh hưởng đến việc đặt tên các dây chằng nâng đỡ trên khuôn mặt. Ngoài ra, những kỹ thuật phẫu thuật và phẫu tích khác nhau cũng đã xác định được các điểm quy chiếu khác nhau [47].
Những chi tiết giải phẫu trên vùng đầu mặt có những vị trí tương tự nhau, nhưng lại có danh pháp khác nhau; hoặc cấu trúc giải phẫu giống nhau lại có thể được mô tả thông qua các cấu trúc giải phẫu khác nhưng có chức năng tương tự. Vì vậy, nhiều tác giả khi khảo sát sự liên quan đã lấy cơ bám da cổ làm mốc quan trọng để mô tả, nhưng cũng có tác giả sử dụng mạc tuyến mang tai hoặc mạc cơ cắn để mô tả, đây được xem như là điểm để bắt đầu [47].
Đã có nhiều tác giả mô tả hệ thống phân loại dây chằng nâng đỡ của khuôn mặt, trong đó Stuzin J.M. và cs [7] và Furnas D.W. [3], đã phân loại dây chằng thành 2 loại: dây chằng da - xương có nguyên uỷ tại xương và dây chằng phụ xuất phát từ mạc nông và sâu (dây chằng da - tuyến nước bọt mang tai và dây
chằng cơ cắn). Mendelson B.C. [22] đã đưa ra phân loại dựa trên hình thái học đại thể của khái niệm “dây chằng thực sự”. Vì vậy, việc các dây chằng nâng đỡ được mô tả bằng nhiều danh pháp khác nhau sẽ tùy vào cách phân loại của từng tác giả. Furnas D.W. [3] và Stuzin J.M. và cs [7] đều sử dụng nguyên uỷ từ xương, nhưng lại khác quan điểm về nguyên uỷ từ mô mềm. Mendelson B.C.
[22] phát triển phân loại dựa trên hình thái học của các liên kết dạng sợi. Có nhiều bài báo được công bố đã sử dụng các thuật ngữ dùng cho các dây chằng nâng đỡ của khuôn mặt. Tuy nhiên, với những lý do riêng và sự thiếu nhất quán giữa các tác giả trong việc sử dụng thuật ngữ có liên quan với những cấu trúc giải phẫu như “gò má”, “xương hàm dưới”, “cơ cắn” đã khiến việc định danh càng có nhiều mâu thuẫn, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.
Chúng tôi nhận thấy về mặt vi thể, các dây chằng nâng đỡ là những mô có cấu trúc dạng sợi đặc, đồng nhất để bảo vệ an toàn cho thần kinh và mạch máu đi qua (dây chằng góc mắt ngoài, dây chằng gò má, dây chằng cơ cắn và dây chằng hàm dưới là những ví dụ điển hình). Mặt khác, chúng tôi cũng nhận thấy có những cấu trúc mô của dây chằng có dạng sợi và không có mạch máu hay thần kinh đi qua, theo chúng tôi nên được đặt tên là “liên kết dạng sợi”. Qua khảo sát đại thể và cấu trúc vi thể của tiêu bản, chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý sử dụng thuật ngữ “vách” để xác định ranh giới ngăn cách giữa các vùng trên khuôn mặt, qua đó có thể thông nối những lớp mô nằm bên dưới với lớp cơ mặt ở trên.
Trong phạm vi giới hạn của đề tài thông qua phẫu tích đại thể, vi thể trên 30 nửa mặt và từ những nhận định vẫn còn chưa thống nhất của nhiều tác giả trên thế giới. Chúng tôi tạm đề xuất cách gọi tên các dây chằng vùng mặt theo vị trí bám của chúng cho dễ nhớ và đơn giản hoá như sau:
1. Dây chằng góc mắt ngoài: nằm ở góc mắt ngoài, nguồn gốc bám từ góc mắt ngoài xương ổ mắt, nối lên SMAS, cơ vòng mắt và mô dưới da, nơi đây có nhánh thần kinh ổ mắt đi qua.
2. Sợi dày lên của vách thái dương: Ở bờ trên ổ mắt, trên dây chằng góc mắt ngoài là sự dày lên các sợi của vách thái dương bám vào bờ trên góc mắt ngoài và có thể có nhánh trán thần kinh mặt đi qua.
3. Dây chằng gò má: Theo chúng tôi, nên đồng nghĩa dây chằng gò má với thuật ngữ mảng McGregor và bộ ba McGregor vì 2 lý do: (1) Mang tính lịch sử của người nhận định ra cấu trúc này; (2) Dây chằng này luôn chứa bộ ba (nhánh gò má thần kinh mặt, ống tuyến nước bọt mang tai, động mạch ngang mặt) đi qua, do đó dễ nhớ và ấn tượng. Dây chằng gò má nằm dưới dây chằng góc mắt ngoài, phía trên bề mặt xương gò má nối SMAS với mô dưới da; diện bám của dây chằng thay đổi theo từng người nhưng luôn bám từ xương gò má đến bờ trên cơ cắn.
4. Dây chằng cơ cắn: xuất phát dọc theo bờ trước cơ cắn, hoặc từ giữa cơ cắn và nối từ SMAS đến lớp mô dưới da. Thông thường có 2 bó hay nhiều hơn, các bó này có độ dày mỏng khác nhau và có nhánh má của dây thần kinh mặt đi qua một bó bất kỳ.
5. Dây chằng hàm dưới: Có vị trí bám phía trước của bờ trước cơ cắn bám vào thân xương hàm dưới liên kết SMAS với mô dưới da và có thể thấy nhánh bờ hàm dưới thần kinh mặt đi qua.
4.1.2.2. Lớp cân cơ nông vùng mặt
Theo ấn bản Gray’s anatomy 39th của Standring S. cho rằng nên đơn giản hoá thuật ngữ và chỉ áp dụng từ “mạc” cho lớp mạc sâu. Đồng thời cũng có một số tranh luận trong sách Gray’s anatomy cho rằng “mạc” là một từ rất tối nghĩa ám chỉ sự kết cụm của mô liên kết và có thể nhìn bằng mắt thường. Lớp mạc nông nên được xem là một thành phần của lớp hạ bì, giống như là “một lớp mỡ đơn độc”. Vì vậy thuật ngữ “mạc nông” đã bị loại bỏ [54]. Mạc nông thực chất là một lớp mô liên kết có dạng màng được tạo thành bởi các sợi collagen lỏng lẻo xen lẫn nhiều sợi đàn hồi, thường dày ở thân hơn là ở các chi và sẽ mỏng dần khi tiến về đầu chi. Lớp mạc nông ở người tương ứng với lớp cơ da được