Đặc điểm của từ Hán Việt

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 20 - 27)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN

1.1. Một số vấn đề về từ Hán Việt

1.1.3. Đặc điểm của từ Hán Việt

1.1.3.1. Đặc điểm về cấu tạo của từ Hán Việt

Căn cứ vào số lượng âm tiết từ ngữ Hán Việt được chia thành 2 loại từ đơn âm tiết và từ đa âm tiết. Về từ đa âm tiết chúng tôi chủ yếu tập trung vào đặc điểm từ song tiết Hán Việt bởi từ song tiết Hán Việt xuất hiện với số lượng lớn trong các văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn 7.

a) Đặc điểm cấu tạo từ Hán Việt đơn âm tiết

Từ đơn Hán Việt là những từ có một từ tố, do một âm tiết có nghĩa, độc lập tạo nên và chúng có khả năng hoạt động độc lập trong câu. Do đặc điểm loại hình mà trong tiếng Việt nhiều từ đơn tiết Hán Việt thường có ranh giới trùng với âm tiết (tiếng), do đó chúng vừa là từ vừa là đơn vị cấu tạo từ và cấu tạo câu. Chẳng hạn, những từ như: nhân, nghĩa, đạo, tình, hiếu, hòa, trung, khuyết, sinh, sầu v.v.

Những từ Hán Việt đơn âm tiết thường có nghĩa từ vựng gọi tên những sự vật, đặc điểm, tính chất mà tiếng Việt chưa có, nên khi đi vào kho từ vựng tiếng Việt chúng vẫn giữ được khả năng hoạt động tự do. Những từ Hán Việt đơn tiết khi vào tiếng Việt, tuy cũng gặp những xung đột đồng âm và đồng

nghĩa với từ tiếng Việt, nhưng vẫn trở thành từ hoạt động tự do bên cạnh từ thuần Việt là không nhiều và phần lớn các đơn vị đó đã có sự phân công hoặc thay đổi ít nhiều về nghĩa để tạo ra giá trị riêng.

Đại bộ phận từ Hán Việt đơn tiết trong tiếng Việt là danh từ như: danh từ chỉ người: quan, dân, binh...; danh từ chỉ động vật: hạc, báo, phượng... ; danh từ chỉ thực vật: tùng, trúc, cúc, mai...; danh từ chỉ đồ vật: quần, áo, sách, bút...

Anh cởi áo ra, em vá lại cho. Em vá khéo, mẹ không biết được đâu…(

Khánh Hoài - Cuộc chia tay của những con búp bê) [49, 21]

Ngoài ra còn tính từ và động từ đơn âm tiết Hán Việt, những từ này khi đi vào tiếng Việt cũng có khả năng hoạt động độc lập nhưng số lượng không nhiều bằng danh từ.

Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới… ( Một thứ quà của lúa non: cốm- Thạch Lam) [49,160]

Những từ Hán đơn tiết trên là những từ hoạt động tự do trong tiếng Việt.

Nhìn chung chúng rất quen thuộc, gần gũi cho nên cảm thức tự nhiên của người Việt thường cho các từ đó là thuần Việt.

b) Đặc điểm cấu tạo từ Hán Việt song tiết

Trong lớp từ Hán Việt xét về mặt số lượng các yếu tố cấu tạo, từ song tiết chiếm số lượng lớn hơn hẳn so với từ đơn tiết.

Dựa vào phương thức cấu tạo, từ song tiết Hán Việt được chia thành hai loại từ ghép và từ láy.

* Từ ghép: Từ ghép Hán việt song tiết có: Từ ghép chính phụ, từ ghép đẳng lập, từ ghép chủ vị, từ ghép trùng lặp, từ ghép phụ gia.

- Từ ghép chính phụ

Đây là loại từ ghép mà nghĩa của thành tố này quy định, hạn chế, bổ sung nghĩa cho thành tố kia để tạo nên một nghĩa hoàn chỉnh. Các nét nghĩa của hai thành tố gắn bó hữu cơ với nhau.

Từ ghép chính phụ gồm hai loại: Yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ

đứng sau và yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.

+ Từ ghép có yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau như: ái quốc, thất vọng, tận tâm, tận lực...

Những từ ghép loại này có số lượng ít, yếu tố chính có các tính chất từ loại như:

Yếu tố chính là tính từ: nhiệt tình, yên thân, khổ tâm, khốn cực,...

Yếu tố chính là động từ: tận tâm, khai sinh, thưởng thức,...

+ Từ ghép có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau như: thanh niên, sinh vật, hải quân, đại thắng, cô lập...

Những từ ghép loại này có số lượng rất lớn, yếu tố chính có các tính chất từ loại như:

Yếu tố chính là danh từ: học sinh, lễ đường, quảng trường, quốc ca, quốc kỳ...

Yếu tố chính là tính từ: đại hàn, thượng thọ, công ích, thậm tệ, dạ hương,..

Yếu tố chính là động từ: cao hứng, hoan nghênh, lợi dụng, bình phục, du kích,...

- Từ ghép đẳng lập

Các yếu tố trong từ ghép đẳng lập Hán Việt có vai trò ngữ pháp ngang nhau. Các yếu tố hoặc là đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc là trái nghĩa hoặc là cùng có liên quan với nhau trong một trường hợp nhất định.

Trong từ Hán Việt cấu trúc đẳng lập các yếu tố kết hợp tạo nên từ có thể mang tính chất danh từ, động từ hoặc tính từ. Các yếu tố tạo từ có tính danh từ như: thảo mộc, nhi đồng, phụ nữ, gia thất, phụ mẫu…; Các yếu tố tạo từ có tính chất động từ như: tiêu diệt, chế tạo, đấu tranh, đình chỉ, cung cấp…; Các yếu tố tạo từ chỉ tính chất như: vĩ đại, dũng mãnh, cùng khổ, kì quái, độc ác…

Trật tự của các yếu tố trong từ ghép đẳng lập Hán Việt là cố định, vững chắc, nếu thay đổi vị trí các yếu tố sẽ dẫn đến sự thay đổi về nghĩa của từ. Ví dụ như: lai vãng - vãng lai… Tuy trật tự các yếu tố khó thay đổi nhưng có một

số ít trường hợp đảo lộn vị trí các yếu tố cho nhau thì ý nghĩa của các từ vẫn giữ nguyên như: chung thủy – thủy chung, giản đơn – đơn giản…

- Từ ghép chủ vị

Từ ghép chủ vị là loại từ ghép mà hai yếu tố kết hợp trong cấu trúc có mối quan hệ mang tính chất chủ vị. Một yếu tố là chủ ngữ, chủ thể trong cấu trúc đứng trước. Yếu tố thứ hai đứng sau có tính chất vị ngữ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất, đặc điểm… của chủ thể - yếu tố đứng trước. Ví dụ như:

dân chủ, nhân tạo, pháp định, nhật thực, địa chấn, dân lập…

- Từ ghép trùng lặp Hán Việt là loại từ ghép được cấu tạo bởi hai yếu tố Hán Việt có kết cấu âm tiết và ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Loại từ ghép này trong tiếng Hán rất phổ biến như: nhân nhân, gia gia, xứ xứ, niên niên, thời thời… Trong tiếng Việt từ ghép Hán Việt trùng lặp có số lượng không nhiều.

Ví dụ như: trùng trùng, song song, xa xa...

- Từ ghép phụ gia

Từ ghép phụ gia là loại từ ghép trong cấu trúc kết hợp một yếu tố có khả năng cấu tạo từ cao kết hợp với một yếu tố khác.

Yếu tố có khả năng cấu tạo từ cao đứng trước như: bán, bất, vô, phi, siêu… Ví dụ: bán cầu, bán kính, bán dẫn, vô lí, vô học, vô can, phi nghĩa, phi pháp, phi thường, siêu thực, siêu trường, siêu trọng…

Yếu tố có khả năng cấu tạo từ cao đứng sau như: trưởng, viên, tính, giả, sĩ… Ví dụ: bộ trưởng, hiệu trưởng, cơ trưởng, nhân viên, giáo viên, đoàn viên, đảng tính, nhân tính, thú tính, tác giả, học giả, độc giả, chiến sĩ, họa sĩ, thi sĩ…

* Từ láy

Những từ được gọi là từ láy Hán Việt phải thỏa mãn một điều kiện trước tiên là: các thành tố tạo nên từ láy là yếu tố Hán Việt như : đinh ninh, lâm li, lam lũ, khang trang, tư lự, do dự,…

Hầu hết những từ láy Hán Việt mà cả hai thành tố là Hán Việt thì đều là những từ mượn nguyên khối từ tiếng Hán. Đối với những từ láy này: về mặt ngữ âm có thể thấy có một sự tương ứng khá rõ giữa các từ láy Hán Việt với

bản thân chúng ở trong nguyên ngữ; về mặt ngữ nghĩa, các thành tố đều có nghĩa và nghĩa của từ láy Hán Việt trong nguyên ngữ tiếng Hán là do chính các thành tố này tạo thành.

1.1.3.2. Đặc điểm về ngữ nghĩa từ Hán Việt

Các từ Hán Việt khi được mượn vào tiếng Việt trở thành một bộ phận của từ vựng tiếng Việt và chúng hoạt động theo quy luật tiếng Việt. Vì vậy nghĩa của từ Hán Việt có thể thay đổi so với nghĩa từ trong tiếng Hán.

- Sự mở rộng nghĩa, phát triển thêm nghĩa mới

Rất nhiều những từ ngữ Hán Việt khi đi vào hoạt động hành chức bên cạnh nghĩa gốc trong tiếng Hán còn phát triển thêm nghĩa mới. Ví dụ như:

Từ hắc có nghĩa là đen tối. Vào tiếng Việt, ngoài nghĩa trên còn có thêm hai nghĩa nữa: có mùi xông mạnh lên mũi, gây cảm giác khó chịu và tỏ ra nghiêm, cứng rắn đến mức có thể cứng nhắc trong việc giữ nguyên tắc, làm người dưới quyền phải nể sợ một cách khó chịu.

Từ đầu có các nghĩa sau: phần trên hết của thân mình (Cái đầu). Vào tiếng Việt, ngoài nghĩa trên còn có các nghĩa sau: Phần có điểm xuất phát của một khoảng không gian của thời gian đối lập với cuối (đầu mùa thu, nhà ở đầu sông, những ngày đầu năm), phần ở tận cùng, giống nhau ở hai phía đối lập trên chiều dài của một vật (hai bên đầu cầu, nắm hai đầu dây), vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước tất cả những vị trí, thời điểm khác (lần đầu, hàng ghế đầu, tập đầu của bộ phim).

- Sự thu hẹp nghĩa

Đây là sự phát triển theo hướng: các yếu tố gốc Hán khi đi vào tiếng Việt thì tiếng Việt không tiếp nhận tất cả các nghĩa vốn có của nó mà chỉ tiếp nhận phần nào một số nghĩa, hoặc bớt các nét nghĩa, hoặc hạn chế phạm vi sử dụng từ Hán Việt với nghĩa cụ thể. Ví dụ như:

Từ thổ: trong tiếng Hán mang nghĩa chỉ đất nói chung. Nhưng khi vào tiếng Việt lại mang nghĩa chỉ một loại: đất để xây dựng nhà ở, làm vườn hay để trồng trọt, nhưng không phải là ruộng để trồng lúa (thổ canh, thổ cư).

- Sự biến đổi nghĩa

Bên cạnh hai khuynh hướng mở rộng và thu hẹp nghĩa thì một số từ trong tiếng Hán khi trở thành yếu tố (hoặc từ) Hán Việt thì có xu hướng: chúng chuyển nghĩa rất xa hoặc thay đổi hẳn nghĩa. Ví dụ như:

Từ khốn nạn vốn có nghĩa là khó khăn. Vào tiếng Việt từ này lại có nghĩa là hèn mạt, không còn chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa.

1.1.3.3. Đặc điểm về phong cách từ Hán Việt

Tu từ học nghiên cứu những thuộc tính biểu cảm của các phương tiện ngôn ngữ. Sự vận dụng các kết quả nghiên cứu đó sẽ giúp cho lời văn hay hơn, đẹp hơn. Trải qua quá trình lựa chọn, thay đổi và vận dụng kéo dài hàng ngàn năm, lớp từ Hán Việt đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc ta và được chúng ta sử dụng để thể hiện sắc thái tu từ trong các phong cách chức năng khác nhau. Từ Hán Việt là nguồn chất liệu đáng kể trong văn học bác học và văn chương bình dân. Các tác phẩm văn học kinh điển của dân tộc ta, như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều... đều sử dụng từ Hán Việt với mật độ rất cao.

Ngày nay, trong kho từ ngữ tiếng Việt còn tồn tại hàng loạt cặp từ Hán Việt và thuần Việt có nghĩa tương đương nhau về sắc thái ý nghĩa, về mặt biểu cảm và được dùng song song với nhau. Trong đó, từ Hán Việt thường mang sắc thái cổ kính, trang trọng, tao nhã, khái quát và trừu tượng.

- Sắc thái trang trọng

Nhiều trường hợp người dùng sử dụng từ Hán Việt ví nó mang sắc thái trang trọng hơn từ thuần Việt, đặc biệt trong các trường hợp giao tiếp, lễ nghi.

Ví dụ trong văn bản Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu [50, tr 89]

có câu: “Do sức ép của công luận ở Pháp và ở Đông Dương, ông Va- ren đã nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu…” nếu trong đoạn văn bản trên từ công luận ta thay bằng ý kiến chung của mọi người thì chắc chắn không đạt được hiệu quả mong muốn.

quyền môn

cửa quyền phù vân → mây nổi

Để chỉ một số đối tượng con người cụ thể, nếu dùng từ thuần Việt sẽ tạo cảm giác giản dị, mộc mạc, thậm chí thông tục, vì vậy trong ngữ cảnh trang trọng người ta thường dùng từ Hán Việt đồng nghĩa, mang sắc thái lịch sự. Ví dụ trưởng hợp từ nữ sĩ dưới đây đồng nghĩa với từ nhà thơ nữ nhưng sử dụng từ nữ sĩ sẽ trang trọng hơn, phù hợp với ngữ cảnh hơn: “Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh năm mất…

Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại xưa nay…” (Qua Đèo Ngang- Chú thích) [49, tr 102]).

- Sắc thái tao nhã

Từ Hán Việt mang sắc thái tao nhã, tránh gây ấn tượng ghê rợn hoặc gây ấn tượng tục tĩu. Sở dĩ các từ Hán Việt có khả năng giúp người nói, người nghe tránh được các cảm giác thô tục hay khiếm nhã là vì từ Hán Việt thường trừu tượng, trong khi từ thuần Việt thường cụ thể, sinh động, dễ liên tưởng đến thực tại.

Để tránh sự sợ hãi, kinh khiếp người ta hay dùng từ Hán Việt trong y học, chỉ bệnh tật như: kiết lị, thổ tả, băng huyết …; để tránh ghê rợn trong việc chết chóc, tang ma người ta cũng sử dụng từ Hán Việt như: thi hài, hài cốt, quan tài, liệm… và còn dùng để chỉ các bộ phận cơ thể người, hoạt động sinh lí của cơ thể để tránh sự thô tục như: khỏa thân, hậu môn, đại tiện, trung tiện, tiểu tiện…

Từ Hán Việt được dùng với tư cách là uyển ngữ: mãn nguyệt khai hoa, động phòng hoa trúc, cấp dưỡng...

- Sắc thái khái quát và trừu tượng

Từ Hán Việt vì mang tính khái quát nên cô đọng hàm súc, nhưng do tính đa nghĩa, chứa đựng nhiều ý tứ trong nó do đó nhiều trường hợp từ Hán Việt gây cho người đọc sự khó hiểu, khó hình dung. Nếu từ thuần Việt tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, thân thuộc thì từ Hán Việt lại mang đến cảm giác trừu tượng, nhiều tầng nghĩa.

Trong lớp từ Hán Việt có một số từ mang tính khái quát, trừu tượng thường được dùng trong văn viết có tính chất học thuật như: thượng phong, song hành, mô phỏng, tương tự, hư cấu…đặc biệt là thuật ngữ khoa học mà từ thuần Việt không có hoặc không có nghĩa tương đương như: đồng quy, tiếp tuyến, tích phân (toán học)... Những thuật ngữ này có nội hàm lớn, khái quát cao, nếu dùng từ thuần Việt thì dài dòng.

- Sắc thái cổ

Từ Hán Việt được vay mượn từ tiếng Hán và có lịch sử du nhập vào nước ta hàng nghìn năm trước. Lớp từ Hán Việt đã lưu giữ rất nhiều từ cổ được sử dụng trong các giai đoạn lịch sử trước đây của xã hội Việt Nam như: tôn ông, huynh ông, phụ vương, ái phi, đồng môn, đồng tuế...

Các sắc thái ngữ nghĩa của từ Hán Việt có sức mạnh tu từ nói trên chính là vì nó nằm trong thế đối lập với các từ thuần Việt. Hay nói một cách khác, chính sự đối lập với tiếng Việt là nguyên nhân làm cho nó có sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ mà nó vốn không có khi ở trong tiếng Hán. Và sắc thái mới ấy chính là bằng chứng chắc chắn cho thấy rằng từ Hán Việt đã là một bộ phận hữu cơ của hệ thống từ vựng tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 20 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)