Từ mang dấu ấn sinh hoạt văn hóa cổ xưa

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 65 - 69)

CHƯƠNG 3. GIÁ TRỊ PHONG CÁCH TỪ HÁN VIỆT TRONG CÁC VĂN BẢN SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 7

3.1.4. Từ mang dấu ấn sinh hoạt văn hóa cổ xưa

Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 có những từ Hán Việt mà tiềm ẩn sâu trong nội tại nghĩa từ là cả một bức tranh phản ánh nếp sống, thói quen sinh hoạt thời cổ, vì vậy khi khai thác, tìm hiểu nghĩa từ ta còn được học cả những

bài học lịch sử ngắn gọn, đơn giản.

Hi sinh là từ Hán Việt vay mượn từ từ Hán được tạo lập xuất phát từ công việc cúng tế. Thời cổ đại người ta thường dùng con vật để cúng tế như : bò, dê, heo được gọi là tam sinh. Hi sinh cũng là chỉ những con vật được đem tế thần. Hi sinh là cách gọi trang trọng mà không gọi thẳng tên của các loài vật đó để bày tỏ sự kính trọng với thần linh. Những con vật tế được gọi là hi sinh mang một trọng trách là chuyển những mong mỏi, ước vọng của cộng đồng dân cư lên kính cáo với thần để thần soi xét, phù trợ. Sau này từ hy sinh được dùng để tôn vinh những người nguyện từ bỏ quyền lợi riêng, chết vì đấu tranh cho cuộc sống nhân dân ngày một tốt đẹp hơn.

“Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh) viết: hi sinh 犧生: Súc - vật dùng để tế trời đất - nghĩa bóng: Bỏ cả tự - do quyền - lợi và sinh - mệnh của mình mà làm một việc gì”. “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (Nguyễn Lân): hi sinh (hi: súc vật dùng để tế thần; sinh: đời sống). Theo đây, chữ sinh 生, có nghĩa là “sống”.

Thực ra, sinh trong hi sinh 犧牲 không phải chữ “sinh” có tự hình là 生 (với nghĩa sống, “đời sống”, “sinh - mệnh”) mà là sinh có tự hình là 牲.“Từ nguyên”

giải nghĩa: “Sinh 牲: hi sinh 犧牲. Con vật nuôi gọi là súc 畜, dùng để cúng tế, đãi tân khách gọi là sinh 牲”. (Nguyên văn: “牲:犧牲也.養之曰畜.用之於祭 祀賓客曰牲”). “Thuyết văn giải tự”: “sinh牲: nguyên cả con trâu. Do chữ ngưu biểu ý, sinh biểu thanh”. [牲,牛完全.從牛生聲]. “Hán tự đồ giải tự điển”: “sinh 牲: chữ hình thanh. Ngưu 牛 biểu ý, biểu thị dùng gia súc để làm lễ cúng tế;

sinh 生 biểu thanh; sinh 生 cũng có nghĩa là sinh trưởng, biểu thị trâu, dê phải là con trưởng thành mới dùng để làm lễ tế tự. Nghĩa gốc là dùng cả con trâu, dê để làm vật cúng tế. Phiếm chỉ khi tế lễ thì dùng gia súc để cúng tế. Sinh 牲 có hai nghĩa: ①.Thời cổ đại khi tế tự thì dùng trâu, dê, lợn, như: hi sinh 犧牲; tam sinh 三牲; hiến sinh 獻牲. ②. Gia súc: sinh khẩu 牲口[gia súc nuôi để giết thịt]; sinh súc 牲畜 [vật nuôi để giết thịt].

Với chữ hi 犧 trong từ hi sinh 犧牲, vốn có nghĩa cụ thể là con vật nuôi thuần sắc lông được chọn để tế thần. “Hán tự đồ giải tự điển” giảng như sau:

“Thời cổ đại dùng súc vật có bộ lông thuần nhất để tế tự. (Từ hi sinh vốn chỉ việc dùng gia súc để cúng tế thời cổ đại, hiện nay chỉ sự xả thân vì chính nghĩa)”. “Hán Việt tự điển” (Thiều Chửu): “hi 犧: Con muông thuần sắc dùng để cúng tế gọi là hi. Vua Thang cầu mưa, tự phục trước miếu thay làm con muông để lễ, vì thế người ta gọi những người bỏ cả đời mình để làm cho đạt một sự gì là hi sinh 犧牲”. Như vậy, sinh 牲, trong từ hi sinh 犧牲 vốn có nghĩa là gia súc (trâu, dê, lợn) được dùng nguyên con để làm lễ cúng tế, chứ không phải “sinh” 生, nghĩa là “sinh sống” (trong từ sinh tử 生死).

Trong văn bản “Mẹ tôi” trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 1 có đoạn :

…Hãy nghĩ xem, En-ri-cô à! Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư ? Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con…

( Ét-môn-đô đơ A-mi-xi - Mẹ tôi)[49;10]

Khi tìm hiểu nghĩa từ đồng hồ,trong văn bản Sống chết mặc bay ta cũng được tiếp nhận sự hình thành của từ từ vài nghìn năm trước. Đồng ở đây là chất liệu đồng, hồ là cái bình. Đồng hồ là từ chỉ cái bình chứa nước bằng đồng, được đục thủng để nước nhỏ giọt xuống đo thời gian. Cái bình bằng đồng này thực ra là cái vật dụng để đo thời gian (thời gian được chỉ định bằng mực nước chứa trong hồ). Hiện nay cái gì dùng đo thời gian đều được gọi là cái đồng hồ. Thậm chí dùng không đo thời gian mà đo lượng điện tiêu thụ, đo nước cũng được gọi là đồng hồ (đồng hồ điện, đồng hồ nước). Ngày nay vật chúng ta sử dụng để biết thời gian vẫn gọi là đồng hồ nhưng không còn gắn với hình ảnh mà nó được tạo dựng từ cổ xưa nữa.

… trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía, hai bên nào là ống thuốc bạc, nào là đồng hồ vàng, nào là dao chuôi ngà, nào là ống vôi chạm,

ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt

(Phạm Duy Tốn- Sống chết mặc bay )[50;76]

Từ Giang hồ trong văn bản “Mùa xuân của tôi” cũng cho ta một sự hiểu biết thú vị khi tìm hiểu nghĩa từ.

Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu, mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung…

(Vũ Bằng- Mùa xuân của tôi)[49;174]

Trong văn hóa Trung Hoa thời cổ, giang hồ là từ dùng để chỉ về sông, nước, sơn thủy, nơi các bậc ẩn giả, hiền triết ngao du, hay mai danh ẩn tích xa lánh sự đời. Trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt là thời kỳ các tiểu thuyết theo trường phái võ hiệp được hình thành và trở nên phổ biến thì thuật ngữ giang hồ chuyên dùng để mô tả một xã hội tồn tại song song với xã hội đương thời và hầu như không bị ràng buộc về mặt luật pháp và vương quyền. Từ giang hồ có nghĩa cụ thể là: sông và hồ. Từ nét nghĩa cụ thể sông và hồ, cảnh thiên nhiên nơi người ta thường đi chơi, du ngoạn mới nảy sinh ra nghĩa sống một cuộc sống phóng khoáng, tự do, rèn chí, học tập, hành đạo. Con người ngày nay cho rằng giang hồ nay đây mai đó là không ổn định, không an cư không lạc nghiệp, thế nhưng người xưa thì lại cho rằng những người đàn ông có hùng tâm tráng chí thì phải bôn ba ngoài xã hội mới thâu lượm được nhiều tinh hoa, mới có khả năng trị quốc, bình thiên hạ.

Qua đi sâu tìm hiểu từ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 ta còn có thể thấy phần nào tư duy người xưa trong nét nghĩa của từ, ví dụ: tam tòngtứ đức trong đoạn văn bản dưới đây:

Này con kia! Tam tòng tứ đức nhà mày để ở đâu hử?...

(Quan Âm Thị Kính) [50,115]

Với chữ Tam tòng thì tài liệu đề cập sớm nhất là sách "Lễ ký", Tam tòng có nguồn gốc từ Nghi lễ.Trong thiên "Giao đặc sinh" có chép: Phụ nữ là phải theo người, lúc nhỏ theo cha anh, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo

con. Cũng trong "Lễ ký", thiên "Hôn nghị" có chép: Ngày xưa, phụ nữ trước khi lấy chồng ba tháng, nếu tổ miếu chưa hư hỏng, thì ra đó mà ở, nếu tổ miếu đã hư hỏng thì vào nhà của tông tộc ở. Dạy cho phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. Song tứ đức thời bấy giờ nhìn chung chỉ thực hiện trong phụ nữ quý tộc, tam tòng chỉ là trạng thái sinh tồn của phụ nữ nhà lương gia chứ không phải là khuôn phép nghiêm ngặt đối với tất cả mọi người phụ nữ. Tứ đức là một giáo lý gắn bó hữu cơ với tam tòng. Tứ đức có nguồn gốc từ Chu lễ, Thiên quan trủng tể.Với người phụ nữ, tứ đức gồm phụ công, phụ dung, phụ ngôn và phụ hạnh. "Phụ hành đệ tứ" một chương trong sách "Nữ giới" giải thích về Tứ đức trong "Lễ ký". "Nữ giới" là sách của Ban Chiêu thời Đông Hán. Ban Chiêu am hiểu kinh điển Nho gia, lại dạy dỗ hậu phi trong cung về phụ đức, kinh sử, vì thế hiểu rất rõ về những tấm gương phụ đức thời trước. Về đời tư, bà goá chồng rất sớm, nhiều năm thủ tiết. Với những kinh nghiệm và học vấn như vậy, bà đã viết "Nữ giới" để răn dạy các con gái. Bà không thể ngờ rằng "Nữ giới" lại trở thành quyển sách giáo khoa hàng đầu cho phụ nữ phong kiến hàng nghìn năm.

Về sau này, tam tòng, tứ đức thường được dùng để nói về bổn phận của phụ nữ trong gia đình, so với tam cương, ngũ thường là bổn phận của người đàn ông ngoài xã hội, và bách hạnh là tiêu chuẩn đạo đức của nam giới thời Nho giáo. Trong suy nghĩ đã thành hệ thống của con người trong xã hội xưa thì người phụ nữ không thể ngang bằng với đàn ông. Người phụ nữ phải phục tùng đàn ông trong mọi nơi, mọi lúc. Đây là một quan niệm đã lạc hậu, cổ hủ đối với cuộc sống ngày nay bởi nó tước đoạt hết quyền của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Xã hội ngày nay đã loại bỏ quan niệm này ra khỏi cuộc sống văn minh, hiện đại. Khi học đến tam tòng, tứ đức, được nghe giải thích về nghĩa của từ học sinh phần nào tái hiện được cuộc sống của xã hội trước đây để qua đó cảm nhận thấy sự ưu việt của cuộc sống ngày nay.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)