Từ thể hiện sự trang trọng khi phản ánh sự kiện

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 71 - 76)

CHƯƠNG 3. GIÁ TRỊ PHONG CÁCH TỪ HÁN VIỆT TRONG CÁC VĂN BẢN SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 7

3.2 Sắc thái trang trọng

3.2.2 Từ thể hiện sự trang trọng khi phản ánh sự kiện

Từ Việt được sử dụng để phản ánh những hoạt động có tính chất lễ nghi trang trọng như: khai trường, khai giảng trong bài “Cổng trường mở ra”. Trong một văn bản này thì từ khai trường xuất hiện tới 6 lần để đem lại sắc thái trang trọng cho sự diễn đạt về tính chất đặc biệt của sự kiện :

“Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được”

“Mẹ tin vào sự chuẩn bị rất chu đáo cho con trước ngày khai trường”

“…ngày khai trường đúng là ngày đầu tiên học trò lớp Một đến trường..”

“Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội”

“Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự…”

‘Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con”

(Lý Lan - Cổng trường mở ra) [49;5-7]

Khai có nghĩa là: mở, mở đầu, trường: nơi tụ họp. Khai trường có hai nghĩa:

1. Bắt đầu mở một công trường (nghĩa này quá cũ, ít dùng); 2. Bắt đầu năm học mới ở nhà trường (thường sau đợt nghỉ hè). Khai trường cũng gần nghĩa với tựu trường (tựu: tới, tựu trường: (học sinh) tập trung tại trường vào đầu năm học…). Ngày khai giảng sẽ là ngày tập trung toàn thể, thực hiện một số nghi lễ cần thiết, sau đó cả giáo viên và học sinh bắt tay ngay vào công việc giảng dạy và học tập. Tác giả Lí Lan đã dùng tới 6 lần từ khai trường trong văn bản này nhằm nhấn mạnh sự trang trọng, thiêng liêng của ngày đầu tiên đến trường của trẻ cũng như sự tôn vinh đặc biệt của xã hội ta với việc đi học.

Trong văn bản “Mùa xuân của tôi” sách Ngữ văn 7 tập một có đoạn:

“…Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lung, tuy miệng chẳng nói ra mhwng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan…

( Vũ Bằng- Mùa xuân của tôi) [49;175]

Trong đoạn trên ta thấy có từ Hán Việt đoàn tụ liên hoan. Từ đoàn tụ có nghĩa là: họp mặt đông đủ vui vẻ. Thường từ này dùng trong trường hợp cả gia đình được gặp gỡ nhau trong những dịp quan trọng hay lễ tết, hoặc cũng có thể người thân bị chia cắt hay bị thất lạc đã lâu được gặp lại nhau. Từ đoàn tụ đồng nghĩa với từ gặp gỡ, họp mặt nhưng nếu dùng từ đoàn tụ chúng ta sẽ cảm thấy long trọng hơn.

Từ Hán Việt thứ hai ta cần chú ý trong đoạn văn bản trên là liên hoan. Từ liên hoan có nghĩa là: cuộc vui có đông người tham dự (liên: nối liền, kết hợp;

hoan: vui.). Cuộc vui đông người là cuộc vui lớn, nhiều người cùng nhau chia sẻ, kết hợp với nhau cùng vui. Dùng từ liên hoan cho thấy tính quy mô của cuộc vui, đồng thời cho ta thấy tính trang trọng của sự kiện.

“… từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình…

(Hồ Chí Minh- Tinh thần yêu nước của dân ta)[50;25]

Từ tòng quân có nghĩa là tham gia vào quân đội (tòng: theo; quân: binh lính, quân đội). Tòng quân là một từ được dùng nhiều thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước đây mọi thanh niên khi tòng quân đều cảm thấy tự hào bởi việc tham gia quân đội là một sự kiện, một bước ngoặt của cuộc đời, là được đi đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Có những thanh niên do sức khỏe, điều kiện không được tòng quân đã viết quyết tâm thư bằng máu để được ra chiến trường. Tòng quân là một từ đã không được dùng phổ biến nữa, ngày nay người ta dùng cụm từ “thực hiện nghĩa vụ quân sự” thay thế, sự trang trọng của của cụm từ Hán Việt này rất phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay.

3.2.3 Từ thể hiện sự trang trọng khi chỉ nghề nghiệp, đối tượng

Khi sử dụng từ Hán Việt để chỉ công việc, chức danh hay nghề nghiệp thì nó chất trang trọng hơn dùng từ thuần Việt hay phi Hán Việt: cô giáo, học sinh, mẫu giáo, quan chức… (Cổng trường mở ra), đồng chí, nhân dân, quần chúng ( Đức tính giản dị của Bác Hồ) công chức, điền chủ, kiều bào, nhi đồng, nông dân, phụ nữ… ( Tinh thần yêu nước của nhân dân ta), thi nhân, văn nhân… (Ý nghĩa văn chương), ca công… (Ca Huế), ngoại quốc, giáo sĩ… (Sự giàu đẹp của tiếng Việt).

Chỉ những người đáng kính trọng trong gia đình, xã hội như từ thân – chỉ cha mẹ, đấng sinh thành ra mình.

“… Yêu nhau như thể tay chân.

Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

(Những câu hát về tình cảm gia đình)[49;35]

Phụ huynh trong văn bản “Cổng trường mở ra”chính là chỉ cha mẹ hoặc người đại diện cho gia đình học sinh trong quan hệ với nhà trường. Từ này theo cách dùng của người Trung Hoa thời ấy có tính chất trọng nam, khinh nữ.

Người con gái thời ấy phải "tam tòng" (tức ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng; chồng chết thì theo con). Quyền trong gia đình thuộc người cha (phụ); cha qua đời thì là anh trai (huynh), vì thế mới có cụm từ "quyền huynh thế phụ". Người phụ nữ bị coi là "phụ nhân nan hoá" (đàn bà khó dạy bảo), không đủ tư cách thay mặt gia đình. Tuy nhiên, gạt bỏ lịch sử trọng nam khinh nữ thì gắn với nghĩa từ ta vẫn thấy sử dụng từ phụ huynh toát lên sự trang trọng khi sử dụng.

Từ tổ tiên là chỉ người đời trước, ví dụ như: viễn tổ (tổ tiên xa), tiên tổ (những vị tổ của đời trước).

“…bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra rang mở hội liên hoan…”

(Vũ Bằng- Mùa xuân của tôi) [49;Tr.175]

Các sắc thái ngữ nghĩa có được của từ ngữ Hán Việt nói trên là đặt trong thế đối lập với từ ngữ thuần Việt, và chính sự đối lập với từ ngữ thuần Việt là nguyên nhân làm cho nó có sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ vốn không có khi ở trong tiếng Hán.

Như vậy, trong những cảnh huống trang trọng, nghiêm trang, các tác giả đã lựa chọn, sử dụng từ ngữ HánViệt thay cho từ ngữ thuầnViệt vì các từ ngữ này có thể mang lại hiệu quả nghệ thuật cao.

3.2.4 Tính trang trọng khi dùng để đặt tên người tên đất

Vì tính chất trang trọng nên từ Hán Việt còn được dùng để đặt tên người, tên đất: Hà Nội, Ngọc Sơn, Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút, thể hiện niềm tự

hào với những cảnh đẹp của non sông đất nước (Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người)

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn, Hỏi ai xây dựng nên non nước này? “

(Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người)[49;38]

Đền Ngọc Sơn (Ngọc Sơn có nghĩa là núi Ngọc) được xây dựng từ thế kỷ 19. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi gọi là đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13. Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền.

Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba (chắn sóng lớn), bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Tên Thê Húc của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm" hay "Ngưng tụ hào quang".

Nhân vật nhà chí sĩ yêu nước trong "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" lấy tên là Phan Bội Châu. Tên Bội Châu (mang ngọc châu) thể hiện sự tự hào, sự ý thức sâu sắc về tài năng, nhân cách, về sự cao quý.Trên bước đường cách mạng, Phan Bội Châu lại lấy hiệu là Thị Hán (Tức một hảo hán chân chính) với mơ ước trở thành một người anh hùng dọc ngang trời đất, đạp bằng mọi bất công. Song, đặc sắc nhất và gợi nhiều trìu mến nhất vẫn là cái hiệu Sào Nam, lấy ý từ đôi câu thơ cổ “ Hồ mã tê Bắc phong. Việt điểu sào Nam chi” (Ngựa Hồ kêu gió Bắc. Chim Việt đậu cành Nam). Lấy hiệu Sào Nam, Phan Bội Châu thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha. Như con chim Việt dù bay lượn cao xa thế nào vẫn về đậu cành Nam, dù bôn ba nơi đâu, dù chạy vạy chốn nào, Phan Bội Châu vẫn hướng về cố quốc, vẫn thường trực trong lòng tâm sự hoài hương. Tâm sự hoài hương, tấm lòng yêu nước ấy thể hiện rõ trong những vần thơ của nhà chí sĩ:

Nay ta hát một thiên ái quốc Yêu gì hơn yêu nước nhà ta

Trang nghiêm bốn mặt sơn hà, Ông cha để lại cho ta lọ vàng.”

(“ Ái quốc” – Phan Bội Châu )

Ý nghĩa của bấy nhiêu cái tên đủ để thấy con người này quyết không chịu làm thân nô lệ, không cam tâm thu mình trong vòng khoa cử để cầu cái lợi vinh thân. Từ trong tâm khảm, Phan Bội Châu muốn làm ngọc quý giữa tăm tối bùn lầy, muốn làm con chim Việt đậu cành Nam luôn vọng về tổ quốc, muốn làm một hán tử đạp bằng mọi bất công. Hoài vọng ấy thể hiện một nhân cách vĩ đại, thể hiện tầm vóc của một người anh hùng xoay chuyển càn khôn.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)