Nhận xét về cấu tạo từ Hán Việt song tiết

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 55 - 59)

CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO TỪ HÁN VIỆT TRONG SÁCH GIÁO

2.4. Đặc điểm từ Hán Việt song tiết

2.4.2. Nhận xét về cấu tạo từ Hán Việt song tiết

Từ ghép chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số từ Hán Việt song tiết trong các văn bản của SGK Ngữ văn 7 là 777 từ, chiếm tỉ lệ 96,4 %

a) Từ ghép Hán Việt xét trên tiêu chí sự kết hợp trong cấu trúc

Từ ghép Hán Việt xét trên tiêu chí sự kết hợp trong cấu trúc gồm có: từ ghép đẳng lập, từ ghép chính phụ, từ ghép chủ vị, từ ghép phụ gia.

- Từ ghép đẳng lập Hán Việt

Theo thống kê, trong 25 văn bản chương trình trình Ngữ văn 7 thì có 210 từ ghép đẳng lập Hán Việt, chiếm 26 % số lượng từ Hán Việt song tiết.

Từ ghép Hán Việt đẳng lập là loại từ ghép được tạo thành bởi các yếu tố đồng loại, theo quan hệ bình đẳng, ngang nhau về mặt ngữ pháp. Loại từ ghép đẳng lập này có từ loại như danh từ, động từ, tính từ. Đó là các từ như nam nữ, chiến tranh, quần áo, thiết giáp, trầm bổng, đấu tranh, tái phạm, dũng cảm, tha thiết, yên tĩnh, hoa quả, ông bà, hân hoan, thân thuộc, giản dị, hòa hợp, phố phường, thần tiên, thảo mộc, giang hồ, mê luyến, bảo vệ, tưới tiêu, bình phẩm, cấu tạo, sáng tạo, ca tụng, ngâm vịnh, đoạn tuyệt, phụ mẫu, tả hữu, thảm sầu, ngôn ngữ, quỷ thần, sắt cầm…

- Từ ghép chính phụ Hán Việt

Theo thống kê, trong 25 văn bản chương trình trình Ngữ văn 7 thì có 507 từ ghép đẳng lập Hán Việt, chiếm 63 % số lượng từ Hán Việt song tiết.Từ ghép

Hán Việt chính phụ là loại từ ghép được tạo thành bởi một thành tố chính và một thành tố phụ.

Từ ghép Hán Việt chính phụ được chia thành hai loại: từ ghép chính phụ Hán Việt có thành tố phụ đứng trước, thành tố chính đứng sau và từ ghép chính phụ Hán Việt có thành tố chính đứng trước, thành tố phụ đứng sau.

Từ ghép Hán Việt chính phụ có cấu tạo phụ trước chính sau là loại từ ghép mà yếu tố đứng sau là yếu tố chính, yếu tố đứng trước hạn định yếu tố đứng sau. Đây là loại từ ghép có cấu tạo tiêu biểu theo Hán ngữ nhưng lại ngược với trật tự cú pháp tiếng Việt. Yếu tố chính có thể là yếu tố danh, yếu tố động hoặc yếu tố chỉ tính chất:

+ Yếu tố chính là yếu tố danh như: học sinh, lương tâm, cổ thụ, nhân loại, tác phẩm, quan chức,..

+ Yếu tố chính là yếu tố động (chỉ hoạt động, quá trình) như: hỗ trợ, cô giáo, cam kết….

+ Yếu tố chính là yếu tố chỉ tính chất như: tối tân, quan trọng, can đảm…

Từ ghép Hán Việt chính phụ có cấu tạo chính trước phụ sau là loại từ ghép mà các yếu tố cấu tạo nên nó theo trật tự thuận của ngữ pháp tiếng Việt. Yếu tố chính có thể là yếu tố động, có thể là yếu tố chỉ tính chất:

+ Yếu tố chính là yếu tố động như: thương tâm, giáo dục, điều động, khai giảng, khai trường, trang trí, hối hận, quan tâm, hành quân, đoàn tụ, truyền đạo….

+ Yếu tố chính là yếu tố chỉ tính chất như: yên tâm, kì diệu, ưu tiên, bội nghĩa, tội nghiệp….

- Từ ghép chủ vị Hán Việt

Từ ghép chủ vị Hán Việt có số lượng rất ít trong hệ thống các văn bản lớp 7, chỉ có khoảng 8 từ, xuất hiện 16 lượt, chiếm 1,6 % như các từ dân chủ, nhân chứng, công dụng….

- Từ ghép phụ gia Hán Việt

Theo thống kê của chúng tôi có 47 từ ghép phụ gia Hán Việt xuất hiện trong 25 văn bản lớp 7, chiếm số lượng 6 % như chiến sĩ, giáo sĩ, khoa học, văn hóa, thi sĩ, thi ca, thi nhân…

b) Từ ghép Hán Việt nhìn từ tiêu chí từ loại

Từ ghép chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số từ Hán Việt song tiết trong các văn bản của SGK Ngữ văn 7: 707 từ, tần số xuất hiện là 1029 lượt, chiếm tỉ lệ 96,6 %.

Về khả năng hoạt động ngữ pháp, từ ghép Hán Việt được chia thành ba loại: từ ghép Hán Việt là danh từ, từ ghép Hán Việt là động từ và từ ghép Hán Việt là tính từ.

Trong các từ loại trên thì số lượt từ Hán Việt thuộc từ loại danh từ, dùng để gọi tên người, sự vật, hiện tượng, khái niệm được sử dụng nhiều nhất: 502 lượt từ, chiếm 50,8 %. như: bộ đội, bệnh viện, hoàng hôn, giáo viên, ngôn ngữ, bổn phận, chiến sĩ, …; đứng thứ hai là từ loại tính từ chỉ tính chất, đặc điểm, màu sắc: 201 lượt từ, chiếm 27,8 %, như: thông minh, giản dị, can đảm, nho nhã, hung ác, tĩnh mịch, tối tân, u ám…,và đứng thứ ba là từ loại động từ chỉ hoạt động của người, sự vật là 103 lượt từ, chiếm 21,4 %, như: tra tấn, phong tỏa, chế tạo, sản xuất, trang điểm; chiếm số lượng nhỏ còn lại là từ loại liên từ và phó từ, như: tuy nhiên, vô cùng, sở dĩ

- Từ ghép Hán Việt là danh từ

Từ ghép Hán Việt là danh từ là những từ được cấu tạo bởi hai yếu tố thường là danh từ đơn tiết Hán Việt, trong các văn bản lớp 7, chúng cũng xuất hiện với tư cách là những danh từ ghép Hán Việt. Đây là từ loại chiếm số lượng nhiều nhất so với các từ loại khác. Đó là các từ như: Áo quần, cách thức, chuyên môn, hạnh phúc, hương vị, lễ nghi, ngọc lựu, ngọc thạch, phố phường, thảo mộc, tục lệ… (Một thứ quà của lúa non – Cốm – Thạch Lam); gia đình, giang hồ, không khí, pha lê, sự sống, thần thánh, tổ tiên, uyên ương (Mùa xuân của tôi – Vũ Bằng); phong cách, đô thị, cư dân, thời tiết, phố phường, cao điểm, không khí, thời gian, dân chủ, cô gái, đồng bào, môi trường, thiên nhiên, thành

phố… (Sài Gòn tôi yêu – Minh Hương), bổn phận, bộ đội, chiến sĩ, chính phủ, công chức, công nhân, dân tộc, điển chủ, đồng bào, hậu phương, kháng chiến, kiều bào, nam nữ, nhân dân, nhi đồng, nông dân, phụ nữ, thời đại, tinh thần, tổ chức, tổ quốc, tổ tiên, truyền thống… (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Chủ tịch Hồ Chí Minh); tu hành, tư tưởng, anh hùng, cách mạng, chân lí, chiến sĩ, chính trị, chủ nghĩa, công nhân, dân tộc, đồng chí, đức tính, giá trị, hiền triết, nhân dân, phẩm chất, quần chúng, sự nghiệp, tác phong, tâm hồn, thế giới, thời đại, tình cảm, tinh thần, vật chất… (Đức tính giản dị của Bác Hồ - Phạm Văn Đồng)... Tất cả những từ trên, không cần dựa vào ngữ cảnh cũng có thể xác định đó là danh từ.

Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính, không biến đổi về mặt hình thái. Do không có những chỉ tố hình thái để phân định từ loại, nên để biết được từ loại của từ tiếng Việt phải dựa vào khả năng kết hợp của chúng.

Từ công phu, gian lao và gian nan, anh hùng… có thể là danh từ hoặc tính từ.

Đây là hiện tượng mà các nhà ngôn ngữ học gọi là nhất từ đa loại. Từ ghép Hán Việt công phu, nếu là danh từ thì có nghĩa công sức và thì giờ bỏ ra, thường là nhiều, để làm việc gì (mất nhiều công phu); nếu là tính từ có nghĩa là rất kĩ lưỡng, độc đáo, mất nhiều công sức (chiếc tủ được chạm trổ rất công phu).

- Từ ghép Hán Việt là động từ

Từ ghép Hán Việt là động từ là những từ được cấu tạo bởi hai yếu tố thường là động từ đơn tiết Hán Việt. Trong các văn bản của sách Ngữ văn 7, chúng cũng xuất hiện với tư cách là những động từ ghép Hán Việt. Đây là từ loại chiếm số lượng nhiều thứ hai sau danh từ. Đó là các từ: ẩn dật, chiến đấu, chiến thắng, đấu tranh, hoạt động, phục vụ, quý trọng, sản xuất… (Đức tính giản dị của Bác Hồ - Phạm Văn Đồng); cộng tác, đoạn tuyệt, hợp lực, hi sinh, kết án, khai hóa, phản bội, phục thù, quý trọng, thực hiện, tiến hành, tôn kính, tôn sùng, trung thành, tưởng tượng, tự trị, tuyên bố, xả thân, yên vị, yêu cầu…

(Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu – Nguyễn Ái Quốc); ca tụng, hình dung, ngâm vịnh, sáng tạo, thương hại… (Ý nghĩa văn chương – Hoài

Thanh); động tâm, thẩm lậu, tôn kính… (Sống chết mặc bay – Phạm Duy Tốn);

đối đáp, hình thành, hòa tấu, hoài vọng, thể hiện, thương cảm, trang trí, xao động… (Ca Huế trên sông Hương –Hà Ánh Minh) .v.v….

Từ ghép Hán Việt là tính từ

Từ ghép Hán Việt là tính từ là những từ được cấu tạo bởi hai yếu tố thường là tính từ đơn tiết Hán Việt, trong các văn bản của sách Ngữ văn 7, chúng cũng xuất hiện với tư cách là những tính từ ghép Hán Việt. Đây là từ loại chiếm số lượng nhiều thứ ba sau danh từ và động từ. Đó là các từ: điềm nhiên, đường bệ, nghi vệ, nghiêm trang, nguy nga, nguy hiểm, nhàn nhã, thảm sầu, thú vị, tĩnh mịch, tôn nghiêm, ung dung, uy nghi, xứng đáng… (Sống chết mặc bay – Phạm Duy Tốn); ai oán, âm thầm, bi ai, dân gian, đầu tiên, du dương, nhuần nhuyễn, nồng hậu, phổ biến, phong phú, tài ba, tao nhã, thiết tha, trang trọng, uy nghi, yên tĩnh… (Ca Huế trên sông Hương –Hà Ánh Minh); ác liệt, bình thường, cao quý, độc lập, giản dị, giản đơn, gian khổ, hòa hợp, khắc khổ, khiêm tốn, kì diệu, nhất quán, phong phú, quan trọng, tao nhã, thanh tao, thanh bạch, tự do, văn minh, vô địch… (Đức tính giản dị của Bác Hồ - Phạm Văn Đồng)…

2.4.2.2 Từ láy

Theo phần khảo sát của chúng tôi, trong 25 văn bản chỉ xuất hiện 29 từ láy, chiếm 3,4 % số lượng từ Hán Việt song tiết, từ láy chúng tôi khảo sát trong phần này cả hai thành tố đều là Hán Việt như: lâm li, đường hoàng, do dự, bồi hồi, du dương, nhuần nhuyễn, não nùng, nhục nhã, thanh thản, thiết tha…

Phương thức láy điệp từ như: trùng trùng, là từ láy theo phương thức láy điệp từ trong tiếng Hán và còn là một phần của dạng láy từ trùng trùng điệp điệp trong tiếng Việt.

Phương thức láy song thanh như: phảng phất, du dương là từ láy thuộc láy song thanh, tức là láy lại phần phụ âm đầu.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn 7 (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)