Chương 2: VAI TRÒ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN VÀ TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 – 1954)
2.3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc đưa ra những quyết định táo bạo, kịp thời đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
2.3.1. Quyết định chuyển từ đánh Cao Bằng sang đánh Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới (1950)
Sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc (1947), Pháp ngày cáng lún sâu vào cuộc chiến tranh ác liệt và không như Pháp mong đợi. Từ đánh nhanh thắng nhanh buộc phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, thực dân Pháp ngày càng hao hụt về quân số do phải phân tán lực lượng để đối phó. Từ năm 1948, cuộc kháng chiến của nhân dân ta liên tiếp giành được thắng lợi lớn về mọi mặt.
Phong trào chiến tranh du kích ngày càng lan rộng. Các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập tiến sâu vào vùng Pháp chiếm đóng, cùng cán bộ và nhân dân địa phương xây dựng cơ sở kháng chiến. Lực lượng vũ trang ba thứ quân đã được xây dựng hoàn chỉnh gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong các vùng bị địch tạm chiếm, phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các thành phố, thị xã.
Trong tình thế khó khăn và bị động, Pháp đã cử Đại tướng Rơve Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp cùng 6 nghị sĩ Quốc hội Pháp sang Đông Dương để nghiên cứu tình hình. Sau một tháng nghiên cứu thực địa và trao
41
đổi với các tướng tá ở Đông Dương, trở về nước, Rơve đã vach ra một kế hoạch – Kế hoạch Rơve.
Nội dung của kế hoạch Rơve bao gồm:
Trên cơ sở nhận định: giải phóng quân Trung Hoa tiến xuống Hoa Nam là nguy cơ lớn đối với Pháp ở Đông Dương, chủ trương đưa cuộc chiến tranh Đông Dương vào khuôn khổ chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, dựa vào viện trợ Mỹ mà củng cố lực lượng, tăng cường và hiện đại hóa trang bị.
Vận dụng chính sách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùn người Việt đánh người Việt, đánh đối phương bằng chiến tranh tổng lực.
Lập chính quyền bù nhìn, đề cao vai trò của Bảo Đại trong việc tập hợp các lực lượng chống đối Việt Minh, xây dựng một đội quân bản xứ 5 vạn tên do người Việt Nam chỉ huy (không kể lực lượng quân Ngụy trong biên chế Pháp).
Biến Bắc Kì thực sự trở thành một pháo đài, thu hẹp phòng tuyến biên giới Đông Bắc, củng cố tuyến yểm trợ từ Lạng Sơn đến Móng Cái và khu vực phòng thủ ở trung du, tăng cường càn quét các ổ đề kháng của đối phương, đảm bảo an ninh trong vùng đồng bằng.
Phát triển Ngụy quân để đảm nhiệm nhiệm vụ bình định, xin thêm viện binh, thay đổi tướng tá để xây dựng khối cơ động Âu Phi lớn mạnh.
Quá trình thực hiện kế hoạch Rơve của Pháp:
Với chiến thuật “khóa then cửa”, Rơve chủ trương khóa chặt biên giới Việt – Trung bằng một tuyến phòng thủ vững chắc trên Đường số 4 để cô lập cách mạng Việt Nam. Đồng thời Pháp tung quân đánh rộng ra vùng trung du, thiết lập hành lang Đông – Tây hòng ngăn chặn con đường liên lạc giữa Việt Bắc
42
với đồng bằng Liên khu III và Liên khu IV. Tại Khu III, Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các tỉnh phía nam sông Hồng, kéo dài phòng tuyến đến tận Hòa Bình. Ở Khu IV, Pháp mở rộng phạm vi hành lang Bình – Trị - Thiên để cắt đứt liên lạc giữa Khu IV và Khu V.
Giữa lúc đó vào tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới ở hướng Cao Bằng – Lạng Sơn. Chiến dịch Biên Giới năm 1950 là chiến dịch đầu tiên do ta chủ động mở để khai thông biên giới, phá thế bao vây của địch hòng cô lập quân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định mở chiến dịch trong quý III năm 1950 và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy cùng với lời căn dặn rõ rằng của Bác Hồ “chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua”.
Chiều ngày 3/8/1950, Đại tướng đến Quảng Uyên gặp Hoàng Văn Thái và Trần Đăng Ninh. Hoàng Văn Thái báo cáo đang gấp rút hoàn thành kế hoạch giải phóng thị xã Cao Bằng. Tuy nhiên Hoàng Văn Thái cũng cho biết khi thảo luận vào chiều mùng 2/8 một số cán bộ băn khoăn về việc chọn đánh Cao Bằng. Trước tình hình đó, Đại tướng đã trực tiếp đi trinh sát vị trí Cao Bằng.
Từ trên cao, nhìn qua kính viễn vọng có thể thấy thị xã Cao Bằng nằm gọn giữa hai con sông Bằng và sông Hiến. Có tất cả 15 vị trí với hàng rào dây thép gai bao bọc. Ở phía Nam thị xã, hai bên đều có lô cốt và tháp canh, ở phía Tây có sông, các công sự vững chắc và các chướng ngại vật. Còn trên dọc đường số 4 – con đường ta tiến vào thị xã có nhiều trại lính ngụy, phố xá,…Sau khi quan sát kĩ lưỡng từng địa điểm, thử đưa ra những khó khăn và cách khắc phục, từ đó ông kết luận: “Tôi đã hiểu vì sao Bộ Chỉ huy Pháp chưa chịu rút quân khỏi Cao Bằng”.
43
Thị xã Cao Bằng được phòng thủ rất chắc chắn xung quanh, tất cả các phía đều không thuận lợi để ta có thể tấn công. Sau chuyến đi trinh sát thực địa, Võ Nguyên Giáp nhận thấy không thể chọn thị xã này làm điểm đột phá cho chiến dịch. Đánh Cao Bằng sẽ khó đảm bảo nguyên tắc “trận đầu phải thắng”. Nếu có giành thắng lợi cũng phải chịu những thiệt hại rất lớn cả về người và của. Đường số 4 chạy dọc vùng biên giới Việt – Trung, từ Lạng Sơn lên Cao Bằng phải lần lượt qua Thất Khê và Đông Khê. Vì thế, theo tính toán của Đại tướng như sau:
“Đánh Đông Khê trước sẽ chặt đứt con đường nối Cao Bằng với Thất Khê, nhất là khi cứ điểm Đông Khê của địch mặc dù đã được củng cố nhưng vẫn nằm trong khả năng tiêu diệt của quân ta. Mất Đông Khê một là địch sẽ phải chiếm lại, hai là sẽ phải rút khỏi Cao Bằng. Ta sẽ có điều kiện tiêu diệt sinh lực địch ở ngoài công sự. Nếu địch không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ đánh tiếp Thất Khê. Cuối cùng ta sẽ chấn chỉnh lực lượng, quay lại giải phong Cao Bằng. Khi đã mất cả Đông Khê và Thất Khê, tinh thần quân địch sẽ khác, đánh địch sẽ thuận lợi hơn hiện nay nhiều. Tùy tình hình, không nhất thiết phải giải phóng Cao Bằng bằng một số trận công kiên mà cũng có thể bao vây buộc địch đầu hàng” [1, tr.202].
Vấn đề này đã được Đại tướng nêu ra trong buổi hội ý Đảng ủy mặt trận vào ngày hôm sau. Sau khi nghe Võ Nguyên Giáp trình bày Đảng ủy cũng nhận thấy rằng việc đánh Cao Bằng quá mạo hiểm lại không đảm bảo thắng lợi nên đã chuyển hướng sang tấn công Đông Khê. Nhưng lúc này lại có người cho rằng: “Thường vụ Trung ương đã có quyết định đánh Cao Bằng, mọi công tác chuẩn bị về tham mưu, hậu cần đã hướng cả về Cao Bằng, nếu bây giờ thay đổi chiến dịch sẽ bị chậm lại”. Đại tướng đã kết thúc cuộc hội ý rằng: “Nếu thấy mở đầu chiến dịch như vậy không đảm bảo thực hiện mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo để xin quyết định của Thường vụ”
44
[1, tr.203]. Trong thời gian chờ đợi, các đơn vị bắt đầu phản ánh ý kiến của các chiến sĩ sau khi đi trinh sát về, cơ bản cho thấy những khó khăn nếu đánh Cao Bằng.
Ngày 15/8/1950 Võ Nguyên Giáp nhận được điện trả lời của Bác Hồ đồng ý với việc chuyển hướng chiến dịch sang tấn công Đông Khê. Sau khi nhận được điện, một cuộc họp liên tịch đã được triệu tập để các cán bộ có thể nêu ra ý kiến của mình. Sau khi để các đại biểu trao đổi về các phương án có ý kiến khác nhau. Đại tướng nói: “Tôi biết quyết định này không chỉ đảo lộn công tác chuẩn bị đã triển khai rất vất vả một tháng qua mà còn làm mất đi hào hứng của nhiều người muốn được tham gia vào trận đánh đầu tiên giải phóng một thị xã. Nhưng không thể khác. Chiến thắng đòi hỏi sự táo bạo nhưng nó không chấp nhận bất cứ hành động phiêu lưu nào”. [1, tr.204]
Ngày 9/9/1950, kế hoạch đánh Đông Khê đã được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch thông qua lần cuối.
6h sáng ngày 16/ 9, cuộc tấn công vào Đông Khê được mở đầu bằng một loạt đạn bắn thẳng vào đồn chính. Sau đó đồng loạt các pháo của ta hướng thẳng vào các mục tiêu. Cả Đông Khê mịt mù pháo lửa. Đây cũng chính là trận chiến làm vang dội nhiều tấm gương anh hùng của dân tộc như La Văn Cầu, Trần Cừ.
4h30 ngày 18/9 ta đánh vào sở chỉ huy Đông Khê, bắt sống viên đại úy đồn trưởng và các sĩ quan tham mưu. Đến 10h cùng ngày, cuộc tấn công kết thúc thắng lợi. Đúng như ta đã tính toán, việc đánh Đông Khê là chặt đứt đường số 4 ở quãng giữa, buộc địch phải co hai đầu lại.
Đợt II của chiến dịch bắt đầu từ 21/9 đến 8/10. Do sơ hở nên ta đã để địch vượt qua trận địa phục kích ở Lũng Phầy nhưng sau đó nhanh chóng ngăn chặn được khi địch gần ở Đông Khê và liên tiếp tấn công Khâu Luông, Tróc Ngà,…
45
Trải qua thời gian chiến đấu khốc liệt, chiến dịch Biên Giới mùa thu 1950 kết thúc thắng lợi, giải phóng một khu vực biên giới rộng lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập với 40.000km2. Đây cũng là chiến dịch quy mô lớn đầu tiên mà ta đã giành được thắng lợi. Từ đó làm thay đổi cục diện trên chiến trường: ta giành quyền chủ động, chuyển sang giai đoạn phản công, còn địch bị đẩy vào thế bị động phòng ngự.
Về phía Pháp, phái đoàn thanh tra tại chỗ do Đại tướng Revers, Tổng tham mưu trưởng quân lực Pháp cầm đầu sang Đông Dương thị sát, cũng đã xác nhận tình hình khủng hoảng, bế tắc cả về mọi mặt của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Để đưa đến thắng lợi của chiến dịch Biên Giới (1950) việc đưa ra quyết định chuyển hướng tấn công từ Cao Bằng sang Đông Khê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò rất quan trọng. Điều này cũng đã tiếp tục khẳng định vai trò to lớn cùng với đó là tài năng, bản lĩnh của một vị Đại tướng được nhân dân tin yêu. Dấu ấn thiên tài của Đại tướng sẽ tiếp tục được lịch sử chứng minh trong các trận đánh quyết định tiếp theo. Quân đội Pháp hùng mạnh vốn xem thường ông nhưng đã buộc phải kính nể tài năng của Võ Nguyên Giáp.