Chương 2: VAI TRÒ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN VÀ TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 – 1954)
2.3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc đưa ra những quyết định táo bạo, kịp thời đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
2.3.3. Vai trò quyết định đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Khi nhận quyết định bổ nhiệm sang Đông Dương từ ngày 8/5/1953, Navarre chỉ chấp nhận chức trách được giao sau nhiều cân nhắc vì e ngại không có kinh nghiệm gì về Đông Dương. Thủ tướng Pháp lúc này là Rene Mayer cử Navarre đến Sài Gòn để nhìn các vấn đề với một con mắt mới, đồng thời có đầy đủ uy tín đối với Mỹ để yêu cầu gì cũng được, hòng có thể đề xuất ra được một con đường mới để “rút khỏi Đông Dương trong danh dự”.
Navarre vốn nổi tiếng là một sĩ quan tham mưu ưu tú, đã chiến đấu từ năm 1918 đến suốt Thế chiến II, đặc biệt đã đứng đầu cơ quan tình báo ở Pháp và
48
Đức từ năm 1936 đến năm 1940 lại đứng đầu Phòng Nhì của tướng Weygand ở Algeria trong thế chiến II.
Sau khi khảo sát tình hình Đông Dương sau 7 năm trục trặc, đến ngày 24/7/1953 Navarre đã trình bày một bản kế hoạch ở Bộ Quốc Phòng Pháp. Kế hoạch Navarre nhằm xoay chuyển tình thế trong vòng 18 tháng:
- Năm đầu 1953 – 1954, phải tập hợp được quân lực thành binh đoàn tác chiến, đánh vào nơi “dễ ăn” ở phía Nam vĩ tuyến 18, từ khu IV (Bình Trị Thiên), Khu V và vùng cực nam (Nam Bộ).
- Sau khi giành được chiến thắng ở miền Nam, năm sau (1954 – 1955) sẽ đánh những đòn quyết định ở miền Bắc. Navarre chủ trương tập trung binh lực cơ động mở những cuộc hành quân lớn tiêu diệt quân chủ lực của đối phương.
Kế hoạch mới được hình dung như trên thì do hoạt động của Việt Minh ở Tây Bắc và Lào, nên Navarre đã phải tính thêm việc bảo vệ cho Lào. Bởi vậy, ngay từ 27/7/1953, Navarre đã phải tính việc bất ngờ chiếm lĩnh Điện Biên Phủ để làm lá chắn bảo vệ cho Lào.
Theo Navarre, Pháp có hai cái lợi ở Điện Biên Phủ: Một, cứ điểm này là
“cái chốt” bảo vệ cho Lào đang bị Việt Minh uy hiếp. Hai, nó lại là “một cái nhọt bọc” thu hút một phần quan trọng của lực lượng Việt Minh, làm giảm nhẹ sức ép của Việt Minh đối với đồng bằng Bắc Bộ. Và Navarre đã gia tăng lực lượng cho Điện Biên Phủ lên đến 12.000 quân, có sân bay hậu cần và dã chiến, có công sự vững chắc và xe tăng thiết giáp yểm hộ cho bộ binh, thiết kế căn cứ trở thành một “tập đoàn cứ điểm liên hoàn có sức cố thủ không ai đánh bại được”. Ông ta đã thiết lập Điện Biên Phủ thành 49 cứ điểm cứng, tập hợp trong ba phân khu rải rác nằm trong cánh đồng bằng phẳng hoặc tọa lạc trên các mỏm đồi cao, có pháo binh hạng nặng yểm trợ cho nhau và sẵn sàng nhả đạn nghiền nát bộ đội chủ lực của ta. Khi ấy, tập đoàn cứ điểm Pháp sẽ như
49
“con nhím xù lông” chọc nát mặt địch thủ hoặc hơn nữa là “chiếc cối xay thịt khổng lồ” nghiền nát bộ đội chủ lực của ta. Cả Pháp và Mỹ lúc này đều cho rằng đây là “tập đoàn cứ điểm vĩ đại” và là một “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Với một lực lượng như thế, Bộ Chỉ huy Pháp chỉ lo rằng quân ta không đến đánh. Và máy bay Pháp đã được phái đi rải truyền đơn chung quanh Điện Biên Phủ, thách thức Việt Minh đến giao chiến.
Về phía ta Tổng quân ủy đã đưa ra chủ trương phá kế hoạch tập trung binh lực của Navarre theo phương châm “chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”. Đó là tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh . Không sợ. Ta phải buộc chúng phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn” [12, tr.11]. Chúng ta đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường đồng thời sử dụng bộ phận quân chủ lực tấn công vào những chỗ sơ hở tìm cơ hội tiêu diệt địch.
Trong kế hoạch Đông Xuân năm 1953 – 1954 Tổng quân ủy đã xác định trên chiến trường Bắc bộ, sẽ tiến công lên Tây Bắc, tiêu diệt địch ở Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào.
Sau khi nhận rõ âm mưu của địch và phân tích tình hình mọi mặt, ngày 6/12/1953 Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị phương án tác chiến mùa xuân 1954 một cách cụ thể cả về tiền phương và hậu cần. Kế hoạch mở chiến dịch đã chính thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị phê duyệt.
Như vậy là đến đầu tháng 12/1953, hai bên tham chiến đã cùng đồng ý chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược. Trong tình hình đó, sự bí mật, bất ngờ của điểm quyết chiến không còn nữa và thắng bại của trận đánh là chủ yếu tùy thuộc vào binh lực và cách sử dụng binh lực mỗi bên, tinh thần quyết chiến của quân đội, tư tưởng và nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật trong đó phương châm tác chiến giữ vai trò hết sức quan trọng.
50
Trong Hội nghị Trung ương khóa II ngày 25 đến 30/1/1953, báo cáo chính trị do Tổng bí thư Trường Chinh trình bày đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo là: “Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm mà một lần thua nặng thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều nên nói chung là chỉ có thắng chứ không được bại vì bại là hết vốn” [12, tr.11]. Tư tưởng chỉ đạo chắc thắng mới đánh được xác lập từ đầu năm 1953 trước chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong phương án tác chiến của Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 6/12/1953 đã phân tích mọi tình huống, xác định phương hướng chiến dịch và đưa ra dự đoán nếu địch tăng cường lực lượng, thành lập cứ điểm Điện Biên Phủ thì đây sẽ là trận tiến công lớn nhất từ trước đến nay và dự tính thời gian chiến đấu khoảng 45 ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Như vậy là tư tưởng chỉ đạo nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải chắc thắng mới đánh. Quyết chiến chiến lược là trận đánh có ý nghĩa quyết định thành bại của cuộc chiến tranh, liên quan đến sự sống còn của đất nước, sự tồn vong của dân tộc. Vì xưa nay, các nhà lãnh đạo bao giờ cũng rất cẩn trọng và chuẩn bị rất chu đáo cho trận quyết chiến chiến lược, đảm bảo giành thắng lợi trên chiến trường để trên cơ sở đó tìm cách kết thúc chiến tranh với đối phương. Những chiến công Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng – Xương Giang, Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa mãi mãi còn vang vọng trong lịch sử dân tộc và kí ức nhân dân.
Để chuẩn bị chiến trường và phương án tác chiến cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26/11/1953 bộ phận Tiền phương của Bộ tổng tư lệnh lên
51
đường đi Tây Bắc. Dẫn đầu là Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái và một số cán bộ như Đặng Kim Giang, Đỗ Đức Kiên. Cùng đi với đoàn có Mai Gia Sinh trong đoàn cố vấn Trung Quốc và trưởng đoàn cán bộ phiên dịch Hoàng Minh Phương.
Ngày 6/12/1953 đoàn đến Chỉ huy sở tiền phương đặt ở Thẩm Pua. Lúc bấy giờ lực lượng địch ở Điện Biên Phủ đã được tăng cường, từ ngày 10 – 12 là 10 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh, các cứ điểm đang xây dựng nói chung vẫn đang ở trạng thái phòng ngự, các công sự chưa được xây dựng kiên cố. Trong tình hình đó, sau khi cân nhắc hai phương án: bao vây đánh dần từng bước hay tiến công tiêu diệt nhanh, đoàn đã đưa ra chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” (tốc chiến tốc thắng), tranh thủ thời cơ địch chưa kịp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, đánh sớm và đánh nhanh để giành thắng lợi.
Ngày 1/1/1954 Bộ chính trị đã chỉ định lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch là Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Liêm là Chủ nhiệm chính trị. Đặng Kim Giang là Chủ nhiệm cung cấp chiến dịch. Đó cũng là ba ủy viên Đảng ủy chiến dịch.
Ngày 5/1/1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc lên đường ra mặt trận. Sáng ngày 12/1/1954, tại Tuần Giáo khi nghe tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình và phương án tác chiến là
“đánh nhanh thắng nhanh”, Đại tướng đã sớm nhận thấy “ngay bây giờ đánh nhanh đã khó rồi đây hẳn càng khó” và tự xác định cần phải tìm hiểu thêm tình hình. Tuy nhiên chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” đã được Đảng ủy mặt trận và đoàn cố vấn Trung Quốc tán thành. Đại tướng nêu lên một số băn khoăn nhưng sau khi suy tính Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc vẫn khẳng định: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vũng để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ
52
mất thời cơ” [12.tr.12]. Với trí tuệ nhạy bén và kinh nghiệm dày dạn của một vị chỉ huy tài ba , Đại tướng thấy rõ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” là quá mạo hiểm và cần phải thay đổi cách đánh và phương án tác chiến.
Mặc dù Võ Nguyên Giáp nhận thấy rằng cần phải thay đổi cách đánh nhưng điều này thực hiện vào thời điểm hiện tại là hết sức khó khăn khi mà toàn Đảng, toàn quân và đoàn cố vấn Trung Quốc đều nhất trí với phương án đánh nhanh. Vẫn biết rằng Đại tướng là người chỉ huy chiến dịch, khi ra lệnh tất cả mọi người đều phải nghe theo nhưng đây chỉ là sự phục tùng ép buộc chứ không phải tự nguyện bởi vậy nó không thể tạo ra sức mạnh đoàn kết tổng hợp và ý chí chiến đấu quật cường nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ “chắc thắng mới đánh” cũng đưa ra yêu cầu phải duy trì sự đoàn kết thống nhất trong chỉ huy: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền.
Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn, cứ quyết định rồi báo cáo sau” [1, tr.241]. Đánh nhanh lúc này rất nguy hiểm, có thể gây ra tổn thất lớn mà lại không đạt được kết quả cao. Với tầm nhìn của một nhà chiến lược vĩ đại và một trái tim yêu thương nồng hậu, Đại tướng đã thực hiện việc chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” một cách tài tình.
Đầu tiên Đại tướng vẫn tiếp tục cho thực hiện phương án đánh nhanh và cử người theo dõi tình hình địch ở Điện Biên Phủ đồng thời cho quân kéo pháo vào trận địa. Ông triệu tập hội nghị cán bộ và đưa ra thời gian dự kiến của chiến dịch là 2 ngày 3 đêm và thời gian nổ súng là 17h ngày 20/1/1954.
Lúc này sau khi nghe báo cáo của Cục Quân báo về tình hình địch: xe tăng, pháo, binh lực đều được tăng cường, công sự được xây dựng kiên cố có hàng rào dây thép gai,… Võ Nguyên Giáp thấy rõ ràng cứ điểm Điện Biên Phủ đã được xây dựng vững chắc. Cùng lúc đó việc kéo pháo vào trận địa cũng gặp rất nhiều khó khăn, đã vượt quá thời gian kéo pháo đã định ban đầu
53
4 ngày, vì vậy ngày nổ súng mở đầu chiến dịch cũng phải lùi lại đến ngày 25/1/1954.
Tình hình ngày càng chuyển biến theo hướng bất lợi cho ta. Nhưng trước tình hình đó lại trong không khí chiến đấu đang dâng cao không một ai dám nói ra sự thật về những khó khăn mà ta gặp phải. Sau này trong hồi kí của mình Đại tướng có nhắc đến Cục phó cục bảo vệ Phạm Kiên và đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn là những người dám nói ra, dám báo cáo những khó khăn mà thời điểm đó chúng ta gặp phải. Từ đó Đại tướng càng khẳng định rằng không thể thực hiện kế hoạch đánh nhanh. Về sau có lần Đại tướng đã nói: “Lúc bấy giờ là lúc toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 ngày 3 đêm, sau này mới biết có người lo ngại nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá cao ý thức của anh Phạm Kiên, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra chuyển sang kế hoạch đánh chắc tiến chắc” [12, tr.12]. Ngày 24/1 quân ta lại phát hiện địch nắm được kế hoạch nổ súng nên Đại tướng đã nhanh chóng ra quyết định hoãn giờ nổ súng thêm 1 ngày tức là chuyển sang 17h ngày 26/1.
Từ ngày 14/1 sau khi nhận được phương án tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” của Hoàng Văn Thái đưa ra, Đại tướng đã suy nghĩ rất nhiều, phân tích tỉ mỉ tình hình quân ta và quân địch. Ông nghĩ rằng với “con nhím Nà Sản” năm 1952 mà một trung đoàn của ta cũng không thể đánh thắng thì đến “con nhím Điện Biên Phủ khổng lồ” đánh nhanh là phương án không khả quan. Càng ngày ông càng thấy đánh nhanh không thể thực hiện được.
Sáng sớm ngày 26/1, Võ Nguyên Giáp quyết định đến gặp trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc là Vi Quốc Thanh để nêu lên những khó khăn khi ta đánh nhanh và khẳng định nếu kiên quyết đánh thì chúng ta sẽ thất bại. Từ đó Đại
54
tướng đưa ra phương án chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Về phía cố vấn Trung Quốc sau khi nghe Võ Nguyên Giáp trình bày, Vi Quốc Thanh cũng phân tích những khó khăn như Võ Nguyên Giáp nói, đặc biệt là việc kéo pháo và nhận ra điều Võ Nguyên Giáp nói hoàn toàn hợp lý nên đã đồng ý với đề xuất của Đại tướng.
Sau khi thống nhất được với trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, đề xuất của Võ Nguyên Giáp đã nhận được sự ủng hộ đầu tiên. Tiếp đó, Đại tướng triệu tập Đảng ủy mặt trận bàn về chủ trương thay đổi phương án tác chiến.
Đại tướng đã nêu lên ba khó khăn hiện rõ lúc này là:
“Thứ nhất; bộ đội chủ lực của ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là đến mức tiểu đoàn địch tăng cường. Đối với những cứ điểm có công sự vững chắc như ở Nghĩa Lộ, Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm mà vẫn có những trận không thành công, thương vong nhiều. Thứ hai; trận này ta đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh – pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà lại chưa qua diễn tập. Thứ ba; bộ đội ta từ trước mới chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng” [1, tr.246].
Cuộc thảo luận diễn ra gay gắt khi đa số đều cho rằng phải đánh nhanh vì tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng chỉ chờ hiệu lệnh nổ súng. Lúc này Đại tướng đã nêu lên chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “chắc thắng mới đánh” vậy đánh như cũ liệu có chắc thắng không? Bấy giờ mỗi người trong Đảng ủy đều phải nhìn nhận lại từng vấn đề, phân tích tình hình một cách khách quan nhất và nhận thấy còn rất nhiều khó khăn chưa giải quyết được. Cuối cùng Đảng ủy đã đi đến thống nhất với đề xuất của Võ Nguyên Giáp, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.
55
Đến trưa 26/1 sau khi đã thống nhất được với Đảng ủy mặt trận, cố vấn Trung Quốc, Đại tướng ra lệnh hoãn cuộc tiến công và chuyển sang chuẩn bị cho phương án tác chiến mới. Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo pháo binh kéo pháo ra khỏi trận địa và giao nhiệm vụ mới cho đại đoàn 308. Tất cả trên tinh thần đoàn kết một lòng tích cực chuẩn bị cho cuộc tiến công.
Lúc này việc dùng điện đài để báo cáo với Trung ương là không khả thi nên Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cho chuyển sang phương án mới “đánh chắc tiến chắc”.
Sau 56 ngày đếm chiến đấu gian khổ, biết bao xương máu của bộ đội ta đã đổ xuống, thắng lợi đã thuộc về toàn quân, toàn dân ta. Chiến thắng này đã viết tiếp vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã đập tan cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Việt Nam, phá hủy hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương.
Để có được kết quả này là nhờ có đường lối kháng chiến đúng đắn, là sự đoàn kết quân dân một lòng, là tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
của những người lính cụ Hồ. Họ sẵn sàng ngã xuống cho nền độc lập dân tộc.
Điều không thể không nhắc đến ở đây chính là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tư cách là một người Tổng chỉ huy ông luôn phải suy nghĩ tính toán để đưa đến thắng lợi cho cuộc chiến mà bộ đội mình không bị thiệt hại. Ông là người đầu tiên thấy được sự mạo hiểm của phương án đánh nhanh. Chính vì vậy Đại tướng đã có một quyết định sáng suốt, kịp thời. Ngay từ đầu với tài năng của một vị tướng kiệt xuất ông luôn kiên trì với đường lối đánh chắc. Điều quan trọng nhất là bằng tất cả trí tuệ, tâm hồn và tấm lòng của mình ông đã làm chuyển biến từ chủ trương đánh nhanh được sự nhất trí của Đảng ủy mặt trận, cố vấn Trung Quốc