VỀ CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Một phần của tài liệu Chính sách cấm đạo của triều nguyễn từ năm 1820 đến năm 1883 (Trang 59 - 64)

Chương 3. HỆ QUẢ CỦA CHÍNH SÁCH CẤM ĐẠO

3.1. VỀ CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Hệ quả mà chính sách cấm đạo gây ra đầu tiên phải kể đến trong khía cạnh chính trị - ngoại giao. Để ngăn chặn việc mở rộng của việc truyền đạo thì các vị vua triều Nguyễn phải ngăn chặn sự xâm nhập của các giáo sĩ phương Tây. Có thể thấy, ban đầu, triều Nguyễn chỉ ngăn cấm giáo sĩ xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp, sau đó là cấm tuyệt giáo sĩ phương Tây vào Việt Nam và còn dụ triệu các vị giáo sĩ, thừa sai châu Âu tập trung về Kinh thành để dễ bề giám sát và ngăn không cho việc truyền đạo được diễn ra. Tiếp đó là cấm truyền đạo, rồi truy lùng các giáo sĩ, thừa sai châu Âu. Việc một số giáo sĩ ẩn náu trên tàu lái buôn rồi xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp khiến triều đình phải thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng” gắt gao hơn, chính sách ngoại giao “không phương Tây” được thi hành. Về cơ bản thì chính sách cấm đạo sẽ tác động tới đường lối ngoại giao của triều đình một cách song song.

Ngay từ thời Gia Long, ông đã thấy được sự xung khắc giáo lí của đạo Thiên chúa với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Hơn ai hết, ông cũng hiểu và lo rằng, người Tây dương sẽ theo con đường truyền giáo này mà xâm nhập vào Việt Nam, rồi cũng sẽ đe dọa đến an ninh chủ quyền quốc gia.

Nhưng vì chịu hàm ơn với Pigneau và người Pháp nên ông không thể hiện thái độ chống đối ra bên ngoài mà thay vào đó, thực hiện chính sách hai mặt với Công giáo. Tư tưởng đó của ông tiếp tục được các đời vua tiếp theo thực hiện và dẫn đến một hậu quả khôn lường, tác động mạnh mẽ tới chính sách trị vì đất nước trên mọi lĩnh vực mà trước hết là lĩnh vực chính trị - ngoại giao.

54

Tiếp nối nguyện vọng của Gia Long, Minh Mạng tỏ ra dứt khoát trong việc khước từ người phương Tây, kể cả người Pháp. Trong vấn đề này, Joseph Buttinger đã nhận xét: “Chính sách của Minh Mạng về thực chất chỉ là sự thực hiện đường lối chính trị cơ bản của vua Gia Long mà thôi” [20; tr.85].

Đây là thời kỳ chuyển dần từ tiếp xúc thân mật thành lãnh đạm, bước đầu từ chối bang giao chính thức với các nước phương Tây. Vì lúc này, Minh mạng mới lên ngôi, cần tập trung củng cố quyền lực. Hơn nữa, lúc này, Số lượng quan lại người Pháp trong triều là một con số không nhỏ nên Minh Mạng vẫn theo chính sách ôn hòa, khéo léo trong việc khước từ việc ký thương ước chính thức với người Tây dương. Điều này gây khó khăn cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước phương Tây, đặc biệt là người Pháp.

Việc ra chỉ dụ cấm đạo vào tháng 1 năm 1833, đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách tôn giáo cũng như chính trị - ngoại giao. Lúc này, đường lối đối ngoại của triều Nguyễn với phương Tây không còn mang tính chất ôn hòa nữa, hay nói chính xác thì Minh Mạng bắt đầu áp dụng chính sách bất giao thiệp với các nước phương Tây bao gồm cả Pháp.

Dưới triều Minh Mạng, cơ quan giao thiệp với nước ngoài là Thương bạc bị đóng cửa, trong bộ máy nhà nước phong kiến triều Nguyễn, thiếu hẳn một bộ phận, một cơ quan chuyên trách về phương Tây. Các quan lại cao cấp của triều đình được cử ra tiếp sứ, hay đi cồn vụ nước ngoài đều là những người học giỏi, đỗ đạt và được đào tạo trên nền tảng Nho giáo nên khi đi đến các nước tư bản không thể phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao được.

Năm 1839, Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất nổ ra ở Trung Quốc đã làm Minh Mạng phải giật mình và xem lại chính sách của mình. Minh Mạng cho rằng: “Nên thăm dò ý đồ các nước châu Âu hầu đi đến một thỏa hiệp về

55

đạo Thiên Chúa, cũng như về buôn bán” [35; tr.53]. Minh Mạng bắt đầu tiến hành thăm dò để “mở cửa”.

Minh Mạng đã cử một sứ đoàn sang nước Anh và Pháp nhằm mục đích thương thuyết và thiết lập quan hệ chính thức với hai nước này. Sứ đoàn có nhiệm vụ làm việc để đi tới ký kết một hiệp ước liên minh chính trị - kinh tế với Anh và Pháp mua hàng hóa. Sứ đoàn sang Pháp do quan Tư vụ Trần Viết Xương dẫn đầu, quan lại Tôn Thất Thường làm phó đoàn, cùng đi còn có hai thông ngôn (một Anh, một Pháp).

Tháng 11 - 1840, sứ đoàn Việt Nam đến Pháp, Trần Viết Xương vận động xin gặp hoàng đế Pháp, nhưng Louis Philippe đã từ chối. [36; tr.105]

Nguyên do là “...Phái bộ gặp sự phản đối kịch liệt của một bộ phận dư luận, đặc biệt là các thừa sai Hội truyền giáo, lấy cớ rằng không thể tiếp nhận phái bộ Việt Nam trong khi vua nước này đang khủng bố, tàn sát điên cuồng các thừa sai Pháp. Do vậy, vua Louis Philippe từ chối việc tiếp kiến, và phái bộ đành phải dời nước Pháp mà chẳng điều đình được việc gì cả. Phái bộ Việt Nam lại sang nước Anh và trở về Bordeaux để về nước” [28; tr.37].

Chính sách cấm đạo đã gây sự thù hằn với các vị thừa sai và giáo sĩ châu Âu nên phái đoàn Việt Nam đã phải nhận sự phản đối của họ, một sự phản đối có ảnh hưởng lớn đến chính phủ Pháp, khiến chính phủ Pháp mất thiện cảm, thậm chí là thù địch. Do vậy mục tiêu nối lại quan hệ với Pháp hoàn toàn thất bại. Thất bại này là một sự nuối tiếc cho nhà Nguyễn, vì nếu nối lại được quan hệ ngoại giao với Pháp và các nước phương Tây khác thì có lẽ vận mệnh của Việt Nam đã khác.

Tiếp đó, sứ đoàn tiếp tục đi đến Anh Quốc, nhưng may mắn không mỉm cười với sứ đoàn nói riêng và triều Nguyễn nói chung. Với âm mưu tiếp tục bành trướng thuộc địa tại Đông Á, Anh chỉ nhìn Việt Nam như một lãnh thổ, một mục tiêu xâm lược mới. Với yếu thế về chính trị và quân sự của Việt

56

Nam mà Anh nắm được, Anh sẵn sàng khước từ mối quan hệ ngoại giao này.

Những nỗ lực cuối cùng của Minh Mạng trong việc thay đổi chính sách ngoại giao đã bất thành.

Kế tục sự nghiệp của Minh Mạng, Thiệu Trị lên ngôi và trị vì 7 năm, trong thời gian đầu trị vì, ông đã có đường lối ngoại giao tương đối ôn hòa đối với các nước Phương Tây, đặc biệt là trong vấn đề cấm đạo. Nhưng sự việc tàu Pháp bắn phá 5 chiếc tàu của triều đình do một số sự hiểu lầm đã khiến Thiệu Trị vô cùng tức giận và lập tức thực hiện lại chính sách “không phương Tây” của Minh Mạng và tiến hành “cấm đạo” trở lại. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với phương Tây lại trở nên căng thẳng.

Vốn dĩ, từ sau sự việc phái đoàn Minh Mạng điều đi thăm dò và đặt quan hệ ngoại giao với Anh và Pháp không thành thì triều đình Nguyễn càng lo lắng cho độc lập chủ quyền quốc gia hơn nữa. Mặc cảm của triều đình với phương Tây càng tăng cao và nhận thức về mối nguy hiểm đến từ phương Tây mà trước hết là tham vọng xâm lược của Anh quốc rõ ràng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, việc Thiệu Trị khước từ quan hệ ngoại giao với nước Anh lúc này là điều dễ hiểu. Từ đây, quan hệ của Việt Nam và Anh quốc dưới triều Nguyễn chính thức chấm dứt.

Trong quan hệ ngoại giao với Pháp cũng có chiều hướng xấu đi trông thấy. Sau khi chiến tranh nha phiến (1839 - 1842) nổ ra và sau đó là hiệp ước Nam Kinh được kí kết, Anh đã chiếm chọn Hương Cảng, một khu vực quan trọng có ý nghĩa giao thương rất lớn tại vùng biển Trung Hoa. Trước tình hình đó, Pháp cũng muốn kiếm tìm một vị trí tại Viễn Đông mà mục tiêu của Pháp lúc này chính là Việt Nam.

Sau vụ việc tàu Pháp đánh phá 5 tàu của triều đình, Thiệu Trị rất tức giận, việc này thật chẳng khác nào Pháp đang thực hiện ngoại giao “Pháo hạm” với ta, là hành động hết sức ngang ngược và đe dọa trực tiếp đến an

57

ninh Quốc gia. Vì vậy, việc Thiệu Trị tức giận và ban bố chỉ dụ cấm đạo cũng là điều dễ hiểu. Không những vậy, Thiệu Trị còn cho quan quân gấp rút xây đắp thành lũy, pháo đài, củng cố phòng thủ trên bờ biển, tăng cường vũ khí, súng đạn.

Thiệu Trị qua đời, người kế nhiệm ông là Tự Đức, tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm. Tự Đức không chỉ là người tiếp tục mà còn là người lãnh hậu quả và trách nhiệm của tất cả đường lối lãnh đạo của những vị vua trước đó.

Cuối năm 1847, Tự Đức lên ngôi, trị vì một đất nước phong kiến với tình hình đối ngoại bế tắc, thương mại kém phát triển, nhân dân đói kém và đặc biệt, khó khăn lớn nhất mà Tự Đức phải đối mặt lúc này chính là nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Trước những hoạt động xâm nhập ngày càng ráo riết của thực dân phương Tây, Tự Đức phải thực hiện những chính sách cứng rắn hơn. Những đạo dụ “cấm đạo” được liên tục ban bố hòng ngăn chặn sự xâm nhập của người phương Tây, và thứ “tà đạo” làm bại hoại thuần phong mĩ tục của dân tộc và là công cụ đắc lực cho mở đường xâm lược Việt Nam, như một sử gia Pháp đã nhận xét: “Thiên Chúa giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và đã là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược đất nước” [4; tr.99].

Ngày 31 - 8 - 1858, quân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, qua đó chấm dứt thời kỳ ngoại giao hòa bình giữa Việt Nam và Pháp.

Như vậy, ta có thể thấy, vì sự lo sợ nguy cơ xâm lược từ bên ngoài mà các vị vua đầu triều Nguyễn đã thi hành chính sách cấm đạo, nhưng cũng từ chính sách này mà ảnh hưởng đến tình hình chính trị và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước phương Tây dưới triều Nguyễn. Trong giai đoạn này, triều Nguyễn đã thể hiện thái độ lúng túng, không biết nên “đóng cửa”

hay “mở cửa” với các nước phương Tây. Việc triều Nguyễn vừa mở cửa cho

58

phép thương nhân người Tây Dương vào buôn bán, lại vừa đóng cửa để ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân cho thấy chính sách hai mặt của các vị vua này. Một mặt, triều Nguyễn muốn mở cửa để hòa nhập, giao thương với các nước trên thế giới. Mặt khác, lại muốn đóng cửa để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Và trong điều kiện hết sức khó khăn đấy, phải thừa nhận rằng, đây là những nỗ lực của các vị vua Nguyễn trong việc bảo vệ và phát triển đất nước, bảo vệ chế độ phong kiến triều Nguyễn.

Chính sách cấm đạo đã thúc đẩy chính sách “đóng cửa” về mặt ngoại giao của triều Nguyễn trở nên thắt chặt hơn. Việc đó làm triều Nguyễn không thể giao lưu, tiếp xúc và học hỏi bộ máy chính trị tiến bộ, những đường lối lãnh đạo mới, những thể chế tân tiến từ các nước tư bản châu Âu. Đó là một thiệt thòi và làm cho bộ máy nhà nước phong kiến với sự cồng kềnh và tham nhũng của nó càng làm cho đất nước suy sụp. Và như thế, triều Nguyễn không thể xây dựng một đất nước giàu mạnh để chống chọi với sự xâm lược của phương Tây, kết cục là đến năm 1884, chủ quyền Quốc gia đã hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp.

Một phần của tài liệu Chính sách cấm đạo của triều nguyễn từ năm 1820 đến năm 1883 (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)