CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 5 XÁC ĐỊNH MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC VẾ TRONG CÂU GHÉP
2.1. Nguyên tắc xây dựng biện pháp
2.1.1. Đảm bảo phù hợp với học sinh tiểu học
Nguyên tắc này đòi hỏi giáo viên khi vận dụng các biện pháp phải tính đến sự phù hợp về khả năng, năng lực và trình độ chung của cả lớp và của từng học sinh. Trong dạy học không chỉ dạy đúng, dạy đủ những tri thức khoa học đã quy định trong chương trình và sách giáo khoa mà khi đưa ra những yêu cầu, những nhiệm vụ phải chú ý đến trình độ của từng học sinh bởi lẽ mỗi học sinh có khả năng tiếp cận tri thức ở các mức độ khác nhau.
Để đảm bảo nguyên tắc này khi xây dựng kế hoạch, chương trình giáo viên cần nắm rõ khả năng nhận thức của học sinh (phải biết trình độ tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm đã có của học sinh). Khi chúng ta đã nắm rõ về học sinh của mình rồi thì việc tổ chức, lên kế hoạch dạy học sẽ dễ dàng hơn.
Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ phát huy được năng lực của mỗi cá nhân một cách cao nhất, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cá nhân và tập thể; góp phần thúc đẩy tính tự giác, tích cực của học sinh trong quá trình học tập. Đồng thời kích thích được hứng thú học tập của các em.
2.1.2. Đảm bảo phù hợp với đặc trưng dạy học câu ghép ở trường tiểu học Đảm bảo phù hợp với dạy học câu ghép ở tiểu học là đảm bảo dạy đúng, dạy đủ các kiến thức câu ghép, quy trình dạy học câu ghép theo SGK Tiếng Việt lớp 5 đã quy định. Các kiến thức mà học sinh nắm được trong bài học phải đảm bảo phản ánh đúng bản chất trong thực tế. Vận dụng các biện pháp sao cho sau khi học xong, học sinh sẽ nắm được khái niệm cơ bản về câu
22
ghép, xác định được các vế câu trong từng câu ghép, biết được các cách nối các vế trong câu ghép và có thể xác định được mối quan hệ giữa các vế mà câu ghép biểu thị.
Muốn vậy thì cả giáo viên và học sinh đều phải nắm rõ nhiệm vụ của mình trong mỗi tiết học: giáo viên phải nắm vững kiến thức về câu ghép và từ đó thiết kế được bài giảng phù hợp nhất, đồng thời học sinh cần thực hiện theo đúng những yêu cầu giáo viên đưa ra trong tiết học, đảm bảo giờ học mang lại hiệu quả cao nhất.
2.1.3. Đảm bảo phù hợp với thực tiễn
Biện pháp đề xuất phải phù hợp với thực tiễn dạy học môn Tiếng Việt lớp 5 nói chung và phân môn Luyện từ và câu lớp 5 nói riêng và có thể áp dụng vào dạy học môn học này để nâng cao hiệu quả dạy học. Để đảm bảo mục đích đó, sử dụng các biện pháp rèn luyện kĩ năng xác định mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Phù hợp với đặc điểm nội dung, chương trình môn Tiếng Việt.
- Phù hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của học sinh tiểu học, đảm bảo tính vừa sức đối với các em.
- Phù hợp với năng lực chuyên môn của đông đảo giáo viên tiểu học, có khả năng triển khai, ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn dạy học phân môn Luyện từ và câu ở Tiểu học.
- Phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của môn Tiếng Việt và điều kiện thực tiễn của trường, của lớp.
- Có nhiều khả năng tạo ra hiệu quả dạy học cao.
2.1.4. Đảm bảo phù hợp với nguyên tắc thiết kế trò chơi
Cơ sở thiết kế trò chơi: Để thiết kế trò chơi học tập phục vụ cho việc dạy học câu ghép ở tiểu học, chúng tôi căn cứ vào các tiêu chí sau:
+ Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, phương pháp của bài học.
23
+ Căn cứ vào logic của quá trình dạy học trên lớp.
+ Căn cứ vào trình độ, năng lực của học sinh.
+ Căn cứ vào chương trình dạy học phân môn Luyện từ và câu lớp 5.
+ Căn cứ vào sách giáo khoa Tiếng Việt 5.
+ Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, cơ sở vật chất của trường, của lớp.
- Các nguyên tắc:
+ Nguyên tắc 1: Đảm bảo cho học sinh hiểu rõ về những yêu cầu, nội dung và cách tổ chức trò chơi. Trò chơi phải có tác dụng định hướng đối với toàn bộ quá trình dạy học và trò chơi phải đáp ứng những yêu cầu, mục đích của bài học. Vì vậy, trước khi chơi giáo viên cần phải giải thích rõ ràng và đầy đủ những yêu cầu cần đạt, nội dung và cách thức thực hiện trò chơi.
+ Nguyên tắc 2: Đảm bảo phải phát huy được tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh trong quá trình tổ chức trò chơi.
Giáo viên cần lựa chọn cách tổ chức với các mức độ tham gia của học sinh, trong quá trình tổ chức trò chơi theo các mức độ từ thấp đến cao như sau:
+ Giáo viên hướng dẫn, tổ chức trò chơi.
+ GV lựa chọn và hướng dẫn trò chơi, học sinh tự tổ chức trò chơi.
+ GV chọn trò chơi còn HS tự nghiên cứu và tự tổ chức trò chơi.
+ Nguyên tắc 3: Đảm bảo tổ chức trò chơi tự nhiên, không gò ép.
+ Nguyên tắc 4: Đảm bảo luân phiên các trò chơi
Ở học sinh tiểu học, hứng thú và chú ý có chủ định chưa bền vững, do đó không nên tổ chức một trò chơi quá lâu, quá dài. GV cần căn cứ vào yêu cầu dạy học và đặc điểm tâm sinh lí của học sinh mà lựa chọn trò chơi thích hợp, để có thể luân phiện nhau giúp cho học sinh chuyển hướng chú ý và hứng thú một cách hợp lí nhằm phục vụ cho những yêu cầu, mục tiêu dạy học đã đề ra.
24
+ Nguyên tắc 5: Đảm bảo trò chơi và tinh thần “thi đua đồng đội”
Trong khi chơi các trò chơi có tính chất đồng đội, giáo viên cần quan tâm đến yếu tố “thi đua”, cần có chuẩn và thang đánh giá thành tích của cá nhân cũng như thành tích chung của đồng đội.