Chương 2 QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI 2005 VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG
2.2 Thực trạng pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005
2.2.2 Căn cứ áp dụng phạt vi phạm
Theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì việc áp dụng chế tài thương mại khi có các căn cứ sau: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; có mối
15 Bản án số 22/2015/KDTM – ST, ngày 08/5/2015, Về vụ án: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, nguồn: http://www.caselaw.vn
23
quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại thực tế. Tuy nhiên do tính chất và hậu quả của các hành vi vi phạm hợp đồng là không giống nhau nên không phải việc áp dụng các biện pháp chế tài nào cũng đòi hỏi phải có đủ các căn cứ nêu trên.
Do đó, chế tài phạt vi phạm có những điều kiện áp dụng riêng và tùy từng trường hợp vi phạm mà áp dụng.
Bản án số 03/2018/KDTM-PT, ngày 15/11/2018, về việc: “Tranh chấp phạt vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH A và bị đơn là Công ty TNHH B. Công ty A khởi kiện công ty B yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại. Công ty A cho rằng Công ty B vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền tạm ứng 20% ngay trong ngày đầu tiên nên đề nghị Công ty B bồi thường thiệt hại cho công ty A số tiền 5% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng đã ký không có điều khoản nào quy định việc chậm thanh toán bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, việc Công ty A yêu cầu Công ty B phải chịu phạt 5% giá trị hợp đồng là không có cơ sở.16 Như vậy, phạt vi phạm chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Điều này có nghĩa phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên nên một bên không thể yêu cầu bên kia phải chịu phạt vi phạm nếu các bên không thỏa thuận trong hợp đồng về vấn đề này.
Một tình tiết sự kiện được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đưa ra như sau: Công ty M (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Công ty T (Bị đơn) để thi công việc chống thấm cho một tòa nhà. Sau đó hai bên có tranh chấp và có yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên yêu cầu phạt vi phạm này không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Trong vụ việc nêu trên, bị đơn yêu cầu nguyên đơn chịu phạt vi phạm 12% trên giá trị hợp đồng là 414.960.000 đồng. Tuy nhiên Hội đồng Trọng tài đã cho rằng “khi xem xét hợp đồng được ký kết giữa các bên, Hội đồng Trọng tài không tìm thấy điều khoản về phạt hợp đồng. Đối chiếu với quy định của Điều 300 Luật Thương mại 2005 thì yêu cầu này của bị đơn là không có cơ sở để chấp nhận”. Như vậy, bản thân việc một bên vi phạm hợp đồng chưa đủ để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng. Để có thể phạt vi phạm hợp đồng các bên phải có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng đây là điểm khác biệt với bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Trong vụ việc trên, một bên yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng đối với bên kia nhưng lại không cho thấy các bên đã thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Do đó
16 Bản án số 03/2018/KDTM-PT, ngày 15/11/2018, về việc: “Tranh chấp phạt vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, TAND tỉnh Hòa Bình
24
yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng không được chấp nhận là điều dễ hiểu. Từ đó, doanh nghiệp cần lưu ý rằng nếu họ muốn phạt vi phạm bên vi phạm thì họ phải thỏa thuận về khả năng phạt vi phạm hợp đồng trước khi có vi phạm và phải chứng minh được sự tồn tại của thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng. Nếu không, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng sẽ không được chấp nhận cho dù có việc vi phạm hợp đồng.17
Bản án số 01/2017/TLST-KDTM, ngày 25/7/2017, về việc: “Tranh chấp hợp đồng đầu tư” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Thành Công Gia L và bị đơn là ông Đỗ Văn Đ và bà Đỗ Thị H.
Ngày 17/02/2014 ông Đỗ Văn Đ và vợ là bà Đỗ Thị H có ký hợp đồng đầu tư của công ty để trồng, chăm sóc và bao tiêu mía nguyên liệu với công ty TNHH MTV Thành Công Gia L, mục đích là nhận ứng vốn để trồng chăm sóc mía và bán nguyên liệu lại cho công ty, ông Đ bà H ứng của công ty là 41.600.000 đồng, đã thanh toán được 16.270.000 đồng. Tương tự, ngày 03/10/2016, ông Đ bà H ký hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu với công ty để trả nợ đầu tư năm trước, nhưng khi thu hoạch mía gia đình ông Đ không bán mía cho công ty như thỏa thuận mà lại bán cho doanh nghiệp khác. Vì vậy, ngày 06/01/2017 công ty lập biên bản ghi nhận vi phạm hợp đồng. Ngày 30/9/2016, công ty và gia đình ông Đ xác nhận nợ cụ thể là:
36.655.464 đồng (trong đó tiền phạt vi phạm hợp đồng là 5.888.000 đồng). Ông Đ và bà H chỉ chấp nhận trả tiền đầu tư và lãi xuất theo thỏa thuận, không đồng ý trả tiền phạt vi phạm hợp đồng theo yêu cầu của công ty. Xét thấy hợp đồng đầu tư trên là có hiệu lực, ông Đ bà H đều thống nhất các điều khoản của hợp đồng về lãi xuất cũng như nếu vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt tối đa 8% tổng sản lượng là 80 tấn nhân đơn giá 920.000 đồng. Ông Đ bà H không trả tiền vi phạm hợp đồng cho công ty, nhưng quá trình giải quyết ông Đ bà H cũng không đưa ra được bất cứ một chứng cứ nào để cho rằng Công ty Thành Công Gia L có lỗi trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như trường hợp bất khả kháng, còn về phía công ty Thành Công Gia L đã thực hiện việc đối chiếu công nợ, thông báo thời gian nộp tiền nợ tiền phạt.
Quyết định của Tòa án áp dụng Điều 300; 301; 306 của Luật TM 2005, Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV Thành Công Gia L, buộc ông Đỗ Văn Đ và bà Đỗ Thị H phải trả Công ty TNHH MTV Thành Công Gia L số tiền là
17 Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2016), “Giải quyết tranh chấp hợp đồng – Những điều doanh nhân
cần biết”, NXB Thanh Niên, tr. 184 đến tr. 186.
25
37.605.339 đồng (trong đó có 25.330.000 đồng tiền nợ gốc, tiền lãi tính đến ngày 25/7/2017 là 6.387.339 đồng và tiền phạt vi phạm hợp đồng là 5.888.000 đồng).18
Chế tài phạt vi phạm đòi hỏi căn cứ có tính nguyên tắc là hành vi vi phạm hợp đồng. Để biết được mức độ vi phạm như thế nào thì các bên có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm, trước hết phải xác định được như thế nào là hành vi vi phạm. Theo quy định tại Khoản 12, Điều 3, Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017), hành vi vi phạm hợp đồng được hiểu: “là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này.”. Như vậy, dấu hiệu của phạt vi phạm hợp đồng là không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng. Nhìn từ góc độ pháp lý quy định này có phần thừa và chưa chính xác bởi lẽ
“thực hiện không đầy đủ” với ý nghĩa là có thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên còn thiếu ở các khía cạnh cụ thể, ví dụ giao thiếu hàng, giao hàng không đúng chất lượng, chủng loại… như đã cam kết chính là “thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận”. Do đó, chỉ cần quy định rằng “vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ giữa các bên” là phù hợp về mặt pháp lý.
Một tình tiết sự kiện trong giải quyết tranh chấp hợp đồng được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đưa ra như sau: Một công ty Trung Quốc (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng với một công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên mua). Sau đó một bên yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng với bên kia nhưng yêu cầu này không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận do chưa có vi phạm như đã thỏa thuận. Trong vụ việc trên, các bên đã ký kết Hợp đồng số 180108 (hợp đồng máy chính) về mua bán thiết bị đồng bộ cho nhà máy thủy điện. Điều 13.1.1 của Hợp đồng máy chính quy định:
“Nếu bên bán không đúng thời gian giao hàng theo hợp đồng, bị chậm cứ mỗi 15 ngày sẽ bị phạt 1% tổng giá trị hợp đồng”. Bị đơn cho rằng, tính đến thời điểm cuối cùng khi bị đơn nhận được toàn bộ thiết bị thì nguyên đơn đã giao trễ. Trong trường hợp này bị đơn có đơn kiện lại, bởi bị đơn cho rằng Nguyên đơn phải bị áp dụng chế tài phạt vi phạm với mức bằng 10% tổng giá trị hợp đồng. Bên bán (nguyên đơn) đã giao hàng theo 3 đợt. Đối với đợt giao hàng thứ ba, Hội đồng Trọng tài xác định có việc “giao chậm 179 ngày” nhưng Hội đồng Trọng tài không phạt vi phạm hợp đồng đối với bên bán với lý do “không quy định về phạt vi phạm do giao hàng chậm”. Đối với đợt giao hàng thứ nhất, Hội đồng Trọng tài xác định “ngày giao
18 Bản án số 01/2017/TLST-KDTM, ngày 25/7/2017, về việc: “Tranh chấp hợp đồng đầu tư”
26
hàng cuối cùng đối với thiết bị của hợp đồng máy chính và Phụ lục số 01 là ngày 05/7/2010” trong khi đó “nguyên đơn đã giao đủ số lượng hàng hóa theo Hợp đồng máy chính phù hợp với quy định của hợp đồng. Trong thực tế hai bên cũng không có tranh chấp về số lượng và giá trị của lô hàng. Vì vậy bị đơn không có cơ sở để yêu cầu nguyên đơn trả tiền phạt. Hướng giải quyết của Hội đồng trọng tài được lý giải như sau: Điều 300, Luật TM năm 2005 quy định “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”. Điều đó có nghĩa là, để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng, ngoài việc phải có thỏa thuận về phạt vi phạm như đã nói ở trên, cần phải có việc một bên vi phạm hợp đồng. Từ đó doanh nghiệp rút ra bài học là để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng, bên cạnh việc chứng minh có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng, cần phải chứng minh thêm rằng đã có việc vi phạm hợp đồng (nếu thiếu một trong hai yếu tố vừa nêu trên sẽ không có phạt vi phạm hợp đồng).19
Tuy nhiên, với tư cách là căn cứ để áp dụng chế tài phạt vi phạm nói chung và các chế tài thương mại khác thì cần phải xem xét vấn đề hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi vi phạm cơ bản hay không cơ bản. Khoản 13, Điều 3, Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017) đưa ra khái niệm: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hai cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.” Như vậy vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng có thể hiểu là việc một bên giao kết hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thực hiện không hết nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, khiến mục đích của hợp đồng không đạt được. Quy định này có phần trừu tượng vì trong việc giao kết hợp đồng, các bên có thể nhằm nhiều mục đích khác nhau và không nhất thiết phải biết mục đích của nhau mới giao kết và thực hiện hợp đồng được. Theo quy định của Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017), để chứng minh được vi phạm đó là “vi phạm cơ bản” thì phải chứng minh rằng bên có hành vi vi phạm hiểu rõ mục đích ký kết hợp đồng của bên bán. Điều này rất khó xác định. Ví dụ, A hỏi mua hạt điều của B để chế biến và xuất sang châu Âu, B chỉ cần bán hạt điều cho A theo đúng các điều kiện mà hai bên thỏa thuận nhưng không bắt buộc phải biết A mua để làm gì. Do đó, khi B giao hàng kém chất lượng (B có vi phạm cơ bản), A khó có thể đòi B bồi
19 Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2016), “Giải quyết tranh chấp hợp đồng – Những điều doanh nhân
cần biết”, NXB Thanh Niên, tr. 187 đến tr. 191.
27
thường thiệt hại vì “mục đích xuất khẩu không đạt được” mà chỉ có quyền đòi B bồi thường các thiệt hại phát sinh do giao hàng kém chất lượng mà thôi.20
Cách định nghĩa theo Luật Thương mại hiện hành về vi phạm cơ bản tương tự với Điều 25 Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế. Theo Công ước Viên 1980, một vi phạm hợp đồng được coi là vi phạm cơ bản khi “vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại trong một chừng mực đáng kể bị mất đi những quyền lợi mà lẽ ra họ phải được hưởng trên cơ sở hợp đồng, ngoại trừ trường hợp bên vi phạm không nhìn thấy trước hậu quả đó và người bình thường trong hoàn cảnh tương tự cũng không thể nhìn thấy trước”.
Theo đó, vi phạm hợp đồng có thể phạt vi phạm là những vi phạm cơ bản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của một bên trong quan hệ hợp đồng.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, việc vi phạm hợp đồng này có thể đã hoặc chưa gây ra thiệt hại thực tế thì bên bị vi phạm đều có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng chịu phạt vi phạm. Tuy nhiên trong quan hệ hợp đồng, mức độ vi phạm cũng có thể ảnh hưởng tới việc áp dụng chế tài này. Đó là việc pháp luật cho phép áp dụng xác định khoản tiền phạt dựa trên giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Ngoài ra, yếu tố lỗi của hành vi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại không phải là yếu tố bắt buộc và chỉ là lỗi suy đoán. Lỗi trong vi phạm nghĩa vụ dân sự nói chung và trong vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng là lỗi suy đoán bởi hành vi của bên vi phạm là hành vi trái pháp luật hoặc trái với cam kết hợp đồng nên người thực hiện hành vi bị suy đoán là có lỗi và họ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi đó. Do vậy, để bên bị vi phạm áp dụng chế tài với bên vi phạm, nghĩa vụ chứng minh có lỗi hay không có lỗi thuộc về các bên bị vi phạm. Trong những trường hợp miễn trách nhiệm do có thỏa thuận trước của các bên hay do pháp luật quy định thì lỗi của bên vi phạm không cần phải xem xét tới và họ không phải chịu chế tài phạt vi phạm và các chế tài khác khi rơi vào các trường hợp này.