Chương 2 QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI 2005 VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG
2.2 Thực trạng pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005
2.2.3 Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với phạt vi phạm
Cùng với việc quy định các chế tài nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng, Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017) cũng quy định một số
20 TS. Phan Thị Thanh Thủy (2014), “So sánh các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong luật
thương mại Việt Nam 2005 và Công ước viên 1980”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 30, Số 3, tr. 53 – tr 54
28
trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, theo đó bên vi phạm không phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do bị áp dụng các hình thức chế tài, đó là các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Về bản chất, các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng là những trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm. Cơ sở để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng chính là ở chỗ họ không có lỗi khi không có khả năng lựa chọn xử sự nào khác ngoài việc không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng. Do đó họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Quy định về thỏa thuận miễn trách nhiệm giữa các chủ thể trong hợp đồng cũng chưa được đầy đủ và triệt để. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của một số quốc gia, việc áp dụng căn cứ thỏa thuận để miễn trừ trách nhiệm phải có những điều kiện nhất định để vừa bảo đảm tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên, vừa hạn chế việc một bên lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm hợp đồng.
Khoản 1, Điều 294, Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017) quy định các trường hợp miễn trách nhiệm. Theo đó bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: “Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận; xảy ra sự kiện bất khả kháng; hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; hành vi vi phạm của bên kia do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.”
Trường hợp có thỏa thuận về miễn trách nhiệm, trên nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng và hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực như luật đối với các bên giao kết. Bởi vậy, khi xảy ra trường hợp vi phạm nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận là miễn trách nhiệm thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật một số nước coi những trường hợp điều khoản về miễn trách nhiệm bị coi là vô hiệu để bảo vệ người tiêu dùng khi nó được sử dụng để hạn chế trách nhiệm của thương nhân. Ngoài ra, đối với những vi phạm do một bên cố tình thực hiện nhằm gây thiệt hại cho bên kia mặc dù là có thỏa thuận về miễn trách nhiệm nhưng Tòa án có thể vẫn bắt bên vi phạm phải chịu trách nhiệm khi bên bị vi phạm có yêu cầu để bảo vệ bên bị yếu thế trong các quan hệ kinh tế. Nó được coi là sự thiếu đạo đức nghiêm trọng của thương nhân và phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm này (miễn trách nhiệm bị loại trừ). Pháp luật Việt Nam không thấy có những quy định tương tự như vậy dẫn đến nhiều hạn chế trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng. Ví dụ : hai bên có điều khoản thỏa thuận
29
trong hợp đồng như sau: Bên bán chịu phạt hợp đồng bằng 0,1% giá trị hợp đồng cho mỗi tuần chậm giao hàng tính từ ngày thứ 10 kể từ ngày kết thúc thời hạn giao hàng theo quy định tại Điều 19 của Hợp đồng này và bồi thường thiệt hại cho bên mua. Theo điều khoản thỏa thuận trên, bên mua đã miễn trách nhiệm cho bên bán từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 10 kể từ ngày kết thúc thời hạn giao hàng sẽ không phải chịu phạt hợp đồng.
Trường hợp bất khả kháng, Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017) sử dụng khái niệm “sự kiện bất khả kháng” nhưng không đưa ra định nghĩa. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 156, BLDS 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.” Các dấu hiệu của trường hợp bất khả kháng bao gồm :
- Là một sự kiện khách quan không phụ thuộc vào ý chí của các bên.
- Sự kiện đó không thể lường trước được, các bên không thể nào biết được về sự xảy ra của nó cũng như không thể dự đoán về sự kiện đó sẽ xảy ra.
- Bên vi phạm không thể nào kiểm soát được sự xảy ra của nó, người vi phạm không thể tránh né được sự xảy ra của nó cũng như những thiệt hại do sự kiện đó gây ra.
Tình tiết sự kiện: Một công ty Hàn Quốc (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên mua). Nguyên đơn đã thực hiện giao số hàng nêu trên như đã thỏa thuận với bị đơn nhưng bị đơn không thực hiện việc thanh toán. Trước yêu cầu thanh toán tiền theo hợp đồng, bị đơn dẫn lý do là có sự kiện bất khả kháng nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Trong thực tế, không hiếm trường hợp một bên không thực hiện đúng hợp đồng đã được giao kết hợp pháp và viện dẫn sự kiện bất khả kháng để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng. Luật Thương mại 2005 cũng có quy định tại Điều 294 theo đó bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra sự kiện bất khả kháng (điểm b, Khoản 1, Điều 294). Tuy nhiên để không phải chịu trách nhiệm, bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thực sự trong tình huống có sự kiện bất khả kháng. Trong vụ việc nêu trên, tính đến thời điểm giải quyết tranh chấp, bên mua mới thanh toán 200.000 USD. Bị đơn lập luận việc không thực hiện thanh toán là do những sự kiện bất khả kháng và hệ lụy từ những sự kiện như cuộc
30
khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm cho kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó bị đơn rơi vào thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả. Kinh tế thế giới suy giảm mạnh dẫn đến ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng đóng tàu, bị đơn không nhận được khoản thanh toán cho nguyên đơn… Có thực sự việc không thanh toán của bên mua như nêu trên là do sự kiện bất khả kháng? Trong thực tế về không thực hiện đúng hợp đồng, rất hiếm khi cơ quan tài phán chấp nhận có sự kiện bất khả kháng và thường là cơ quan tài phán không chấp nhận có sự kiện bất khả kháng.
Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng thứ hai vừa nêu trong vụ việc nêu trên. Ở đây, bị đơn đã không cung cấp được căn cứ pháp lý cũng như không cung cấp được chứng cứ chứng minh về các sự kiện bất khả kháng đó. Ngoài ra, hợp đồng giữa bị đơn và nguyên đơn được ký vào năm 2009, tức là đã được ký sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra. Như vậy, bị đơn không thể cho rằng sự kiện này là bất khả kháng vì nó xảy ra trước khi bị đơn ký hợp đồng với nguyên đơn cho nên nó không còn là sự kiện xảy ra mà bị đơn không thể lường trước được cũng như không thể không dự đoán được về những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Như vậy Hội đồng Trọng tài đã khẳng định không có sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc bên mua không thanh toán tiền. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng liên quan đến việc viện dẫn lý do bất khả kháng để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng: Bên không thực hiện đúng hợp đồng không có nhiều cơ hội thành công khi khai thác sự kiện bất khả kháng, nhất là liên quan đến nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền. Trong kinh doanh thương mại các bên có thể thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng nên, để tránh những khó khăn về việc đánh giá có tồn tại hay không sự kiện bất khả kháng như chúng ta đã thấy trong vụ việc trên, các bên có thể đưa vào hợp đồng những yếu tố được coi là bất khả kháng hay những yếu tố không được coi là bất khả kháng.21
Trường hợp hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên do lỗi hoàn toàn của bên có quyền nên bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm vì hoàn toàn không có lỗi trong việc không thực hiện đúng nghĩa vụ. Vì sự cố tình chỉ dẫn sai, che dấu những thông tin quan trọng cho việc thực hiện đúng nghĩa vụ, hay sự thiếu quan tâm, mẫn cán với việc thông tin cho bên có nghĩa vụ không đúng, từ đó mà bên có nghĩa vụ hành động một cách sai trái, vi phạm nghĩa vụ thì bên có quyền phải tự chịu trách nhiệm bởi lỗi của mình.
21 Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2016), “Giải quyết tranh chấp hợp đồng – Những điều doanh nhân
cần biết”, NXB Thanh Niên, tr. 204 đến tr. 208
31
Bên có quyền cũng có thể ngăn cản, chậm tiếp nhận nghĩa vụ… mà bên có nghĩa vụ thực hiện dẫn tới những thiệt hại thì họ cũng phải tự chịu trách nhiệm, người vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm trong trường hợp như vậy. Ví dụ: Bên mua (bên bị vi phạm) không thanh toán đúng hạn khoản tiền bằng 30% giá trị hợp đồng để bên bán (bên vi phạm) mua nguyên liệu và dẫn đến việc đình trệ sản xuất là nguyên nhân của việc giao hàng chậm (hành vi vi phạm của bên bán).
Trường hợp thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Thực tiễn xảy ra không ít trường hợp tranh chấp liên quan tới việc hợp đồng không được thực hiện hay thực hiện không đúng do một trong các bên phải thi hành quyết định của cơ quan nhà nước dẫn tới vi phạm nghĩa vụ.22 Ví dụ: quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về việc tuyên bố vùng dịch bệnh và cấm nuôi, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch bệnh có thể khiến nhà cung cấp thịt gia cầm (bên bán) có cơ sở sản xuất trong vùng dịch không thể thực hiện hợp đồng với nhà phân phối thịt gia cầm (bên mua).