Chương 2: CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA ĐỐI VỚI XUNG ĐỘT TẠI SYRIA
2.3. Tác động của việc Liên bang Nga can thiệp quân sự trực tiếp tại Syria
2.3.2. Đối với Liên bang Nga
Thành công trong chính sách Trung Đông, nhất là liên quan đến Syria là thắng lợi mang lại uy tín và lợi ích cho Nga. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, chưa bao giờ Nga lại có mặt trên nhiều diễn đàn quốc tế và thu được nhiều thắng lợi như vậy. Nga đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là ở Trung Đông. Nhiều ý kiến cho rằng Nga đang “thao túng”60 Mỹ và phương Tây trong nhiều vấn đề quốc tế. Nga không che giấu hành động tìm lại địa vị và quyền lực ở Trung Đông.
Từ lâu, Syria đã là đồng minh gần gũi nhất của Nga ở Trung Đông; là khách hàng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Nga; cộng với việc cảng Tartus của Syria là căn cứ hải quân bên ngoài lãnh thổ thuộc Liên Xô duy nhất của Nga. Do đó, Nga quyết tâm bảo vệ các lợi ích ở Syria. Kể từ khi xảy ra xung đột tại Syria, việc Chính quyền Assad ngày càng lệ thuộc cả về kinh tế, chính trị, quân sự giúp vai trò của Nga ngày càng mạnh lên tại khu vực. Trong cuộc khủng hoảng Syria, quan điểm của Nga là tương đối cứng rắn khi cho rằng, các nước phương Tây đã chuẩn bị một cuộc can thiệp quân sự ở Syria. Nga cho rằng, việc nhiều nước phương Tây và láng giềng của Syria ủng hộ phe đối lập vũ trang tại Syria đã tạo điều kiện bất ổn gia tăng; sự ủng hộ chính trị của phương Tây đối với các cuộc biểu tình ở Tunisia, Ai Cập và Yemen đã biến thành sự hỗ trợ cho xung đột ở Syria - nơi phương Tây hành động ăn ý với al-Qaeda. Nga chủ trương duy trì sức ép với cả phe Chính phủ và đối lập để họ đàm phán nhằm lập ra chính phủ chuyển tiếp. Nga cũng bày tỏ cam kết chiến lược với Syria khi các tàu Hải quân ghé thăm các căn cứ ở Syria nhằm phát đi tín hiệu Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp quân sự của nước ngoài nào chống lại Syria.
Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây không ngừng đe dọa tấn công quân sự, Nga trở thành người bạn, đồng minh tin cậy của Chính quyền Assad. Với những
60 TTXVN, Nước Nga đang tìm lại được mình trên bản đồ thế giới, TLTKĐB, số 036, ngày 15/02/2014.
62
đầu tư chiến lược nên Syria trở thành tài sản chiến lược có giá trị đối với Nga. Về phương diện kinh tế, Syria với những hợp đồng vũ khí, trang bị quân sự hàng tỷ USD là nguồn tài chính đáng kể để Nga bổ sung vào ngân sách và đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Sau khi chứng kiến tính hiệu quả của vũ khí Nga tại Syria, nhiều khách hàng nước ngoài đặc biệt quan tâm đến những vũ khí mà Quân đội Nga đã sử dụng ở Syria nói riêng và các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Nga nói chung. Cuối tháng 8/2017, Nga đã nhận được các đơn hàng sản xuất phần cứng các thiết bị quân sự và vũ khí trị giá khoảng 50 tỷ USD (năm 2016, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ với tổng kim ngạch đạt 15 tỷ USD)61. Về phương diện quân sự, Syria mang lại vị thế cho Nga ở khu vực thông qua việc tạo thế đứng cho Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Putin đã xây dựng nền móng vững chắc cho vị thế của Nga ở Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Việc can dự quân sự, hậu thuẫn Chính quyền Assad là cơ sở để Nga trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống IS và gia tăng sự hiện diện quân sự ở Syria, khiến cục diện chiến trường Syria thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Chính quyền Syria, bất lợi cho IS và lực lượng đối lập. Với sự can thiệp của Nga, Chính quyền Assad tránh được nguy cơ sụp đổ. Nga luôn phản đối kế hoạch thiết lập vùng cấm bay của Mỹ, kiên trì giải pháp đàm phán giữa các bên liên quan để giải quyết khủng hoảng Syria. Từ đó, quốc tế nghiêng về giải pháp ngoại giao hơn cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Nga đã buộc những “tay chơi” khác trong khu vực như Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ phải đàm phán với Nga về tương lai của Syria.
Nga đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết khủng hoảng quốc tế, nhất là ở Trung Đông. Nga lợi dụng sự mất cảnh giác của Mỹ tại Bắc Phi - Trung Đông để gia tăng vai trò, ảnh hưởng tại khu vực thông qua hoạt động buôn bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út, UAE, Cô-oét, Ai Cập; hỗ trợ Ai Cập chống IS; thúc đẩy dự án điện hạt nhân tại Ả-rập Xê-út, Jordan, Ai Cập và Tunisia. Điều này chứng tỏ Nga đang tạo dựng ảnh hưởng tại Trung Đông - Bắc Phi và tác động mạnh tới lợi ích của Mỹ. Nga đang cố gắng ngăn chặn cán cânđịa chính trị khu vực nghiêng về Mỹ -
61 Thiện Nhân, Sau tham chiến ở Syria, Nga kiếm bộn tiền từ xuất khẩu vũ khí, http://cand.com.vn/Vu-khi- Chien-tranh/Sau-tham-chien-o-Syria-Nga-sap-xuat-khau-50-ty-USD-vu-khi-456174/, 31/8/2017.
63 phương Tây.
Hơn nữa, sự gia tăng can dự quân sự của Nga ở Syria đã tạo ra xung lực để Nga đàm phán với Mỹ và EU. Với chiến dịch quân sự tại Syria, Nga từ chỗ là đối thủ chủ chốt trở thành “đồng minh tiềm năng”62 của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc có thể lôi kéo Nga vào liên minh chống khủng bố quốc tế chắc chắn có lợi cho hợp tác chống khủng bố quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Nga cũng có thêm lợi thế trong mặc cả với Mỹ về các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là giải quyết vấn đề Ucraina và phân chia ảnh hưởng ở Trung Đông. Động thái trong quan hệ Nga - Mỹ khiến quan hệ của Nga - EU và một số nước đồng minh của Mỹ có bước chuyển quan trọng. Quan điểm các nước EU đang nghiêng về phía Nga trong khủng hoảng Syria, khi thừa nhận vai trò của Nga và Tổng thống Syria Assad trong giải quyết vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sẽ đàm phán với Nga và Iran nhằm hướng tới giải pháp chính trị tại Syria. Ả-rập Xê-út khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Nga để giải quyết khủng hoảng Syria. Nhiều nước châu Âu không hài lòng với các lệnh trừng phạt và muốn nối lại quan hệ kinh tế với Nga…
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga - Trung Đông vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định. Đường lối đối ngoại thực dụng khiến Nga gặp khó khăn trong gắn kết với các nước Trung Đông. Lập trường, quan điểm của Nga đối với Syria gây bất đồng sâu sắc trong quan hệ của Nga với các nước Vùng Vịnh. Đại sứ Qatar tại LHQ cảnh báo, Nga sẽ đánh mất sự ủng hộ của các quốc gia Ả-rập nếu tiếp tục hỗ trợ Syria. Quan hệ Nga - Ả-rập Xê-út cũng rạn nứt khi Nga cáo buộc Ả-rập Xê-út hỗ trợ khủng bố tại Syria và thông đồng với Mỹ hạ giá dầu thế giới để bao vây Nga;
trong khi đó, Ả-rập Xê-út chỉ trích Nga góp phần vào sự bất ổn ở Syria khi hỗ trợ chế độ Assad.
Tiểu kết:
Với tiềm năng tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, cùng vị trí địa chiến lược quan trọng, Trung Đông đang và sẽ tiếp tục là khu vực hấp dẫn và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích, ảnh hưởng của Nga với các cường quốc, nhất là Mỹ. Kể từ khi Nhà nước Liên bang Nga được thiết lập, dù Trung
62 Huỳnh Linh (lược dịch), Mỹ và Nga - từ “Đồng minh tiềm năng” đến “Kẻ thù chiến lược”, http://infonet.vn/my-va-nga-tu-dong-minh-tiem-nang-den-ke-thu-chien-luoc-post153386.info, 12/12/2014.
64
Đông chưa bao giờ là ưu tiên số một trong đường hướng chính sách đối ngoại nhưng giới hoạch định chiến lược Nga vẫn luôn xác định đây là khu vực vùng đệm quan trọng để Nga có thể đạt được những mục tiêu khác.
Kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga đã tăng lên đáng kể và ý thức nước lớn ngày càng đậm nét. Đây là nền tảng thuận lợi để Nga tích cực can dự trở lại Trung Đông. Những diễn biến phức tạp của tình hình Trung Đông - Bắc Phi hậu “Mùa xuân Ả-rập” vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Nga tăng cường hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực, cũng như góp phần ổn định “không gian hậu Xô viết”. Nga đã có những bước đi và tính toán chiến lược khôn khéo để bảo vệ lợi ích trong khu vực; nhanh chóng nắm bắt thời cơ để gia tăng ảnh hưởng bằng việc tạo dựng uy tín và vai trò thông qua việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực.
Về tổng thể, mục tiêu cơ bản lâu dài của Nga trong chính sách đối với Syria và Trung Đông là khôi phục, duy trì vị thế, ảnh hưởng và thúc đẩy những lợi ích chính trị, kinh tế của Nga tại khu vực; bảo vệ các đường biên giới phía Nam của Nga, nhất là khu vực ảnh hưởng truyền thống Trung Á và Kavkaz; phục vụ chiến lược tái khôi phục vị thế cường quốc toàn cầu. Syria luôn là một đối tác ưu tiên của Nga trong thế giới Ả-rập do Syria tương đối độc lập với ảnh hưởng của phương Tây. Nga luôn dựa vào Syria để mở rộng ảnh hưởng tiến sang các quốc gia khác trong khu vực.
Quan hệ Nga - Syria mang tính chính trị và chiến lược hơn là kinh tế, nên Chính quyền Tổng thống Assad luôn đảm bảo cho Nga có một vị thế tương xứng ở Syria.
So với các mối quan hệ khác của Nga trong khu vực, quan hệ Nga - Syria mang tính ổn định hơn cả.
Với danh nghĩa tiêu diệt IS, Nga thúc đẩy hỗ trợ cho Quân đội Syria cả về tài chính và vũ khí nhằm xây dựng các căn cứ quân sự của Nga ở Trung Đông. Trước nguy cơ sụp đổ của Chính quyền Syria do sự tấn công dữ dội của IS và các lực lượng đối lập tại Syria; đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ của Tổng thống Assad, Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Trong bối cảnh lợi ích và ảnh hưởng tại Syria và Trung Đông đang bị đe dọa; Mỹ, EU và NATO không ngừng chống phá, chèn ép không gian chiến lược; những khó khăn kinh tế… thì việc tăng cường hiện diện và can thiệp quân sự tại Syria là một hành động khôn ngoan của
65
Chính quyền Nga, giúp gia tăng uy tín cá nhân và vị thế của Tổng thống Putin ở trong nước, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của nước Nga vào tháng 3/2018. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng về cơ bản, cho đến thời điểm này, chính sách Syria của Nga là thành công; vị thế và ảnh hưởng của Nga tại khu vực ngày càng được khẳng định. Việc Chính quyền Tổng thống Putin tăng cường hậu thuẫn cho Chính quyền Syria khiến quan hệ hai nước thêm gắn kết, đồng thời giúp Nga chiếm ưu thế trong cuộc đua tranh giành lợi ích tại Syria, thông qua đó mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Trung Đông. Đặc biệt, kế hoạch can dự quân sự vào Syria của Nga đã trở thành điểm đột phá trong giải quyết tình trạng đóng băng ngoại giao giữa Nga với Mỹ và châu Âu.
66