Chương 3: GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC GIANG
3.1. Các giải pháp chung bảo đảm hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội
3.1.1. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội
Một trong những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Là một khâu trong quá trình thực thi quyển lực nhà nước, hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH phải nằm trong khuôn khổ sự lãnh đạo của Đảng. Cần lưu ý rằng, Đảng lãnh đạo thông qua đường lối và chính sách, Đảng không làm thay hoạt động của các đại biểu.
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thì việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng chính là việc Đảng phải có sự đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình do Hiến pháp, pháp luật quy định. Đó là việc tạo điều kiện cho Đoàn ĐBQH và các ĐBQH thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực thi pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền này là những đảng viên, những cán bộ chủ chốt của địa phương. Các cấp ủy Đảng cần tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền giám sát,
tránh sự xung đột giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của quốc hội.
3.1.2. Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát
Đổi mới nhận thức về vai trò giám sát của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong phương hướng đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát. Cần phải nhận thức Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN.Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Theo đó, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy, cần phải thấy rằng nhân dân mới là chủ thể của quyền lực nhà nước.
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, có hiệu lực và hiệu quả, có vai trò to lớn trong việc góp phần phòng chống lạm quyền, lộng quyền từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nâng cao được trách nhiệm và năng lực của những cá nhân do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đảm bảo quyền lực Nhà nước về hành pháp và tư pháp thuộc về nhân dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, thông qua các hoạt động giám sát lại có tác dụng tích cực trở lại đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội về lập pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước có chất lượng, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân hơn. Chính vì lẽ đó, để nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của ĐBQH và đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát, cần tập trung chủ yếu ở những điểm sau:
Một là, trình độ hiểu biết. Đây là yếu tố hết sức quan trọng đối với chất lượng giám sát của Quốc hội, bởi giám sát mang đậm bản chất của hoạt động tư duy. Nếu hiểu biết toàn diện, sẽ có khả năng tiếp cận toàn diện, đầy đủ, đánh giá vấn đề một cách khoa học, từ đó đưa ra phương hướng, biện pháp giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Ngược lại, vấn đề sẽ bị nhìn nhận một cách phiến diện, đánh giá không đúng thực tế và không đưa ra được phương hướng, giải pháp phù hợp, gây tốn kém, thậm chí gây ra nhiều vấn đề phức tạp khác cho quản lý nhà nước và xã hội.
Trình độ hiểu biết về tổ chức BMNN là trình độ lý luận và thực tiễn về vấn đề này. Đó là lý luận về tổ chức BMNN, bao gồm lý luận về các vấn đề tổ chức BMNN ở trung ương, mối quan hệ giữa BMNN ở trung ương và BMNN ở địa phương, tổ chức BMNN ở địa phương; lý luận về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, lãnh thổ và đối tượng; lý luận về phân cấp, phân quyền trong hệ thống bộ máy... Đồng thời, đó là vốn tri thức về thực trạng BMNN, những vấn đề bất cập cũng như thành tựu của nó; pháp luật hiện hành về tổ chức BMNN, đặc biệt là các quy định trong Hiến pháp và các luật về tổ chức BMNN. Đó còn là vốn tri thức thực tiễn về các lĩnh vực của đời sống; về các địa phương, vùng miền; về các tầng lớp xã hội; về nhà nước và pháp luật; rộng hơn là tri thức về sự vận động của tự nhiên và xã hội.
Tập thể Quốc hội muốn đạt được trình độ cao về lý luận cũng như tri thức thực tiễn, thì trước hết các đại biểu phải đạt được mặt bằng nhất định về trình độ lý luận để nhận thức đúng đắn các vấn đề liên quan. Tiếp đến, tập thể Quốc hội phải có cơ cấu đại biểu phù hợp về nhiều phương diện, như: lĩnh vực hoạt động, thành phần xã hội, giới tính, địa phương, vùng miền... Bởi vì, Quốc hội cần vốn hiểu biết hết sức rộng lớn, mà tri thức của từng đại biểu thì có giới hạn.Đó cũng là những yêu cầu khoa học đặt ra cho các cuộc bầu cử Quốc hội và công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội.
Hai là, quyền và nghĩa vụ của Quốc hội trong giám sát tổ chức BMNN.
Quốc hội giám sát trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của mình. Để giám sát của
Quốc hội đạt chất lượng cao, trước hết Quốc hội phải có đủ các quyền cần thiết trong xem xét báo cáo giám sát của các cơ quan trực thuộc; xem xét báo cáo công tác, văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là xem xét việc trả lời chất vấn của các đối tượng chịu sự giám sát. Song song với các quyền đó, Quốc hội có nghĩa vụ trước nhân dân về giám sát; bảo đảm cho Quốc hội thực hiện giám sát. Mặt khác, chất lượng giám sát gắn liền với chất lượng chất vấn của đại biểu. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ của đại biểu trong chất vấn cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong giám sát của Quốc hội.
Trong thực tế, giám sát của Quốc hội dựa trên cơ sở giám sát của các cơ quan trực thuộc, đặc biệt là giám sát của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp về tổ chức BMNN. Vì vậy, khi đề cập quyền và nghĩa vụ của Quốc hội trong giám sát phải đề cập quyền của Quốc hội đối với các cơ quan trực thuộc, đặc biệt là đối với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp trong đánh giá chất lượng giám sát của các cơ quan này.
Quyền và nghĩa vụ của Quốc hội cũng như của đại biểu trong giám sát là công cụ pháp lý, là đòi hỏi đối với họ khi thực hiện hoạt động này. Nếu thiếu các quyền cần thiết, thì công tác giám sát sẽ gặp khó khăn và không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Nếu thiếu nghĩa vụ, thì thiếu sự đòi hỏi Quốc hội nỗ lực trong giám sát, một loại hoạt động vốn dĩ phức tạp và tế nhị.
Ba là, phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.Đây là yếu tố giữ vai trò cốt lõi, nền tảng hết sức quan trọng. Phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm được nhìn nhận vừa dưới góc độ của cá nhân đại biểu, vừa dưới góc độ của tập thể Quốc hội, đồng thời với tính cách là chủ quan của đại biểu và như một kết quả xã hội.
Một mặt, đại biểu phải thực sự thấm nhuần lý tưởng, đạo đức cách mạng, thực sự đại diện và có trách nhiệm với nhân dân, luôn trăn trở để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, đại biểu phải luôn học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây là những đòi hỏi từ phía chủ quan của đại biểu. Mặt khác, phẩm chất chính trị,
đạo đức cách mạng của đại biểu không chỉ đơn thuần là ý chí chủ quan của họ, mà chịu tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là các lợi ích vật chất cũng như chính trị. Khó có thể nói là khách quan, chất lượng, khi một đại biểu kiêm nhiệm thực hiện giám sát đối với cấp trên của mình. Đây là một thực tiễn khách quan. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, phải đề cập vấn đề cơ cấu giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm, giữa các đại biểu kiêm nhiệm trong hệ thống hành pháp với đại biểu trong các cơ quan, tổ chức khác... Đồng thời, các cấp lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần tăng cường các khóa bồi dưỡng về lý luận chính trị, lập trường tư tưởng cho đại biểu.Phải có cơ chế thực sự dân chủ trong bầu cử cũng như trong chất vấn để giúp đại biểu tự hoàn thiện về mọi mặt. Điều này đòi hỏi có cơ chế để nhân dân thực sự giám sát được các đại biểu mà họ đã trao quyền.
Bốn là, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giám sát cũng là một yếu tố góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giám sát. Cơ sở vật chất, kỹ thuật bao gồm tất cả các trang thiết bị, công nghệ, giải pháp kỹ thuật phục vụ quá trình giám sát tại kỳ họp. Các tài liệu được thể hiện trên các dạng vật chất truyền thống như: giấy, đĩa, băng video... cũng cần có hệ thống chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời. Cơ sở vật chất, kỹ thuật không chỉ phục vụ tại kỳ họp, mà còn phải phục vụ cho việc giám sát của các cơ quan trực thuộc Quốc hội, đặc biệt là giám sát của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp.
Do đó, đòi hỏi Quốc hội cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường xuyên nghiên cứu để đầu tư, nâng cấp một cách đồng bộ, phù hợp với trình độ phát triển khoa học, công nghệ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giám sát.