Chương 3: GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC GIANG
3.2. Các giải pháp cụ thể bảo đảm hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
3.2.1. Các giải pháp bảo đảm hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội
3.2.1.1. Đổi mới cách thức thực hiện giám sát của Quốc hội
Cách thức giám sát của Quốc hội có vai trò quan trọng đối với chất lượng giám sát. Cách thức đó thể hiện ở nhiều phương diện, như: trình tự, thủ tục giám sát; công tác chuẩn bị, lựa chọn các vấn đề để chất vấn; công tác điều hành hoạt động chất vấn, giám sát tại kỳ họp; cách thức, thời gian chất vấn...
So với cách thức thực hiện giám sát hiện nay ở Bắc Giang, việc đổi mới cách thức giám sát là cần thiết.
Công tác chuẩn bị chất vấn tại phiên họp toàn thể có tác động đến chất lượng giám sát. Công tác đó thể hiện ở các khâu: cung cấp kết quả giám sát của các cơ quan chuyên trách của Quốc hội, cung cấp báo cáo hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát... Chuẩn bị tốt là tiền đề cho chất vấn đạt chất lượng tốt.
Cách thức điều hành chất vấn cũng góp phần vào chất lượng giám sát.
Điều hành tốt sẽ làm cho phiên chất vấn diễn ra thuận lợi, rõ ràng, mạch lạc, trật tự và hiệu quả. Công tác điều hành phải khoa học từ khâu đăng ký chất vấn, phân chia thời gian chất vấn cho từng loại vấn đề, từng đại biểu chất vấn, đến xác định các trọng tâm chất vấn, chấn chỉnh cách thức chất vấn và trả lời chất vấn... Đại biểu chất vấn, cũng như người trả lời chất vấn phải ngắn gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề dư luận quan tâm, khi cần đại biểu có hỏi thêm để làm rõ những vấn đề liên quan.
Cách thức tổ chức giám sát theo những trình tự, thủ tục phù hợp sẽ làm cho kết quả giám sát toàn diện, phản ánh vấn đề với chất lượng, hiệu quả cao, thể hiện tính chuyên nghiệp trong giám sát.
3.2.1.2. Xây dựng hệ thống chuẩn mực đánh giá thống nhất, toàn diện Giám sát của Quốc hội đối với lĩnh vực tổ chức BMNN phải dựa trên những chuẩn mực đánh giá là các quy định pháp luật về tổ chức BMNN. Hệ thống chuẩn mực đó, trước hết là các quy định trong Hiến pháp về tổ chức BMNN, như các nguyên tắc tổ chức và hoạt động; quy định về phân cấp, phân quyền trong hệ thống BMNN theo nhiều phương diện: ngành, lĩnh vực, lãnh thổ, cấp quản lý... quy định trong các luật về tổ chức BMNN, như: Luật Tổ
chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật Tổ chức HĐND và UBND... Các luật quy định về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cũng có các quy định liên quan đến vấn đề phân cấp tổ chức BMNN.
ĐBQH tỉnh và đoàn ĐBQH tỉnh hiện đang còn thiếu một hệ thống đánh giá trong giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Suy cho cùng, giám sát của Quốc hội nói chung và giám sát của ĐBQH, Đoàn ĐBQH nói riêng chỉ có chất lượng khi dựa trên một hệ thống quy định pháp luật về tổ chức BMNN thống nhất, toàn diện, đầy đủ, rõ ràng. Nếu các quy định đó chưa hoàn thiện, thì tổ chức BMNN không thể hoàn thiện và chất lượng giám sát của Quốc hội không thể như mong muốn.
3.2.1.3. Chú trọng đến quyền và trách nhiệm của đối tượng giám sát Một là, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giám sát chi phối chất lượng giám sát của ĐBQH. Nghĩa vụ của đối tượng giám sát quy định đầy đủ, cùng với sự hợp tác tốt giữa đối tượng được giám sát với Quốc hội và các cơ quan khác có thẩm quyền là điều kiện nâng cao chất lượng giám sát. Các nghĩa vụ đó chủ yếu liên quan đến việc cung cấp thông tin trong giám sát và trả lời chất vấn, như: nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của Quốc hội; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết khi được yêu cầu...
Quyền của đối tượng giám sát cũng tác động đến chất lượng giám sát.
Giám sát của Quốc hội và các cơ quan chức năng không chỉ xác định tính hợp pháp trong hoạt động của các đối tượng giám sát, mà còn phải bảo đảm các yêu cầu khác, như: bí mật nhà nước, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được giám sát... Vì vậy, trong thực hiện hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, các đối tượng giám sát cần thiết phải có những quyền nhất định, như: được thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát; trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền
hạn của mình; đề nghị cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét lại yêu cầu giám sát...
Hai là, phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm của đối tượng giám sát tác động đến chất lượng giám sát của Quốc hội tỉnh. Nếu những người chịu sự giám sát có phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm cao, sẵn sàng hợp tác với cơ quan giám sát thì hoạt động giám sát sẽ diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng tìm ra những bất cập trong tổ chức BMNN. Ngược lại, giám sát của ĐBQH, đoàn ĐBQH sẽ gặp khó khăn, không nhận được thuận lợi từ phía đối tượng giám sát.
Vì vậy, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm của đối tượng giám sát, cụ thể là của các cán bộ có thẩm quyền sẽ góp phần nâng cao chất lượng giám sát của ĐBQH, đoàn ĐBQH. Tuy nhiên, đó là vấn đề không đơn giản, vì luôn phải chịu tác động từ các lợi ích trên nhiều phương diện. Vấn đề phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý phải được đề cập trong quy trình bổ nhiệm. Quy trình đó phải chặt chẽ, chú trọng cơ chế xác định phẩm chất của các ứng cử viên.Với cơ chế Đảng lãnh đạo, thì vai trò của Đảng là hết sức quan trọng trong quy trình bổ nhiệm cũng như nâng cao phẩm chất của các đối tượng đó.
3.2.1.4 Cần xác định đúng vấn đề phải tiến hành giám sát
Bên cạnh việc xác định nội dung và đối tượng của hoạt động giám sát thì tổ chức hoạt động giám sát cũng có ý nghĩa rất lớn. Cũng như mọi hoạt động khác, hoạt động giám sát của ĐBQH và đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chỉ đạt hiệu quả cao khi được thực hiện trên một quy trình và một công nghệ hợp lý. Thực tế cho thấy, công nghệ cao sẽ đảm bảo chất lượng cao của sản phẩm.
Trước hết, điều quan trọng là ĐBQH và đoàn ĐBQH Bắc Giang cần xác định đúng vấn đề phải tiến hành giám sát. Hoạt động giám sát là nhằm đưa ra được những nhận định chính xác đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc thẩm quyền giám sát của ĐBQH và đoàn ĐBQH, từ đó đề ra được những biện pháp xử lý thích hợp. Tuy nhiên, không phải ĐBQH buộc
phải tiến hành giám sát đối với việc thực hiện mọi quyết định mà mình đưa ra, sự ôm đồm trong hoạt động giám sát có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện các chức năng khác của ĐBQH. Giám sát thường đi kèm với sự quy kết về trách nhiệm đối với các cơ quan chịu sự giám sát của ĐBQH và đoàn ĐBQH. Chính điều này làm cho hoạt động giám sát có tính răn đe, tạo cho các cơ quan nhà nước khác có cơ hội để tự kiểm tra và điều chỉnh lại hành vi của mình. Vì vậy, thiết nghĩ ĐBQH và đoàn ĐBQH Bắc Giang cần chọn được những vấn đề quan trọng nhất để giám sát và tiến hành giám sát đến nơi, đến chốn. Làm được điều này thì hiệu quả giám sát sẽ cao hơn. Việc giám sát tràn lan, đặc biệt là trong trường hợp không làm rõ được trách nhiệm và đưa ra được các giải pháp, có thể triệt tiêu tính răn đe của hoạt động giám sát.
3.2.1.5. Bảo đảm thông tin và kiến thức chuyên gia trong quá trình giám sát
Tăng cường thật nhiều chuyên gia giỏi trong công tác tham mưu, tổng hợp như tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là ý tưởng hết sức đúng đắn và “lý tưởng”, tuy nhiên với chủ trương cải cách hành chính và tinh giản biên chế hiện nay thì việc này sẽ gặp không ít khó khăn. Vấn đề này không chỉ có ở phạm vi địa phương mà ngay cả Quốc hội cũng gặp vấn đề tương tự.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, các ủy ban của Quốc hội thu thập thông tin và kiến thức chuyên gia thông qua quy trình làm việc là chính, chứ không phải thông qua đội ngũ chuyên viên phục vụ các ủy ban. Thông thường, các ủy ban của Quốc hội các nước thường mời chuyên gia đầu ngành trình bày cho ủy ban những vấn đề mà ủy ban quan tâm trong quá trình tiến hành giám sát. Tuy nhiên, nguồn thông tin quan trọng nhất vẫn là nghe các đối tượng đang chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Đội ngũ giúp việc của các ủy ban sẽ giúp tìm và tổ chức để ủy ban nghe chuyên gia hoặc nghe công dân.
Với những thông tin và kiến thức chuyên môn đầy đủ, Quốc hội hoặc các cơ quan của Quốc hội mới tiến hành xem xét báo cáo, hay chất vấn những người đứng đầu các cơ quan bị giám sát. Khi đó, ĐBQH mới thực sự là “người trong
cuộc” đối với các vấn đề giám sát và không còn tình trạng không nắm và hiểu rõ vấn đề giám sát. Tuy nhiên, ĐBQH không thể tự mình giám sát tất cả mọi công việc nếu không có sự trợ giúp của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Văn phòng Đoàn ĐBQH. Nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH là một định hướng then chốt quyết định đến hiệu quả của công tác giám sát.
3.2.1.6 Chú trọng sự trợ giúp của các công cụ, phương tiện khác, đặc biệt là của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Bên cạnh sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, việc thực hiện chức năng giám sát của ĐBQH và đoàn ĐBQH còn cần phải có sự tham gia, trợ giúp của nhiều công cụ, phương tiện khác, đặc biệt là của các cơ quan truyền thông, báo chí. Từ những thông tin do các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, ĐBQH có thể thấy được những vấn đề nổi lên trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước ở địa phương để đưa ra những quyết định giám sát kịp thời và đúng đắn. Theo chiều ngược lại, khi một vấn đề được đưa ra giám sát thì với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, vấn đề đó được phổ biến rộng rãi, tạo thành áp lực đối với các cơ quan bị giám sát. Trong trường hợp này, các phương tiện truyền thông đại chúng trở thành những công cụ giúp ĐBQH và đoàn ĐBQH phát hiện và thực hiện những yêu cầu giám sát trong hoạt động của mình.
Chính vì vậy, ngoài việc ĐBQH, đoàn ĐBQH phải thường xuyên cập nhật thông tin báo chí, các phương tiện truyền thông, thì nên phối hợp với các cơ quan báo chí truyền tải kịp thời các thông tin cần giám sát; làm phóng sự, clip trình chiếu để hỗ trợ việc chất vấn trước Quốc hội. Điều này sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác chất vấn, tìm hiểu kỹ thông tin mà ĐBQH tỉnh Bắc Giang đang vướng mắc.
3.2.1.7. Nâng cao chất lượng xây dựng kết luận giám sát và giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát
Kết quả của hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội được hội tụ rõ nét trong kết luận giám sát. Việc xây dựng các kết luận giám sát thời gian qua tại Bắc Giang nhiều khi còn cứng nhắc, rập khuôn và chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đặc thù này. Bởi vậy, cần thiết phải xây dựng các chuẩn mực nhất định cho các kết luận giám sát. Theo đó, các vấn đề nêu trong kết luận giám sát phải cụ thể, rõ ràng. Các kiến nghị giải quyết phải chỉ rõ ràng và cụ thể rằng cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giải quyết, thời hạn giải quyết. Hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ thực sự có ý nghĩa khi các kết luận này được đối tượng chịu giám sát thực thi nghiêm túc. Quá trình thực thi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các kết luận giám sát cũng rất cần được giám sát bởi quyền lực tối cao. Bởi vậy, không chỉ đưa ra kết luận giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong việc giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của đối tượng bị giám sát, công tác hậu kiểm, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
3.2.1.8. Công khai hóa các hoạt động giám sát và phát huy vai trò của truyền thông
Khi các kết luận giám sát của ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội được ban hành, việc công khai các kết luận này để cử tri được biết là một trong những hoạt động góp phần công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc công khai này không chỉ nhằm mục đích thông tin đến cử tri mà quan trọng hơn để cử tri thực hiện quyền làm chủ của mình.Để hoạt động này diễn ra một cách có hiệu quả thì vai trò của các cơ quan truyền thông là vô cùng quan trọng vì đây là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan nhà nước và nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc khi có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông thì việc triển khai thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng hiệu quả hơn. Bởi vậy, chú trọng phát huy vai trò của giới truyền thông đối với hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH cần được quan tâm
đúng tầm hơn. Công tác truyền thông, tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giám sát đối với mọi tầng lớp nhân dân nói chung, đối tượng chịu sự giám sát nói riêng. Vì vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của ĐBQH, Đoàn ĐBQH và của Quốc hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức đối với các chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát đặc biệt, đối với người đứng đầu để chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc luật hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng qua đó động viên, khích lệ những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê phán, răn đe những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội.