Chương 1.NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC TRƯỜNG HỢP LY HÔN TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN
1.2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT
1.2.1. Chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết các trường hợp ly hôn của TAND chịu ảnh hưởng rất lớn của chất lượng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bởi lẽ, các văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ pháp lý để Tòa án giải quyết các tranh chấp HN&GĐ nói chung và giải quyết các trường hợp ly hôn nói riêng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của đương sự trong vụ án. Một văn bản quy phạm
pháp luật, một điều luật mà không phù hợp với thực tế, không có tính khả thi, tính thuyết phục và tính chính xác thì sẽ không đem lại hiệu quả.
Để hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết các trường hợp ly hôn của TAND đạt được chất lượng và kết quả tốt thì đòi hỏi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong nội dung của mỗi văn bản pháp luật; nội dung các văn bản pháp luật không chồng chéo, không mâu thuẫn, phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính ổn định và tính khả thi.
1.2.2. Trình độ, năng lực, tính độc lập trong hoạt động giải quyết các vụ án HN&GĐ của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân
Trong Hiến pháp và các quy định pháp luật tố tụng nói chung, pháp luật tố tụng dân sự nói riêng, Luật Tổ chức TAND đều quy định nguyên tắc: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nguyên tắc này khẳng định trong hoạt động xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không phải chịu bất cứ một sự tác động nào, không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào; pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử. Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử còn được thể hiện trong sự độc lập của Tòa án với các cơ quan tư pháp khác và sự độc lập giữa Tòa án cấp dưới với Tòa án cấp trên. Pháp luật quy định Tòa án cấp trên có thẩm quyền kiểm tra công tác xét xử của Tòa án cấp dưới, hướng dẫn Tòa án cấp dưới áp dụng thống nhất pháp luật và đường lối xét xử, nhưng không được quyết định hoặc áp đặt ý chí cho Tòa án cấp dưới khi giải quyết một vụ án cụ thể. Bên cạnh đó, các thành viên của Hội đồng xét xử cũng độc lập với nhau khi xét xử, thành viên này không bị phụ thuộc vào quan điểm giải quyết vụ án của các thành viên khác. Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết bằng biểu quyết theo đa số; người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Các yếu tố “độc lập” và “chỉ tuân theo pháp luật”
có mối quan hệ chặt chẽ và ràng buộc với nhau. Độc lập là điều cần thiết để
Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Ngược lại, tuân theo pháp luật là cơ sở không thể thiếu để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập khi xét xử. Do vậy đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm phải nâng cao trách nhiệm, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật khi giải quyết vụ án.
Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm được tính độc lập trong hoạt động xét xử của của Thẩm phán, Hội thẩm sẽ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án được khách quan, đúng pháp luật, hạn chế được mức thấp nhất các bản án, quyết định bị sửa, huỷ do áp dụng pháp luật không chính xác hoặc quyết định của Tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập và làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đương sự.
Mặc dù vậy, nguyên tắc độc lập trong xét xử cũng không thể tách rời nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo thông qua việc định hướng hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thông qua công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án, khẳng định và đảm bảo thực hiện tuyệt đối nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân là yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các trường hợp ly hôn đạt được hiệu quả và chất lượng. Hoạt động áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo, do vậy khi giải quyết các tranh chấp hôn nhân và gia đình, Thẩm phán và Hội thẩm nhân nhân phải nắm chắc pháp luật, có kiến thức xã hội sâu rộng để phân tích, đánh giá các tình tiết, chứng cứ trong vụ án một cách khách quan, toàn diện, lựa chọn đúng các quy phạm pháp luật tương ứng để giải quyết vụ án. Bên cạnh đó đòi hỏi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cũng cần phải có tư cách đạo đức tốt, phải có tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” khi giải quyết vụ án, tránh trường hợp vì vụ lợi mà giải quyết vụ án thiên vị, không khách quan làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật.
Để giải quyết các trường hợp ly hôn có hiệu quả thì kỹ năng xét xử, giải quyết của Thẩm phán là vô cùng quan trọng. Theo quy định của BLTTDS
năm 2015, khi giải quyết các vụ án dân sự nói chung, việc hoà giải là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, với vụ án HN&GĐ thì việc hoà giải đoàn tụ giữa vợ và chồng là hết sức cần thiết vì nó vừa đảm bảo đúng pháp luật vừa phù hợp với tình cảm, đạo đức truyền thống của con người Việt Nam. Công tác hòa giải trong các vụ án hôn nhân và gia đình đòi hỏi Thẩm phán phải có sự kiên trì, có kỹ năng, phải phân tích cho vợ chồng hiểu rõ được hậu quả tiêu cực nếu ly hôn, nhất là sự ảnh hưởng đến tương lai của con cái. Do đó, nếu hoà giải để vợ chồng về đoàn tụ thì đó là một phương pháp giải quyết vụ án hết sức hiệu quả, vừa giữ gìn được hạnh phúc gia đình của đương sự, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho cả đương sự và Tòa án cũng như góp phần làm ổn định xã hội vì gia đình là tế bào của xã hội.
Thẩm phán cần phải có một số kỹ năng giao tiếp trong hoà giải khi giải quyết các trường hợp ly hôn. Khi giải quyết, Thẩm phán phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân mâu thuẫn, đánh giá đúng tình trạng mâu thuẫn vợ chồng và mục đích của hôn nhân để có hướng hòa giải và giải quyết vụ án. Chỉ trong trường hợp mâu thuẫn vợ chồng đã thực sự trầm trọng, kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới nên giải quyết cho ly hôn.
Đương sự trong các vụ án HN&GĐ bao gồm nhiều độ tuổi, nhiều dân tộc, có tâm lý, tính cách, trình độ nhận thức khác nhau, do vậy khi giải quyết vụ án không nên cứng nhắc, rập khuôn máy móc mà tùy từng trường hợp có biện pháp giải quyết phù hợp.
1.2.3. Cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương
Điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương cũng có tác động không nhỏ đến hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết các trường hơp ly hôn của TAND. Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác sẽ giúp cho Thẩm phán có nhiều thuận lợi khi giải quyết vụ án, đặc biệt là trong việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới.
Chế độ đãi ngộ và chính sách tiền lương hợp lý sẽ giúp cho Thẩm phán có cuộc sống ổn định - đây là yếu tố để Thẩm phán ổn định về tư tưởng và
tâm lý, là động lực thúc đẩy Thẩm phán làm việc công tâm, khách quan nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hôn nhân và gia đình.
1.2.4. Trình độ hiểu biết pháp luật của đương sự
Trình độ nhận thức pháp luật là một trong những yếu tố giúp định hướng cho hành vi xử sự của con người phù hợp với các quy phạm pháp luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung và các quan hệ về hôn nhân và gia đình nói riêng. Khi nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn đến việc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh ngày càng nhiều các tranh chấp dân sự, đồng thời, những người hiểu biết pháp luật hạn chế, khi đã trở thành đương sự trong vụ án dân sự không những chỉ gây trở ngại cho Tòa án mà còn rất khó khăn trong việc thực hiện quyền tố tụng và bảo đảm thực hiện quyền tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.
Thực tiễn xét xử tại thành phố Sơn La, phần lớn đương sự có sự hiểu biết pháp luật rất hạn chế, còn có nhiều đương sự chưa đọc thông, viết thạo mà chủ yếu là ở các vùng nông thôn, dân tộc miền núi, họ không thể tự mình thực hiện việc khởi kiện, viết bản tự khai. Do vậy, trong nhiều trường hợp, người tiến hành tố tụng phải đọc cho đương sự viết từng câu một. Điều này không những làm mất thời gian mà còn ảnh hưởng đến tính khách quan, công minh trong việc giải quyết vụ án. Mặt khác, trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế sẽ là trở ngại lớn cho đương sự trong việc thực hiện các quyền tố tụng như quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ phải cung cấp cho mình để giao nộp cho Tòa án, quyền yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ khi không thể tự mình thu thập được.v.v.
1.2.5. Khả năng trợ giúp thực tế của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự
Hệ thống pháp luật tố tụng hiện hành đã ghi nhận cho đương sự có quyền được trợ giúp pháp lý bởi những người có kiến thức pháp luật sâu rộng hơn như luật sư hay người khác có đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Với quy định này, không những tạo cơ hội cho đương sự hiểu biết thêm về kiến thức
pháp luật mà quan trọng hơn đã tạo điều kiện cho đương sự khi tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ quyền tố tụng của mình một cách chính xác. Mặt khác sự tham gia của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ tạo ra sự đối trọng làm cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thận trọng hơn trong việc bảo đảm thực hiện các quyền tố tụng của đương sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực từ vai trò trợ giúp của người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là, thực tế hiện nay cho thấy không phải bất kỳ đương sự nào cũng có khả năng thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời các trung tâm trợ giúp pháp lý ở các địa phương một mặt luôn bị quá tải, mặt khác trình độ, khả năng trợ giúp pháp lý chưa cao. Do vậy, trên thực tế chỉ có số ít các vụ án dân sự được tư vấn pháp lý hoặc có luật sư tham gia, còn lại phần nhiều các vụ án nói chung và khi yêu cầu giải quyết các trường hợp ly hôn nói riêng, không có luật sư. Ngoài ra, ở nước ta, trình độ pháp lý của luật sư chưa thật sự đồng đều, có nhiều luật sư trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật còn yếu kém, kèm theo đạo đức nghề nghiệp không cao. Do vậy, uy tín của luật sư đối với người tiến hành tố tụng không được đánh giá cao, dẫn đến quyền tố tụng của đương sự không được đảm bảo thực hiện hoặc không được tôn trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.