Chương 2. THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT CÁC TRƯỜNG HỢP LY HÔN TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ SƠN LA
2.2.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân của kết quả đạt được trong áp dụng pháp luật giải quyết các trường hợp ly hôn tại TAND thành phố Sơn La
* Áp dụng pháp luật trong thụ lý các trường hợp ly hôn:
Trong những năm qua, TAND thành phố Sơn La đã thực hiện tốt những quy định của BLTTDS và đạt được những kết quả tốt trong áp dụng pháp luật vào giải quyết án hôn nhân và gia đình nói chung và các trường hợp ly hôn nói riêng.
Về quyền khởi kiện vụ án được quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 nêu rõ cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 187 BLTTDS năm 2015 quy định: Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi và nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình trong trường hợp Luật hôn nhân và gia đình quy định.
Trong thực tiễn những năm qua (2015 - 2018), TAND thành phố Sơn La đã tiến hành làm thủ tục nhận đơn khởi kiện về lĩnh vực HN&GĐ với số lượng đơn khởi kiện tương đối lớn. Tuy nhiên phần lớn các đơn khởi kiện gửi đến Toà án chưa đáp ứng được theo quy định tại Điều 189 BLTTDS, nên Toà án phải hướng dẫn làm lại đơn khởi kiện hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 193 BLTTDS năm 2015; Các vụ án được Toà án thụ lý toàn bộ đều do các cá nhân đương sự khởi kiện, chưa có vụ án nào thụ lý do cơ quan, tổ chức đứng đơn khởi kiện.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, TAND thành phố Sơn La đã áp dụng pháp luật để xem xét, phân loại đơn khởi kiện, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì Toà án thông báo cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện các trường hợp ly hôn, TAND thành phố Sơn La đã áp dụng đúng các quy định tại Điều 195; Điều 196, Điều 197 BLTTDS năm 2015 về thụ lý vụ án, phân công Thẩm phán giải quyết và thông báo thụ lý vụ án để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của đương sự.
Việc nhận đơn khởi kiện, thụ lý đơn khởi kiện, các thủ tục thụ lý vụ án, phân công Thẩm phán giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình tại TAND thành phố Sơn La đã thực hiện theo quy định tại các Điều 191, 192, 193 và Điều 195, 196, 197, 198 BLTTDS năm 2015 đảm bảo được quyền khởi kiện của các đương sự mà pháp luật quy định.
Về bảo đảm quyền yêu cầu xin ly hôn, khoản 1 Điều 51- Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “Vợ chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Thực tiễn tại TAND thành phố Sơn La có một số trường hợp cha hoặc mẹ viết đơn gửi Tòa án với tư cách là người đại diện xin ly hôn cho con của mình bị mắc bệnh tâm thần đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo quy định, quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ, chồng, chính vì vậy, khi cha, mẹ, anh, chị, em của vợ hoặc chồng có đơn yêu cầu ly hôn, mặc dù có xác nhận của chính quyền đị phương, hội phụ nữ địa phương nhưng Tòa án nhân dân thành phố Sơn La vẫn còn lúng túng khi tiếp nhận đơn vì cha, mẹ, anh, chị, em không có quyền yêu cầu ly hôn. Thực tế hiện nay, khi người vợ hoặc chồng bị tâm thần, người vợ, người chồng còn lại đã có hành vi tẩu tán tài sản chung, đồng thời có hành vi bạo lực gia đình đối với người vợ, người chồng bị bệnh tâm thần, khi tài sản chung không còn đã yêu cầu ly hôn, trong trường hợp này quyền của người vợ, chồng bị bệnh tâm thần sẽ không được bảo vệ. Vì vậy nên chăng pháp luật nên có những quy định cụ thể đối với trường hợp này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người vợ, chồng bị bệnh tâm thần đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Đối với trường hợp hạn chế quyền yêu cầu xin ly hôn. Khi áp dụng khoản 3 Điều 51- Luật HN&GĐ năm 2014: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Về nguyên tắc vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì người chồng sẽ bị hạn chế quyền ly hôn cụ thể như: Vợ đang mang thai; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 thì chồng không được nộp đơn ly hôn khi vợ mang thai hoặc nuôi con dưới 01 tuổi mà không quy định việc có thai, nuôi con mà không phân biệt người vợ
có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai thì chồng đều không có quyền yêu cầu ly hôn.
* Áp dụng pháp luật trong thu thập chứng cứ:
Sau khi thụ lý vụ án, TAND thành phố Sơn La đã tiến hành thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS. Cụ thể:
Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án yêu cầu các đương sự giao nộp chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình và các chứng cứ, tài liệu khác liên quan đến việc giải quyết vụ án, yêu cầu các đương sự tự viết bản tự khai trình bày những nội dung liên quan đến tranh chấp. Trường hợp đương sự không tự viết được hoặc bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng thì Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự về những nội dung còn thiếu theo quy định tại Điều 98 BLTTDS năm 2015. Việc lấy lời khai của đương sự được thực hiện tại trụ sở Toà án, trong trường hợp đương sự không thể đến Toà án được vì những lý do khách quan, chính đáng như đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, bị ốm đau, bệnh tật phải nằm viện hoặc già yếu không đến Tòa án làm việc được… thì Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Toà án. Người được lấy lời khai được tự đọc lại biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Tất cả các trường hợp ghi lời khai ở ngoài trụ sở Toà án thì Thẩm phán đều mời người làm chứng và có xác nhận của Uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản. Ngoài việc lấy lời khai của đương sự, trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự Thẩm phán cũng tiến hành lấy lời khai của người làm chứng theo quy định tại Điều 99 BLTTDS năm 2015.
Bên cạnh việc thu thập chứng cứ thông qua lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, tuỳ vào từng vụ án cụ thể mà Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ khác như: đối chất trong trường hợp thấy có mâu thuẫn trong lời khai của đương sự, người làm chứng; tiến hành trưng cầu giám định; xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản; ban hành văn bản áp dụng pháp luật uỷ thác thu thập chứng cứ hay yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.
* Áp dụng pháp luật trong hoà giải vụ án:
Sau khi thu thập đầy đủ các chứng cứ cần thiết liên quan đến vụ án, nếu thấy vụ án không thuộc trường hợp không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 206, Điều 207 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán ra thông báo về phiên hoà giải theo Điều 208 BLTTDS năm 2015.
- Thành phần phiên hoà giải: trong tất cả các phiên hòa giải của TAND thành phố Sơn La, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án luôn là người chủ trì phiên hoà giải và Thư ký Toà án là người ghi biên bản hoà giải.
Khi thông báo phiên hoà giải, các Thẩm phán đều triệu tập đầy đủ các bên đương sự hoặc đại diện hợp pháp của các bên đương sự tham gia phiên hòa giải. Toà án chỉ tiến hành hòa giải khi tất cả các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến tham gia phiên hoà giải. Nếu việc hoà giải vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của tất cả các đương sự trong vụ án mà có đương sự hoặc người đại diện hợp pháp vắng mặt, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải để mở lại phiên hoà giải khác khi có mặt tất cảc các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự.
Nếu trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật, nhiều đương sự mà mỗi quan hệ pháp luật chỉ liên quan trực tiếp đến một số đương sự trong vụ án thì khi có đương sự vắng mặt nhưng xét thấy việc hoà giải không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của họ và các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoà giải thì Thẩm phán vẫn tiến hành hoà giải; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hoà giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải, khi hoãn phiên hoà giải Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự biết và thông báo thời gian mở lại phiên hoà giải.
Ngoài các thành phần nói trên, trong trường hợp cần thiết Thẩm phán có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên hoà giải.
Đây không phải là thành phần bắt buộc mà tuỳ từng vụ án cụ thể, nếu Thẩm phán thấy việc tham gia của họ sẽ thuận lợi cho việc hòa giải, khả năng hoà giải thành sẽ cao hơn... thì Thẩm phán mời thêm cơ quan, tổ chức, cá nhân đó tham gia phiên hòa giải. Nếu đương sự không biết tiếng Việt thì Thẩm phán phải mời người phiên dịch.
- Nội dung phiên hoà giải: Khi tiến hành hoà giải, Toà án đã áp dụng các quy định về nguyên tắc tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 205 BLTTDS năm 2015. Khi tiến hành hòa giải vụ án HN&GĐ, các Thẩm phán của TAND thành phố Sơn La luôn xác định nội dung đầu tiên là hòa giải để vợ chồng về đoàn tụ. Tiếp đó, theo yêu cầu của các đương sự, Thẩm phán xác định các nội dung hoà giải khác tuỳ thuộc vào quan hệ pháp luật có tranh chấp. Trước khi hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết các vụ án; phân tích cho các bên biết hậu quả pháp lý và những mặt tích cực có thể đạt được trong trường hợp hoà giải thành để các đương sự thực hiện quyền tự định đoạt, tự thỏa thuận giải quyết vụ án của mình. Kết quả hòa giải công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khá cao, thể hiện quan số liệu dưới đây:
Trong năm 2016: Tổng số vụ án về hôn nhân và gia đình Toà án thụ lý là 272 vụ, việc, tăng 72 vụ (36%) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là 219 vụ; xét xử 09 vụ (xử cho ly hôn 08 vụ; bác đơn 01 vụ); chấp nhận yêu cầu 02 việc; đình chỉ 30 vụ; hòa giải đoàn tụ 06 vụ [29].
Trong năm 2017: Tổng số thụ lý vụ, việc về hôn nhân và gia đình là 255 vụ, việc; Toà án đã giải quyết, xét xử 252 vụ, việc. Trong đó, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là 203 vụ; hòa giải đoàn tụ thành 07 vụ; xét xử 07 vụ (xử cho ly hôn); chấp nhận yêu cầu 05 việc; đình chỉ 30 vụ [30].
Trong công tác giải quyết các vụ án nói chung, TAND thành phố Sơn La thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoà giải, đối thoại để các đương sự tự thoả thuận về các vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án đồng thời rút ngắn được thời gian giải quyết. Việc xét xử, giải quyết đảm bảo công bằng, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự, đặc biệt coi trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và người già. Bên cạnh đó, TAND thành phố Sơn La luôn đảm bảo về thời hạn giải quyết đối với các vụ việc, không vụ án nào quá hạn luật định; án đã thụ lý đều được giải quyết đúng trình tự, thủ tục. Qua kết quả trên, có thể thấy công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các trường hợp hợp ly hôn
của TAND thành phố Sơn La luôn được chú trọng và quan tâm hướng tới để các đương sự tự thoả thuận với nhau qua đó giúp giải quyết vụ việc được triệt để, hiệu quả mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án, góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh trong tương lai, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Việc hòa giải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 210 BLTTDS năm 2015.
Trong quá trình hoà giải nếu vợ chồng nhất trí thuận tình ly hôn, các bên đương sự thoả thuận được với nhau về tất cả các vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán lập biên bản hoà giải thành. Biên bản hoà giải thành phải ghi cụ thể các nội dung mà các bên đã thoả thuận và được gửi cho tất cả các đương sự trong vụ án.
Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành; các đương sự không được quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, quyết định này có thể bị kháng nghị để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật như: do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ, do vi phạm thủ tục tố tụng; nội dung quyết định không thể hiện đúng sự thoả thuận của các đương sự; giữa biên bản ghi nội dung thoả thuận, biên bản hoà giải thành và quyết định công nhận sự thoả thuận không thống nhất; sự thỏa thuận của các đương sự là trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nhưng Tòa án vẫn công nhận…
Việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đã được TAND thành phố Sơn La thực hiện đúng các quy định tại Điều 212 BLTTDS năm 2015.
* Áp dụng pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án:
- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án: trong quá trình chuẩn bị xét xử, khi có một trong các căn cứ được quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015 thì
Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Do quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không làm chấm dứt việc giải quyết vụ án mà chỉ là tạm dừng việc giải quyết trong một thời gian nhất định nên Tòa án không xoá tên vụ án trong sổ thụ lý và không giải quyết tiền tạm ứng án phí các đương sự đã nộp. Khi lý do tạm đình chỉ vụ án không còn thì Thẩm phán ra thông báo tiếp tục giải quyết vụ án, thông báo này được gửi cho các bên đương sự và Viện Kiểm sát.
- Đình chỉ giải quyết vụ án: Theo quy định tại Điều 217 BLTTDS năm 2015, khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 điều 217 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án được gửi cho đương sự và Viện Kiểm sát trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định để đảm bảo quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tùy từng vụ án, khi đương sự có yêu cầu thì Thẩm phán trả lại cho họ đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Tuy nhiên, đối với tất cả các vụ án ly hôn mà đương sự giao nộp bản chính giấy đăng ký kết hôn thì Thẩm phán đều trả lại cho đương sự khi đình chỉ giải quyết vụ án. Tiền tạm ứng án phí của vụ án được giải quyết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 218 BLTTDS năm 2015. Cụ thể:
Đối với các trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã đươc triệu tập hợp pháp lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 thì tiền tạm ứng án phí được sung vào công quỹ nhà nước.
Đối với các trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho đương sự.
* Áp dụng pháp luật trong xét xử vụ án:
Khi việc hoà giải vụ án không đạt được kết quả hoặc vụ án không tiến hành hoà giải được thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định đưa vụ án ra xét xử có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều