Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ
2.2. Cơ sở lý thuyết
Những tranh luận về thương mại quốc tế đã xuất hiện từ sớm trong lịch sử. Khởi đầu từ lập luận của chủ nghĩa trọng thương thế kỷ 16, 17 về khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, lý thuyết thương mại quốc tế sau đó được phát triển bởi các nhà kinh tế học cổ điển, tân cổ điển. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trên thực tế khó có thể giải thích đầy đủ, hợp lý bởi các lý thuyết trên. Do đó, các lý thuyết thương mại hiện đại được ra đời và phát triển, nhấn mạnh đến vai trò của tính kinh tế theo quy mô và công nghệ, sự khác biệt của sản phẩm, chính phủ, các ngành công nghiệp phụ trợ và vị trí của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng khu vực và thế giới. Ở phần này, luận án chỉ đề cập và phân tích một số lý thuyết thương mại quốc tế quan trọng (được phân thành lý thuyết thương mại cổ điển, tân cổ điển và lý thuyết thương mại hiện đại) là cơ sở lý thuyết để nghiên cứu, phân tích cơ cấu thương mại hàng hóa Việt Nam - Hàn Quốc. Cụ thể, các lý thuyết thương mại quốc tế cổ điển và tân cổ điển bao gồm: Lý thuyết lợi thế so sánh tương đối (là cơ sở cho phân tích thương mại hàng hóa dưới góc độ lợi thế so sánh hiện hữu, tính bổ sung thương mại); Lý thuyết tương quan các nhân tố (là cơ sở cho phân tích thương mại hàng hóa dưới góc độ đóng góp của các yếu tố sản xuất). Các lý thuyết thương mại hiện đại bao gồm: Lý thuyết lợi thế kinh tế theo quy mô (là nền tảng cho phân tích thương mại dưới góc độ thương mại
39
nội ngành, tính đa dạng của sản phẩm xuất khẩu, độ phức tạp của sản phẩm);
Lý thuyết mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu (là cơ sở cho phân tích thương mại hàng hóa dưới góc độ giai đoạn sản xuất, giá trị gia tăng); và Lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia (là cơ sở cho phân tích thương mại hàng hóa dưới khía cạnh độ phức tạp của sản phẩm, thương mại nội ngành).
2.2.1. Lý thuyết lợi thế so sánh tương đối
Lý thuyết lợi thế so sánh tương đối được đưa ra bởi nhà kinh tế học cổ điển David Ricardo nhằm khắc phục những hạn chế của lý thuyết lợi thế tuyệt đối trước đó. Trong tác phẩm “Những nguyên lý của kinh tế chính trị” [98], David Ricardo (1817) cho rằng, các quốc gia có thể tham gia thương mại quốc tế và thu được lợi ích ngay cả khi không có lợi thế tuyệt đối trong việc sản xuất bất kỳ một sản phẩm nào. Một nước sẽ chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm mà nước đó sản xuất hiệu quả hơn một cách tương đối và nhập khẩu những sản phẩm mà quốc gia đó sản xuất kém hiệu quả hơn một cách tương đối so với các quốc gia khác. Vì thế, sản lượng tiềm năng của thế giới sẽ lớn hơn đáng kể trong điều kiện thương mại tự do không bị hạn chế và người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia sẽ được tiêu dùng hàng hóa nhiều hơn.
Như vậy, lý thuyết lợi thế so sánh tương đối giải thích các mô hình, cấu trúc thương mại hàng hóa của một quốc gia, dựa trên lợi thế so sánh tương đối khi sản xuất các mặt hàng/nhóm hàng cụ thể, trong tương quan so sánh với các quốc gia khác.
Nhiều nhà kinh tế sử dụng khái niệm ‘chi phí cơ hội’ để minh họa lý thuyết lợi thế tương đối. Ví dụ, chi phí cơ hội của những chiếc máy tính là số lượng máy tính có thể được sản xuất với các nguồn lực được sử dụng để sản xuất ra một số lượng xác định các hàng hóa khác, chẳng hạn điện thoại. Vì thế, một quốc gia có lợi thế so sánh sản xuất một sản phẩm khi chi phí cơ hội để sản xuất sản phẩm đó trong tương quan với các sản phẩm khác là thấp hơn khi so sánh với chi phí cơ hội sản xuất mặt hàng đó ở các quốc gia khác [77].
40
Tuy thế, lý thuyết lợi thế so sánh tương đối cũng không tránh khỏi những hạn chế, chủ yếu nằm ở các giả định đi kèm. Mô hình giả định thế giới giản đơn, chỉ có hai quốc gia và hai loại hàng hóa nhưng thực tế có rất nhiều quốc gia và vô số hàng hóa khác nhau. Giả thiết chi phí vận tải bằng 0, giá cả các nguồn lực sản xuất ngang bằng nhau giữa các quốc gia và năng suất lao động không đổi theo quy mô ít có tính thực tiễn. Ngoài ra, các nhân tố sản xuất (lao động) có thể tự do di chuyển giữa các ngành sản xuất trong phạm vi quốc gia và thị trường hàng hóa là cạnh tranh hoàn hảo cũng không phải luôn được đảm bảo trên thực tế [70], [104].
2.2.2. Lý thuyết tương quan các nhân tố
Kế thừa và phát triển lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo, hai nhà kinh tế học người Thụy Điển là Hecksher (1919) [69] và Ohlin (1933) [91] đã đưa ra lý thuyết các nhân tố sản xuất (lý thuyết H-O) để giải thích nguồn gốc của thương mại quốc tế. Lý thuyết H-O dựa trên các giả định như sau: mô hình gồm 2 quốc gia; 2 sản phẩm; 2 yếu tố sản xuất là lao động và vốn; 2 quốc gia có trình độ kỹ thuật công nghệ như nhau; một sản phẩm thâm dụng lao động, sản phẩm còn lại thâm dụng vốn tư bản; lợi thế theo quy mô không đổi [52].
Lý thuyết H-O dự báo một quốc gia sẽ chuyên môn hóa sản xuất để xuất khẩu sản phẩm thâm dụng yếu tố mà quốc gia đó dư thừa tương đối, đồng thời nhập khẩu trở lại sản phẩm thâm dụng yếu tố mà quốc gia đó khan hiếm tương đối.
Lý thuyết H-O cho rằng, thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích cho các nước nhưng khác với lý thuyết lợi thế so sánh, lý thuyết H-O lập luận mô hình thương mại quốc tế được xác định bởi sự khác biệt về mức độ sẵn có của các nhân tố sản xuất hơn là sự khác biệt về năng suất lao động. Nói cách khác, lý thuyết tương quan các nhân tố giúp giải thích cơ cấu thương mại hàng hóa của mỗi quốc gia, dựa trên mức độ khan hiếm, dồi dào của các nhân tố sản xuất.
Lý thuyết H-O cũng có những hạn chế nhất định. Sử dụng lý thuyết H-O, Leontief (1951) [85] dự báo Hoa Kỳ - nước dồi dào tương đối về vốn so với
41
các nước khác sẽ xuất khẩu những mặt hàng thâm dụng vốn và nhập khẩu những mặt hàng thâm dụng lao động. Tuy nhiên, nghiên cứu thực nghiệm của ông (sau này được gọi là ‘Nghịch lý Leontief’) chỉ ra rằng, hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ lại là hàng ít thâm dụng vốn so với hàng hóa nhập khẩu khẩu của nước này. Ngoài ra, lý thuyết H-O không giải thích được xu hướng tăng lên của thương mại nội ngành giữa các quốc gia trên thế giới.
2.2.3. Lý thuyết lợi thế kinh tế theo quy mô (lý thuyết thương mại mới) Lý thuyết lợi thế kinh tế theo quy mô hay còn gọi là lý thuyết ‘thương mại mới’ hoặc lý thuyết ‘lợi thế so sánh động’ bắt đầu được chú ý từ nửa cuối những năm 1970, với các nghiên cứu tiêu biểu của Grubel và Lloyd (1975) [64], Krugman (1979, 1981) [75], [76]. Lý thuyết này cho rằng, thực tế tồn tại nhiều trường hợp năng suất tăng dần ở một số ngành kinh tế khi quy mô sản xuất được mở rộng, đồng thời thương mại có thể làm gia tăng mức độ đa dạng của các hàng hóa được cung cấp tới người tiêu dùng và giảm bớt chi phí trung bình trên mỗi sản phẩm. Nói cách khác, thương mại cho phép một quốc gia chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm nhất định (chủng loại hàng hóa hẹp hơn) để đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô và giảm chi phí sản xuất, đồng thời nhập khẩu những sản phẩm trong nước không sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả từ các quốc gia vốn cũng chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm tương tự (có sự khác biệt không lớn). Kết quả là, người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để chọn lựa hơn. Tính lợi thế kinh tế theo quy mô và mức độ đa dạng hóa của sản phẩm là những yếu tố quan trọng giải thích thương mại nội ngành giữa các quốc gia, ngay cả khi những nước này không khác biệt nhiều về các nguồn lực sản xuất.
Ngoài ra, trong những ngành sản xuất mà đầu ra đòi hỏi phải được sản xuất bởi các ngành kinh tế có quy mô lớn thì thị trường thế giới chỉ có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho một số ít công ty tham gia vào, như trường hợp của hãng sản xuất máy bay Boeing của Hoa Kỳ. Việc tham gia của các công ty khác
42
vào những ngành như vậy là rất khó khăn, một phần vì những rào cản gia nhập ngành đặt ra bởi những hãng đi trước, phần khác vì nếu có tham gia thì khó đạt được lợi nhuận do quy mô sản xuất hạn chế [108]. Như vậy, lý thuyết lợi thế kinh tế theo quy mô có thể giúp giải thích cấu trúc thương mại hàng hóa của mỗi quốc gia, dựa trên xem yếu tố lợi thế kinh tế theo quy mô, sự khác biệt của sản phẩm và đặc trưng riêng của các ngành sản xuất.
2.2.4. Lý thuyết mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu
Một trong những nhánh phát triển đáng chú ý gần đây của các lý thuyết thương mại quốc tế chính là những lý luận về mô hình mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, vốn được ra đời, gắn liền với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ diễn ra mạnh mẽ. Khái niệm mạng lưới sản xuất toàn cầu bao gồm sự tương tác bên trong nội bộ công ty và sự tương tác giữa các hãng bên ngoài công ty (có thể cùng quốc gia hoặc khác quốc gia) thực hiện các hoạt động trong chuỗi giá trị cụ thể. Cụ thể, liên kết nội bộ các doanh nghiệp đầu tàu bao gồm các chi nhánh, công ty con, doanh nghiệp liên kết, trong khi mạng lưới sản xuất giữa các hãng bên ngoài công ty bao gồm các nhà cung cấp, nhà thầu phụ, kênh phân phối và trung tâm nghiên cứu phát triển của các công ty khác nhau [59], [60].
Dựa trên quan niệm về chuỗi giá trị của Porter (1990) [97], Kaplinsky (2000) [73] đã đưa ra khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, chuỗi giá trị toàn cầu được hiểu là chuỗi sản xuất kinh doanh trong môi trường toàn cầu hóa, ở đó chủ thể kinh tế trên toàn thế giới tham gia vào các công đoạn khác nhau trong một chuỗi thống nhất từ thiết kế mẫu mã, sản xuất, marketing đến phân phối và dịch vụ sau bán hàng cho người tiêu dùng cuối cùng. Những hoạt động này có thể được thực hiện trên phạm vi một khu vực địa lý hoặc trải rộng trên phạm vi nhiều quốc gia. Như vậy, chuỗi giá trị toàn cầu nhấn mạnh đến trật tự theo chiều dọc của các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng giữa các công ty trên phạm vi toàn cầu.
43
Lý thuyết mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu lại được chia thành nhiều trường phái lý thuyết nhỏ hơn. Tuy nhiên, đáng chú ý là các lý thuyết phân đoạn sản xuất, lý thuyết địa lý kinh tế mới, lý thuyết nội bộ hóa và lý thuyết mô hình đàn nhạn bay. Lý thuyết ‘phân đoạn sản xuất’ nhấn mạnh đến việc chia tách quá trình sản xuất ra thành hai hay nhiều công đoạn mà có thể đặt chúng độc lập ở các khu vực khác nhau nhưng đều hướng đến sản xuất sản phẩm cuối cùng. Lý thuyết ‘địa lý kinh tế mới’ nhấn mạnh đến hiệu ứng hướng tâm, tức tập trung các hoạt động sản xuất tại một số quốc gia, khu vực, hoặc một số thành phố có mật độ dân số lớn đi kèm với thu nhập cao, nơi đã có sẵn một thị trường rộng lớn và thường được biểu hiện dưới dạng các đặc khu kinh tế, các cụm và tổ hợp công nghiệp. Lý thuyết ‘nội bộ hóa’ giải thích mô hình các giao dịch nội bộ ở cấp độ cao hơn của mạng lưới sản xuất và phân phối toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ công ty trong và ngoài nước để sản xuất và bán lại sản phẩm cho các doanh nghiệp khác hoặc bán trực tiếp tới người tiêu dùng. Ngay trong nội bộ doanh nghiệp các khâu sản xuất cũng được chia nhỏ và đặt tại các khu vực khác nhau để tận dụng lợi thế và tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Cuối cùng, lý thuyết ‘mô hình đàn nhạn bay’ nhấn mạnh đến sự chuyển dịch giữa các quốc gia cũng như giữa các ngành dựa trên lợi thế so sánh, đặc biệt tại khu vực Đông Á nơi Nhật Bản đóng vai trò dẫn dắt, theo sau bởi Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và nhóm các quốc gia ASEAN cũ. Các ngành công nghiệp được phát triển từ những ngành thâm dụng nhiều lao động, trình độ thấp sang các ngành có hàm lượng công nghệ và tri thức cao hơn.
2.2.5. Lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia
Lý thuyết lợi thế cạnh tranh (hay mô hình kim cương) được Porter (1990) [97] đưa ra nhằm giải thích nguyên nhân sâu xa tại sao một số quốc gia lại thành công còn một số khác lại thất bại ở môi trường cạnh tranh quốc tế.
44
Porter xây dựng bốn thuộc tính quan trọng hình thành nên khả năng cạnh tranh của một quốc gia cũng như các doanh nghiệp tại quốc gia đó bao gồm:
(1) Điều kiện về các yếu tố sản xuất (vị thế của một nền kinh tế về các yếu tố sản xuất như lực lượng lao động kỹ năng và cơ sở hạ tầng cần thiết để cạnh tranh trong một ngành cụ thể); (2) Các ngành hỗ trợ và liên quan (sự sẵn có hoặc thiếu hụt các ngành hỗ trợ và ngành liên quan có năng lực cạnh tranh quốc tế); (3) Các điều kiện về cầu (nhu cầu nội địa đối với hàng hóa và dịch vụ của một ngành cụ thể); và (4) Chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh nội bộ ngành (các điều kiện quản lý, chiến lược phát triển, cơ cấu tổ chức được công ty tạo ra và bản chất của các đối thủ cạnh tranh trong nước). Các thuộc tính có tác động lẫn nhau, tạo nên mô hình kim cương gắn kết, cùng với các nhân tố khác như cơ hội và vai trò của chính phủ sẽ quyết định đến khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và quốc gia.
Lý thuyết lợi thế cạnh tranh được nhiều quốc gia xem xét áp dụng để phát triển và thúc đẩy sản xuất những sản phẩm, dịch vụ có sự hiện diện của cả bốn nhân tố thuộc mô hình kim cương. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong việc áp dụng thành công mô hình kim cương là rất khó để một ngành có được cả bốn thuộc tính của mô hình cùng một lúc.