Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ
2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến cơ cấu thương mại hàng hóa song phương
Các điều kiện tự nhiên của đất nước bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện khí hậu có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với các nước thu nhập thấp, nền công nghiệp non trẻ và lạc hậu. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của những quốc gia này là nhóm hàng thâm dụng tài nguyên và lao động giá rẻ. Vì thế, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu là yếu tố tiên quyết để giúp các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cải thiện cơ cấu xuất khẩu theo hướng tiến bộ, từ đó đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế và xã hội ở những nước này.
Mô hình trọng lực trong kinh tế cho thấy, cơ cấu thương mại của một quốc gia còn phụ thuộc đáng kể vào vị trí, khoảng cách địa lý của quốc gia đó đến các đối tác thương mại bên ngoài. Ví dụ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường khu vực châu Phi, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm có chi phí vận chuyển cao như dầu thô, than đá khó tăng trưởng mạnh mẽ bởi
49
khoảng cách địa lý xa xôi giữa Việt Nam với các nước thuộc khu vực này.
Ngược lại, vị trí địa lý trung tâm trong mạng lưới sản xuất hàng công nghiệp chế tạo được cho là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, nhất là hàng linh kiện, thiết bị điện tử của Việt Nam đến thị trường các nước Đông Á lân cận.
2.4.2. Điều kiện, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thể hiện qua đặc điểm nhân khẩu học, mức thu nhập, thị hiếu và văn hóa tiêu dùng của các tầng lớp dân cư, hay hệ thống cơ sở hạ tầng. Các quốc gia với dân số đông thường có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đó, các quốc gia có thể tăng cường sản xuất trong nước và gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài. Điều này tác động đến quan hệ thương mại quốc tế giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, đặc điểm nhân khẩu học, chẳng hạn như tỷ lệ dân số trẻ, dân số già trên tổng dân số của mỗi quốc gia sẽ tác động đến hành vi, thói quen tiêu dùng của mỗi nước. Ví dụ, các nước có tỷ lệ dân số người cao tuổi lớn, lại đang có xu hướng già hóa nhanh chóng như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm thân thiện với môi trường, sức khỏe như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hoặc máy móc, sản phẩm hỗ trợ sức khỏe thâm dụng hàm lượng công nghệ cao. Ngược lại, đối với các quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao, nhu cầu về các sản phẩm điện tử giải trí là rất lớn, qua đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài đối với các nhóm sản phẩm này. Sự khác biệt giữa tỷ lệ dân số trẻ và dân số già còn tác động đến cấu trúc sản xuất của các quốc gia. Các quốc gia có dân số trẻ cao có thể tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất công nghiệp vốn thường đòi hỏi cao hơn về kỹ năng, mức độ nhanh nhẹn của người lao động. Trong khi đó, các nước có tỷ lệ dân số già hóa lớn, lại phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để duy trì, cải thiện cấu trúc sản xuất công nghiệp bởi phần lớn người cao tuổi
50
chỉ có thể phù hợp với các công việc chân tay, ít phức tạp. Điều này sẽ thay đổi cấu trúc sản xuất, thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa của mỗi nước.
Cùng với đó, người dân các quốc gia thu nhập cao thường có thói quen tiêu dùng nhóm hàng hóa có hàm lượng công nghệ, độ phức tạp lớn, đồng thời đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Sức mua đối với nhóm hàng này của các nền kinh tế phát triển cũng lớn hơn nhiều so với những nước có thu nhập thấp, nơi nhu cầu, sức mua chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực và thực phẩm. Thêm vào đó, các quốc gia có sự tương đồng về quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt các quốc gia phát triển thường có xu hướng gia tăng các hoạt động trao đổi thương mại nội ngành, nhất là nhóm sản phẩm thâm dụng công nghệ và vốn-tri thức.
Quan hệ, cơ cấu thương mại quốc tế của mỗi quốc gia còn phụ thuộc lớn vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện qua các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội. Các quốc gia chủ trương phát triển kinh tế dựa vào chiều rộng, vào các nguồn tài nguyên khoáng sản, lực lượng lao động giá rẻ có xu hướng sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng yếu tố tài nguyên (như dầu mỏ, hàng hóa lương thực, thực phẩm), hay hàng hóa thâm dụng lao động kỹ năng thấp (ví dụ dệt may, giày dép); đồng thời nhập khẩu các sản phẩm thâm dụng yếu tố công nghệ cao. Trong khi đó, các quốc gia theo đuổi chiến lược phát triển theo chiều sâu, dựa vào công nghệ và lao động kỹ năng có xu hướng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện tử viễn thông. Các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang theo đuổi chiến lược phát triển xanh, bao gồm sản xuất và tiêu dùng xanh. Chiến lược phát triển xanh sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước này, theo hướng gia tăng trao đổi thương mại đối với nhóm các sản phẩm thân thiện môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, phát thải khí carbon thấp.
Cơ cấu thương mại cũng chịu tác động mạnh mẽ của trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng quản trị, tức những yếu tố căn bản cấu thành năng lực cạnh
51
tranh của các doanh nghiệp. Các nước trình độ phát triển kinh tế cao như Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng là những nước có các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia có sức cạnh tranh và ảnh hưởng lớn trên thị trường quốc tế đối với nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm công nghệ cao. Kết quả là, cơ cấu xuất khẩu của các quốc gia này chủ yếu bao gồm nhóm sản phẩm chế tạo đòi kỹ thuật và kỹ năng lao động ở mức độ phức tạp. Đối với các quốc gia trình độ phát triển còn thấp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn rất hạn chế nên các doanh nghiệp nội địa của các nước này thường chỉ tập trung vào các khâu sản xuất hàng hóa đơn giản, dựa nhiều vào nguồn lực tự nhiên, lao động giá rẻ.
Hệ quả là, cơ cấu xuất khẩu cũng chủ yếu bao gồm nhóm hàng hóa thâm dụng tài nguyên, lao động giản đơn và công nghệ thấp.
2.4.3. Lợi thế so sánh của quốc gia
Lợi thế so sánh của mỗi nước được hình thành và chịu tác động chủ yếu từ những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội, là một trong các nhân tố quyết định đến cấu trúc thương mại quốc tế của quốc gia đó. Lý thuyết thương mại cổ điển và tân cổ điển khẳng định, các nước sẽ chuyên môn hóa sản xuất nhóm sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh tuyệt đối hoặc tương đối, hay những sản phẩm quốc gia đó dư thừa tương đối các nhân tố sản xuất và nhập khẩu trở lại nhóm sản phẩm không có lợi thế so sánh, tức các sản phẩm khan hiếm tương đối yếu tố sản xuất.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lợi thế so sánh đối với các mặt hàng không phải là bất biến mà mang tính động, tức có thể thay đổi theo thời gian, theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Các nước có nền công nghiệp non trẻ, lạc hậu ban đầu thường có lợi thế sản xuất các mặt hàng thâm dụng tài nguyên và lao động giản đơn. Qua thời gian, quá trình công nghiệp hóa thành công cho phép các quốc gia này sản xuất ra các sản phẩm đòi hỏi hàm lượng công nghệ, vốn-tri thức cao hơn với chi phí ngày càng giảm xuống. Kết quả là, lợi thế so sánh xuất khẩu của quốc gia dần dịch chuyển từ
52
nhóm sản phẩm thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp sang nhóm sản phẩm công nghiệp công nghệ phức tạp, hàm lượng giá trị tăng thêm lớn hơn.
2.4.4. Quan hệ và chính sách phát triển thương mại của mỗi quốc gia Trong các hiệp định thương mại, các quốc gia thường xem xét thế mạnh của nhau để đưa ra những nhượng bộ về thuế, hạn ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan khác. Vì thế, các mặt hàng được ưu tiên tự do hóa giữa hai quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để thâm nhập vào thị trường của nhau hơn, từ đó sẽ làm thay đổi cơ cấu thương mại hàng hóa của những nước này.
Cơ cấu thương mại còn chịu ảnh hưởng từ chính sách, định hướng phát triển thương mại của mỗi nước. Các nước thường áp đặt mức thuế suất nhập khẩu cao hoặc hàng rào kỹ thuật cho nhóm hàng nhạy cảm thuộc ngành nông nghiệp, công nghiệp nhằm bảo hộ các ngành sản xuất nội địa hoặc những sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu và bia. Những biện pháp tương tự cũng có thể được áp dụng để hạn chế xuất khẩu các sản phẩm không được khuyến khích như tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia. Chính sách thương mại còn thể hiện ở lựa chọn các thị trường trọng điểm để đẩy mạnh các hoạt động giao thương. Việc định hướng các mặt hàng, thị trường ưu tiên xuất nhập khẩu từ phía chính phủ như vậy sẽ tác động trực tiếp đến chọn lựa các lĩnh vực, mặt hàng sản xuất, đến thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp, qua đó làm thay đổi cấu trúc thương mại của các nước.
2.4.5. Chính sách thu hút FDI và chiến lược kinh doanh, đầu tư ra bên ngoài của mỗi quốc gia
Tại các quốc gia có nền công nghiệp còn chưa phát triển, vai trò của FDI đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ là quan trọng vì thế, chính sách thu hút FDI của một nước sẽ tác động trực tiếp đến sự biến đổi về cấu trúc thương mại của nước đó. Chính phủ có thể định hướng và ưu đãi cho
53
các doanh nghiệp FDI đầu tư vào những lĩnh vực giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm, đồng thời góp phần cải thiện năng lực sản xuất khu vực nội địa và khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Cơ cấu thương mại không chỉ chịu tác động của chính sách thu hút FDI mà còn phụ thuộc vào chiến lược, chính sách đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia. Dựa vào nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và chính trị, chính sách ưu đãi đầu tư của các quốc gia và định hướng phát triển thị trường, sản phẩm của bản thân các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia sẽ có chiến lược đầu tư riêng biệt với từng thị trường. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp nội địa chưa có khả năng cung cấp các đầu vào sản xuất với chất lượng, giá cả hợp lý sẽ buộc các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu các sản phẩm này từ quốc gia mẹ hoặc nước thứ ba, tức ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu nhập khẩu của nước nhận đầu tư, cơ cấu xuất khẩu của nước đi đầu tư.
54
Tiểu kết Chương 2
Về mặt lý luận, Chương 2 làm rõ các khái niệm cơ bản về thương mại, cơ cấu thương mại hàng hóa, cơ cấu thương mại hàng hóa hợp lý, cải thiện cơ cấu thương mại hàng hóa, thương mại liên ngành và thương mại nội ngành (gồm nội ngành dọc và nội ngành ngang). Các lý thuyết thương mại quốc tế quan trọng được dùng làm cơ sở lý thuyết cho phân tích thương mại hàng hóa song phương bao gồm lý thuyết lợi thế so sánh tương đối, lý thuyết tương quan các nhân tố, lý thuyết lợi thế kinh tế nhờ quy mô, lý thuyết mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, và lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Việc đánh giá cơ cấu thương mại hàng hóa song phương có thể dựa trên cơ sở, tiêu chí như hiệu quả khai thác lợi thế so sánh xuất khẩu, khai thác các nguồn lực quốc gia và mức độ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng; chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu;
giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu và mức độ tham gia của quốc gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và quốc tế; hay tính bền vững của cơ cấu xuất nhập khẩu. Các yếu tố tác động đến cơ cấu thương mại song phương được phân thành các yếu tố thuộc điều kiện tự nhiên, điều kiện, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, lợi thế so sánh của mỗi quốc gia, quan hệ và chính sách, định hướng phát triển thương mại của các quốc gia, chính sách thu hút FDI và chiến lược đầu tư ra bên ngoài của mỗi nước.
55 Chương 3