Vai trò của chế tài phạt vi phạm và ưu điểm của chế tài phạt vi phạm hợp đồng so với các hình thức chế tài khác trong lĩnh vực thương mại

Một phần của tài liệu Chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại theo pháp luật của lào và kinh nghiệm của pháp luật việt nam (Trang 23 - 29)

Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

1.2. Khái quát về chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại

1.2.2. Vai trò của chế tài phạt vi phạm và ưu điểm của chế tài phạt vi phạm hợp đồng so với các hình thức chế tài khác trong lĩnh vực thương mại

1.2.2.1. Vai trò của chế tài phạt vi phạm

Theo quy định của pháp luật hiện hành, bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt hợp đồng và trong trường hợp có thiệt hại thì phải

bồi thường thiệt hại. Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng được áp dụng không phụ thuộc vào việc có hay không có thiệt hại. Thực tế có nhiều trường hợp, số tiền phạt vi phạm và số tiền bồi thường thiệt hại sẽ lớn hơn thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu. Cũng chính vì điều đó mà phạt vi phạm được xem là một biện pháp được áp dụng nhằm củng cố quan hệ hợp đồng thương mại, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật họp đồng kinh tế nói riêng, pháp luật quản lý kinh tế nói chung đồng thời phòng ngừa vi phạm hợp đồng thương mại.

Phạt vi phạm được nói đến chủ yếu trong luật thương mại là một trong những biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng. Xuất phát từ quy định nói trên của pháp luật mà nhiều người có quan điểm, theo đó việc trả tiền phạt vi phạm được coi là biện pháp trừng phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Quan điểm này chỉ phù hợp trong nền kinh tế phi thị trường, kế hoạch hoá. Bởi vì khi đó các chủ thể của quan hệ hợp đồng thương mại chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp nhà nước và khi đó việc ký kết và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được xem là kỷ luật của Nhà nước. Trong cơ chế kinh tế thị trường thì mục đích của việc áp dụng phạt vi phạm có nội dung hoàn toàn khác. Vì vậy, cách hiểu trên trở nên không thích hợp.

Xuất phát từ việc phân chia các quan hệ hợp đồng trong hoạt động dân sự và thương mại thành những lĩnh vực riêng biệt và được điều chỉnh bởi các quy định của các văn bản pháp luật khác nhau mà các quy định về phạt hợp đồng có các vai trò sau:

Thứ nhất, phạt vi phạm được xem là biện pháp tăng cường trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi chưa có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Với mức phạt được quy định cụ thể thì điều này giúp cho các chủ thể có thể biết trước được mực phạt sẽ phải gánh chịu nếu vi phạm hợp đồng và hạn chế được tình trạng vi phạm trong hợp đồng. Đối với trường hợp phạt vi phạm theo hợp đồng, khi các bên đưa điều kiện phạt vi phạm vào hợp đồng với mục đích thúc đẩy bên chậm thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, thì việc sử dụng phạt vi phạm trước hết với tư cách là

tăng cường mức trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp này phạt vi phạm cũng có thể được sử dụng với tư cách là một hình thức của trách nhiệm vật chất với mục đích là đền bù cho bên bị vi phạm, đặc biệt là khi các bên chỉ thoả thuận phạt vi phạm mà không thoả thuận bồi thường thiệt hại6.

Thứ hai, khi có sự vi phạm thì nó được coi là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng bởi vì bản chất của việc trả tiền phạt vi phạm là sự đền bù vật chất cho bên bị vi phạm. Và sự đền bù vật chất này được quy định cụ thể với một lượng phần trăm (%) theo luật định. Theo quan điểm của TS Dương Anh Sơn và TS Lê Thị Bích Thọ, phạt vi phạm là một trong hai hình thức của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng không thể mang tính trừng phạt mà chỉ có chức năng đền bù. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng không coi tính trừng phạt là chức năng của phạt vi phạm. Cách nhìn nhận này trong pháp luật của các nước rõ ràng phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại.

Trong thực tiễn có những trường hợp mặc dù có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng thiệt hại không xảy ra, nếu bên bị vi phạm trong trường hợp đó yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt đã thoả thuận trước thì rõ ràng là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, vì đó là phần trách nhiệm mà chính các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng7.

Thứ ba, nhằm bảo đảm phân biệt rõ giá trị pháp lý, ý nghĩa riêng biệt của mỗi điều khoản (nhiều khi phải mất nhiều công sức qua đàm phán, thỏa thuận mới đạt được), cũng như nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng, lạm dụng của một bên yêu cầu hủy bỏ giao dịch vì sự vô hiệu của một điều khoản mà trong nhiều tình huống là không cần thiết và không bảo vệ được quyền và lợi ích của bên (các bên) còn lại. Tuy nhiên đều này không có nghĩa là các bên được quyền tự do thỏa thuận nội dung của điều khoản này mà nó còn tùy

6 Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ (2005), “Một số ý kiến về phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí khoa học pháp lý, (1), tr.42-48.

7 Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ (2005), “Một số ý kiến về phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí khoa học pháp lý, (1), tr.42-48.

thuộc vào luật điều chỉnh hợp đồng nơi mà pháp luật có thể có những quy định khác và chặt chẽ hơn quyền của các bên khi thỏa thuận điều khoản vô hiệu , nhất là các quy định bảo vệ nguyên tắc pháp luật quốc gia.

Thứ tư, răn đe, ngăn chặn vi phạm hợp đồng (trong trường hợp có vi phạm thì bên vi phạm sẽ phải nộp "phạt" không phụ thuộc vào việc thực tế vi phạm đó có gây ra thiệt hại cho bên kia không). Mục đích này nhằm cho các bên phải thấy trước được khoản giá trị vi phạm mà mình phải trả cho bên bị vi phạm, từ đó có một hướng nhìn trước về tương lai của việc thực hiện hợp đồng, việc cam kết về thời gian, hàng hóa, chất lượng, kho bãi, nhân viên, kỹ thuật... đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện theo đúng những gì các bên đã thỏa thuận, nâng cao ý thức, tính trách nhiệm trong quá trình giao kết hợp đồng. Chế định trách nhiệm hợp đồng chủ trương áp dụng các biện pháp chế tài đối với mọi hành vi vi phạm hợp đồng (trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật hoặc bên vi phạm không yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm). Quy định về trách nhiệm hợp đồng có tác dụng rất mạnh mẽ vào ý thức các bên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng xảy ra.

Thứ năm, chi trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm theo mức định trước (tức là nếu có vi phạm gây thiệt hại thì bên bị thiệt hại không được quyền đòi mức phạt vi phạm quá mức mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng trước đó, mặc dù lỗi dẫn đến vi phạm trong hợp đồng hoàn toàn thuộc về bên kia). Việc này đảm bảo một khung pháp lý vững chắc theo hình thức thỏa thuận mức phạt vi phạm nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng việc vi phạm của một bên mà tăng mức phạt vi phạm đã thỏa thuận trước kia.

Bên cạnh đó, vì phạt vi phạm do pháp luật quy định nên theo quan điểm của một số tác giả, không thể thực hiện chức năng tăng cường trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, bởi vì phạt vi phạm do pháp luật quy định không ràng buộc với bất kỳ một nghĩa vụ cụ thể nào hay với bất kỳ các bên cụ thể nào tham gia vào quan hệ nghĩa vụ đó với mục đích bảo đảm cho việc thực

hiện nghĩa vụ nói trên. Quan điểm này theo tôi là thiếu thuyết phục bởi những lý do sau đây:

Một là, phạt vi phạm được quy định ngay trong phần trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của pháp luật nhiều nước;

Hai là, mặc dù phạt vi phạm do pháp luật quy định không ràng buộc với bất kỳ một nghĩa vụ cụ thể nào hay với bất kỳ các bên cụ thể nào tham gia quan hệ nghĩa vụ đó nhưng khi ký kết hợp đồng các bên không thể không biết quy định của pháp luật về điều đó.

1.2.2.2. Ưu điểm của chế tài phạt vi phạm hợp đồng so với các hình thức chế tài khác trong lĩnh vực thương mại

* Mối quan hệ giữa các loại chế tài.

Mối quan hệ giữa các chế tài đó là việc có thể áp dụng hay không áp dụng các chế tài khác nhau cho một vi phạm.

Về nguyên tắc những loại chế tài không logic, trái ngược nhau về hậu quả thì không thể cùng áp dụng được. Như chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì không thể áp dụng đồng thời với nó là huỷ hợp đồng, tạm ngừng hay đình chỉ hợp đồng vì làm như vậy không hề logic do mục đích và hậu quả của mỗi loại chế tài đưa đến là khác nhau.

Một số loại chế tài có thể tuỳ nghi lựa chọn vì chúng có cùng điều kiện áp dụng như huỷ hợp đồng, đình chỉ hay tạm ngưng đều có cùng điều kiện áp dụng là khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Quy định của pháp luật như vậy không rõ ràng, thiếu chuẩn mực đối với mỗi loại chế tài vì mức độ khắc nghiệt và hậu quả của nó khác biệt nhau rất lớn.

* Ưu điểm của việc áp dụng chế tài phạt vi phạm so với các hình thức chế tài khác.

Trong thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự, thương mại, việc chứng minh có thiệt hại và mức độ thiệt hại do việc vi phạm nghĩa vụ gây ra là vấn đề không đơn giản và mất nhiều thời gian. Bởi vậy, việc áp dụng phạt

vi phạm như là một hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng có những ưu điểm sau:

Thứ nhất, là công cụ thuận tiện để đền bù những tổn thất, mất mát của người có quyền do hành vi không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra. Chế tài phạt vi phạm được xem như một công cụ hiệu quả tức thời mà bên bị vi phạm có thể nhận lại được phần giá trị vi phạm đó nhanh chóng và phù hợp nhất.

Thứ hai, cho phép thiệt hại được đền bù một cách nhanh chóng. Chỉ cần có sự vi phạm hợp đồng và sự vi phạm này không phải là hậu quả của tình huống bất khả kháng hay thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm do các bên thoả thuận là người bị thiệt hại có thể yêu cầu bên vi phạm trả số tiền mà hai bên đã thỏa thuận. Việc yêu cầu này có thể được gửi trực tiếp cho bên vi phạm hoặc đến cơ quan có thẩm quyền khi hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ ba, khi sử dụng hình thức bồi thường thiệt hại, bên có quyền không những cần phải chứng minh thiệt hại và mức độ thiệt hại, mà còn phải chứng minh được rằng họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại.

Điều này gây cho bên bị vi phạm rất nhiều điều bất lợi và trong một số trường hợp sẽ dẫn đến việc bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm, bởi vì do những lý do nào đó họ không thể chứng minh một cách đầy đủ những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Còn khi sử dụng biện pháp phạt vi phạm thì bên vi phạm phải chứng minh những sự kiện nói trên nếu họ không muốn chịu trách nhiệm.

Việc quy định bên vi phạm hợp đồng phải chứng minh rằng mình đã cố gắng khắc phục hậu quả nhằm tránh thiệt hại, tổn thất cho bên bị vi phạm là một quy định hợp lý giúp cho quyền lợi của bên bị vi phạm được bảo đảm vì việc chứng minh những tổn thất như đối với quy định trong bồi thường thiệt hại thì thật là một vấn đề khó khăn đối với bên bị vi phạm.

Thứ tư, tránh được những chi phí phát sinh trong quá trình chứng minh thiệt hại, mức độ của thiệt hại. Rõ ràng, việc chứng minh mức độ thiệt hại không phải là việc dễ dàng trong thực tế, bên bị thiệt hại trong nhiều trường hợp phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người khác và chi phí này cũng được coi là thiệt hại thực tế và bên vi phạm phải gánh chịu. Việc tránh được những chi phí liên quan trong quá trình phải chứng minh tổn thất, mức độ thiệt hại đối Với bên bị vi phạm là một thuận lợi lớn đối với bên bị vi phạm trong chế tài thương mại. Nó giúp bên bị vi phạm tránh được những khoản tiền lớn mà mình phải bỏ ra trong quá trình chứng minh, đôi khi số tiền này lại lớn hơn so với số tiền mà bên vi phạm phải thanh toán. Do vậy, bỏ qua việc chứng minh tổn thất, thiệt hại đối với bên bị vi phạm trong chế tài thương mại là một quy định hợp lý giúp các bên có thể bào vệ được quyền lợi thật sự của mình khi trong hợp đồng có điều khoản quy định về phạt vi phạm hợp đồng.

Nói tóm lại, “phạt vi phạm không chỉ đơn giản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hay hình thức trách nhiệm hợp đồng, hơn thế nữa nó là công cụ pháp lý linh hoạt và hữu hiệu đấu tranh cho việc thi hành đúng và đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, là công cụ có thể sử dụng ngay tức khắc mà không cần đợi đến khi có thiệt hại xảy ra. Điều đó lý giải tại sao phạt vi phạm được áp dụng khá phổ biến trong hợp đồng thương mại quốc tế”.8

Một phần của tài liệu Chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại theo pháp luật của lào và kinh nghiệm của pháp luật việt nam (Trang 23 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)