Chương 3. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ PHÁP LUẬT VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI THEO PHÁP LUẬT CỦA NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
3.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại
3.2.5. Bổ sung quy định về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm
Khi xác định các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, Tòa án phải căn cứ gián tiếp vào quy định này và các quy định pháp lý liên quan. Thực tiễn cho thấy, các căn cứ mà Tòa án sử dụng cũng tương tự như Việt Nam, tuy nhiên, việc không được luật quy định đã khiến cho Tòa án gặp nhiều lúng túng trong việc xác định các trường hợp miễn trách nhiệm. Do đó, thiết nghĩ, cần bổ sung một điều khoản về miễn trách nhiệm, trong đó, có thể tham khảo Điều 294 Luật Thương Mại Việt Nam năm 2005.
Bên cạnh đó, nếu như chỉ liệt kê các sự kiện là căn cứ miễn trách nhiệm mà không đưa ra một khái niệm thống nhất cũng như các điều kiện áp dụng cụ thể sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Do đó, bên cạnh các quy định về các trường hợp miễn trừ
trách nhiệm, cần quy định tất cả các sự kiện là miễn trách nhiệm đều phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Những điều kiện cần và đủ để một sự kiện được coi là căn cư miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại bao gồm:
- Sự kiện này phải xảy ra sau khi các bên đã ký kết hợp đồng;
- Ở thời điểm ký kết hợp đồng các bên không nhất thiết và không thể biết sự kiện đó sẽ xảy ra;
- Sự kiện đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng - Khi các sự kiện này xảy ra, các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng nhưng không thể khắc phục được.
Việc ghi nhận các điều kiện này vừa đảm bảo nguyên tắc về mối quan hệ nhân quả và nguyên tắc xác định lỗi, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan tài phán vận dụng một cách linh hoạt khi đánh giá các sự kiện là căn cư miễn trách nhiệm hợp đồng.
Cùng với đó, nếu như pháp luật ghi nhận các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, thì cần lưu ý làm rõ các vấn đề sau:
Một là, trường hợp miễn trừ trách nhiệm hợp đồng do có thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm hợp đồng giữa các bên, cần bổ sung quy định điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm hợp đồng giữa các bên
Từ những phân tích và so sánh với pháp luật một số nước về trường hợp miễn trừ trách nhiệm hợp đồng theo thỏa thuận của các bên, việc áp dụng căn cứ này phải có những điều kiện nhất định để vừa đảm bảo tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên, vừa hạn chế một bên lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm hợp đồng. Theo đó, một thỏa thuận về căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý nếu như nó không phải là vi phạm do cố ý. Ngoài ra, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng, cơ quan tài phán cũng cần đánh giá tính hợp lý của thỏa thuận, cần phải phân tích sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, phân tích nội dung của hợp đồng. Do đó, khi đã ghi nhận
trường hợp này, cần có các văn bản quy định chi tiết thi hành quy định cụ thể về điều kiện công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng để đảm bảo hiệu quả áp dụng trong các quan hệ hợp đồng.
Hai là, quy định rõ về trường hợp miễn trách nhiệm do xảy ra sự kiện bất khả kháng
Cần có quy định làm rõ sự kiện bất khả kháng sẽ được thừa nhận là căn cứ miễn trách nhiệm nếu nó xảy ra chỉ đối với các bên tham gia quan hệ hợp đồng hay đối với bên thứ ba trong quan hệ hợp đồng.
Có thể thừa nhận việc xảy ra sự kiện bất khả kháng đối với bên vi phạm hợp đồng hoặc với bên thứ ba là căn cứ miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng này phải đáp ứng đủ các điều kiện miễn trách nhiệm hợp đồng.
Mặt khác, cần quy định cụ thể về điều kiện để sự kiện bất khả kháng là căn cứ miễn trách nhiệm với bên thứ ba trở thành căn cứ miễn trách nhiệm cho một bên trong hợp đồng thương mại. Cụ thể, chỉ khi hợp đồng của bên vi phạm với bên thứ ba có quan hệ mật thiết với hợp đồng thương mại giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm; và việc bên thứ ba vi phạm là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng của bên vi phạm và bên vi phạm không thể khắc phục được. Ngoài ra, để hạn chế việc trốn tránh trách nhiệm của bên có hành vi vi phạm hợp đồng, cần quy định rõ giới hạn của việc áp dụng căn cứ này, nếu không có thể dẫn chiếu đến nhiều bên trong quan hệ hợp đồng, gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của bên bị vi phạm
Ba là, quy định cụ thể về trường hợp thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Cần có quy định hướng dẫn cụ thể cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp này ra quyết định nhằm mục đích gì, những điều kiện cụ thể để một quyết định có thể trở thành căn cứ miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng. Nếu việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước mang
lại lợi ích cho bên vi phạm và gây thiệt hại cho bên bị vi phạm hợp đồng, cần có cơ chế phù hợp đảm bảo lợi ích của cả hai bên trong quan hệ hợp đồng.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ thương mại, đặc biệt trong quan hệ thương mại quốc tế.
Tiểu kết chương 3
Với mục đích hoàn thiện các quy định pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại, chương 3 của luận văn đã chỉ ra những yêu cầu cơ bản của việc hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại. Là những ý kiến cá nhân với sự tham khảo các quan điểm khác nhau trong quá trình nghiên cứu đề tài, hy vọng những kiến nghị đưa ra sẽ góp phần nào đó trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại ở Lào hiện nay.