Chương 3. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ PHÁP LUẬT VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI THEO PHÁP LUẬT CỦA NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
3.1. Những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
3.1.1. Phù hợp với đường lối xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giai đoạn hiện nay
Cơ chế kế hoạch hóa tập trung tồn tại ở Lào trong thời gian dài đã từng đóng vai trò quan trọng trong những năm đầu sau khi giành được độc lập.
Nhưng khi đất nước “chuyển mình” thì cơ chế tập trung bao cấp đã bộc lộ nhiều bất cập, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế. Chủ trương đổi mới và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thừa nhận và mở rộng quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nói chung và hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại nói riêng cần đảm bảo phù hợp với đường lối xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế, trong đó có quyền tự do hợp đồng đã được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Theo đó, các bên có quyền tự do lựa chọn đối tác trong hợp đồng và tự do thỏa thuận những nội dung trong hợp đồng không trái các quy định của pháp luật. Pháp luật cần mở rộng quyền thỏa thuận của các bên, cho phép các bên ghi nhận trong hợp đồng các hình thức trách nhiệm sẽ được áp dụng đối với bên vi
phạm, pháp luật chỉ quy định những nguyên tắc chung và đảm bảo khả năng áp dụng các hình thức chế tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng ngay cả khi các bên không có thỏa thuận cụ thể.
Bên cạnh đó, cũng cần lược bỏ những quy định cứng nhắc nhằm hạn chế sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào những vấn đề mà các bên có thể tự do thỏa thuận.
3.1.2. Đảm bảo sự thống nhất của các văn bản pháp luật
Việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nói chung và pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại nói riêng hiện nay không thể tiến hành một cách độc lập mà phải xét đến tính thống nhất, tính đồng bộ trong toàn hệ thống pháp luật, tránh những quy định chồng chéo, mâu thuẫn đặc biệt phải xét đến mối quan hệ giữa Luật Hợp đồng và Xử lý vi phạm Lào năm 2008 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.
Luật Hợp đồng và Xử lý vi phạm Lào năm 2008 hiện nay được xem như luật khung về hợp đồng, quy định các vấn đề chung về hợp đồng thương mại như đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên trong một số hợp đồng được thương nhân xác lập phục vụ cho hoạt động thương mại của mình như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế phát triển với nhiều lĩnh vực khác nhau, thì Luật Hợp đồng và Xử lý vi phạm Lào năm 2008 cũng cần bổ sung thêm các loại hợp đồng khác như hợp đồng đại lý thương mại… Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại cũng cần tiếp tục nghiên cứu theo hướng trên. Hoàn thiện các quy định về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại cần có sự đối chiếu, so sánh và rà soát giữa các quy định trong Luật Hợp đồng và Xử lý vi phạm Lào năm 2008 với nhau và với các quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành khác để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp.
3.1.3. Đảm bảo sự bình đẳng của các bên trong quan hệ hợp đồng Trong quan hệ hợp đồng, pháp luật cần đảm bảo cho các bên được tự do, tự nguyện giao kết trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt hình thức sở hữu hay thành phần kinh tế. Khi hợp đồng bị vi phạm, pháp luật cho phép bên bị vi phạm được áp dụng các hình thức chế tài đối với bên vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bên cạnh đó, pháp luật cũng phải đảm bảo cho bên vi phạm chỉ phải thực hiện những nghĩa vụ mà họ phải gánh chịu theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại cần đảm bảo sự bình đẳng giữa bên bị vi phạm và bên vi phạm, bên cạnh những quy định cho phép bên vi phạm được lựa chọn và áp dụng các hình thức chế tài cũng cần có những quy định gắn với trách nhiệm của bên bị vi phạm như nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nghĩa vụ thông báo. Đảm bảo sự bình đẳng của các bên trong quan hệ hợp đồng là cần thiết, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên cũng như đảm bảo trật tự của nền kinh tế.
3.1.4. Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
Xu thế hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đặt ra yêu cầu phải dần xóa bỏ sự khác biệt không cần thiết trong pháp luật quốc gia so với luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, nhất là trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng. Đây là một đòi hỏi tất yếu vì sự không phù hợp giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế sẽ là một rào cản đối với quá trình phát triển kinh tế.
Các chuẩn mực chung của thương mại quốc tế đang được Lào từng bước áp dụng thông qua quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập và thực thi các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, để học hỏi kinh nghiệm của pháp luật các nước và pháp luật quốc tế một cách có chọn lọc và hiệu quả, đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về từng hệ thống pháp luật, về bản chất, cấu
trúc cũng như phương thức vận hành của nó, bên cạnh đó là những điều kiện kinh tế xã hội mà nó sinh ra và tồn tại. Đây là một quá trình nghiên cứu đòi hỏi sự đầu tư lớn và lâu dài.
Trước tiên cần có sự nghiên cứu và quy định cụ thể về các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, việc hoàn thiện pháp luật phải có sự tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Lào tham gia ký kết nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.