Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1 Lý thuyết giao tiếp của Roman Jakobson và lý thuyết hành động giao tiếp của
❖ Lý thuyết giao tiếp - Mô hình truyền thông theo chu kỳ (Roman Jakobson) Roman Jakobson5 là một trong những nhà khoa học có nhiều đóng góp lớn nhằm bổ sung đầy đủ, trọn vẹn và lớn mạnh của lý thuyết này. Nói về lý thuyết giao tiếp, Roman Jakobson đã đưa ra lý thuyết mô hình truyền thông theo chu kỳ. Theo đó, mỗi thông điệp bao gồm 6 (sáu) nhân tố. Đó là, Người gửi (1) - gửi đi một thông điệp (2) - đến người nhận (3). Để thông điệp ấy có hiệu lực, yêu cầu trước tiên được đặt ra là phải có một ngữ cảnh (4). Thông điệp ấy sử dụng một mã (5) ngôn ngữ chung (toàn phần hay một phần). Nhân tố cuối cùng là tiếp xúc (6), tức đường truyền dẫn vật thể và liên hệ tâm lý giữa người gửi và người nhận cho phép thiết lập và đảm bảo sự giao tiếp này (Tribus, 2017).
Khi thông điệp hướng vào lần lượt mỗi nhân tố, ta sẽ có các chức năng của ngôn ngữ theo thứ tự tương ứng với sáu nhân tố kể trên. Đó là những chức năng: chức năng biểu cảm, chức năng thi ca, chức năng mời gọi, chức năng chiếu vật/ biểu hiện, chức năng siêu ngôn ngữ và chức năng tiếp xúc/ tiếp diện. Tùy vào sự ưu thắng của mỗi chức năng mà một thông điệp sẽ được thiết kế nhằm đạt tới mục đích chính yếu cụ thể của nó.
Lý thuyết mô hình truyền thông theo chu kỳ của Roman Jakobson giúp chúng ta hiểu rằng vai trò của nhà truyền thông và công chúng rất quan trọng trong quá trình truyền tải thông tin/ thông điệp (Tribus, 2017).
“Two - Step Model”: Mô hình hai bước là một trong những lý thuyết truyền thông được vận dụng vào lĩnh vực truyền thông trong quan hệ quốc tế. Đây là một
5 Roman Jakobson (1896-1982) có tên họ đầy đủ là Roman Osipovich Jakobson. Ông là nhà ngôn ngữ học và nhà lý luận, phê bình văn học. Ông là người tiên phong về ngôn ngữ học cấu trúc. Thông qua ảnh hưởng quyết định của mình đối với Claude Le1vi Strauss và Roland Barthes, và những người khác, Jakobson trở thành một nhân vật quan trọng trong việc điều chỉnh phân tích cấu trúc cho các ngành học ngoài ngôn ngữ học, bao gồm triết học, nhân học và lý thuyết văn học.
mô hình giao tiếp được kế thừa và phát triển từ mô hình lý thuyết của Roman Jakonson. Mô hình hai bước được phát triển bởi Paul F. Lazarfeld6 và các đồng nghiệp của ông Berelson & Gaudet khi nghiên cứu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong các cuộc bầu cử tổng thống, sự thay đổi khuynh hướng chính trị của cử tri rất ít khi chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong khi đó, sự ảnh hưởng trực tiếp mặt đối mặt giữa cử tri với nhau trong việc hình thành và thay đổi lập trường chính trị của ccử tri lại rất lớn (Baumgartner et al., 2010).
Thông thường những thông tin và ý tưởng có liên quan đầu tiên đều được bắt nguồn từ một nguồn tin nào đó (ví dụ một ứng cử viên) thông qua phương tiện truyền thông để đạt được mục đích cái gọi là “người lãnh đạo quan điểm” (opinion leader).
Sau đó, thông tin sẽ được truyền tải tới công chúng thông qua “người lãnh đạo quan điểm” đó để công chúng dễ dàng tiếp cận được thông tin ấy.
Như vậy, hoạt động truyền thông được tiến hành qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thứ nhất là truyền tải thông tin. Giai đoạn thứ hai là phát tán sự ảnh hưởng của thông tin qua mối quan hệ giữa công chúng với công chúng. Lý thuyết này còn cho thấy rằng, phương pháp truyền thông không giúp thay đổi quyết định của cử tri mà là củng cố thái độ và quyết định đã được hình thành trước đó của họ.
❖ Lý thuyết truyền thông thuyết phục
Nói về lý thuyết truyền thông, trong sách “Communication and Persuasion:
psychological studies of opinion change” (tạm dịch: Truyền thông và Thuyết phục:
nghiên cứu tâm lý của nhà lãnh đạo quan điểm), nhóm tác giả Carl Iver Hovland, Irving Lester Janis, Harold H. Kelley đã bàn về “lý thuyết truyền thông thuyết phục”
(Riley, 1954). Lý thuyết này chỉ ra yếu tố để nắm được động cơ, hiểu biết, ghi nhớ và khả năng chấp nhận thông điệp thuyết phục chính là nghiên cứu đặc điểm của nguồn tin, nội dung thông điệp và đặc điểm của người nhận. Vì vậy, lý thuyết truyền
6 Paul Felix Lazarsfeld (1901-1976) là một nhà xã hội học người Mỹ gốc Áo. Ông là người sáng lập Cục Nghiên cứu Xã hội Ứng dụng của Đại học Columbia. Ông cũng là người đã tạo ra ảnh hưởng đối với các kỹ thuật và tổ chức nghiên cứu xã hội.
thông thuyết phục bổ sung và làm rõ lý thuyết “Mô hình hai bước”, lý thuyết sử dụng thông điệp để tác động đến thái độ và hành vi của người nhận (đối tượng được truyền thông – đối tượng nhận thông tin).
Tóm lại:
Những khung lý thuyết giao tiếp và lý thuyết truyền thông nêu trên là những lý thuyết nền tảng giúp chúng ta đạt được mục đích truyền thông. Tuy nhiên, để truyền thông được hiệu quả, đặc biệt là truyền thông trong quan hệ quốc tế, chúng ta cần nghiên cứu thêm 3 (ba) biến sau:
(1) Người truyền thông điệp, hoặc nguồn (ai).
(2) Sự truyền thông hay thông điệp (cái gì).
(3) Người nhận (cho ai).
Ở biến đầu tiên (1), nguồn (ai): Đó là những chuyên gia có khả năng thuyết phục tốt hơn những người không phải là chuyên gia. Cùng một vấn đề giống nhau nhưng hiệu quả về chất lượng truyền đạt thông tin lại khác nhau chỉ vì người truyền tải là chuyên gia trong lĩnh vực đó hoặc người chúng ta tin tưởng thì lại rất khác nhau.
Ở biến thứ hai (2), (cái gì): Chúng ta dễ dàng bị thuyết phục hơn nếu thông điệp đó gần gũi, vui tươi hoặc “đúng ý” với chúng ta hơn. Đôi khi, thông điệp đem lại sự sợ hãi, nhưng sự sợ hãi này lại tỏ ra có hiệu quả đối với công chúng mà sản phẩm truyền thông hướng đến. Ví dụ: Trong bộ phim “Ranh giới” về Covid-19 tại Việt Nam đã giúp người dân hiểu rõ hơn về sự khốc liệt và cũng như sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19.
Ở biến thứ ba (3), biến cuối cùng, (cho ai): Thông thường, trong số những công chúng mà sản phẩm truyền thông hướng đến sẽ có một bộ phận, nhóm người không có nhiều hiểu biết về lĩnh vực mà thông điệp truyền thông giao tiếp muốn truyền tải. Đây chính là nhóm công chúng dễ bị thuyết phục hơn là những người có am hiểu về lĩnh vực đó.
Như vậy, để tiến hành giao tiếp hay có một tiến trình truyền thông hiệu quả, chúng ta cần các yếu tố sau: Nguồn/ người gửi (Source/Sendor); Thông điệp
(Message); Kênh (Chanel); Người nhận/Nơi tiếp nhận (Reciever); Phản hồi (Feedback) và Nhiễu (Noise).
Từ những lập luận trên, theo nhận định của học viên, mức độ quan trọng của các yếu tố trên được thể hiện bằng minh họa theo hình 1.1 như sau:
Hình 1.1 Mức độ quan trọng của các yếu tố
Từ hình 1.1 tổng hợp các mức độ quan trọng của các yếu tố chính trong truyền thông, chúng ta thấy rằng:
Thông điệp được xem là trung tâm của quá trình giao tiếp. Thông điệp phải được diễn tả bằng ngôn ngữ mà người gửi và người nhận đều có thể hiểu được. Thông điệp mang một ý nghĩa truyền thông hoặc thể hiện mục đích truyền tải trong giao tiếp.
Nguồn/người gửi và người nhận/nơi tiếp nhận xếp ở vị trí thứ hai. Vì người gửi là người khởi xướng để thực hiện thông điệp. Nếu không có người gửi thì thông điệp sẽ không được hình thành. Trong khi đó, người nhận lại là yếu tố thể hiện hiệu quả của việc truyền tải thông điệp. Ở một cách hiểu khác, người gửi truyền thông điệp cho
người tiếp nhận, mong muốn người nhận hiểu được đúng thông điệp mà họ đang truyền tải, nhưng người nhận có thể hiểu được thông tin hoàn toàn hay hiểu một phần, hoặc không hiểu gì hết lại là kết quả của quá trình ấy.
Tiếp theo là kênh và phản hồi. Kênh truyền thông ở đây có thể hiểu rất rộng, đó có thể là lời nói (ngôn ngữ) hoặc cơ thể (giao tiếp phi ngôn ngữ - giao tiếp hình thể). Hoặc có thể thông qua các thể hiện in ấn, hình ảnh, các phương tiện nghe nhìn hoặc các vật thể có thể thấy, sờ, nắm, nếm… được. Giao tiếp là quá trình hai chiều.
Nếu chỉ có gửi đi mà không có phản hồi thì thông tin hay thông điệp đó chỉ mang tính áp đặt và một chiều. Vì vậy, sự phản hồi chính là sự tác động ngược trở lại của thông tin từ phía người tiếp nhận đối với người truyền tin.
Cuối cùng, nhiễu là yếu tố cần được xem xét và coi như một yếu tố đặc biệt trong quá trình lựa chọn kênh để xây dựng nội dung thông điệp. Nhiễu có hai cách hiểu: nhiễu ngoại sinh và nhiễu nội sinh. Nhiễu ngoại sinh là tiếng động cơ học hoặc tiếng ồn ở bên ngoài… Trong khi đó, nhiễu nội sinh là những thành kiến, ý kiến, tư tưởng đã hình thành trong tư duy, nhận thức của người nhận hoặc người gửi theo “the contribution of Roman Jakobson (Caton, 1987).
❖ Lý thuyết về hành động giao tiếp (Jurgen Habermas)
Lý thuyết về hành động giao tiếp nghiên cứu về sự tương tác giữa người và người được Jurgen Habermas7 khởi đầu từ những năm 1971. Ông đã phát triển một lý thuyết xã hội hai cấp độ. Trong đó, ở cấp độ này là sự phân tích lý tính giao tiếp, tiềm năng lý tính được xây dựng trong lời nói hằng ngày. Ở cấp độ khác là một lý thuyết về xã hội hiện đại và hiện đại hóa.
7 Jurgen Habermas (sinh 18 tháng 6 năm 1929) là một nhà xã hội học và triết học người Đức. Ông nổi tiếng với các đóng góp về lý thuyết phê phán (critical theory) và chủ nghĩa thực dụng (pragmatism). Ông được biết đến với nghiên cứu về khái niệm không gian công (public sphere) trong tác phẩm Sự biến đổi mang tính cấu trúc của không gian công (The Structural Transformation of the Public Sphere). Các tác phẩm của ông tập trung vào cơ sở của lý thuyết xã hội và nhận thức luận, những phân tích về các xã hội tư bản tiên tiến và nền dân chủ, pháp quyền trong phạm vi phát triển văn hóa-xã hội và chính trị đương thời, đặc biệt là chính trị Đức.
Hệ thống lý thuyết của Habermas chú trọng vào việc đưa ra khả năng của nguyên nhân, sự giải phóng, và sự giao tiếp lý trí-phê phán ẩn trong những thể chế hiện đại và trong năng lực của con người để giải phóng và theo đuổi những lợi ích lý trí.
Jurgen Habermas quan niệm hành động giao tiếp là sự thiết lập hoặc duy trì mối quan hệ xã hội giữa hai hay nhiều cá nhân. Để cho những hành động này được đầy đủ ý nghĩa, người ta phải viện dẫn đến những loại ngôn ngữ trong đời sống thường nhật, trước hết là ngôn ngữ nói hoặc viết hoặc có thể là ngôn ngữ của cơ thể với những hành động như là cử chỉ có ý nghĩa để đáp ứng được yêu cầu, mục đích của hành động giao tiếp. Nhưng khác với những triết thuyết trước đây xem ngôn ngữ và giao tiếp chỉ có chức năng là trao đổi thông tin.
Theo Jurgen Habermas khi xây dựng lý thuyết về hành động giao tiếp, ông đã chỉ ra rằng trong hành động giao tiếp ta có thể thực hiện nhiều sự tương tác khác nhau. Jurgen Habermas xem ngôn ngữ như là một trong những đặc trưng cơ bản là những gì làm nên con người. Jurgen Habermas gọi là “bước ngoặt ngôn ngữ học”
(linguistic - turn), ngôn ngữ đóng vai trò như là nền tảng tổ chức đời sống xã hội và cho sự phát triển của cảm thức cá nhân về căn tính của con người mình.
Ngôn ngữ là phương tiện trung gian. Qua đó, con người biểu đạt bản thân và tạo nên ý nghĩa cho các hành động và lời nói đối với người khác. Ngôn ngữ gắn với khả năng giao tiếp của con người và do vậy có thể hành động một cách có ý nghĩa.
Rõ ràng, cách tiếp cận của Jurgen Habermas giúp cho việc hiểu “ngôn ngữ”
trở nên rõ ràng hơn, nhất là khi khám phá ra vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ trong sự xây dựng và duy trì các quan hệ xã hội. Ngôn ngữ từ đó không chỉ để truyền đạt thông tin mà còn để thực thi các hành động xã hội.
Năng lực giao tiếp không chỉ là việc có thể cung cấp những câu nói đúng ngữ pháp. Khi nói, chúng ta liên kết thế giới với chúng ta, với các chủ thể khác, với ý hướng, cảm xúc, ước muốn của chính chúng ta. Theo Jurgen Habermas trong cuộc đối thoại thì chúng ta không chỉ tập trung ngôn ngữ nói (tranh biện, trao đổi những luận cứ sâu sắc, hợp lý, được cân nhắc kỹ lưỡng), mà còn những gì ngôn ngữ làm (tranh biện có tính chất thực tiễn, tranh biện những gì mà hai bên cùng có thể thực hiện được, người tranh biện có lập trường rõ ràng, chịu trách nhiệm về những điều mình nói ra). Sự tranh biện thành công phải đem lại giá trị thực tiễn cho cuộc sống của con người.
Khi tác giả Trần Kỳ Đồng trong “Lý thuyết về hành động giao tiếp của Jurgen Habermas với vấn đề tôn giáo trong không gian công” (Trần Kỳ Đồng, n.d.) lập luận rằng, “Diễn ngôn là hình thức truyền thông đặc biệt: bằng lập luận, bàn cơ cở chính đáng của những yêu sách khả nghi có vấn đề” thì Jurgen Habermas tập trung vào việc hình thành các quy phạm theo nghĩa thao tác, phương thức.
Đối với Jurgen Habermas, công bằng được hiểu là sự đồng thuận trong tranh luận, trong đối thoại, là sự hiện thực hóa lời nói và trong việc làm. Chính trong ngôn ngữ, chính trong diễn ngôn, con người có được sự hiểu biết để trả lời cho câu hỏi:
“Tôi cần làm gì?”. Và trong diễn ngôn thì ta buộc phải “tiền - giả định” một số điều cơ bản, dù chúng có thể diễn ra ngược lại trong thực tế. Điển hình như các giả định sau:
− Giả định: Ta quan tâm đến sự đúng đắn của sự việc chứ không vì lợi ích riêng tư.
− Giả định: Tầm quan trọng của lời nói là ở nội dung của nó chứ không ở quyền uy của người nói.
− Giả định: Mục đích không phải để giành phần phải về mình mà để khẳng định lẽ phải khách quan.
− Giả định: Lập luận sẽ dẫn đến sự xác tín chứ không nhằm thuyết phục người khác bằng sức ép hay mánh lừa đảo…
Từ những giả định trên, ta thấy rằng, chính sự “tiền - giả định” ấy có thể trái với thực tế - là những tiền đề, những điều kiện khả thi cho diễn ngôn. Điều đó có vai trò như một chân trời “không tưởng” quy định mọi diễn ngôn, và được Jurgen Habermas gọi là “hoàn cảnh lý tưởng” (ideale sprechsituation).
“Hoàn cảnh nói lý tưởng” giả định bốn tính chất. Đó là:
− Sự bình đẳng: Mọi người tham gia diễn ngôn đều có cơ hội trình bày, diễn giải, biện minh, đề nghị,… như nhau.
− Sự cởi mở, minh bạch.
− Sự trung thực, chân thật.
− Sự tử tế.
Hoàn cảnh lý tưởng không phải là một hiện tượng thường nghiệm, cũng không phải là một sản phẩm tưởng tượng đơn thuần, mà là một sự giả định dành cho nhau một cách không thể tránh khỏi trong diễn ngôn. Nó là sự dự đoán, nếu không mọi diễn ngôn đều vô ích, không thể có hy vọng đạt đến một sự đồng thuận sáng suốt.
Diễn ngôn lý tưởng là nơi chân lý và sự đúng đắn về luân lý hình thành thông qua sự đồng thuận sáng suốt của người tham dự.
Diễn ngôn có thể được diễn ra hoàn hảo (bình đẳng, cởi mở, chân thật và tử tế) khi đạt được “điều kiện nói lý tưởng” như sau:
− Ai cũng có quyền tham gia vào diễn ngôn.
− Ai cũng có quyền đặt nghi vấn về bất kỳ vấn đề gì.
− Ai cũng có quyền đưa ra luận cứ hay luận điểm của mình.
− Ai cũng có quyền bày tỏ mong muốn và nguyện vọng của mình.
− Không ai có thể bị ngăn cản trong việc thực hiện những quyền hạn ấy.
Hội tụ đầy đủ cả năm điều kiện trên là một hoàn cảnh lý tưởng, nhưng cũng có những vấn đề vẫn không bao giờ đạt được sự đồng thuận như giữa ý thức hệ hữu thần và ý thức hệ vô thần, những định kiến đối lập về sắc tộc, nữ quyền, bản chất của thể chế chính trị... Do vậy, các bên tham gia đối thoại cần phải tự ý thức điều này.
Những điều kiện, quy định và cả sự tự ý thức như trên là những nguyên tắc, những yêu cầu cần phải tuân thủ trong đối thoại.