Chương 3: VAI TRÒ VÀ Ý NGHĨA CỦA GIAO TIẾP PHI BẠO LỰC TRONG DIỄN NGÔN CỦA TỔNG THỐNG BARACH OBAMA
3.2 Thể hiện sự cân bằng trong giao tiếp phi bạo lực
Sự cân bằng trong giao tiếp phi bạo lực vốn là một trong những nội dung quan trọng khi xem xét vai trò, cách thức thể hiện quyền lực của một nhà lãnh đạo đất nước. Trước khi đưa ra những bàn luận và minh chứng rằng, Barack Obama đã thể hiện sự cân bằng trong giao tiếp phi bạo lực, thiết nghĩ, chúng ta cần khu biệt một số nội dung, cách hiểu về sự cân bằng trong giao tiếp phi bạo lực. Trước hết, trong phần nội dung (3.2) này, học viên tán thành những định nghĩa được nêu sau đây làm cơ sở để hiểu thêm về sự cân bằng trong giao tiếp phi bạo lực.
* Quyền lực là gì?
“Quyền lực là một phạm trù xã hội, thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người” - theo “Critical perspectives on leadership: the language of corporate power” (Learmonth & Morrell, 2019).
Theo TS. Nguyễn Văn Hùng - Viện Công nghệ quản trị Á Châu cho rằng:
“Quyền lực là một phạm trù ghép, được tạo lên từ hai phạm trù “Quyền’’ và “Lực’’
(TS. Nguyễn Văn Hùng, 2021). Trong đó:
− Quyền là một phạm trù mang tính chất xã hội mà ở đó người ta ý thức ra việc một nhu cầu nào đó của mình phải được thực hiện trong sự thừa nhận của người khác. Quyền chỉ mối quan hệ giữa người với người, con người có được quyền khi
nhu cầu của anh ta được người khác thừa nhận. Sự thừa nhận được luật hóa dưới dạng văn bản pháp quy hoặc được xã hội thừa nhận dưới dạng quy phạm đạo đức.
− Lực là thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng nhưng nó được thể hiện ra, được bộc lộ ra trong tương tác với cái khác ở khảc năng gây ra sự biến đổi, hoặc giữ cho sự vật không đổi. Lực có trong các sự vật, hiện tượng ở tự nhiên, trong mỗi cá thể con người. Lực mạnh hay yếu phụ thuộc vào quá trình tương tác của sự vật hiện tượng được bộc ra như thế nào. Nói tới lực là nói tới sức mạnh, là khả năng chi phối sự vật, hiện tượng khác, chi phối người khác, hoặc giữ cho bản thân mình không biến đổi trong tương tác với người khác, sự vật khác.
Trong xã hội, lãnh đạo và quyền lực luôn đi liền với nhau. Nhà lãnh đạo thông qua quyền lực để thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Khi không nắm quyền lực thật sự trong tay nhà lãnh đạo chỉ có vai trò lãnh đạo trên danh nghĩa, hoặc sẽ vấp phải sự chống đối ngầm từ nhiều phía. Chỉ khi có quyền lực thực sự trong tay họ mới có khả năng thuyết phục, ảnh hưởng đến người khác, mới kêu gọi được mọi người đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp.
* Những yếu tố thể hiện sự chênh lệch quyền lực trong giao tiếp.
Một trong những yếu tố thể hiện sự chênh lệch quyền lực là ở mặt giao tiếp.
Bản thân là “tổng thống” của một nước lớn - đại diện cho cả nước Mỹ, vị trí đã định hình Barack Obama có “quyền lực pháp lý” thực sự. Tuy nhiên, việc một người có quyền lực mà chỉ bằng vị trí và các cộng sự xung quanh mình, hay chính bản thân mình không thể giao tiếp với các cộng sự, công chúng, không thể cùng truyền thông với nhau thì đó chính là sự mất cân bằng quyền lực trong giao tiếp.
Sự cân bằng trong giao tiếp khi thực hành phương pháp giao tiếp phi bạo lực chính là “tập trung vào vấn đề cần giải quyết”, “kêu gọi sự tin tưởng và đồng thuận một cách không cưỡng ép”. Bởi vì (như đã đề cập ở chương 1), mục tiêu của giao tiếp phi bạo lực không phải là phân biệt đúng/ sai, tốt/ xấu. Giao tiếp phi bạo lực đòi hỏi một niềm tin sâu sắc rằng, con người vốn dĩ thích cho đi trong sự tự do, tự nguyện.
Chính vì lẽ đó, những nhà diễn ngôn cần kích hoạt “sự tin tưởng và đồng thuận” của công chúng một cách không những không cưỡng ép mà hơn thế, là sự tự nguyện.
Cùng là những nhà lãnh đạo, nhưng trong nhiều diễn ngôn, bài phát biểu, giữa Donal Trump và Barack Obama lại có sự khác nhau trong cách truyền tải thông điệp của mình.
Cụ thể, với Barack Obama, trong bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, ông khẳng định: “Cảm ơn vì tất cả. Lời đề nghị cuối cùng của tôi cũng giống như lời đề nghị đầu tiên vậy. Tôi đề nghị các bạn tin tưởng, không phải là tin vào khả năng mang lại sự thay đổi của tôi, mà là khả năng của chính các bạn”.
Cách diễn ngôn trong câu nói “Lời đề nghị cuối cùng của tôi cũng giống như lời đề nghị đầu tiên vậy” đã cho thấy sự hài hòa, “trước sao sau vậy”, rất “cân bằng quyền lực trong giao tiếp” của Barack Obama (Irimieș & Irimieș, 2017).
Còn với Donal Trump, khi phát biểu tại đại hội đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2016, Trump đã vẽ lên một bức tranh đen tối, tuyệt vọng cho nước Mỹ khi phải đối mặt với sự hỗn loạn trên đường phố và suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Ông diễn ngôn: “Không ai nắm rõ về hệ thống hơn tôi. Đó là lý do một mình tôi có thể sửa chữa nó”(Kayam, 2018).
Rõ ràng, mục tiêu của giao tiếp phi bạo lực không phải là phân biệt đúng/ sai, tốt/ xấu; song, từ hai dẫn chứng nêu trên, chúng ta thấy rằng, giữa Donal Trump và Barack Obama đều có sự tin tưởng vào người nghe, nhưng cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau, cách truyền tải thông điệp cũng khác nhau, dù có chung mục đích là kích hoạt “sự tin tưởng và đồng thuận” của công chúng.
Chiêm nghiệm sâu hơn, chúng ta còn thấy rằng, ở nhiều diễn ngôn của Barack Obama, chúng ta thấy được “tinh thần kêu gọi đồng thuận”, “tinh thần kết nối” với tất cả khán thỉnh giả của ông. Ông kêu gọi “sức mạnh đoàn kết” và đó là sự cân bằng trong giao tiếp. Ông kêu gọi sự tin tưởng chính mình của người dân. Đó chính là lý do vì sao, khi đã không còn ở vị trí tổng thống, Barack Obama vẫn được rất nhiều người ủng hộ và yêu quý (Irimieș & Irimieș, 2017).
Trong khi đó, ở Donal Trump, chúng ta thấy sự tự tin, sự mạnh mẽ của ông.
Tuy nhiên, có vẻ như cách nói đó khiến người nghe cảm thấy rằng “họ thuộc phe khác” và chỉ có mình ông ở trong câu nói đó. Xin được nhấn mạnh rằng, trong khuôn
khổ luận văn này, việc trích dẫn những diễn ngôn của Donal Trump không đề cập đến đúng hay sai, nên hay không nên, mà ý chính là nêu lên những dẫn chứng minh chứng chưa sát sườn với tinh thần chủ đạo trong giao tiếp phi bạo lực – tinh thần kêu gọi sự đồng thuận một cách tự nguyện nhất.
* Giao tiếp phi bạo lực giúp cho người thực hành xây dựng và củng cố quyền lực của mình.
− Quyền lực có nhiều biểu hiện trong thực tế và cũng là nhu cầu. Nó là một thực tế vì chúng ta thấy nó ở khắp mọi nơi (TS. Nguyễn Văn Hùng, 2021). Giao tiếp phi bạo lực cũng đòi hỏi chúng ta trung kiên với việc tìm hiểu, chăm sóc nhu cầu của người khác. Vì vậy, “lãnh đạo là ngôn ngữ” hay nói cách khác “quyền lực là ngôn ngữ” (Marquet, 2020). Và vì vậy, vai trò của giao tiếp phi bạo lực chính là phương pháp giao tiếp giúp người thực hành giao tiếp xây dựng được quyền lực cho chính mình.
− Cấu trúc xã hội và những quy trình xã hội xung quanh chúng ta liên tục củng cố các tiền đề của tư duy thống trị. Khi chúng ta sử dụng phương thức giao tiếp phi bạo lực, nhiệm vụ của chúng ta là tưởng tượng ra và hiện thực hóa những mối quan hệ dựa trên loại hình quyền lực cùng nhau, bất kể những điều kiện của hệ thống có ra sao đi nữa.
− Quyền lực nằm ở trung tâm của các mối quan hệ xã hội. Trong đó, chất lượng của các mối quan hệ có thể giải phóng hoặc loại bỏ mọi người trong xã hội đó.
Mối quan hệ bao gồm các tương tác của một người với chính mình, một người với người khác và một người với thế giới (Reeler, 2007).
Nếu một người không coi trọng bản thân, họ có thể bị người khác áp bức và hạn chế các quyền khác. Các mối quan hệ bạo lực không thể tích tụ thành một thế giới bền vững. “Sự thay đổi trong các mối quan hệ có thể là chất xúc tác và là kết quả của sự thay đổi xã hội” (Khuyen, n.d.). Thay đổi các mối quan hệ dẫn đến thay đổi quyền lực hoặc các mối quan hệ tốt giải quyết quyền lực. Do đó, xây dựng các mối quan hệ tốt có thể chuyển đổi quyền lực, mang lại tự do và xây dựng phúc lợi xã hội.
* “Quyền trợ giúp” trong giao tiếp phi bạo lực.
Trong bất kỳ một tình huống giao tiếp nào, chúng ta hoàn toàn có thể dùng
“quyền trợ giúp” khi cảm thấy bất cân bằng trong giao tiếp. (Ví dụ: Bây giờ tôi không được bình tĩnh, chúng ta có thể nói chuyện sau 10 phút được hay không?). Như vậy, để đạt được sự cân bằng trong giao tiếp phi bạo lực, hãy giao tiếp chỉ khi nào bạn có thể. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp cho người thực hành giao tiếp phi bạo lực xây dựng và củng cố quyền lực của mình. Diễn đạt một cách hình ảnh về nội dung này Rosenberg & Chopra viết: “Hãy làm theo đề nghị của tôi, chỉ khi nào bạn có thể làm như vậy với niềm vui của một đứa trẻ đang rải cơm cho một chú vịt đói ăn. Xin đừng làm theo đề nghị của tôi nếu bạn có trong lòng dù chỉ là một chút xíu sợ hãi, rằng, nếu mình không làm như vậy thì sẽ bị trừng phạt. Xin đừng làm theo lời đề nghị của tôi vì bạn hy vọng rằng tôi sẽ quý mến bạn nhiều hơn nếu bạn làm điều đó. Xin đừng làm theo đề nghị của tôi vì bạn nghĩ rằng bạn sẽ cảm thấy tội lỗi nếu không làm. Xin đừng làm theo đề nghị của tôi nếu bạn cảm thấy hỗ thẹn. Và chắc chắn đừng làm theo đề nghị của tôi vì bạn thấy mình có bất kỳ bổn phận hay nghĩa vụ nào” (Rosenberg & Chopra, 2015).