Quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (Trang 27 - 38)

Chương 2 QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM

2.1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

2.1.1. Khái quát về pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra từ năm 1945 đến trước năm 2015

2.1.1.1 Giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 2003

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 13/9/1945, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 33C-SL ngày 13/9/1945, đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về Tòa án quân sự - cơ quan xét xử duy nhất tại Việt Nam; đồng thời quy định chức năng công tố (buộc tội) như sau: "Đứng buộc tội là một Ủy viên quân sự hay một Ủy viên của Ban trinh sát"13. Đây là thiết chế cơ quan tư pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua các giai đoạn phát triển, năm 1960, trên cơ sở Hiến pháp 1959, VKSND ra đời. Theo đó, Luật tổ chức VKSND năm 1960 có hiệu lực đã quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của VKSND. Theo đó, ngoài chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, VKSND còn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:: "Điều 3:...b) Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự".

Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 1960, tại Chương III về

"Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra của cơ quan Công an và của Cơ quan điều tra khác" có những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện chức năng THQCT. Ví dụ: Tại Điều 14 quy định "việc bắt giam bất cứ một công dân nào phải được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn trừ trường

13. Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, "Sắc lệnh số 13C-SL ngày 13/9/1945", Thư viện pháp luật, tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Sac-lenh-33C-thiet-lap-toa-an-quan-su- 35880.aspx, ngày truy cập 09/6/2017.

hợp Tòa án nhân dân quyết định bắt giam"... Đây là các chức năng cơ bản của VKS nhằm thể hiện vai trò công tố trong điều tra vụ án hình sự, thể hiện sự buộc tội của nhà nước mà VKS được giao thực hiện mà không phải thuộc chức năng KSĐT.

Hiến pháp năm 1980 ra đời, lần đầu tiên Hiến pháp quy định THQCT là chức năng của VKSND. Trên cơ sở Hiến pháp, năm 1981, Luật tổ chức VKSND ra đời, quy định nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ cho các khâu công tác kiểm sát, đặt nền tảng cho VKSND trong việc thực hiện chức năng và tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống VKS trong phạm vi cả nước. Theo quy định của Điều 10 Luật tổ chức VKSND năm 1981, khi thực hiện công tác KSĐT, các VKSND có quyền như: "…2/ Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các lệnh bắt, tạm giam, gia hạn tạm giam, tha, tạm tha, khám xét và các biện pháp khác do luật định của Cơ quan điều tra…" Như vậy Luật tổ chức VKSND năm 1981 cũng có sự không phân biệt rõ ràng giữa THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Hoạt động công tố nằm lẫn và bị ẩn vào bên trong các hoạt động cụ thể về kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, tại ký họp thứ ba, Quốc hội khóa VIII (ngày 28/6/1988), BLTTHS đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành, về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS đối với hoạt động điều tra, tại Điều 141 BLTTHS năm 1988 quy định "Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ Viện kiểm sát phải kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra và đề ra biện pháp khắc phục".

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 1988 cũng quy định những quyền hạn của VKS để thực hiện chức năng THQCT: tự mình khởi tố vụ án hình sự và chuyển đến CQĐT để yêu cầu tiến hành điều tra; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định của CQĐT đã được quy định tại Bộ luật… Như vậy, có thể thấy, một bước tiến bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật về

THQCT trong giai đoạn điều tra của VKS đã được BLTTHS năm 1988 quy định cụ thể.

2.1.1.2 Giai đoạn từ năm 2003 đến trước năm 2015

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trên cơ sở thể chế chủ trương của Đảng, BLTTHS năm 2003 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã thể hiện sâu sắc những tư tưởng mới về cải cách tư pháp hình sự. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, hai chức năng THQCT và KSĐT được thể hiện thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi THQCT và KSĐT, quy định tại các Điều 14, 15, 16, 17 Luật Tổ chức VKSND năm 2014;

các Điều 112, 113 BLTTHS năm 2003.

Theo quy định tại Điều 112 BLTTHS năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra như sau:

"1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

2. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

3. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự;

4. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp không phê chuẩn thì trong quyết định không phê chuẩn phải nêu rõ lý do;

5. Hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;

6. Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án".

Bộ luật TTHS năm 2003 từ khi có hiệu lực thi hành, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.Trải qua hơn 10 năm tổ chức thi hành BLTTHS năm 2003, không ai có thể phủ nhận thành quả của Bộ luật đem lại trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đã kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, nâng cao được tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án, tỷ lệ oan sai giảm. Chất lượng cán bộ của các cơ quan tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Bộ luật TTHS 2003 đã phân định rõ chức năng và nhiệm vụ cụ thể của hai hoạt động là THQCT và KSĐT của VKS. Như vậy, nội dung THQCT của VKS trong giai đoạn điều tra theo quy định tại Điều 112 BLTTHS năm 2003 xuyên suốt từ khi khởi tố vụ án đến khi quyết định truy tố bị can ra Tòa án hoặc đến khi có quyết định đình chỉ vụ án. Pháp luật quy định cho VKS có quyền hạn (nhiệm vụ) như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của VKS trong giai đoạn điều tra, tạo cơ sở để VKS có thể chủ động hơn trong quá trình điều tra, nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ chứng cứ cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì có một số bất cập trong việc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tổ trong giai đoạn điều tra như sau:

- Quy định tại Khoản 6 Điều 112 BLTTHS năm 2003 về việc quyết định truy tố, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Quy định này đúng là thuộc về thẩm quyền của VKS, nhưng không thuộc thẩm quyền của VKS trong giai đoạn điều tra, mà là ở giai đoạn truy tố. Vì vậy, để quy định này ở Điều 112 BLTTHS năm 2003 về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra là không phù hợp.

- Mặc dù khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức VKSND, điểm a khoản 2 Điều 36 BLTTHS và Khoản 1 Điều 112 BLTTHS năm 2003 có quy định khi THQCT trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, VKS có nhiệm vụ và quyền hạn "khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can... ", nhưng tại Điều 104 BLTTHS năm 2003 (quy định về khởi tố vụ án hình sự) lại quy định VKS chỉ được ra

quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp VKS hủy bỏ quyết định không khởi tố của CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, thực tế có nhiều trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm cần được khởi tố, điều tra, nhưng vì những lý do khác nhau, CQĐT không ra quyết định khởi tố và cũng không ra quyết định không khởi tố vụ án thì VKS không thể ra được quyết định khởi tố vụ án để yêu cầu điều tra, mà chỉ có thể ra văn bản yêu cầu khởi tố vụ án (theo quy định tại Điều 114 BLTTHS năm 2003 thì yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của VKS không phải là loại yêu cầu mà nếu không nhất trí, CQĐT vẫn phải chấp hành như một số yêu cầu, quyết định khác nên hiệu lực bị hạn chế).

- Đối với việc khởi tố bị can, tại khoản 5 Điều 126 BLTTHS năm 2003 quy định VKS chỉ thực hiện thẩm quyền khởi tố bị can sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà VKS phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố. Quy định nói trên có hạn chế là trong khi vụ án đang được tiến hành điều tra, nếu yêu cầu khởi tố bị can của VKS chưa được thực hiện thì phải chờ đến khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra, VKS mới có thể ra quyết định khởi tố bị can và yêu cầu điều tra (phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung). Theo quy định này thì quyền "khởi tố bị can"

của VKS theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 BLTTHS năm 2003 chỉ là quy định hình thức và không thể thực hiện được trong giai đoạn điều tra. Như vậy, có thể thấy mâu thuẫn giữa quy định tại Khoản 5 Điều 126 và Khoản 1 Điều 112 BLTTHS năm 2003.

- Khoản 3 Điều 112 BLTTHS năm 2003 quy định: nếu hành vi của ĐTV bị thay đổi có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự. Ở đây BLTTHS năm 2003 quy định không rõ là khởi tố vụ án hình sự hay khởi tố bị can? Nếu là khởi tố vụ án hình sự thì đây có phải là căn cứ thứ ba để VKS ra quyết định khởi tố vụ án bên cạnh hai căn cứ: VKS ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp VKS hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan có quyền khởi tố và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố

vụ án. Theo tác giả trường hợp này pháp luật nên quy định theo hướng VKS có quyền khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can. Vì vậy, các căn cứ để VKS khởi tố vụ án, khởi tố bị can không chỉ dừng lại ở những căn cứ đã được quy định mà cần bổ sung thêm là, nếu hành vi của ĐTV bị thay đổi có dấu hiệu tội phạm thì VKS sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

2.1.2. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Nhằm tăng cường trách nhiệm THQCT trong giai đoạn điều tra và bảo đảm VKS thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra trong Điều 165 BLTTHS năm 2015. So với những nội dung này được quy định tại Điều 112 BLTTHS năm 2003, nhiệm vụ và quyền hạn của VKS khi THQCT được mở rộng không chỉ đối với CQĐT mà còn đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra. Đồng thời, Điều 165 cũng bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn mới và sửa đổi các nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn.

2.1.2.1. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Sau khi khởi tố vụ án hình sự, CQĐT, Cơ quan được giao một số hoạt động điều tra tiến hành những hoạt động điều tra và có những thông tin mới về tội phạm khiến cho đánh giá ban đầu về tội phạm nhiều khi không còn đúng với hành vi phạm tội đã xảy ra hoặc phát hiện thêm tội phạm mới và khi đó quyết định khởi tố vụ án cần được thay đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc tùy từng trường hợp mà VKS thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tự mình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc yêu cầu CQĐT khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của BLTTHS. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì việc khởi tố vụ án hình sự do CQĐT thực hiện là chủ yếu. VKS chỉ trực tiếp khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp: "Khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong

việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm"14. Việc tự mình khởi tố vụ án hình sự đã được quy định cụ thể tại khoản 8 Điều 165 BLTTHS.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một quyền của VKS đó là:

bổ sung quyền ra quyết định việc gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, quyết định chuyển vụ án, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, hủy bỏ quyết định nhập, tách vụ án. Những quyền này đã được quy định trong các điều luật của BLTTHS năm 2003, tuy nhiên chưa được ghi cụ thể tại nhiệm vụ và quyền hạn của VKS trong việc THQCT trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Nay đã được ghi nhận tại Khoản 9 Điều 165 BLTTHS năm 2015.

Đối với việc khởi tố bị can thì VKS chỉ trực tiếp khởi tố bị can trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố nếu đã yêu cầu nhưng CQĐT không thực hiện hoặc sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu VKS phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì VKS quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung15. Theo khoản 5 Điều 126 BLTTHS năm 2003 quy định VKS chỉ thực hiện thẩm quyền khởi tố bị can sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà VKS phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố. Trong thực tiễn thực hiện quy định trên có nhiều bất cập khi trong giai đoạn điều tra, VKS phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì VKS chỉ có thẩm quyền yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố bị can nhưng thực tế có nhiều trường hợp VKS yêu cầu nhưng CQĐT không thực hiện. Để hạn chế bất cập này, tại khoản 4 Điều 179 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định: Trường hợp phát hiện có người đang thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố thì VKS yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng CQĐT không thực hiện.

14. Khoản 8 Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

15. Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Thực tế cho thấy VKS trực tiếp khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can chỉ trong một số ít trường hợp, khi THQCT trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự VKS chủ yếu yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.

2.1.2.2. Đề ra yêu cầu điều tra và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra là đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra. Để bảo đảm hoạt động điều tra có kết quả thì VKS với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ THQCT phải đề ra yêu cầu điều tra ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án và trong từng giai đoạn của quá trình điều tra, KSV được phân công THQCT và KSĐT phải bám sát việc điều tra vụ án của CQĐT để kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra một cách cụ thể, toàn diện nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong một số trường hợp cần thiết, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi THQCT trong giai đoạn điều tra, VKS có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS. BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể trường hợp mà KSV được tự mình tiến hành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự đối với một số hoạt động điều tra cụ thể, như sau:

- Trực tiếp hỏi cung trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc KSV hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này (Khoản 4 Điều 183 BLTTHS năm 2015).

- Trực tiếp lấy lời khai người làm chứng trong trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của ĐTV không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của CQĐT hoặc để quyết định việc truy tố thì KSV có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này (Khoản 5 Điều 186 BLTTHS năm 2015).

Một phần của tài liệu Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (Trang 27 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)