Khái quát về sự phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam về quyền xác định, xác định lại dân tộc

Một phần của tài liệu Quyền xác định, xác định lại dân tộc và thực tiễn trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 22 - 28)

Chương 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN XÁC ĐỊNH, XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC CỦA CÁ NHÂN

1.2. Khái quát về sự phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam về quyền xác định, xác định lại dân tộc

Ở Việt Nam, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, quyền nhân thân của cá nhân luôn được pháp luật bảo vệ và ngày càng được coi trọng.

Quyền xác định, xác định lại dân tộc là một trong các quyền nhân thân của cá nhân. Có thể tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam về quyền xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân như sau:

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Ngày 9 tháng 11 năm 1946, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Căn cứ vào tình hình đất nước lúc bấy giờ các quy định của Hiến pháp tập trung vào “nhiệm vụ của nước ta ở giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên

nền tảng dân chủ”.9 Trước nguy cơ tất yếu đó, trong điều kiện chưa thể cho ra đời các văn bản quy phạm pháp luật mới, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 90/SL với nội dung cho phép tạm thời áp dụng một số luật lệ ở Bắc, Trung, Nam cho đến khi ban hành những văn bản quy phạm pháp luật áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Sắc lệnh có nguyên tắc “những luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa” 10. Để điều hành công việc của Chính phủ và hoàn cảnh đất nước phải kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh. Trong lĩnh vực dân sự có Sắc lệnh 97/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 về

“Sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân sự”. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng thể hiện việc sắc lệnh vẫn tiếp tục cho thi hành những quy định cơ bản của các bộ dân luật cũ nhưng đồng thời cũng có sự bổ sung, thay thế nhất định tạo nên nền móng cho các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự sau này.

Nhiều nguyên tắc thể hiện tính chất dân chủ, tiến bộ và thể hiện bản chất của quan hệ dân sự được ghi nhận trong sắc lệnh này như “Những quyền dân sự đều được bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân”

(Điều 1).

Hiến pháp năm 1959 ra đời trong bối cảnh Hiến pháp 1946 không còn phù hợp với sự thay đổi của chính trị, xã hội đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình lập hiến của Việt Nam. Hiến pháp năm 1959 đã có những quy định cụ thể về quyền công dân như quyền bình đẳng (Điều 24), quyền tự do tín ngưỡng (Điều 26), quyền bất khả xâm phạm về tài sản của công dân (Điều 40),.. tuy nhiên về quyền nhân thân cũng như quyền xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân thì chưa được quy định cụ thể tại một văn bản pháp luật nào.

Tại Điều 3 Hiến pháp 1959 đã có quy định:

9 Hiến pháp năm 1946, Lời nói đầu

10 Hiến pháp năm 1946, Lời nói đầu

Các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục, tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc mình. Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung”.

Như vậy, có thể thấy nhà nước Việt Nam đã đề cập đến dân tộc và quyền dân tộc của công dân. Mặc dù quyền xác định dân tộc vẫn chưa được quy định cụ thể ở một văn bản pháp luật nào nhưng có thể thấy nó đã manh nha được thể hiện là một quyền nhân thân của cá nhân. Kế thừa và phát huy những quy định của Hiến pháp 1959 thì Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 vẫn giữ quy định về quyền dân tộc của công dân “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình” (Điều 5 – Hiến pháp 1980),

các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của mình” (Điều 5 – Hiến pháp năm 1992). Có thể nói đây chính là “mầm non” cho sự phát triển, quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc ở Bộ luật Dân sự năm 1995 sau này - Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mặc dù chưa có quy định cụ thể về quyền xác định, xác định lại dân tộc nhưng không có nghĩa là ở trong giai đoạn này pháp luật Việt Nam không bảo vệ quyền dân tộc của cá nhân. Trong Bộ luật Hình sự năm 1985 có quy định nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự là “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân”.11 Và cụ thể trong Điều 81 BLHS năm 1985 có quy định về tội phá hoại chính sách đoàn kết:

11 Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 1985

“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

…..

b) Gây hằn thù, miệt thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam

….”

Như vậy, có thể thấy dù chưa có quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về quyền xác định, xác định lại dân tộc nhưng đã có những quy định của pháp luật thể hiện ý nghĩa quan trọng của quyền dân sự này.

Bắt đầu từ năm 1995, đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, chấm dứt nền kinh tế tập trung, bao cấp, thay vào đó là nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần. Sau nhiều năm “thai ngén” BLDS năm 1995 đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 1996. BLDS năm 1995 ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong quá trình lập pháp của nước ta. BLDS năm 1995 là Bộ luật lớn điều chỉnh một phạm vi quan hệ xã hội rộng lớn với rất nhiều các lĩnh vực liên quan.

Quyền xác định, xác định lại dân tộc được quy định lần đầu tiên tại Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 1995:

“1. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ. Trong trường hợp cha và mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.

2. Người đã thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của người cha hoặc người mẹ nếu cha, mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau.

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác.”

Đây là quy định được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật dân sự về quyền xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân.

Qua gần 10 năm, BLDS năm 1995 đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong các lĩnh vực dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Mặc dù đã đạt được các thành tựu nhất định nhưng BLDS năm 1995 cũng đã bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi về quyền xác định dân tộc.

Trong bối cảnh đó, BLDS sửa đổi được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 7, tháng 6 năm 2005 thông qua (Bộ luật Dân sự năm 2005).

Quyền xác định dân tộc được kế thừa những điểm tiến bộ và bổ sung những điểm mới của BLDS năm 1995 tại Điều 28 BLDS năm 2005.

Như vậy, so với quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc của Bộ luật Dân sự năm 1995, đã có sự sửa đổi về các trường hợp xác định lại dân tộc đó là xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ và xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai. Đã có quy định rõ hơn là xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Và có bổ sung thêm quy định mới về trường hợp các chủ thể có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc là cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc. Thêm một quy định mới nữa là trong trường hợp xác định lại dân tộc của người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người chưa thành niên đó, thể hiện nguyện vọng của chính người chưa thành niên đó trong việc xác định lại dân tộc của mình.

Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung, đã có những thành tựu nhất định so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 nhưng trong 10 năm áp dụng vẫn có những bất cập và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và ngoài ra Hiến pháp năm 2013 ra đời và có những thay đổi nhất định về các vấn đề cơ bản nhất. Quyền xác định, xác định lại dân tộc lần đầu tiên được thể hiện rõ trong Hiến pháp là một quyền dân sự của công dân. Theo đó, ngoài việc quy định “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”, “ Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” thì Điều 42 Chương II về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã nêu rõ “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” đây là một điểm tiến bộ vượt bậc của Hiến pháp năm 2013 thể hiện nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn đảm bảo quyền bình đẳng cho các dân tộc, đảm bảo cho các dân tộc được giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, bảo đảm về việc xác định dân tộc của công dân. Trong bối cảnh đó việc sửa đổi bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005 là cần thiết. Theo đó Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đã kịp thời thay thế, bổ sung những quy định còn tồn tại hạn chế và cụ thể hóa các quyền dân sự của công dân.

Quyền xác định, xác định lại dân tộc cũng vậy. Quyền xác định, xác định lại dân tộc được quy định tại Điều 29 BLDS năm 2015.

Nếu như ở BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 chỉ có tên Điều là

“quyền xác định dân tộc” thì đến BLDS năm 2015 để tên Điều là “Quyền xác định, xác định lại dân tộc”, nội dung Điều ngoài việc “xác định dân tộc” thì còn có nội dung “xác định lại dân tộc” của cá nhân nên việc sửa đổi là hoàn toàn hợp lý. BLDS năm 2015 có bổ sung thêm trường hợp xác định dân tộc trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được

nhận làm con nuôi. Trong trường hợp này trẻ em sẽ được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi hoặc theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi, nếu chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì xác định dân tộc theo người đó hoặc xác định theo ý kiến của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ. BLDS năm 2015 có thêm quy định mới, đó là tại Khoản 5 có quy định “cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc để nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam”. Điều này thể hiện hoàn toàn chủ trương, đường lối của nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất, bình đẳng giữa các dân tộc, cùng nhau phát triển và ngăn cấm những hành vi nhằm mục đích trục lợi, gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết dân tộc.

Như vậy, sự hình thành và phát triển quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc trong pháp luật dân sự Việt Nam luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và song song theo đó là sự hoàn thiện về quá trình lập pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc quy định ngày càng cụ thể, chặt chẽ về quyền xác định, xác định lại dân tộc giúp cho các hoạt động bảo vệ quyền này trong giai đoạn hiện nay một cách tốt hơn.

Một phần của tài liệu Quyền xác định, xác định lại dân tộc và thực tiễn trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)