Chương 3. THỰC TIỄN THỰC HIỆN VIỆC XÁC ĐỊNH, XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC CỦA CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
3.2. Kiến nghị và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc
- Bổ sung quy định về nguyên tắc xác định dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận nuôi. BLDS năm 2015 mới chỉ quy định trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó mà chưa có quy định cụ thể trong trường hợp trẻ em được nhận nuôi có cả cha nuôi, mẹ nuôi mà cha nuôi, mẹ nuôi thuộc hai dân tộc khác nhau và không thỏa thuận được xác định dân tộc cho con nuôi thì sẽ giải quyết như thế nào. Nên cần phải bổ sung quy định này như sau “Trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi, nếu trong trường hợp cha nuôi mẹ nuôi thuộc hai dân tộc khác nhau và không thỏa thuận được thì dân tộc của con nuôi được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con nuôi được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn” nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ.
- Pháp luật cần sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị dịnh 123/2015/NĐ-CP về việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ mẹ đẻ để thống nhất với quy định của BLDS năm 2015 về nguyên tắc xác định dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận nuôi như sau: “ Phần kê khai về cha, mẹ của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong sổ hộ tịch ghi rõ trẻ bị bỏ
rơi; còn phần khai về dân tộc trẻ được thực hiện theo pháp luật dân sự” hoặc “ Phần kê khai về cha, mẹ của trẻ trong Giấy khai sinh và sổ hộ tịch để trống;
trong sổ hộ tịch ghi rõ trẻ em bị bỏ rơi; còn phần kê khai về dân tộc của trẻ được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em; trong sổ hộ tịch ghi rõ trẻ bị bỏ rơi” nhằm có sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật đảm bảo việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn có hiệu quả.
- Để nâng cao hiệu quả áp dụng tập quán trong xác định dân tộc thì cần phải có sự hoàn thiện và đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Thứ nhất đẩy mạnh và mở rộng việc tập hợp, văn bản hóa tập quán xác định dân tộc. Vì hiện nay các văn bản về tập quán chủ yếu là các công trình nghiên cứu văn hóa, khoa học được tập hợp thành sách. Tuy nhiên để các chủ thể có thẩm quyền áp dụng tập quán thì các văn bản đó phải có độ chính xác và tin cậy cao. Nên việc xuất bản các tác phẩm về phong tục, tập quán kết hợp được mục đích về văn hóa lẫn mục đích pháp lý thì hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn và các chủ thể áp dụng tập quán với vai trò thay thế pháp luật sẽ không còn lúng túng mỗi khi cần tìm kiếm tập quán bù đắp cho lỗ hổng pháp luật và đảm bảo quyền lợi ích cho công dân.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về áp dụng tập quán xác định dân tộc nói riêng và tập quán pháp luật nói chung về việc quy định rõ chủ thể có thẩm quyền giải thích tập quán. Bởi trên thực tế khi có tình huống phát sinh cần áp dụng tập quán để xác định dân tộc mà bản thân người áp dụng chưa thực sự hiểu rõ nội dung tập quán hay chưa xác định rõ có hay không có tập quán trên thực tế thì chủ thể nào có thẩm quyền giải thích và việc giải thích có mang giá trị pháp lý không? Nên việc quy định rõ chủ thể có thẩm quyền áp dụng tập quán là cần thiết.
Thứ ba, từng bước ghi nhận các quy phạm tập quán xác định dân tộc thành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là cần thiết bởi văn bản quy phạm pháp luật hóa các tập quán thì các khoảng trống pháp lý sẽ được bù đắp và pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, mang tính thực tiễn và khả thi hơn.
- Pháp luật cần có quy định cụ thể về các chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc. tại khoản 3 Điều 29 BLDS năm 2015 chỉ quy định chung chung “ cá nhân” có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc mà không quy định là những cá nhân nào. Pháp luật nên bổ sung các chủ thể có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc như sau “Người đã thành niên có năng lực hành vi dân sự, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc” để phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều này và để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi của cá nhân.
- Pháp luật cần bổ sung quy định về trường hợp xác định lại dân tộc của con nuôi theo dân tộc của cha mẹ nuôi trong trường hợp chưa trẻ bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ. Trên thực tế trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ trước khi được nhận làm con nuôi đã được đăng ký khai sinh và xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng đứa trẻ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ. Nên pháp luật cần bổ sung thêm trường hợp xác định lại dân tộc là “xác định lại theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi trong trường hợp con nuôi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và đã được xác định dân tộc trước khi được nhận làm con nuôi” để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
- Nhằm đảm bảo cho công tác quản lý hộ tịch được chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng cá nhân xác định lại dân tộc nhiều lần với mục đích vụ lợi, pháp luật cần quy định cụ thể cá nhân chỉ được xác định lại dân tộc một lần khi thuộc các trường hợp xác định lại dân tộc theo quy định của pháp luật.
- BLDS cũng có quy định cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên lại chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể hành vi nào được coi là nhằm mục đích trục lợi, gây chia rẽ, phương hại tới sự đoàn kết dân tộc, nên pháp luật cần phải bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể nội dung này.
- Ngoài ra cũng cần phải nâng cao hiệu quả quản lý hộ tịch ở các cấp có thẩm quyền.
Thứ nhất, cần kiện toàn, nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch. Hầu hết các cán bộ tư pháp hộ tịch chuyên trách ở cấp xã ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có trình độ chuyên môn trung cấp luật trở lên, trình độ đại học Luật chiếm tỷ lệ nhỏ và chưa qua đào tạo (chỉ có tham dự lớp nghiệp vụ hộ tịch) chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, việc thay thế các cán bộ chưa qua đào tao không dễ dàng vì nhiều lý do liên quan đến lối sống, phong tục tập quán của những vùng miền khác nhau. Nên cần thiết phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ tư pháp hộ tịch.
Thứ hai, phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tư pháp trong việc kiểm tra, giám sát việc đăng ký hộ tịch ở cấp xã và hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ tư pháp hộ tịch ở cấp xã. Trên thực tế có xảy ra việc cán bộ tư pháp hộ tịch thực hiện việc xác định lại dân tộc là sai thẩm quyền, là hành vi vi phạm trong lĩnh vực tư pháp hành chính nhưng không có số liệu báo cáo nào về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hộ tịch. Như vậy có thể thấy việc kiểm tra, giám sát quản lý hộ tịch là chưa nghiêm túc, chặt chẽ, nên cần phải tăng cường quản lý trong vấn đề này.
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch trong nhân dân, đặc biệt là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Thái Nguyên là tỉnh có tới 46 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm một
tỷ lệ không nhỏ. Trình độ dân trí của người dân mặc dù ngày càng được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có nhận thức còn hạn chế bởi phong tục, tập quán, lối sống lạc hậu, nhất là đối với người dân ở khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa nơi sinh sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Nên cán bộ công tác hộ tịch nói riêng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói cung cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch trong nhân dân. Cán bộ hộ tịch cần thường xuyên mở các lớp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của các ở các điểm dân cư để người dân có hiểu biết về pháp luật, thực hiện đăng ký hộ tịch đúng theo quy định của pháp luật một cách kịp thời và chính xác.
Kết luận chương 3
Qua quá trình tìm hiểu thực tế thực hiện pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc cũng như những hạn chế nhất định của các chủ thể có thẩm quyền thực hiện áp dụng pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân. Từ những vướng mắc, hạn chế trên thực tiễn, cần phải có những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn của chủ thể có thẩm quyền cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân giúp nâng cao hiểu biết pháp luật để việc thực hiện quyền xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân đạt được hiệu quả.
KẾT LUẬN
Quyền xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân là một quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân và là một trong các quyền dân sự có vai trò quan trọng. Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định số 123/NĐ-CP của Chính phủ,... đã có quy định cụ thể về các nguyên tắc xác định dân tộc, các trường hợp xác định lại dân tộc cũng như nghiêm cấm các hành vi xác định lại dân tộc nhằm trục lợi, hoặc gây chia rẽ phương hại đến đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Việc quy định quyền xác định, xác định lại dân tộc một cách đầy đủ, rõ ràng như vậy đã tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật trên thực tế.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế việc thực hiện pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì các quy phạm pháp luật này vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế nhất định về nguyên tắc xác định dân tộc theo tập quán, hay xác định lại dân tộc cho con nuôi cũng như hạn chế, bất cập về các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc. Việc nhìn nhận, đánh giá đúng tình tình thực hiện việc xác định, xác định lại dân tộc trên thực tế không chỉ giúp các nhà làm luật có cách nhìn, hướng đi và có sự điều chỉnh, sửa đổi những hạn chế, vướng mắc và phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền xác định, xác định lại dân tộc của cá nhân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về việc xác định, xác định lại dân tộc trên thực tế.
Trong khuôn khổ luận văn thạc sỹ, tác giả đã phân tích một cách khái quát nội dung các nguyên tắc xác định dân tộc, các trường hợp xác định lại dân tộc của cá nhân, cũng như đưa ra tình hình thực tiễn thực hiện pháp luật về xác định, xác định lại dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tác giả đã chỉ
ra một số những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về nội dung quyền xác định, xác định lại dân tộc, từ đó có những đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền xác định, xác định lại dân tộc cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trên thực tế. Tác giả hi vọng sẽ có dịp nghiên cứu một cách đầy đủ và chuyên sâu hơn về vấn đề này trong một công trình có quy mô lớn hơn./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Biểu thống kê Sở Tư pháp năm 2015 lần 1, ngày 23 tháng 11 năm 2015.
2. Biểu thống kê Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên năm 2016, ngày 9 tháng 3 năm 2017.
3. Biểu Thống kê Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên năm 2017, ngày 12 tháng 3 năm 2018.
4. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Tư pháp, Hà Nội.
5. Kim Bình (2012), Còn tình trạng “trục lợi” trong đăng ký hộ tịch ở Thái Nguyên”, http://baophapluat.vn/tu-phap/con-tinh-trang-truc-loi-trong- dang-ky-ho-tich-o-thai-nguyen-110970.html, ngày 28/4/2012.
6. Chính phủ (2005), Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, Hà Nội.
7. Chính phủ (2015), Nghị định số 123/205/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, Hà Nội.
8. Chính phủ (2017), Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Hà Nội.
9. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên (2018), “Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2018 tỉnh Thái Nguyên”,
http://cucthongkethainguyen.gov.vn/vi/news/tinh-hinh-kinh-te-xa- hoi/tinh-hinh-thuc-hien-cac-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-chu-yeu-6-thang-dau- nam-2018-tinh-thai-nguyen-84.html, ngày 8/6/2018.
10. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Công an nhân dân, Hà Nội.
11. Nguyễn Phương Dung, “Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Hộ tịch ở các địa phương”,
http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu- phap.aspx?ItemID=209, ngày 12/7/2018.
12. Võ Thị Hạnh (2018), “Ảnh hưởng của một số tập quán đối với đăng ký, quản lý hộ tịch”, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong- tac-tu-phap.aspx?ItemID=204, ngày 13/8/2018.
13. Bùi Đăng Hiếu (2009), “Quyền nhân thân liên quan đến cá biệt hóa cá nhân: quyền của cá nhân đối với họ tên, dân tộc, hình ảnh”, Tạp chí Luật học, Số 7/2009.
14. Trần Việt Hưng (2011), “Áp lực do xin xác định lại dân tộc để được ưu tiên điểm”, https://baomoi.com/ap-luc-do-xin-xac-dinh-lai-dan-toc-de- duoc-uu-tien-diem/c/6422713.epi, ngày 18/07/2011.
15. Nguyễn Thị Tuyết Mai, “Cơ sở pháp lý và thực tiễn áp dụng tập quán trong lĩnh vực dân sự”, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/597, ngày 28/7/2018.
16. Lê Đình Nghị (2010), Giáo trình “Luật Dân sự Việt Nam” tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
17. Quốc hội (1946), Hiến pháp, Hà Nội.
18. Quốc hội (1959), Hiến pháp, Hà Nội.
19. Quốc hội (1980), Hiến pháp, Hà Nội.
20. Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội.
21. Quốc hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội.
22. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự, Hà Nội.
23. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự, Hà Nội.
24. Quốc hội (1995), Bộ luật Dân sự, Hà Nội.
25. Quốc hội (1985), Bộ luật Hình sự, Hà Nội.
26. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Hà Nội.
27. Quốc hội (2014), Luật Hộ tịch, Hà Nội.