CHƯƠNG III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC LƯU Ý VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA VIỆT NAM XUẤT KHẨU
3.1 Đánh giá triển vọng của doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam theo
Từ lâu, mô hình SWOT đã được các nhà quản lý sử dụng như một công cụ uy tín chuyên phân tích tình hình kinh doanh doanh hiện tại của công ty, dựa vào đó các nhà quản lý có hướng đi đúng đắn sao cho giúp công ty hoạt động tốt và phù hợp hơn. SWOT là sự kết hợp của Strengths - điểm mạnh, Weaknesses - điểm yếu, Opportunities - cơ hội và Threats - thách thức.
Để tiến vào thị trường CPTPP hay bất kì thị trường nào, các công ty Việt Nam đều phải lên kế hoạch và xây dựng một chiến lược cụ thể và bài bản. Kế hoạch đó có khả thi hay không, chiến lược đó có hữu ích hay không, trước tiên phụ thuộc vào sự nắm bắt thực trạng của doanh nghiệp. Thông qua mô hình SWOT, doanh nghiệp, mà cụ thể là người lãnh đạo, sẽ có cơ hội nhìn nhận lại các lợi thế của mình để tiếp tục tận dụng và phát huy, đồng thời cải thiện và khắc phục những mặt còn hạn chế. Ngoài ra, mô hình cũng đem lại cái nhìn bao quát về các cơ hội lẫn thách thức mà hoạt động tương lai của công ty có thể bị tác động.
a. Strengths - Điểm mạnh
Điểm mạnh lớn nhất của sản phẩm Việt là chất lượng ngày càng được nâng cao chất lượng và nhận được sự yêu thích tại nước ngoài. Một ví dụ cho nhận định này là mặt hàng trái cây tươi, cụ thể là vải thiều khi thâm nhập vào “xứ sở hoa anh đào”. Theo Thanh Tùng – Phạm Tuân (2021), vào tháng 6/2021, AEON Nhật Bản đã tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại toàn bộ các siêu thị thuộc hệ thống. Rất đông khách hàng Nhật Bản đã bày tỏ quan tâm và chú ý tới sự kiện trên. Các mặt hàng được trưng bày rất phong phú và đa dạng về mẫu mã và chủng loại, từ các loại thực phẩm chế biến như mỳ tôm và phở ăn liền, sản phẩm nông sản như vải và chuối, cho tới các mặt hàng giày dép, may mặc, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ. Song trên hết, mặt hàng dành được nhiều sự quan tâm nhất của người dân Nhật Bản là vải thiều. 30 tấn vải từ Bắc Giang và Hải Dương đã được AEON nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng. Theo Đại sứ Việt Nam
tại Nhật Bản – ông Vũ Hồng Nam, tới đây, nhãn và một số loại trái cây được trông đợi khác sẽ được đưa vào Nhật Bản. Về các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam như may mặc, giày dép và hàng tiêu dùng, ông khẳng định, doanh thu ở Nhật Bản vẫn đang tăng. Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong giai đoạn 2015-2020, Nhật Bản đã tăng giá trị nhập nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam từ 1 tỷ USD lên 1,4 tỷ USD, tương đương 36%. Ngoài ra, một điểm đáng mừng là hàng Việt Nam hiện đã kiểm soát được chất ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm soát được thực phẩm biến đổi gen, các sản phẩm đều dán nhãn truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở tỷ lệ cho phép…Chiếm được cảm tình của thị trường “khó tính” như Nhật chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đang đi đúng hướng khi phát triển xuất khẩu không chỉ về quy mô mà cả chất lượng. Chất lượng hàng hóa được cải thiện thì không có gì ngạc nhiên khi sản phẩm Việt ngày càng được ưa chuộng ở cả các nước thành viên CPTP nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.
b. Weaknesses - Điểm yếu
Một là, Việt Nam vẫn đang lệ thuộc không nhỏ vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ quốc tế. Điều này đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào tình thế bị động trong sản xuất, nhất là giai đoạn khó khăn như dịch Covid-19 vừa qua. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – VASI, bà Trương Thị Chí Bình (2021), “Doanh nghiệp liên tiếp trải qua 4 đợt bùng phát dịch, khiến việc sản xuất trở nên khó khăn, nội lực yếu dần. Trong khi thực tế năng lực của hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…”.Thêm vào đó, theo Vi Lâm (2022) bình luận, xuất nhập khẩu Việt Nam lệ thuộc quá đà vào 1 vài thị trường truyền thống là Trung Quốc, Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc… Những thị trường này đang lấn át mọi quốc gia còn lại trong tỉ trọng cơ cấu xuất nhập khẩu Việt Nam. Song, dễ dàng nhận thấy, các thị trường này đều nằm ngoài khu vực CPTPP. Nhưng muốn hưởng ưu đãi, hàng hóa xuất khẩu phải đảm bảo xuất xứ nội khối CPTPP như các quốc gia đã cam kết. Nếu tình trạng lệ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu ngoại khối CPTPP tiếp tục kéo dài, thì ý nghĩa phê duyệt Hiệp định CPTPP để dỡ bỏ thuế quan, tạo điều kiện cho sản phẩm Việt xuất hiện rộng rãi trên các thị trường thành viên CPTPP sẽ không còn nhiều nữa.
Hai là, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa hiểu chắc chắn về các cam kết trong Hiệp định. Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, cho tới 2022, Việt Nam đã thực thi Hiệp định CPTPP được 3 năm, nhưng số doanh nghiệp hiểu biết và nắm rõ về hiệp định còn rất ít ỏi. Một cuộc khảo sát năm 2021 vừa qua cho thấy, chỉ có 25% doanh nghiệp đã tìm hiểu và đang tìm cách thâm nhập thị trường, còn lại xấp xỉ 70% doanh nghiệp mới nghe nói, hoặc biết sơ qua về CPTPP. Gia Nguyễn (2022) cũng cho hay, CPTPP có quy tắc xuất xứ khá rắc rối và khác biệt so với các FTA khác, vì vậy doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tìm hiểu và thay đổi phương thức kinh doanh sản xuất. Trên thực tế 3 năm vừa rồi, dù cơ quan chức năng đã có sự hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa đạt như mong đợi, bản thân tốc độ bắt nhịp của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó, quá trình “nội luật hóa” CPTPP chậm cũng làm mất đi cơ hội kết nối thị trường của doanh nghiệp.
Ba là, hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm Việt Nam không cao. Ưu thế nền chính trị ổn định, giàu nguồn lao động trẻ, chi phí nhân công thấp, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được nâng tầm, vị trí địa lý đắc địa, nằm trong chuỗi cung ứng của Châu Á, Việt Nam đang là điểm đến được các thương hiệu và nhà đầu tư nước ngoài lưu tâm. Trong đó, hình thức gia công thương mại vẫn phổ biến nhất. Sản phẩm gia công sẽ được sản xuất, chế biến, lắp ráp, gắn nhãn hiệu của bên đặt hàng, sau đó được đóng gói và xuất khỏi Việt Nam. Gia nhập Hiệp định CPTPP, đây lại trở thành khúc mắc của ngành sản xuất Việt Nam. Đơn cử như ngành dệt may, sản phẩm gia công của chúng ta thường làm dựa theo yêu cầu/thiết kế tạo mẫu theo đơn hàng quốc tế do đó hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm còn thấp. Ngoài ra, nguồn cung thiếu hụt và đa số nhập từ Trung Quốc nên chúng ta không có nhiều ưu đãi. Các mặt hàng quần áo local brand (thương hiệu nội địa) vốn được kì vọng sẽ được đầu tư nhiều chất xám thì lại chưa thể hiện được tính sáng tạo, mà còn vay mượn ý tưởng, mẫu mã của nước ngoài.
Bốn là, nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng và quan tâm đúng mức tới vấn đề SHTT. Trong thời đại công nghiệp 4.0, SHTT như yếu tố tạo nên nét đặc trưng riêng cho doanh nghiệp, đồng thời thể hiện được tính sáng tạo trong sản phẩm. Theo ông Nguyễn Trần Tuyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Elite, tại các công ty Việt Nam, quỹ đầu tư nghiên cứu và phát triển các tài sản trí tuệ còn thấp, chủ yếu là đi mua và mua về cũng không quan tâm đến liệu mình có đang xâm phạm quyền SHTT người khác
không. Nếu doanh nghiệp mua một công nghệ để sản xuất, nhưng công nghệ đó làm nhái, hoặc xâm phạm sáng chế đã được bảo hộ bởi Việt Nam thì doanh nghiệp vô tình lại sử dụng công nghệ vi phạm quyền SHTT. Sản phẩm sau đó được bán ra thị trường và thậm chí xuất khẩu sang nước ngoài thì khi bị phát hiện doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng danh tiếng và uy tín trên thị trường. Vì vậy, Hiệp định CPTPP đang tạo nên sức ép cần thiết, buộc các doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi cách thức kinh doanh, tìm hiểu và phát triển về SHTT để bảo vệ chất xám của mình và đồng thời bảo vệ chất xám của người khác.
c. Opportunites - Cơ hội
Một là, so với các FTA hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu theo CPTPP sẽ nhận ưu đãi thuế quan sâu hơn hẳn. Theo Thế Hoàng (2022), dựa trên cam kết về thuế của CPTPP, các nước thành viên sẽ đưa dòng thuế về 0% theo một lộ trình nhất định. Trong đó, một trong những ngành có thời gian áp dụng mức thuế suất 0% nhanh nhất là giày dép. Vì thế, đây là mặt hàng xuất khẩu được mong đợi sẽ hưởng lợi lớn từ CPTPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021) dự đoán, với cam kết trên đến năm 2035, xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 4,04%. Công bố dự báo về xuất khẩu của Việt Nam qua các nước CPTPP tới năm 2030, Ngân hàng Thế giới (2018) cho rằng chúng ta sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 USD, tức ẳ tổng lượng xuất khẩu. Cú thể thấy, ưu đói thuế quan gúp phần khụng hề nhỏ trong việc kích thích tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thuế suất thấp kéo theo chi phí xuất khẩu thấp, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thêm khả năng thâm nhập vào các thị trường tiềm năng. Từ đó, xuất khẩu tiếp tục cán nhiều mốc thành công mới, xứng đáng là điểm sáng kinh tế, giúp Việt Nam tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai là, dư địa khai thác các nước CPTPP còn vô cùng lớn. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận xét, với Việt Nam, những thị trường Châu Mỹ như Peru, Mexcio hay Canada đều khá mới mẻ. Trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang đây không đáng kể, song nhờ có CPTPP, giá trị xuất khẩu đã tăng lên rất nhiều. Điều này thể hiện rằng các doanh nghiệp đã bắt đầu khai thác lợi thế FTA để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Trong những năm vừa qua, Châu Mỹ luôn là thị trường ghi lại những thành tích ấn tượng của xuất khẩu Việt. Tiêu biểu như Canada, năm 2021, “xứ sở lá phong” đã nhập khẩu gần 5,3 tỷ USD từ Việt Nam. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp
chúng ta ghi nhận mức tăng trưởng dương ở quốc gia này từ lúc cả hai gia nhập CPTPP.
Tuy ở Đông Nam Á, đối tác thương mại lớn nhất của Canada là Việt Nam nhưng nhìn ở góc độ tổng giá trị nhập khẩu của nước này, hàng Việt mới chỉ chiếm rất ít (1,7%).
Mexico cũng đang là quốc gia Mỹ Latinh chúng ta có cơ hội thâm nhập sâu khi thị phần hàng Việt Nam ở đây cũng mới đạt 1,3%. Do đó, dư địa thị trường để doanh nghiệp Việt duy trì khai thác là rất lớn.
Ba là, CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Với việc thuế quan giảm xuống còn 0%-5%, giá thành sản phẩm sẽ được hạ bớt, nhờ thế các công ty Việt Nam sẽ có thêm chi phí đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm hoặc mở rộng mạng lưới phân phối ở các nước đối tác CPTPP để sức cạnh tranh trên thị trường gia tăng. Có thể khẳng định rằng, CPTPP đang tạo ra một “sân chơi” công bằng mà tại đó các nước tham gia đều có cơ hội như nhau để cải thiện chất lượng hàng hóa và hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển lâu dài để khẳng định vị thế trên thế giới.
d. Threats – Thách thức
Một là, sự cạnh tranh gay gắt đến từ trong và ngoài nước trên ba khía cạnh: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia là không thể tránh khỏi. Là một thành viên của CPTPP, Việt Nam phải thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường. Chính điều này đã khiến doanh nghiệp Việt chịu không ít sức ép cạnh tranh bởi các nước đối tác ngay tại “sân nhà”. Các doanh nghiệp nước ngoài, sở hữu những ưu thế về tài chính, nguồn lực, trình độ quản lí, chuỗi cung ứng,… sẽ nhanh chóng nắm bắt ưu đãi thuế quan hơn so với doanh nghiệp nội địa. Chưa kể, tiềm lực doanh nghiệp Việt còn yếu lại thiếu sự liên kết, hợp tác với nhau nên muốn tồn tại và phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài khó khăn vô cùng. Về yếu tố sản phẩm, tuy nhiều năm trở lại đây, trình độ tay nghề của Việt Nam nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng đứng trước những mặt hàng sử dụng công nghệ kĩ thuật hiện đại và có chất lượng vượt trội của Canada, New Zealand, Malaysia, Nhật Bản, Australia,… thì hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn cần nâng cấp hơn nữa. Hiện nay, một số nền kinh tế đang bày tỏ sự quan tâm tới khối CPTPP như Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines. Trung Quốc và Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập trong năm 2021. Khi các quốc gia này chính thức trở thành thành viên CPTPP,
mức độ cạnh tranh sẽ còn quyết liệt hơn nữa, đòi hỏi Việt Nam ngay từ bây giờ cần có những phương án đối phó và giúp đỡ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hai là, muốn xuất khẩu theo CPTPP buộc hàng hóa phải vượt qua các chuẩn mực khắt khe. Nổi bật với hình mẫu một FTA thế hệ mới, CPTPP được hình thành trên các quy định và tiêu chuẩn rất cao và toàn diện. Ngoài các khía cạnh thường thấy như xóa bỏ thuế quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường,…nó còn đề cập tới những góc cạnh mới như mua sắm của chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Một số yêu cầu liên quan tới bảo đảm xuất xứ nội khối hay bảo hộ quyền SHTT đã và đang làm khó cho doanh nghiệp bởi các quy định chi tiết và chặt chẽ đi kèm với cơ chế xử lý vi phạm nghiêm khắc và mạnh mẽ.
Do vậy, nếu không đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực đề ra cho mặt hàng, ngành hàng của mình thì dù cơ hội CPTPP đem lại hấp dẫn tới đâu, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn không thể chớp lấy. Thậm chí, nếu không cẩn thận, doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp các rủi ro pháp lý, dẫn đến thiệt hại về cả uy tín và kinh tế.