CHƯƠNG III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC LƯU Ý VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA VIỆT NAM XUẤT KHẨU
3.2 Một số giải pháp và kiến nghị đối với các lưu ý về hải quan đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu theo CTPPP
3.2.1. Các kiến nghị cho Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp
Thứ nhất, duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với các Bộ, Ban, Ngành và các cơ quan chức năng, tích cực xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho phù hợp với các cam kết của CPTPP. Riêng về quyền SHTT, có những điểm trọng tâm sau đây mà Việt Nam cần chú ý sửa đổi:
- Về đối tượng được bảo hộ quyền SHTT cần mở rộng phạm vi từ chỉ bảo hộ với có thể nhìn thấy được đến bảo hộ cả những đối tượng không nhìn thấy được (ví dụ: mùi hương).
- Xem xét loại bỏ khỏi pháp luật Việt Nam hiện hành 2 tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng, bao gồm: số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu và số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng. Lý do là, Hiệp định CPTPP không cho các nước thành viên căn cứ vào 2 tiêu chí trên để xem xét việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.
- Đối tượng sáng chế được bảo hộ ở Việt Nam cần phải mở rộng. Ở Việt Nam, chỉ sáng chế dạng sản phẩm và quy trình mới được pháp luật bảo hộ đó trong khi Hiệp
định CPTPP tính thêm đối tượng sáng chế dạng sử dụng, hay còn được hiểu là các giải pháp cũ nhưng sử dụng theo cách mới hoặc phương pháp hay quy trình sử dụng mới của 1 sản phẩm cũ.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp, thay vì giới hạn bảo hộ mỗi kiểu dáng tổng thể bên ngoài của sản phẩm, Việt Nam phải chú ý bảo hộ thêm đối tượng kiểu dáng được chứa đựng trong 1 phần sản phẩm.
- Chế tài xử lý vi phạm quyền SHTT cần điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc và có tính răn đe hơn. Bên cạnh chế tài dân sự / hành chính, phải dần dần hình sự hóa 1 số hành vi xâm phạm quyền SHTT đã được liệt kê trong văn kiện Hiệp định.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến để đầu tư kinh doanh được thuận tiện, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch, thông thoáng; kích thích các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ ba, hoạch định kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về Hiệp định cho các doanh nghiệp; lên chương trình hành động chi tiết, phân chia nhiệm vụ cho từng bộ phận nhằm huy động sự chủ động tham gia. Tăng cường hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa, về tầm quan trọng của quyền SHTT; bên cạnh đó, phải chủ động lắng nghe, chia sẻ, giải đáp các thắc mắc liên quan đến những điểm mới trong Hiệp định. Đồng thời, không ngừng phổ biến các thông tin, các cơ hội đến từ một số thị trường nhập khẩu tiềm năng như Canada, Mexico, Peru,….; tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn hướng dẫn chuyên sâu cho doanh nghiệp; mời các doanh nghiệp và tổ chức trong nước, các đối tác nhập khẩu nước ngoài đang để ý đến sản phẩm Việt cùng tới giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tại các buổi hội thảo, các hội chợ trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, luôn giữ sự liên lạc chặt chẽ với các nước thành viên CPTPP để kịp thời phối hợp giải quyết các tình huống nảy sinh trong quá trình thực thi Hiệp định.
Thứ tư, để hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo C/O và bảo hộ các ngành xuất khẩu trước những rủi ro của các vụ kiện pháp lý có thể xảy ra, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ; khẩn trương xây dựng chế tài phù hợp, mạnh mẽ và có tính răn đe hơn; siết chặt công tác quản lý của các cơ quan tổ chức cấp C/O. Thêm vào đó, với xu thế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa như hiện nay, phương thức kiểm tra
C/O truyền thống đã không còn phù hợp nữa. Vì vậy, để rút ngắn thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan và thông quan nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, cần chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O. Cơ quan hải quan nên phối kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp nghiệp vụ khác như kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với các trường hợp gian lận, giả mạo C/O. Việt Nam nên phối hợp sát sao với cơ quan chức trách của bên nhập khẩu phòng khi có yêu cầu xác minh xuất xứ. Có như vậy, mới có thể phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo xuất xứ Việt Nam, góp phần hạn chế ảnh hưởng tới mức tối thiểu uy tín của hàng hóa, doanh nghiệp làm ăn chân chính và các tổ chức cấp C/O Việt Nam.
Thứ năm, các cơ quan thực thi quyền SHTT cần tự giác trang bị kiến thức lẫn kĩ năng nghiệp vụ. Theo Đức Thọ (2021), “Số liệu thống kê của Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT cho thấy, năm 2020 các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng”. Các đối tượng có thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động theo hình thức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, cách thức hoạt động đa dạng, chủng loại hàng hóa phong phú nên các cơ quan có thẩm quyền rất khó phát hiện và xử lý.
Thực tế, để đáp ứng nhiệm vụ được giao, năng lực và trình độ của lực lượng chức năng chưa đủ mạnh. Nhất là các cán bộ quản lí thị trường ở vùng cao, ở khu vực biên giới, khả năng nhận biết, xác định hàng giả hàng nhái và kinh nghiệm xử lý các vụ việc về hàng giả, vi phạm SHTT chưa đồng đều, nên công tác đấu tranh và ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền SHTT còn gặp khó. Vì thế, Nhà nước và các cơ quan Bộ, Ngành liên quan không thể chỉ tập trung ưu tiên tăng cường số lượng nhân lực mà còn phải chú trọng tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phục vụ công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT;
Thứ sáu, nhằm giải quyết triệt để vấn đề xuất xứ hàng hóa, Chính phủ và các cơ quan các cấp phải xúc tiến và đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, tăng giá trị chuỗi cung ứng trong nước. Mặc dù ít nhiều ngành công nghiệp phụ trợ đã có những đổi mới, nhưng nguồn lực hạn chế nên nhu cầu của các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa được đáp ứng hết. Vì vậy, trước hết, Chính phủ cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp song song
với dự trù nguồn kinh phí để giúp đỡ khối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tích cực động viên các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, kết nối các doanh nghiệp với nhau, xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ để hình thành cụm liên kết ngành. Với một số ngành còn đang ỷ lại vào nguyên vật liệu nhập khẩu, điển hình như da giày, dệt may, điện tử,… phải cải thiện các nguồn nguyên vật liệu đầu vào, khuyến khích tự chủ trong nguồn cung sản xuất, góp phần gia tăng giá trị nội địa hay chính là tăng thêm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt khi đi ra thị trường quốc tế nói chung và thị trường CPTPP nói riêng.
Thứ bảy, cần xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thuộc khuôn khổ CPTPP, mở rộng các hoạt động thương mại, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt, để nhân lên cơ hội hợp tác, tạo ra sợi dây liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu.
3.2.2. Các giải pháp cho doanh nghiệp
Thứ nhất, để sẵn sàng tham gia sân chơi CPTPP, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chi tiết, kỹ lưỡng, áp dụng cho cả trung và dài hạn, qua đó đẩy mạnh dòng chảy thương mại hàng hóa vào khu vực CPTPP. Ngoài nghiên cứu thông tin về thị trường, thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng tại nước mục tiêu, việc tìm hiểu các cam kết trong Hiệp định liên quan tới ngành hàng, mặt hàng mình đang kinh doanh hoặc chiếm ưu thế xuất khẩu trong tương lai gần, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi về xuất xứ hàng hóa cũng hết sức quan trọng.
Thứ hai, để giải quyết tận gốc quy tắc xuất xứ hàng hóa, 1 lộ trình tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước là ý tưởng không tồi dành cho doanh nghiệp. Thay vì nhập nguyên liệu đầu vào từ các nước ngoài khối, trước mắt muốn vượt qua quy định về xuất xứ, các doanh nghiệp nên nhanh chóng chuyển hướng sang nhập nguyên liệu từ các nước thành viên CPTPP. Còn đầu tư, thu hút liên kết đầu tư vùng nguyên liệu sẽ là các giải pháp về lâu dài để tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất trong nước. Riêng vấn đề tự chứng nhận xuất xứ, trong thời gian Hiệp định CPTPP cho phép Việt Nam được bảo lưu, các doanh nghiệp phải tìm hiểu, trang bị kiến thức và bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở lưu trữ hồ sơ, dữ liệu cần thiết.
Thứ ba, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp, để hòa nhập và thích nghi với bối cảnh mới, chính nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa phải đổi mới trong tư duy và phương thức kinh doanh. Nếu muốn hưởng lợi từ việc bảo hộ cao trong
hoạt động xuất khẩu, sẽ không có chuyện chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh như bình thường mà các công ty phải liên tục cập nhật thành quả của đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và chấp nhận bỏ nguồn lực ra để có được chất xám của chính mình.
Bởi vì quyền SHTT không đơn giản là tài sản vô hình do doanh nghiệp tạo nên, không giới hạn về thời gian, không gian mà còn là công cụ pháp lý bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động trên toàn cầu.
Thứ tư, doanh nghiệp phải có nhận thức đúng đắn về quyền SHTT và có trách nhiệm hơn khi tuân thủ các quy định về SHTT. Nếu doanh nghiệp sáng tạo được những công cụ mới như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,… thì ngay lập tức phải đăng ký quyền SHTT. Việc đăng kí quyền SHTT là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ngược lại nếu đăng kí hoặc chẫm trễ trong việc đăng kí thì chất xám có thể rơi vào tay người khác, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài. Hậu quả là, khi sản phẩm của chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài, sẽ giảm năng lực cạnh tranh trước các hàng hóa khác đang bày bán trên thị trường, chưa kể đến những vấn đề pháp lý và kinh tế có thể nảy sinh. Một điểm nữa doanh nghiệp cần lưu ý là khi đưa công nghệ nước ngoài có sẵn về Việt Nam để sản xuất, thì trước hết doanh nghiệp phải cân nhắc thật cẩn thận, tìm hiểu kĩ càng và kiểm tra xem liệu các công nghệ đó có ẩn chứa chất xám của người khác hay không.
TÓM TẮT CHƯƠNG III
Sau khi đã nêu rõ thực trạng các vướng mắc hải quan đang tồn tại trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP liên quan tới hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, khóa luận đã sử dụng mô hình SWOT để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam theo CPTPP xoay quanh lĩnh vực hải quan. Từ đây, làm sáng tỏ những ưu và khuyết điểm của bản thân doanh nghiệp, cùng lúc đó vạch ra các cơ hội và thách thức để doanh nghiệp phải nhìn nhận và thay đổi nếu muốn Việt Nam thành công chinh phục khu vực CPTPP.
Để giành được thành công đó, em đã đề xuất một số hướng tháo gỡ cho Chính phủ, các cơ quan quản lý các cấp và phía doanh nghiệp. Mục tiêu của những kiến nghị và giải pháp này không chỉ xử lý triệt để các vấn đề hải quan đã đề cập mà còn hướng tới giúp Việt Nam khai thác tối đa lợi ích từ CPTPP.