Giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp toàn cầu dưới áp lực của đại dịch covid 19 và các bên liên quan (Trang 30 - 35)

CHƯƠNG 2: MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG TỪ CÁC BÊN LIÊN QUAN VÀ TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19 TỚI VIỆC CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN ĐỂ HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

2.2. MÔ HÌNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU

2.2.2. Giả thuyết nghiên cứu

2.2.2.1. Mối quan hệ giữa bất lợi & thử thách từ áp lực của các bên liên quan với việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức

Mitchell và cộng sự (1997) đã gợi ý rằng khách hàng, chính phủ, cổ đông, nhân viên, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng (Sarkis và cộng sự, 2010) đều có xu hướng gây áp lực lên các mục tiêu của công ty liên quan đến các sáng kiến bền vững (Silva và cộng sự, 2019), trong đó bao gồm cả KTTH (Jakhar và cộng sự., 2018). Bên cạnh áp lực của người tiêu dùng trong việc thực hiện các hành động có trách nhiệm hơn với xã hội, sự tham gia và cam kết của người lao động cũng rất quan trọng (Govindan và Hasanagic, 2018). Tuy nhiên, quan điểm của chính phủ được Govindan và Hasanagic (2018) nhận thấy là bên liên quan nổi bật nhất đối với KTTH. Trong khi đó, ở các nước Châu Âu, Russell và cộng sự (2019) lại nhận thấy ảnh hưởng lớn hơn của các bên liên quan bên ngoài đối với việc thực hiện KTTH so với các bên liên quan bên trong. Nhìn chung, các nghiên cứu trong lĩnh vực này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của các bên liên quan để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH (Ghinoi và cộng sự, 2020; Gupta và cộng sự, 2019).

Theo Ritzen và Sandstrom (2017), có hai rào cản chính đối với việc áp dụng KTTH đến từ các bên liên quan. Một là về cấu trúc, tức là khó khăn về giao tiếp giữa các bộ phận và trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thiếu rõ ràng về trách nhiệm của các bộ phận khác nhau. Hai là hiểu biết, tức là mọi người chưa có đủ hiểu biết về KTTH và không nhận ra tầm quan trọng của nó, bởi vì họ có xu hướng tránh thay đổi do không thích rủi ro. Nhìn chung, đa số các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng các rào cản đối với KTTH liên quan đến việc thiếu người có kỹ năng (Garces-Ayerbe và cộng sự, 2019; Govindan và Hasanagic, 2018), các quy trình, quy định hành chính (Garces- Ayerbe và cộng sự, 2019), cỏc giải phỏp và năng lực kỹ thuật (Jesus và Mendonỗa, 2018;

Govindan và Hasanagic, 2018), và thiếu nguồn lực tài chớnh (Jesus và Mendonỗa, 2018).

Một phát hiện chung là các hành động của chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách thể chế hướng tới việc áp dụng KTTH, đây có thể vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp.

Giả thuyết 1: Những bất lợi & thử thách từ áp lực của các bên liên quan có ảnh hưởng tiêu cực đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức

2.2.2.2. Mối quan hệ giữa ưu thế & cơ hội từ áp lực của các bên liên quan với việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức

Nền KTTH đề cập đến khái niệm kinh tế được kết hợp trong khuôn khổ PTBV với mục tiêu giảm tiêu dùng và lãng phí tài nguyên cũng như các nguồn năng lượng (Kalmykova và cộng sự, 2018). Các nguyên tắc KTTH bao gồm tái sử dụng, tái chế và tái sửa chữa là một quan trọng của nền KTTH, do đó, bằng cách tái sử dụng, tái chế và tái sửa chữa làm tổng lượng chất thải giảm bớt (Chen và cộng sự, 2020). Kế hoạch này (1) ngăn chặn việc tạo ra chất thải ở một mức nhất định, (2) ngăn chặn sự gia tăng của tác động tiêu cực, (3) giảm tác động bất lợi đối với môi trường, khí hậu và sức khỏe con người (Fisher, 2018). Do vậy, phát triển KTTH sẽ nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội (UNIDO, 2022).

Ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, sự can thiệp của chính phủ có thể kích thích các tổ chức lựa chọn đổi mới sang nền KTTH cũng như các hành động theo hướng PTBV (Tura và cộng sự, 2017; Ilic và Nikolic, 2016; Michelino và cộng sự, 2019). Vì thế, sự hỗ trợ về khuôn khổ pháp lý được chính phủ đưa ra có thể là chìa khóa thực sự cho sự tiến bộ mạnh mẽ trong tương lai của nền KTTH trên toàn thế giới (Davide và cộng sự, 2020). Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng động lực chính của khách hàng là sự thuận tiện, giá trị tốt nhất cho đồng tiền cũng như nhận thức về đóng góp của sản phẩm vào tính bền vững (Alonso-Almeida, 2019; Barbu và cộng sự, 2018).

Hơn thế nữa, việc khách hàng trả lại sản phẩm cho doanh nghiệp khi vòng đời sản phẩm kết thúc có thể cải thiện sự trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp. Điều này tạo ra cơ hội mới để doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh và danh tiếng của công ty cũng được cải thiện (EMF, 2013). Vì vậy, những ưu thế và cơ hội từ áp lực của các bên liên quan giúp các tổ chức nhận ra và hiểu được giá trị của việc dịch chuyển sang nền KTTH (Jakhar và cộng sự, 2018).

Giả thuyết 2: Những ưu thế & cơ hội từ áp lực của các bên liên quan ảnh hưởng tích cực đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

2.2.2.3. Mối quan hệ giữa áp lực từ Covid-19 và việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức

Theo Mohammed và cộng sự (2021), đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế truyền thống và tái định nghĩa lại chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp. Với những ảnh hưởng đó, đại dịch đã làm nổi lên tầm quan trọng của nền KTTH, đặt trong bối cảnh con người sẽ sử dụng tài nguyên tiết kiệm và có ích hơn, đồng thời làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường (McKenzie, 2020). Áp lực từ đại dịch Covid-19 thúc đẩy các tổ chức phải chuyển sang KTTH để thích ứng với bối cảnh đại dịch bằng việc sử dụng ít nguyên vật liệu hơn, tái sử dụng được nhiều hơn và tạo ra nhiều vòng đời cho sản phẩm của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc của KTTH có thể tiết kiệm được nhiều chi phí và tạo ra nhiều lợi nhuận, tạo cơ hội cho việc phục hồi và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống nhằm hướng đến PTBV.

Bên cạnh đó, áp lực từ đại dịch cũng tác động đến việc áp dụng các nguyên tắc của nền KTTH để thể hiện trách nghiệm của doanh nghiệp đối với môi trường. Theo Mohammed và cộng sự (2021), trong thời điểm thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, việc áp dụng KTTH như là một giải pháp cần thiết để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và xã hội. Sarkis và cộng sự (2020) cũng ủng hộ giả thuyết trên khi cho rằng tác động từ Covid-19 giúp các tổ chức thấy được tầm quan trọng của nguyên liệu tái chế, khi mà nguyên vật liệu thiếu thốn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch.

Dó đó, việc áp dụng các nguyên tắc của nền KTTH giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường, để đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, lỗ hổng trong chuỗi cung ứng hướng tới phát triển nền kinh tế bền vững (Bachman, 2020; Sarkis và cộng sự, 2020).

Giả thuyết 3 (H3): Áp lực từ đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các doanh nghiệp

2.2.2.4. Mối quan hệ giữa việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức với kinh tế bền vững

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa KTTH và nền kinh tế bền vững.

Trong trường hợp này, việc chuyển đổi sang nền KTTH sẽ hướng đến các lợi ích về kinh

tế, như giảm chi phí đến từ việc tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu, đổi mới phương pháp quản lý chất thải, kiểm soát khí thải và giảm tiền thuế môi trường (Korhonen và cộng sự, 2018). Ngoài ra, đầu tư vào các phương pháp tiếp cận đến KTTH có thể nâng cao giá trị thị trường của các tổ chức, do các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà họ còn quan tâm đến sự phát triển dài hạn trong tương lai, mà để làm được điều này thì doanh nghiệp buộc phải hướng đến nền KTTH. Geissdoerfer và cộng sự (2018) khi đề xuất 3 khía cạnh của mô hình nền KTTH (bao gồm giá trị đề xuất, giá trị tạo ra và sự lan tỏa, và giá trị hữu hình) đã đề cập đến việc nền KTTH hướng đến các giá trị bền vững trong khía cạnh kinh tế.

Nghiên cứu của Jabbour và cộng sự (2020) đã chứng minh được rằng việc áp dụng các nguyên tắc của KTTH đã giúp các tổ chức đáp ứng được các chỉ số về sự bền vững trong hoạt động kinh tế. Nghiên cứu của các nhóm tác giả khác cho thấy việc hướng đến nền KTTH đã thực sự có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế bền vững của các công ty, liên quan đến hiệu quả giảm chi phí liên quan đến tiêu thụ nguyên liệu, cải thiện việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao uy tín công khai của các tổ chức (Geissdoerfer và cộng sự, 2017; Parida và cộng sự, 2019). Với tất cả các kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy việc áp dụng các quy tắc của nền KTTH sẽ giúp các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu về nền kinh tế bền vững.

Giả thuyết 4: Việc chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức có ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế bền vững.

2.2.2.5. Mối quan hệ giữa việc chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức với môi trường bền vững

Các doanh nghiệp thường áp dụng các nguyên tắc KTTH để tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường (Geissdoerfer và cộng sự, 2018). Theo Merli và cộng sự (2018), KTTH chấp nhận quan điểm bền vững vì mục tiêu của nó phù hợp với mục tiêu của các thế hệ tương lai do nỗ lực bảo tồn môi trường tự nhiên. Các lợi ích về môi trường của các quy trình kinh doanh KTTH được Korhonen và cộng sự (2018) nhấn mạnh. Các lợi thế về môi trường của KTTH bao gồm giảm tiêu thụ nguyên liệu thô, phát sinh chất thải và khí thải. Hơn nữa, tái sử dụng chất thải tái tạo sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (Geng và Doberstein, 2008; Korhonen và cộng sự, 2018).

Murray và cộng sự (2017) tuyên bố rằng KTTH có thể tập trung vào việc thiết kế lại các dòng vật liệu, năng lượng sinh học và kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho môi trường tự nhiên. Ngoài ra, mối quan hệ giữa KTTH và môi trường bền vững thường được đề cập nhiều hơn từ quan điểm khái niệm hơn là quan điểm thực nghiệm (Geissdoerfer và cộng sự, 2017; Parida và cộng sự, 2019). Do đó, bài nghiên cứu sẽ cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động của việc áp dụng các nguyên tắc KTTH đối với việc phát triển môi trường bền vững của tổ chức.

Giả thuyết 5: Việc chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức có ảnh hưởng tích cực tới môi trường bền vững

2.2.2.6. Mối quan hệ giữa việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức với xã hội bền vững

Tác động tích cực của KTTH đối với hoạt động xã hội của tổ chức đã được phân tích rộng rãi trong các tài liệu Murray và cộng sự (2017). Các công ty thường áp dụng các nguyên tắc KTTH để tìm cách nâng cao hoạt động xã hội và hướng tới lợi ích xã hội trong các quy trình kinh doanh (Geissdoerfer và cộng sự., 2018). Việc các tổ chức chuyển đổi sang KTTH góp phần tạo ra các cơ hội việc làm liên quan đến các hoạt động đóng vòng lặp và mở các mô hình kinh doanh mới. Với việc nhiều người tiếp cận được với cơ hội việc làm, KTTH tạo ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ thất nghiệp, các tệ nạn xã hội cũng vì thế mà suy giảm. Theo Korhonen và cộng sự (2018), việc gia tăng ý thức của cộng đồng và xã hội và tiếp cận công bằng với hàng hóa và dịch vụ sẽ tạo ra các giá trị bền vững do mô hình kinh tế tạo ra lợi nhuận và bảo đảm phúc lợi xã hội.

Bên cạnh những lợi ích về lợi nhuận và phúc lợi, mô hình KTTH còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Việc các tổ chức chuyển sang sử dụng năng lượng tái, đồng thời loại bỏ việc sử dụng và xả thải ra các chất hóa học độc hại làm mất khả năng tái sử dụng của vật liệu và sản phẩm khiến các hoạt động kinh doanh tách rời khỏi việc tiêu thụ các tài nguyên hữu hạn cũng như hạn chế chất thải không thể tái chế. Vì thế, có thể thấy việc áp dụng các quy tắc của nền KTTH tác động tích cực đến cộng đồng. KTTH không chỉ ảnh hưởng tích cực đến chất lượng cuộc sống người dân,

mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và những người xung quanh hướng tới một xã hội PTBV.

Giả thuyết 6: Việc chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn ở các tổ chức có ảnh hưởng tích cực tới xã hội bền vững

Một phần của tài liệu Nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp toàn cầu dưới áp lực của đại dịch covid 19 và các bên liên quan (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)