Cách tiếp cận và giả thuyết nghiên cứu của đề tài

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của việc thay đổi các quy định về quản trị công ty đến chất lượng thông tin lợi nhuận công bố của các công ty niêm yết tại việt nam (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Cách tiếp cận và giả thuyết nghiên cứu của đề tài

2.1.1. Cách tiếp cận trong đo lường chất lượng thông tin LN công bố

Theo P. Dechow và cộng sự (2010) “Thông tin LN báo cáo (LN kế toán công bố) có chất lượng cao hơn khi cung cấp nhiều thông tin hơn về đặc điểm tình hình tài chính của công ty và phù hợp hơn cho các quyết định kinh tế khác nhau được đưa ra bởi các chủ thể khác nhau”. Nói cách khác, chất lượng thông tin có thể xem xét từ 2 góc độ: (1) khả năng phản ánh trung thực tình hình tai chính và hoạt động của đơn vị hay mức độ bị thao túng hoặc điều chỉnh; và (2) mức độ hữu ích cho việc đưa ra các quyết định đầu tư hay cho vay. Hai góc nhìn này luôn tác động qua lại lẫn nhau: LN báo trung thực, ít bị bóp méo sẽ giải thích tốt hơn cho sự biến động của giá cổ phiếu, dự báo tương lai và ngược lại. Kế thừa từ các nghiên cứu trước, chúng tôi sử dụng các thước đo để đánh giá chất lượng LN từ cả 2 góc độ, cụ thể:

- Đánh giá mức độ bị thao túng của LN:

Các nghiên cứu trước có thể căn cứ theo động cơ hay mục đích của việc thao túng số liệu để xây dựng mô hình đo lường khả năng và mức độ bị thao túng của LN.

Các động cơ được ghi nhận phổ biến trong các nghiên cứu trước gồm: thao túng số liệu ké toán để ổn định LN báo cáo và tránh báo cáo lỗ hoặc đảm bảo yêu cầu của các bên liên quan (nhà đầu tư, phân tích, cơ quan quản lý…). Cách tiếp cận này có ưu điểm là xác định được con đường rõ ràng của việc thao túng nhưng lại bị hạn chế bởi khả năng tính khả thi và phù hợp của giả định về mục tiêu hay động cơ của việc bị thao túng. Một rủi ro khác là nghiên cứu có thể không đưa ra bức tranh toàn diện do có thể bỏ qua những hình thức thao túng LN và nhà nghiên cứu chưa xác định được hoặc chưa xây dựng mô hình nghiên cứu.

Do đo, bên cạnh việc phân tích động cơ thao túng để xây dựng mô hình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu trước tập trung phân tích một tiêu chí chung để đo lường tổng mức độ thao túng LN, không gắng với động cơ hay cách thức điều chỉnh số liệu cụ thể, là chất lượng của các khoản dồn tích. Cơ sở của quan điểm này là các khoản dồn tích (được xác định bằng chênh lệch giữa LN và dòng tiền báo cáo) phát sinh và được ghi nhận dựa theo các xét đoán và ước tính của các nhà quản trị. Do đó, nếu số liệu kế toán có bị bóp méo hoặc sai sót thì nó sẽ được phản ánh trong giá trị các khoản dồn tích.

Theo đó, nếu quy mô khoản dồn tích càng lớn rủi ro số liệu kế toán bị thao túng và điều chỉnh càng lớn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng phê phán quan điểm sử dụng trực tiếp quy mô hay độ lớn của các khoản dồn tích, bởi lẽ các khoản dồn tích xuất hiện và

được ghi nhận dựa trên cơ sở của nguyên tắc kế toán dồn tích. Vì vậy không thể kết luận là nếu quy mô hay giá trị của các khoản dồn tích càng nhỏ thì chất lượng thông tin càng tốt. Quy mô hay độ lớn của các khoản dồn tích cũng phụ thuộc vào những đặc điểm hoạt động và tài chính của đơn vị báo cáo. Do đó, một tiêu chí thay thế được đề xuất là giá trị dồn tích bất thường hay giá trị của khoản dồn tích không thể giải thích được bằng các biến số phản ánh đặc điểm tình hình tài chính và hoạt động của đơn vị báo cáo theo các lý thuyết kinh tế. Các nhà nghiên cứu trước cho rằng khoản dồn tích bất thường xuất hiện do sự điều chỉnh số liệu một cách cố ý nhằm đạt một số mục tiêu của nhà quản trị hoặc những sai sót vô tính (ví dụ, do hạn chế về kiến thức hoặc nhầm lần hoặc thiếu dữ liệu cho việc xét đoán….). Khoản dồn tích bất thường hay không giải thích được thường được đo bằng phần dư của hàm hồi quy giữa giá trị biến kế toán dồn tích với biến phản ánh đặc điểm hoạt động của đơn vị được cho là sẽ quyết định giá trị các khoản dồn tích chính (ví dụ TSCĐ và dồn tích về chi phí khấu hao).

Tóm lại, các tiêu chí cơ bản đã được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu trước để đánh giá mức độ thao túng LN là: (1) phân tích phân phối của thống kê LN để đánh giá việc tránh báo cáo lỗ (2) phân tích mối quan hệ giữa LN (LN) và dòng tiền để đánh giá mức độ thao túng số liệu để ổn định LN và (3) đánh giá chất lượng biến kế toán dồn tích.

- Đánh giá mức độ hữu ích của thông tin LN báo cáo

Các nghiên cứu về mức độ cung cấp thông tin của LN kế toán dựa trên quan điểm nếu LN kế toán công bố thực sự phản ánh trung thực kết quả hoạt động của đơn vị thì thông tin này sẽ hữu ích cho việc dự báo tương lai cũng như giải thích cho sự biến động trong giá cả cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Do thời gian nghiên cứu khá năm (so sánh năm 2020 và 2021) nên nghiên cứu này không có dữ liệu về dòng tiền và LN tương lai của 2021 và không thể phân tích mức độ hữu ích cho việc dự báo tương lai của lơi nhuận kế toán công bố. Mức độ hữu ích của thông tin sẽ được tập trung phân tích dựa giá trị thích hợp (value relevance) của LN báo cáo, cụ thể là mối quan hệ của LN và giá cổ phiếu, mối quan của LN và lợi tức từ đầu tư cổ phiếu. Đây cũng là hướng nghiên cứu phổ biến khi xem xét tính hữu ích của thông tin, đặc biệt tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển và đóng vai trò quan trọng trong cung cấp vốn cho nền kinh tế như Mỹ và các nước Ăng-lô Sác xông.

2.1.2. Cách tiếp cận để đánh giá tác động của thay đổi trong QTCT đến chất lượng thông tin LN kế toán công bố và giả thuyết nghiên cứu

Như đã phân tích trong tổng quan nghiên cứu, các nghiên cứu trước ở Việt Nam tập trung đánh giá tác động một số nhân tố của CG đến EM như đặc điểm HĐQT, sự phân tách giữa CEO và chủ tịch HĐQT, nhưng kết quả không nhất quán. Lý do có thể là vì các nhân tố sẽ có tác động qua lại lẫn nhau, nên khi xem 1 nhân tố thì sẽ không

toàn diện. Việc thay đổi trong khung pháp lý chung về QTCT sẽ mang đến sự thay đổi tổng thể từ nhận thức của các bên liên quan, các quy định về QTCT được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong chất lương thông tin LN công bố. Chúng tôi kế thừa cách tiếp cận của các nghiên cứu trước khi đánh giá tác động của những thay đổi trong quy định về QTCT hoặc chế độ kế toán đến chất lượng thông tin kế toán, đo lường và so sánh sự thay đổi trong các thước đo về chất lượng thông tin LN kế toán công bố giữa 2 giai đoạn, trước khi có sự thay đổi và sau khi có sự thay đổi. Cụ thể, trong lĩnh vực kế toán, chúng tôi nhận thấy giai đoạn 2015-2016 có những thay đổi rất lớn. Luật kế toán mới được ban hành với những thay đổi để sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS và các thông lệ kinh doanh quốc tế khác. Chế độ kế toán doanh nghiệp mới Thông tư 200, 202 được ban hành cuối tháng 12/2014 và có hiệu lực từ 2015, với nhiều các sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn với IFRS và bao gồm cả những vấn đề chưa được đề cập trong VAS. Do đó, nghiên cứu này chúng tôi lựa chọn tập trung phân tích giai đoạn từ năm 2017 trở đi để loại trừ tác động của những thay đổi chế độ kế toán vì nếu nghiên cứu từ năm 2016 thì số đầu kỳ vẫn là số liệu năm 2015 có thể bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng chế độ kế toán mới lần đầu.

Trong giai đoạn này, những thay đổi lớn trong khung pháp lý về QTCT có thể kể đến:

Năm 2017: ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng. Các văn bản pháp quy này góp phần hoàn thiện và củng cố khung pháp lý chung về QTCT cho các công ty niêm yết. Sau đó Thông tư 95/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 9 năm 2017 ra đời đã hướng dẫn một số điều của nghị định 71/2017/NĐ-CP cụ thể hướng dẫn công ty đại chúng việc xây dựng điều lệ công ty và quy chế nội bộ về QTCT. Hơn nữa trong giai đoạn từ 2017-2020, UBCKNN và các cơ quan quản lý cũng tích cực có biện pháp nâng cao nhận thức về vai trò của QTCT trong công động doanh nghiệp với việc tham gia tích cực vào dự án thẻ điểm quản trị ASEAN, chấm và công bố các đơn vị có điểm QTCT tốt nhất hàng năm từ 2018-2020.

Năm 2019 -2020 có ban hành Luật doanh nghiệp 2020 mới đã được thông qua tại kỳ hợp thứ 9 quốc hội khoa XIV ngày 17/6/2020 và Luật chứng khoán mới ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2019 đều có hiệu lực từ 1/1/2021. Hai bộ luật này mới là văn bản pháp lý cao nhất tạo khung cho hoạt động QTCT, chính vì thế Luật chứng khoán mới đưa ra điều khoản về việc hết hiệu lực của NĐ71 năm 2017, Thông tư mới hướng dẫn về QTCT là thông tư hướng dẫn Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán năm 2019.

Năm 2019: Bộ nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam do Uỷ ban chứng khoán nhà nước và IFC ban hành. Bộ nguyên tắc với mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đưa ra một loạt khuyến nghị về

thông lệ QTCT tốt nhất theo OECD, trọng tâm dành cho các công ty đại chúng Việt Nam. Các thông lệ về QTCT tốt nhất, không có tính pháp lý mà mang tính là hướng dẫn nhiều hơn, là sản phẩm hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng áp dụng các tiêu chuẩn QTCT theo thông lệ quốc tế, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

Từ những phân tích trên có thể thấy thay đổi trong khung pháp lý về QTCT gắn với những văn bản luật được ban hành năm 2020 hoặc đầu năm 2021, nhưng đều có hiệu lực trong năm 2021. Nói cách khác thời điểm sự thay đổi có hiệu lực là đầu năm 2021. Bên cạnh đó, đại dịch covid 19 cũng có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ cuối năm 2019 đến nay. Dó đó, nghiên cứu này chúng tôi tập trung vào việc só sánh giữa 2 năm 2020 (trước thay đổi) và 2021 (sau khi có sự thay đổi).

Giả thuyết nghiên cứu chính của đề tài: “Chất lượng thông tin LN kế toán công bố của các công ty niêm yết Việt Nam được củng cố sau các thay đổi trong khung pháp lý về QTCT”

Giả thuyết này sẽ được cụ thể hóa thành các giả thuyết nhỏ gắn với các thước đo chất lượng thông kế toán công bố như sau:

H1: Sau các thay đổi trong khung pháp lý về QTCT, mối quan hệ giữa LN và giá cổ phiếu được củng cố.

H2: Sau các thay đổi trong khung pháp lý về QTCT, chất lượng biến kế toán dồn tích được củng cố.

H3: Sau các thay đổi trong khung pháp lý về QTCT, hiện tượng thao túng LN để tránh báo cáo lỗ có xu hướng giảm đi.

H4: Sau các thay đổi trong khung pháp lý về QTCT, hiện tượng thao túng số liệu để ổn định LN có xu hướng giảm đi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của việc thay đổi các quy định về quản trị công ty đến chất lượng thông tin lợi nhuận công bố của các công ty niêm yết tại việt nam (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)