CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI
1.2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.2.2. Các nghiên cứu ở Việt Nam về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên
Hướng đến cách tiếp cận đặc điểm tính cách cá nhân khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, Bùi Huỳnh Tuấn Duy và cộng sự (2011) xây dựng và hiệu chỉnh lại mô hình Entrepreneur Scan (E-Scan) được hai tác giả Driessen và Zwart (2006) phát triển bằng cách tham khảo nhiều công trình nghiên cứu về ý định khởi nghiệp khác. Đối tượng nghiên cứu là sinh viên trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế và Đại học Hoa sen. Mô hình nghiên cứu bao gồm 10 yếu tố đặc điểm tính cách cá nhân: nhu cầu thành đạt, nhu cầu tự chủ, nhu cầu quyền lực, sự tự tin, định hướng xã hội, tính nhẫn nại, chấp nhận rủi ro, am hiểu thị trường, khả năng sáng tạo, khả năng thích ứng. Kết quả cho
thấy có 3 yếu tố: nhu cầu quyền lực, tính nhẫn nại và chấp nhận rủi ro không ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Yếu tố nhu cầu tự chủ ảnh hưởng ngược chiều nhưng mức tác động không lớn. Các yếu tố còn lại ảnh hưởng cùng chiều trong đó yếu tố nhu cầu thành đạt, am hiểu thị trường và khả năng thích ứng có mức tác động lớn nhất đến ý định khởi nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua phân tích ANOVA giữa các nhóm sinh viên thuộc khối kỹ thuật và kinh tế của các trường đại học, nhóm nghiên cứu so sánh sự khác biệt về các đặc tính cá nhân và ý định khởi nghiệp giữa các nhóm sinh viên được đào tạo từ các môi trường và chương trình đào tạo khác nhau.
Luận văn thạc sỹ của tác giả Hoàng Thị Thương (2014) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trường Đại học Lao động – Xã hội dựa trên cách tiếp cận tổng hợp. Cả phương pháp định tính và định lượng đều được sử dụng. Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua thảo luận nhóm và phỏng vấn thử 30 sinh viên dùng để điều chỉnh thang đo liên quan đến các khái niệm nghiên cứu.
Trong khi đó, nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua kỹ thuật phát bảng hỏi với mẫu là 211 sinh viên trường Đại học Lao động – Xã hội. Kết quả cho thấy có 6 yếu tố có tác động cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, bao gồm: Chuẩn mực xã hội, cảm nhận sự khát khao, cảm nhận tính khả thi, cảm nhận môi trường giáo dục đại học, điều kiện thị trường và tài chính, tính cách cá nhân. Trong đó yếu tố cảm nhận sự khát khao là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Qua đó tác giả khuyến nghị các nhà quản lý, kinh tế, chính phủ, ngân hàng cần tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng nguồn cung cấp vốn cho các doanh nghiệp sắp thành lập.
Hình 1.2. Mô hình nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên
trường Đại học Lao động – Xã hội (Nguồn: Hoàng Thị Thương, 2014)
Phan Anh Tú và Giang Thị Cẩm Tiên (2015) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh trường Đại học Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 233 sinh viên kinh tế (năm nhất và năm hai) thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Nghiên cứu áp dụng Mô hình Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) bao gồm ba yếu tố là: Thái độ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi, đồng thời bổ sung thêm ba yếu tố: Giáo dục, nguồn vốn và nhu cầu thành đạt. Kết quả cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên được xếp theo thứ tự mức độ tác động từ lớn xuống thấp bao gồm: Thái độ, giáo dục, nguồn vốn, chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi.
Cũng áp dụng TPB làm mô hình gốc, tuy nhiên khác với nghiên cứu của Phan Anh Tú và Giang Thị Cẩm Tiên, nghiên cứu của Nguyễn Hải Quang và Cao Nguyễn Trung Cường (2017) bổ sung thêm một biến độc lập các yếu tố ngữ cảnh và một biến kiểm soát vào mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu có sự tham gia của 361 sinh viên (năm nhất, năm hai, năm ba, năm tư) thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế - Luật. Kết quả cho thấy có 6 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên bao gồm: nhận thức kiểm soát hành vi, động cơ chọn làm công cho một tổ chức, môi trường cho khởi nghiệp, động cơ tự làm chủ, chuẩn chủ quan và sự hỗ trợ của môi trường học thuật. Trong đó, yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi có mức tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
Hình 1.3. Mô hình nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Kinh tế -Luật (Nguồn: Nguyễn Hải Quang và Cao Nguyễn Trung Cường, 2017)
Hạn chế chung của ba nghiên cứu nêu trên là mô hình nghiên cứu còn thiếu tính khái quát do ba nghiên cứu chỉ thực hiện trên phạm vi nghiên cứu là sinh viên của một trường. Khắc phục hạn chế này, nghiên cứu của Nguyễn Thu Thủy (2014), nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2016), nghiên cứu của Nguyễn Xuân Hiệp và cộng sự (2019) đều đã mở rộng phạm vi nghiên cứu.
Luận án tiến sỹ của tác giả Nguyễn Thu Thuỷ (2014) được thực hiện trên đối tượng sinh viên ở quy mô trên Thành phố Hà Nội với gần 700 sinh viên tham gia vào khảo sát. Luận án kiểm định ảnh hưởng của các yếu tố trải nghiệm cá nhân (trong đó có các trải nghiệm trong quá trình học tập tại trường đại học) và một số yếu tố môi trường đến tiềm năng khởi nghiệp thể hiện bằng 2 chỉ báo cảm nhận về mong muốn khởi nghiệp và cảm nhận tự tin khởi nghiệp của sinh viên đại học ở thành phố Hà Nội.
Mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên nền tảng của quan niệm về tiềm năng khởi nghiệp mà Krueger và Brazeal (1994) đưa ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố môi trường, kinh nghiệm cá nhân và các trải nghiệm qua các hoạt động học tập trong thời gian học đại học đều có ảnh hưởng cùng chiều đến tiềm năng khởi nghiệp của một cá nhân trên cả 2 khía cạnh mong muốn và tự tin về năng lực khởi nghiệp.
Trong đó ý kiến người xung quanh có mức độ tác động mạnh nhất tới cảm nhận về mong muốn khởi nghiệp, còn các yếu tố kinh nghiệm cá nhân có mức độ tác động mạnh nhất tới sự tự tin khởi nghiệp.
Hình 1.4. Mô hình nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên Thành phố Hà Nội (Nguồn: Nguyễn Thu Thủy, 2014)
Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2016) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại các trường Đại học/Cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu được thu nhập từ 400 sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại các trường Đại học/Cao đẳng trên địa bản thành phố. Các phương pháp kiểm định Cronbach’s Alpha, phương pháp phân tích yếu tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính đa biến đã được sử dụng trong nghiên cứu này.
Nghiên cứu chỉ áp dụng hai yếu tố từ mô hình TPB là thái độ và chuẩn chủ quan, sau đó bổ sung một số yếu tố khác liên quan tới cá nhân bao gồm: kinh nghiệm làm việc, giáo dục, nguồn vốn và sự sẵn sàng kinh doanh. Kết quả cho thấy có 4 yếu tố ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành quản trị kinh doanh, bao gồm: Thái độ, sự sẵn sàng kinh doanh, chuẩn chủ quan và giáo dục. Trong đó, yếu tố thái độ có mức tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của nhóm sinh viên này.
Nguyễn Xuân Hiệp và cộng sự (2019) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế các trường đại học tại thành phố Hồ
Chí Minh. Dữ liệu nghiên cứu được thu nhập từ 430 sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế của 10 trường Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp cao sau khi tốt nghiệp và được kiểm định bằng phân tích hồi quy tuyến tính
Môi trườngCá nhânTrải nghiệm qua đào tạo đại học
bội. Mô hình nghiên cứu đề xuất bao gồm 6 yếu tố: đặc điểm tính cách, chuẩn chủ quan, nhận thức tính khả thi, môi trường khởi nghiệp, giáo dục kinh doanh và đặc điểm nhân khẩu học. Kết quả cho thấy yếu tố đặc điểm nhân khẩu học không có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp, các yếu tố còn lại ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế các trường Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh với mức độ tác động sắp xếp theo trình tự từ lớn xuống thấp bao gồm: Giáo dục kinh doanh, chuẩn chủ quan, môi trường khởi nghiệp, đặc điểm tính cách, nhận thức tính khả thi. Tuy nhiên mô hình nghiên cứu chỉ giải thích được 60,6% biến thiên của ý định khởi nghiệp của sinh viên, như vậy khả năng còn có những yếu tố khác cũng tham gia giải thích ý định khởi nghiệp của sinh viên nhưng chưa được cô đọng trong mô hình nghiên cứu.