CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP
2.3. MỘT SỐ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH TRÊN THẾ GIỚI VỀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP
2.3.1. Mô hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol (1982)
Shapero và Sokol (1982) đưa ra mô hình sự kiện khởi nghiệp (SEE) khi nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Shapero và Sokol (1982) cho rằng việc hình thành ý định khởi nghiệp chịu sự tác động của hai yếu tố: (1) những sự kiện (tích cực hoặc tiêu cực hoặc trung tính) diễn ra làm thay đổi cuộc sống của cá nhân và (2) thái độ của cá nhân đối với việc khởi nghiệp (thể hiện ở 2 khía cạnh cảm nhận của cá nhân về tính khả thi của việc khởi nghiệp và cảm nhận của cá nhân về mong muốn khởi nghiệp).
Theo mô hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol, ý định khởi nghiệp sẽ xuất hiện khi cá nhân phát hiện ra một cơ hội mà họ thấy có tính khả thi và mong muốn nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên cần có chất xúc tác là những thay đổi trong cuộc
sống con người để ý định biến thành hành động mở doanh nghiệp. Sự thay đổi này có thể ở dưới dạng tích cực như tìm được đối tác tốt, có hỗ trợ tài chính ... là các yếu tố kéo hoặc ở dưới dạng tiêu cực như li dị, mất việc, bất mãn công việc hiện tại ... là các yếu tố đẩy. Như vậy, một cá nhân có ý định khởi nghiệp khi và chỉ khi tồn tại hai điều kiện tạm gọi là yếu tố kéo đẩy (những sự kiện làm thay đổi cuộc sống) và thái độ đối với việc khởi nghiệp (thể hiện ở 2 khía cạnh cảm nhận về tính khả thi đối với khởi nghiệp và cảm nhận về mong muốn khởi nghiệp).
Hình 2.2. Mô hình sự kiện khởi nghiệp (Nguồn: Shapero và Sokol, 1982)
2.3.2. Mô hình tiềm năng khởi nghiệp của Krueger và Brazeal (1994)
Krueger và Brazeal (1994) đã dựa trên mô hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol để xây dựng mô hình tiềm năng khởi nghiệp. Hai nhà nghiên cứu này cho rằng một cá nhân có mong muốn khởi nghiệp, có sự tự tin vào năng lực khởi nghiệp thành công của bản thân và có xu hướng hành động sẽ xuất hiện tiềm năng khởi nghiệp. Xu hướng hành động là cam kết của một cá nhân sẽ hành động theo như quyết định họ đưa ra (Krueger và Brazeal, 1994). Tiềm năng khởi nghiệp sẽ biến thành ý định khởi nghiệp dưới tác động của các yếu tố kéo đẩy như trong mô hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol.
Hình 2.3. Mô hình tiềm năng khởi nghiệp (Nguồn: Krueger và Brazeal, 1994)
2.3.3. Mô hình Lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991)
Năm 1991, Ajzen hoàn thiện mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) trên cơ sở mô hình Hành động hợp lý (TRA). Theo mô hình TPB của Ajzen (1991), ý định thực hiện một hành vi chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố: thái độ của cá nhân, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Thái độ của cá nhân đối với một hành vi là việc cá nhân đó cảm thấy như thế nào khi thực hiện hành vi, thái độ này có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Chuẩn chủ quan lại liên quan đến việc người khác (gia đình, bạn bè,…) cảm thấy như thế nào khi cá nhân thực hiện hành vi đó. Nhận thức kiểm soát hành vi đề cập đến cảm nhận về sự dễ dàng hay khó khăn khi thực hiện hành vi, thể hiện cảm nhận của cá nhân là bản thân có đủ khả năng và đủ nguồn lực để thực hiện hành vi hay không (Ajzen, 1991). Ban đầu, mô hình TPB được phát triển để giải thích hành vi cá nhân nói chung. Sau đó mô hình TPB đã được các học giả trong lĩnh vực khởi nghiệp đón nhận và cho kết quả ủng hộ ở rất nhiều các nghiên cứu thực nghiệm (Van Gelderen và cộng sự, 2008). Áp dụng mô hình TPB, ý định khởi nghiệp chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố:
(1) Thái độ của cá nhân đối với khởi nghiệp: chỉ ra mức độ đánh giá tiêu cực hay tích cực của cá nhân về việc khởi nghiệp. Cá nhân không chỉ đánh giá bản thân có hứng thú với việc khởi nghiệp hay không mà còn cân nhắc đánh giá giá trị của việc khởi nghiệp (khởi nghiệp có khả năng đem lại lợi nhuận, có đem lại nhiều lợi ích hơn bất lợi). Điều này trả lời cho câu hỏi: “Tôi có muốn khởi nghiệp không?” (Ajzen, 1991).
(2) Chuẩn chủ quan: đo lường các áp lực của xã hội mà một cá nhân tự cảm
nhận được về việc tiến hành hoặc không tiến hành khởi nghiệp. Cụ thể, yếu tố chuẩn chủ quan là dự cảm của một cá nhân về việc những người xung quanh có ủng hộ quyết định khởi nghiệp của mình hay không. Điều này trả lời cho câu hỏi: “Những người khác có muốn tôi khởi nghiệp không?” (Ajzen, 1991).
(3) Nhận thức kiểm soát hành vi: là cảm nhận của cá nhân về sự khó khăn hay dễ dàng của việc khởi nghiệp. Điều này trả lời cho câu hỏi: “Tôi thấy tôi có đủ khả năng để khởi nghiệp và có đủ nguồn lực để khởi nghiệp không?” (Ajzen, 1991).
Hình 2.4. Mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (Nguồn: Ajzen, 1991)
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đã hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về khởi nghiệp, ý định khởi nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Nội dung của chương 2 chỉ ra các khái niệm khác nhau về khởi nghiệp dưới các góc độ tiếp cận và các mục đích nghiên cứu khác nhau, các hình thức khởi nghiệp, quá trình phát triển của khởi nghiệp và vai trò của khởi nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế. Tất cả các mô hình quá trình khởi nghiệp đều có chung một quan điểm: Khởi nghiệp là một quá trình dài đi từ ý thức đến hành động trong đó ý định khởi nghiệp là điểm xuất phát cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của quá trình khởi nghiệp.
Tiếp đến, chương 2 chỉ ra các khái niệm khác nhau về ý định khởi nghiệp, nhấn mạnh vai trò của ý định khởi nghiệp trong quá trình khởi nghiệp đồng thời tổng hợp một số mô hình nghiên cứu điển hình trên thế giới về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp bao gồm: Mô hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol (1982), Mô hình tiềm năng khởi nghiệp của Krueger và Brazeal (1994), Mô hình Lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991).